Những di cốt đầu tiên của con người được tìm thấy từ năm 1955 trong các hang ở Ninh Bình và Lạng Sơn là những chiếc răng và xương sọ được cho là của người tối cổ Archanthropien gần với người vượn Trung Quốc ở Lam Điền (khoảng 600.000 năm trước công nguyên). Người ta cũng tìm thấy ở Ninh Bình một số đá cuội được gia công, đó là những công cụ thô sơ để chặt của người tối cổ, được ghè đẽo một mặt và các dụng cụ để cắt chặt được ghè đẽo ở cả hai mặt, thuộc loại Abbeville (điểm khảo cổ ở Pháp) và Claton (điểm khảo cổ học ở Anh). Loại công cụ này có thể gắn với loại Anyathi của Miến Điện, với loại Soani của Ấn Độ. Continue reading
Archives
Lung leng: Mảnh đất của người tiền sử
Chuyện bắt đầu từ một ngày tháng 8/1999. Ông Nguyễn Ngọc Kim, chủ quán trong bãi khai thác vàng Lung Leng, khệ nệ đưa từ rừng sâu ra một thùng giấy để thương lượng bán cho Bảo tàng Kon Tum một số cổ vật mà ông mua được từ những người đào vàng.
Trong thùng, hơn 300 cổ vật gồm rìu đá có vai, bôn hình răng trâu, hạt chuỗi, đá được khoan lỗ, mảnh gốm trang trí…! Ngay hôm sau, gần như toàn bộ lực lượng cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng đã cắt rừng tìm vào bãi vàng nằm cách làng Lung Leng của dân tộc Gia Rai hơn 3 km đường chim bay. Đến nơi, mọi người như không tin vào mắt mình: giữa bãi vàng đào nham nhở, một tầng văn hóa cổ hiện ra nằm cách mặt đất gần 1 m. Trên vách các hố vàng, xuất hiện vô số mảnh gốm, có chỗ gốm ken dày đến 30 cm, rải rác gần đó còn có những chum, đế bát, mảnh rìu…
Sưu tập công cụ cuội văn hoá Sơn Vi
Văn hóa Sơn Vi là di chỉ văn hóa được lấy tên theo địa phận xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là nơi đã phát hiện đầu tiên các công cụ cuội ghè, đẽo. Tập trung chủ yếu tại các di chỉ: Sơn Vi, Vườn Sậu, Sóc Lọi, Làng Nghìa, Núi Thắm, Phân Đậu, Phân Muồi, Núi Nỏn,…
Cho đến nay các nhà khảo cổ học đã phát hiện 105 địa điểm của địa bàn tỉnh Phú Thọ, trên 230 địa điểm Sơn Vi trong cả nước. Nhiều nhất là ở tỉnh Phú Thọ 105 địa điểm, Yên Bái 39 địa điểm, Sơn La 22 địa điểm, Lai Châu 18 địa điểm, Bắc Giang 13, Lâm Đồng 2, Quảng Trị 1,… Qua các hiện vật thu được trên địa bàn cả nước cũng như trong tỉnh Phú Thọ các nhà nghiên cứu xác định rằng văn hóa Sơn Vi thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ lấp vào khoảng trống lịch sử từ sơ kỳ đá cũ lên sơ kỳ đá mới. “Văn hóa Sơn Vi có niên đại mở đầu vào khoảng 23.000 năm chấm dứt vào khoảng 11.000 năm cách ngày nay” (Hà VănTấn, Nguyễn Khắc Sử, Trình năng Chung, 1999);
Địa bàn phân bố Sơn Vi khá rộng, không chỉ ở phía Bắc mà còn ở Bắc Trung Bộ, phân bố không đồng đều trên hai loại hình cơ bản: Loại hình hang động – mái đá phân bố rải rác, đan xen ở vùng núi đá vôi Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, ở những hang cao và đầu nguồn các con suối. Và loại hình đồi gò – thềm sông: Các địa điểm Sơn Vi tập trung thành 4 vùng hay 4 nhóm lớn: Trung lưu sông Hồng; thượng lưu sông Đà; thượng lưu sông Lục Nam và thượng lưu sông Cả.
Từ trước đến nay các nhà khoa học đã chứng minh một trong những nguồn hợp hình thành văn hóa thời Hùng Vương là các văn hóa tiền Đông Sơn kế tiếp nhau ở lưu vực sông Hồng, với các văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Việc phát hiện văn hóa Sơn Vi cho chúng ta biết được tổ tiên xa xăm hơn trên đất tổ Vua Hùng dựng nước.
Từ khi phát hiện ra nền văn hóa này vào năm 1968, các nhà khoa học có rất nhiều điều phải bàn như: Niên đại văn hóa Sơn Vi, địa bàn cư trú, sự có mặt của văn hóa Sơn Vi trong hệ thống di chỉ thuộc khu vực Đông Nam Á, vấn đề mảnh tước trong văn hóa Sơn Vi, dấu tích di cốt động vật,… Ở đây thông qua bộ sưu tập này Bảo tàng Hùng Vương giới thiệu với người xem về loại hình công cụ, nguyên liệu, chất liệu, kỹ thuật chế tác, chức năng sử dụng các công cụ của cư dân Sơn Vi đó là một trong những cách thức trong việc xác định mối quan hệ về bước chuyển biến từ văn hóa Sơn Vi (hậu kỳ đá cũ) lên văn hóa Hòa Bình (Sơ kỳ đá mới).
Trong hơn một thế kỷ qua ngành khảo cổ học đã có những đóng góp không nhỏ trên địa bàn vùng đất tổ với những phát hiện khảo cổ: Văn hóa Sơn Vi (cách ngày nay 11 vạn năm), Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn (đến 2000 năm). Hiện nay trong kho hiện vật Bảo tàng tỉnh Phú Thọ đang lưu giữ rất nhiều bộ sưu tập quý giá là các văn hóa sơ sử kế tiếp nhau tương ứng với thời kỳ Hùng Vương ở lưu vực sông Hồng và có một bộ sưu tập hiện vật có ý nghĩa giá trị lịch sử hết sức to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc, đó chính là bộ sưu tập công cụ cuội của nền văn hóa Sơn Vi được trưng bày trong hai tủ với số lượng hơn 40 công cụ với đầy đủ các loại hình.
Các nhà khảo cổ khẳng định: “Đặc trưng nổi bật trong công cụ đá văn hóa Sơn Vi là việc sử dụng cuội sông, suối để chế tác công cụ. Đó là nguồn nguyên liệu tại chỗ được người xưa tuyển chọn có hình dáng khá ổn định đối với từng loại hình và từng nhóm di vật cụ thể.” (Hà Văn Tấn – Nguyễn Khắc Sử – Trình Năng Chung 1999, 129). Về chất liệu các loại đá trong sưu tập Sơn Vi thường được xác định dựa vào màu sắc để đoán nhận. Theo các công trình đã công bố đều thống nhất chất liệu được người Sơn Vi sử dụng là đá Quartzite đôi khi có cả đá cát kết, basalte, porphyrite, phtanite, bộ sưu tập Sơn Vi trong Bảo tàng tỉnh Phú Thọ được xác định là đá Quartzite.
Về loại hình và kỹ thuật chế tác: Công cụ đặc trưng của loại hình văn hóa Sơn Vi được chia làm hai nhóm: công cụ cuội nguyên bao gồm chày, bàn nghiền, hòn ghè và nhóm công cụ cuội ghè đẽo. Trong các sưu tập Sơn Vi nhóm công cụ cuội nguyên rất ít, nhóm công cụ cuội ghè đẽo có số lượng nhiều và loại hình phong phú, sưu tập công cụ cuội trong Bảo tàng chủ yếu là nhóm công cụ cuội ghè đẽo bao gồm:
Những công cụ rìa lưỡi ngang: Kích thước trung bình chiều dài từ 9cm đến 12cm, chiều rộng từ 7cm đến 9cm, lưỡi hẹp, thân dài ghè ít lớp, góc lưỡi nhỏ. Với loại hình công cụ này cho thấy đã được cư dân Sơn Vi sử dụng kỹ thuật ghè đẽo là chủ yếu, những loại công cụ này thường được ghè vài nhát, ghè một lớp theo hướng, có đốc cầm dài. Cũng vẫn loại hình công cụ rìa ngang nhưng thân cuội cực ngắn, ghè sát đến phần đầu hẹp viên cuội được gọi là núm cuội, khiến cho viên cuội có đốc cầm cực ngắn (10,5 x 6,5 cm).
Những công cụ rìa lưỡi dọc với lưỡi dài, thân ngắn, ghè ít hoặc nhiều lớp, góc lưỡi hẹp hoặc lớn, loại công cụ này được làm từ loại cuội bầu dục dẹt, mỏng. Kỹ thuật ghè tạo một lớp lưỡi ghè mỏng chạy dọc theo chiều dài của viên cuội. Kích thước chiều dài từ 11cm đến 13cm, chiều rộng từ 3cm đến 6cm.
Công cụ phần tư viên cuội được sử dụng kỹ thuật bổ cuội, chặt bẻ sau đó các loại công cụ này được sử dụng kỹ thuật ghè, đẽo tạo rìa tác dụng từ cuội bổ. Kỹ thuật chặt bẻ trong Sơn Vi tạo ra công cụ phần tư viên cuội (chiều dài từ 9cm đến 13cm, chiều rộng từ 5cm đến 8cm), còn trong văn hóa Hòa Bình tạo công cụ rìu ngắn. Sử dụng công cụ từ cuội bổ chính là tận dụng nguồn nguyên liệu trong điều kiện khan hiếm và giảm thiểu quy trình ghè đẽo tạo rìa tác dụng.
Bộ công cụ rìa lưỡi xiên tại Bảo tàng có kích thước (chiều dài từ 7cm đến 15cm, chiều rộng từ 4,7cm đến 12cm) làm từ cuội dẹt, ghè một mặt, thường cuội mỏng ghè ít lớp, cuội dày ghè nhiều lớp. Loại công cụ này còn được gọi là công cụ lưỡi lệch.
Ngoài ra trong bộ sưu tập này còn có các loại công cụ hai rìa, ba rìa, công cụ mũi nhọn, công cụ đa rìa, một số mảnh tước, vẫn sử dụng kỹ thuật ghè đẽo là chủ yếu. Trong loại hình công cụ đa rìa kỹ thuật ghè được sử dụng để ghè hết một mặt lớn của vỏ cuội tự nhiên, được ghè từ một lớp đến nhiều lớp khác nhau tạo thành rìa cạnh sắc.
Như vậy trong văn hóa Sơn Vi kỹ thuật ghè đẽo được sử dụng chủ yếu trên hòn cuội tự nhiên, kết hợp với bổ cuội để tạo phần tư viên cuội làm công cụ trong điều kiện tận dụng nguyên liệu tại chỗ và kỹ thuật chặt bẻ là một thủ pháp đặc thù trong kỹ thuật Sơn Vi. Chặt bẻ là khâu thứ hai tiếp theo sau khi đã tạo ra được công cụ có rìa lưỡi. Chặt đôi công cụ rìa dọc để tạo ra được công cụ phần tư cuội, chặt đốc công cụ rìa lưỡi hẹp để tạo ra những chopper đốc ngắn và phẳng. Cũng vẫn sử dụng các kỹ thuật ấy đến văn hóa hòa Bình đã có một bước phát triển hơn tạo thành rìu đá kết hợp với kỹ thuật mài.
Về công dụng: Các loại công cụ trên được cư dân Sơn Vi sử dụng hàng ngày như những loại dụng cụ chặt, cắt, đập, giã, nghiền trên các vật dụng sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày như rau, cỏ, thịt thú rừng,… Từ những chứng tích về văn hóa Sơn Vi ta có thể hình dung đôi nét về cuộc sống của cư dân lúc đó: họ sống trên những hang cao, đầu nguồn các con suối và đồi gò thấp, ven sông, dựa vào kinh tế săn bắt hái lượm, chưa có kinh tế sản xuất nông nghiệp, chưa biết làm đồ gốm. Tại Phú Thọ văn hóa Sơn Vi tập trung chủ yếu tại vùng ngã ba sông, đồi gò của huyện Lâm Thao, ngoài ra còn có ở vùng đồi gò dọc bờ sông Thao và sông Lô thuộc các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Phù Ninh, Tam Nông,…
Thông qua bộ sưu tập này chúng tôi muốn giới thiệu đến đông đảo bạn đọc về một nền văn hóa xa xôi mà Phú Thọ vinh dự, tự hào mang tên nền văn hóa đó, văn hóa Sơn Vi – Phú Thọ là một trong những trung tâm thời đại đá cũ của Việt Nam, lấp vào khoảng trống lịch sử từ sơ kỳ đá cũ lên sơ kỳ đá mới, giúp các nhà khoa học khẳng định một cách chắc chắn về nguồn gốc của con người thời kỳ tiền Hùng Vương và Hùng Vương trên vùng đất cổ của Tổ quốc.
Nguồn: http://baotanghungvuong.vn/index.php/hien-vat-dac-sac/396-suu-t-p-cong-c-cu-i-van-hoa-son-vi