Archives

Văn hóa Đông Sơn và lịch sử nghiên cứu

 

Văn hoá Đông Sơn là nền văn hóa vật chất của cư dân Việt cổ, tồn tại vào khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I – II sau Công nguyên dưới thời đại Hùng Vương. Văn hóa Đông Sơn ra đời, phát triển rực rỡ dựa trên nền tảng của cả một quá trình hội tụ lâu dài những tinh hoa của các giai đoạn tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun). Văn hóa Đông Sơn phân bố rộng từ biên giới phía Bắc cho tới Đèo Ngang (Quảng Bình), chủ yếu ở lưu vực ba con sông lớn là sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Hiện vật văn hóa Đông Sơn rất đa dạng, phong phú bao gồm công cụ lao động sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, nhạc khí, vũ khí, đồ trang sức, đồ tùy táng.

Văn hóa Đông Sơn chính thức được phát hiện và nghiên cứu từ năm 1924, nhưng phải đến năm 1934 một học giả người Áo là Heine – Geldern mới đề nghị gọi tên nền văn hóa đồ đồng này là văn hóa Đông Sơn, từ đó thuật ngữ này được sử dụng một cách phổ biến và chính thống cho đến ngày nay. Năm 1924, một người câu cá tên Nguyễn Văn Lắm đã ngẫu nhiên tìm được một số đồ đồng ở ven sông Mã, thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa. Người này sau đó đã đem số đồ đồng này bán cho L.Pajot (một viên chức thuế quan tỉnh Thanh Hóa). Phát hiện này được báo cáo cho Trường Viễn Đông Bác Cổ, L.Pajot được ủy nhiệm tiến hành khai quật khảo cổ di chỉ Đông Sơn.

Từ năm 1924 đến năm 1932, L.Pajot đã tiến hành nhiều cuộc khai quật và thu được khoảng 489 hiện vật đủ các chất liệu: đồng, đá, gốm, sắt phát hiện được di chỉ mộ táng và cột gỗ dựng nhà sàn. Kết quả của những cuộc khai quật này được giới thiệu trong tác phẩm “Thời đại đồng thau ở Bắc kì và Bắc Trung Kì” tác giả là Goloubew. Từ năm 1935 đến năm 1939, Olov Janse nhà khảo cổ học người Thụy Điển đã 3 lần thực hiện khai quật di chỉ Đông Sơn và nhiều địa điểm khác, kết quả của những lần khai quật này được báo cáo trong “Nghiên cứu khảo cổ học ở Đông Dương”, trong thời gian này còn có rất nhiều nghiên cứu của các học giả nước ngoài về văn hóa Đông Sơn: “Nguồn gốc và sự phân bố của trống đồng kim loại”, “Cư dân Đông Sơn”, “Nhà Đông Sơn”, “Tuổi của trống đồng cổ”, “Nguồn gốc văn minh Việt Nam” v.v.

Trong những năm 40 cùng với quá trình xâm lược và đô hộ nước ta phát xít Nhật cũng đã có nhiều nghiên cứu về văn hóa đồ đồng ở Việt Nam, nhưng họ nghiên cứu chủ yếu thông qua tư liệu và hiện vật thật chứ không tổ chức khai quật khảo cổ như người Pháp.

Sau thành công của cách mạng tháng 8 – 1945, nền khảo cổ học nước nhà bắt đầu được quan tâm nhiều hơn, gắn với tên tuổi của nhiều nhà khoa học như: Đào Duy Anh, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn và nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn đã ra đời: “Văn hóa Đông Sơn hay văn hóa Lạc Việt”, “Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt”. Nhưng phải đến cuối những năm 50 với việc ra đời của đội khảo cổ thuộc Vụ Bảo tồn Bảo tàng và thành lập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trên cơ sở bảo tàng L.Finot, thì công cuộc nghiên cứu tìm hiểu văn hóa Đông Sơn mới được triển khai mạnh mẽ.

Trong những năm 1960 các nhà khảo cổ việt Nam tiến hành khai quật ở di chỉ Thiệu Dương (Thanh Hóa), đã phát hiện nhiều mộ táng huyệt đất và đồ tùy táng bằng gốm, đồng, đá, đặc biệt còn phát hiện ra nhiều di chỉ mới như: Đào Thịnh, Yên Hưng, Việt Khê, Nam Chính, Châu Can, Phú Hậu, Thanh Đình, Núi Nấp, Gò Công trên địa bàn phân bố dọc từ Bắc Trung Bộ đến dải đất miền Trung. Kết quả của những đợt khảo cổ này được tập hợp trong các công trình: “Báo cáo cụ thể về những mũi tên đồng tìm thấy ở Cổ Loa”, “Những ngôi mộ cổ tìm thấy ở Việt Khê – Hải Phòng”, “Khu mộ cổ Châu Can”, “Những vết tích đầu tiên của thời đại đồng thau Việt Nam”, “ Thời đại Hùng Vương”.