Archives

Tiền nhà Đinh: Thái Bình hưng bảo hay Đại Hưng bình bảo?

Trong hầu hết các sách xuất bản về tiền cổ Việt Nam ở trong và ngoài nước đều có nhắc tới tiền “Thái Bình hưng bảo”. Đó là tiền được đúc vào thời Đinh Tiên Hoàng. Có hai loại tiền “Thái Bình hưng bảo” – “Thái Bình hưng bảo” lưng trơn, chữ “Thái Bình hưng bảo” đọc chéo, thư pháp giữa hai thể chữ “Khải” và “Lệ”. 
Trong hầu hết các sách xuất bản về tiền cổ Việt Nam ở trong và ngoài nước đều có nhắc tới tiền “Thái Bình hưng bảo”.

Thái Bình hưng bảo (970-980)

 Đó là tiền được đúc vào thời Đinh Tiên Hoàng. Có hai loại tiền “Thái Bình hưng bảo”

– “Thái Bình hưng bảo” lưng trơn, chữ “Thái Bình hưng bảo” đọc chéo, thư pháp giữa hai thể chữ “Khải” và “Lệ”.

– “Thái Bình hưng bảo” mặt lưng có chữ “Đinh”. Có 4 loại chữ “Đinh” khác nhau về vị trí cũng như tự dạng.

Như vậy, tiền thời Đinh là có thật, cho dù loại hình khá đơn điệu và số lượng cũng không nhiều.

Bài viết này tôi muốn thảo luận về chữ “Thái”. Tôi đã được nhìn và sờ hàng trăm đồng “Thái Bình hưng bảo” nhưng không có một tự dạng nào khẳng định đây là chữ “Thái” mà đó chính là chữ “Đại”. Có lẽ các nhà nghiên cứu lịch sử, theo đó là các nhà nghiên cứu cổ tiền học đã căn cứ vào ghi chép của sự biên niên để định nhận cho đồng tiền này là “Thái Bình”: Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn “12 sứ quân”, thành lập nước Đại Cồ Việt, xưng là “Đại Thắng Minh hoàng đế”, 4 năm sau đó, tháng 1 năm Canh Ngọ (970) đặt niên hiệu là Thái Bình. Có một điều trùng hợp là ngay cả những ghi chép sớm nhất về tiền cổ nhà Đinh, Hồng Tuân thời Nam Tống (Trung Quốc) trong quyển “Tiền chí” cũng khẳng định có loại tiền “Thái Bình hưng bảo” với những miêu tả khá chi tiết. Vậy đây là tiền gì?


Theo quan niệm của tôi, có những cơ sở sau đây để đưa ra khả năng không có loại tiền “Thái Bình hưng bảo” mà chỉ có “Đại Bình hưng bảo”, đó là:

– Tự dạng không cho phép đọc chữ “Đại” thành chữ “Thái”. Có nhiều người giải thích rằng, tiền được đúc nên nét trên khuôn, sau khi đúc ra tiền, đã bị khuyết nét. Vậy thì, trong hàng trăm đồng tôi được xem, phải có chữ “Thái” không khuyết và mất nét? Thực tế, tiền Việt Nam cũng có loại tiền “Thái An thông bảo”, “Thái Hòa bảo phong” mà chữ “Thái” còn rõ ràng dấu chấm. Như vậy, kỹ thuật đúc không thể giải thích hiện tượng này. Cũng có giải thích ý kiến vì “Thái” là chữ húy nên phải kiêng kỵ, theo tôi cũng không đủ sức thuyết phục vì không luật lệ ở đâu chặt chẽ như Trung Quốc mà đời Tống Thái Tông, nhà Bắc Tống (976 – 983) đặt niên hiệu “Thái Bình hưng quốc” đồng thời cũng có tiền “Thái Bình hưng bảo”(1).

Thái Bình hưng bảo (970- 980)

 – Trong lịch sử tiền cổ Việt Nam, chữ “Đại” khá nhiều, đó là “Đại Định thông bảo” (triều Lý); “Đại Trị thông bảo”, “Đại Trị nguyên bảo” và “Đại Định thông bảo” (triều Trần); “Đại Bảo thông bảo”, “Đại Hòa thông bảo”(2) (triều Lê sơ); “Đại Chính thông bảo” (triều Mạc); “Cảnh Hưng đại bảo” (triều Lê Cảnh Hưng)… Tất cả những chữ “Đại” trong các loại tiền trên đều rất rõ ràng cho dù có nhiều kiểu khác nhau. Vậy thì sao lại không có “Đại Bình hưng bảo”.

– “Đại” trong triều Đinh không chỉ có trên tiền. Những viên gạch khai quật được ở Hoa Lư (Ninh Bình) hay lớp văn hóa thế kỷ thứ 10 ở Thăng Long (Hà Nội) có in nổi 6 chứ “Đại Việt Quốc Quân Thành Chuyên” là một gợi ý đáng quan tâm về mối liên hệ của hai chữ “Đại”.

– Trong sưu tập của Nguyễn Đình Sử, tôi còn được nhìn thấy một đồng tiền rất lạ, chưa từng thấy xưa nay, đó là đồng tiền “Đại Việt thông bảo”.

Thái Bình hưng bảo (970-980)

Đồng tiền này có rất nhiều nét tương đồng với đồng tiền “Đại Bình hưng bảo”, khiến tôi cho đây là một loại tiền của Đinh Tiên Hoàng. “Đại Việt thông bảo” sẽ xin được trình bày trong một chuyên khảo với những so sánh về trọng lượng, kích thước, thành phần hợp kim, lỗ và biên tiền cùng thư pháp, mà bài viết này chưa đủ điều kiện đề cập.  


Nói về chữ “Đại” trong tiền “Thái Bình hưng bảo”, không phải đến bây giờ tôi mới đề cập. J. Bernard cũng đã đọc tiền này là “Đại Bình hưng bảo” từ năm 1963(3), nhưng dường như không mấy ai quan tâm tới ý kiến này trong nghiên cứu tiền cổ. Xin chia sẻ với ông và tôi cũng muốn các nhà nghiên cứu gọi đúng mặt chữ được ghi trên tiền – điều mà chúng ta không thể làm khác được.

                                                                                        Phạm Quốc Quân

———-

(1) Đỗ Văn Ninh: Tiền cổ Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1992, tr.36.

(2) “Đại Hòa” chứ không phải là “Thái Hòa”.

(3) J. Bernard: Sưu tập tiền cổ An Nam 968-1955 (chữ Anh). 1963, tr.1.
Nguồn: http://www.baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Kien-thuc-lich-su—van-hoa/2008/09/3A9212C4/

Tg: Ai cũng công nhận là thời Đinh có tiền cổ, tuy nhiên chưa ai chứng minh được một cách khoa học niên hiệu của đồng tiền là Thái Bình hưng bảo hay Đại Bình hưng bảo hay Đại Hưng bình bảo mà chỉ ở mức “tôi cho là”, “một cách nhìn nhận khác”, “tại sao lại không thể”, “hợp lý hơn”, “có thể là”, “chưa chắc là”,  v.v. Thật sự rất thiếu sức thuyết phục!

Cố đô Hoa Lư

Hoa Lư được chọn là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế năm 968…. Ngày nay dấu tích của Cố Đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam. Tuy chỉ được chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt trong thời gian ngắn ngủi ( 42 năm ) nhưng tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện có liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc như: gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội.

Du lịch Cố Đô Hoa Lư Ninh Bình
Du lịch Cố Đô Hoa Lư Ninh Bình

Theo sử sách thì cố đô Hoa Lư và đôi câu đối đền Vua Đinh thì ta thấy rằng: Hoa Lư xưa là 1 cung điện nguy nga, tráng lệ không kém gì Thành Trường An “ Cồ Việt Quốc Đương Tống Khai Bảo – Hoa Lư Đô Thị Hán Trường An ”…. Nếu nhìn về mặt địa lý ta sẽ hiểu vì sao khi lên Ngôi Vua Đinh Tiên Hoàng lại lựa chọn Hoa Lư làm kinh đô bởi: Những núi đồi trùng điệp bao bọc xung quanh vòng đai kinh đô như tấm bình phong; sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là hào sâu thiên nhiên rất thuận lợi về mặt quân sự.

Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300 ha, gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ, khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8 – 10 mét. Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận thôn Yên Thành, xã Trường Yên. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền Ðinh, đền Lê là trung tâm và cũng chính là nơi vua Ðinh Tiên Hoàng cắm cờ dựng nước. Trước cung điện có núi Mã Yên tương truyền vua Ðinh đã lấy nơi này làm án.

Kinh thành Hoa Lư xua gồm 2 vòng thành nằm cạnh nhau và một vùng núi kề sát. 3 vòng tạo thành hình giống số 80 hướng về phía đông. Theo cách bố trí thời Đinh Lê các nhà nghiên cứu chia làm 3 vòng thành là thành Đông, thành Tây và thành Nam. Tuy nhiên do thành Nam chỉ là vùng căn cứ quân sự hiểm trở, phòng thủ mặt sau mà nó thường được dân gian gọi riêng là thành Tràng An, 2 vòng thành kia là nơi đặt cung điện nên còn được gọi là thành Hoa Lư…. Đến năm 1010 Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long thì Hoa Lư chỉ còn là Cố Đô được coi là một căn cứ địa quân sự hết sức quan trọng của quân và dân Đại Việt dưới các triều đại: Lý – Trần – Lê – Mạc – Tây Sơn…..

Cổng vào cố đô Hoa Lư Ninh Bình
Cổng vào cố đô Hoa Lư Ninh Bình

Ngày nay hình ảnh của Cô Đô Hoa Lư tuy không còn nguyên vẹn mà thay vào đó là đền thờ: Vua Đinh – Vua Lê được dựng ngay trên nền của Cố Đô Hoa Lư xưa. Hai ngôi đền cách nhau khoảng 500m, do khoảng cách gần nhau nên du khách thường gọi “ Cố Đô Hoa Lư ” là “ Đền Vua Đinh – Vua Lê ”.

Ðền vua Ðinh được xây theo kiểu “Nội công ngoại quốc” trên nền cung điện chính thuở xưa, uy nghi với ngọ môn quan, hồ sen, núi Giả, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba toà bái đường, Thiêu hương và hậu cung. Tại bái đường có “Long Sàng” làm bằng đá nguyên khối với đôi nghê đá rất sống động. Tiếp đó là nhà thiêu hương thờ các vị khai quốc công thần. Trong cùng là hậu cung đặt tượng vua Ðinh Tiên Hoàng cùng các con trai ông. Các hình chạm khắc trên đá, trên gỗ với các đề tài rồng, mây, tiên nữ, hoa lá… trang trí tại đền đều khá tinh xảo.

Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê Hoa Lư Ninh Bình
Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê ở Hoa Lư Ninh Bình

Ðền vua Lê nằm cách đền vua Ðinh chừng 500 mét thờ vua Lê Ðại Hành. Ðền vua Lê có quy mô nhỏ hơn nhưng có có ba toà: Bái đường, Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng, người đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi; Chính cung – thờ vua Lê Ðại Hành (tức Lê Hoàn) ở giữa, bên phải là Lê Ngoạ Triều (con trai vua Lê), bên trái là Hoàng hậu Dương Vân Nga. Ðền vua Lê còn giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện. Tại đây người ta đã tìm thấy di tích nền cung điện cũ cùng một số gốm sứ cổ. Những hiện vật quý này được lưu giữ tại phòng bảo tàng phía trái khu đền. Khu di tích Hoa Lư còn có một số ngôi chùa khá đẹp như: chùa Ngân Xuyên (gần chân núi Mã Yên), chùa Nhất Trụ (cách đền vua Lê khoảng 200 mét) thu hút được nhiều du khách đến dâng hương, vãn cảnh.

Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê Hoa Lư Ninh Bình
Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê ở Hoa Lư Ninh Bình

Với khoảng cách 100km tính từ Hà Nội và sự thuận tiện của hệ thống giao thông thì bạn chỉ mất khoảng hơn hai tiếng đồng hồ đi Ôtô… Đến đây và được nghe những câu chuyện về các vị vua được kể một cách giản dị, thành kính và đầy tự hào của các thuyết minh viên tại đểm chắc chắn sẽ khiến chi bạn có cảm giác tự hào về lịch sử nước nhà.

Nguồn: http://tourdulich.org.vn/diem-den-trong-nuoc/ninh-binh/co-do-hoa-lu/

Nhà Đinh (968-980)

Nhà Ðinh trị vì đất nước ta trong khoảng 13 năm (968-980), trải qua 2 đời vua, bao gồm: – Đinh Tiên Hoàng; – Đinh Phế Đế. 

 ♦ Ðinh Tiên Hoàng (968-979): 

Niên Hiệu: Thái Bình (970-979).
 

Ðinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư, Châu Ðại Hoàng (Hoa Lư, Ninh Bình), con Ðinh Công Trứ, một nha tướng của Dương Ðình Nghệ giữ chức Thứ sử Châu Hoan. Ðinh Công Trứ mất sớm, Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở thường đi chơi với trẻ chăn trâu, bắt chúng khoanh tay làm kiệu để ngồi cho chúng rước và lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau.

Lớn lên nhờ thông minh, có khí phách, lại có tài thao lược nên khi Bộ Lĩnh dựng cờ giấy nghĩa mong lập nghiệp lớn, dân làng theo ông rất đông, nhưng vì bất hoà với chú, Bộ Lĩnh cùng với con là Ðinh Liễn sang ở với sứ quân Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu (Vũ Thư, Thái Bình). Thấy Bộ Lĩnh là người khôi ngô có chí khí, Minh Công trao cho Bộ Lĩnh giữ binh quyền. Khi Trần Minh Công qua đời Bộ Lĩnh đem quân về giữ Hoa Lư chiêu mộ hào kiệt hùng cứ một phương.

Năm Tân Hợi (951) đời hậu Ngô Vương, Nam Tấn Vương, cùng Thiên Sách Vương đem quân đến đánh nhưng cả hai đều đại bại phải rút quân về. Ðến khi nhà Ngô mất, Ðinh Bộ Lĩnh dụ hàng được các sứ quân Ngô Xương Xí, phá được Ðỗ Ðộng của Nguyễn Cảnh Thạc. Từ đó, Ðinh Bộ Lĩnh đánh đâu được đấy, được tôn là Vạn Thắng vương, chỉ trong một năm, Ðinh Bộ Lĩnh đã bình được các sứ quân, lập thành nghiệp đế.

Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Tiên Hoàng Ðế đặt quốc hiệu là đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ðinh Tiên Hoàng xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ, phong cho Nguyễn Bặc là Ðinh Quốc Công, Lê Hoàn là Thập Ðạo Tướng Quân (tổng chỉ huy quân đội) và phong cho con là Ðinh Liễn là Nam Việt Vương.

Về ngoại giao để tránh cuộc đụng độ với nhà Tống năm Nhâm Thân (972), Ðinh Tiên Hoàng sai con là Ðinh Liễn mang đồ vật sang cống. Vua nhà Tống sai sứ sang phong cho Tiên Hoàng là Giao Chỉ quận vương và phong cho Nam Việt Vương Ðinh Liễn là Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ.

Từ đó nước ta giữ lệ sang triều cống phương Bắc. Ðinh Tiên Hoàng đã dẹp xong loạn sứ quân nhưng nhìn chung nhiều nơi vẫn chưa tuân theo luật lệ của triều đình. Bởi vậy để răn đe kẻ phản loạn, Ðinh Tiên Hoàng đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ báo ở trong vườn, tuyên cáo rằng ai phạm tội thì bỏ vạc dầu hoặc cho hổ báo ăn thịt. Dù chưa phải dùng hình phạt ấy nhưng mọi người sợ oai, phép nước được tuân thủ.

Nhưng rồi Ðinh Tiên Hoàng phạm sai lầm bỏ trưởng lập ấu, cho con út là Hạng Lang làm Thái tử. Con trưởng là Nam Việt Vương Ðinh Liễn đã theo Tiên Hoàng đi trận mạc từ thủa hàn vi, không được kế vị, tức giận, sai người giết Hạng Lang đi. Họa loạn gây nên ngay trong hoàng tộc.

Năm Kỷ Mão (979) Ðinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Ðinh Liễn bị tên Ðỗ Thích giết chết. Sử chép rằng tên Đỗ Thích trước khi làm hại, đêm nằm mơ thấy sao rơi vào mồm, tưởng là điềm báo được làm vua bèn định bụng sát hại minh chủ. Một hôm Ðỗ Thích thấy vua Ðinh say rượu nằm trong cung bèn lẻn vào sát hại rồi tìm giết nốt con cả là Ðinh Liễn. Triều thần tìm bắt được Ðỗ Thích đem xử tội và tôn Vệ Vương Ðinh Toàn lên làm vua.

Ðinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi.

 ♦ Đinh Phế Đế (979-980): 

Ðinh Tiên Hoàng có 3 người con trai: Ðinh Liễn, Ðinh Toàn (có sách gọi là Ðinh Tuệ) và Ðinh Hạng Lang. Ðinh Liễn và Ðinh Hạng Lang đã chết mặc nhiên Ðinh Toàn kế nghiệp ngôi vua. Các đại thần Ðinh Ðiền, Nguyễn Bặc thấy vua còn nhỏ quyền bính nằm cả trong tay thập đạo tướng quân Lê Hoàn, lại nghi là Lê Hoàn tư thông với Dương Thái Hậu (Dương Vân Nga) nên cử binh mã đến đánh. Nhưng bị Lê Hoàn giết sạch. Giữa lúc ấy nhà Tống nghe tin Tiên Hoàng mất, các đại thần nước Việt phân liệt tranh chấp gay gắt, có nguy cơ nội chiến, muốn thừa thế sang lấy nước Việt mới hội đại binh ở gần biên giới. Lê Hoàn sai Phạm Cự Lượng làm đại tướng đem binh đi chống giữ. Trước lúc tiến quân Phạm Cự Lượng họp cả quân sĩ lại ở trong điện nói rằng: “Bây giờ quân địch sắp vào cõi mà vua thì còn bé, lấy ai mà thưởng phạt cho chúng ta. Dẫu chúng ta có hết sức lập được chút công nào thì rồi ai biết cho? chẳng bằng nay ta tôn Thập đạo tướng quân lên làm vua rồi ra đánh cũng chưa muộn. Quân sĩ nghe nói đều hô vạn tuế. Dương Vân Nga thay con cầm quyền trị nước cũng thấy rõ chỉ có Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là người có khả năng gỡ rối được tình hình nghiêm trọng cần kíp lúc này. Huống chi ý chí quân đội cũng muốn tôn người chỉ huy của họ lên ngôi tối thượng thay cho vị vua mới 6 tuổi là con Dương Vân Nga. Bởi vậy, Dương Vân Nga đã lấy trước long bào, bà choàng lên vai Lê Hoàn trong tiếng hò reo dậy trời của quân sĩ. Sự tỏ ý nhường ngôi của Dương Vân Nga trong hoàn cảnh ấy, đã biểu hiện thái độ chính trị sáng suốt của một người, thức thời có tầm nhìn xa, trông rộng xứng đáng được coi là anh hùng”.

Ðinh Toàn chỉ làm vua được 8 tháng, sử gọi là Phế Ðế rồi tồn tại với tước vương (Vệ Vương) có mặt trong triều đình Tiền Lê 20 năm. Năm Tân Sửu (1001) trong dịp cùng vua Lê Ðại Hành (Lê Hoàn) đi dẹp loạn Cử Long thuộc vùng Cầm Thuỷ, Thanh Hoá, Ðinh Toàn bị trúng tên hy sinh trên chiến tuyến vào tuổi 27.

Như vậy, triều đình Đinh làm vua được 2 đời, cả thảy 14 năm. Lê Hoàn lên làm vua, Dương Vân Nga trở thành Hoàng Hậu.

Nguồn: http://www.vietnamtourism.com/index.php/about/items/1950

Về nền kinh tế thời Đinh – Tiền Lê

1. Nông nghiệp

Nhà Đinh đã thực hiện chính sách phong ấp hay phong hộ nông dân cho các tướng lĩnh có công và phong ấp cho các hoàng tử cũng như giao cho họ cai quản địa phương có ấp của mình. Ruộng đất nói chung vẫn thuộc quyền sở hữu của làng xã. Nhà nước quan tâm và khuyến khích nông nghiệp phát triển.

2. Thủ công nghiệp

Tiếp nối quá trình phát triển của thủ công nghiệp thời Bắc thuộc, các ngành nghề thủ công thời Đinh – Tiền Lê cũng ngày càng mở rộng hoạt động. Theo phương thức thời Đường, nhà nước Đinh – Tiền Lê xây dựng một số quan xưởng chuyên sản xuất thủ công cần thiết cho mình. Hình thành những xưởng đúc tiền, rèn vũ khí, may mũ áo, xây dựng cung điện, nhà cửa, chùa chiền.

Trong nhân dân, các nghề thủ công cổ truyền như kéo tơ, dệt lụa, làm đồ gốm, rèn sắt, đúc đồng, làm giấy đều phát triển. Nghề đóng thuyền, làm đồ vàng, bạc xuất hiện ở nhiều nơi, trình độ kỹ thuật ngày càng được nâng cao.

3. Ngoại thương

Trao đổi buôn bán giữa các miền khá thường xuyên, chợ búa mọc lên ở nhiều nơi. Hoa Lư, Long Biên, Đại La, Luy Lâu trở thành những trung tâm buôn bán thời kỳ này. Để góp phần vào phát triển thương nghiệp và cũng là để khẳng định ý thức làm chủ đất nước của mình, từ đầu thời Đinh nhà nước đã cho đúc tiền “Thái Bình”. Đến năm 984, vua Lê lại cho đúc tiền “Thiên Phúc”. Thời kỳ này nước ta có sự giao thương với nhà Tống – Trung Quốc.

Nhìn chung, sự phát triển kinh tế dưới thời Đinh – Tiền Lê khá đều đặn và đa dạng. Nó đã tạo điều kiện nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố nhà nước trung ương tập quyền vừa nâng cao sức chiến đấu của nhà nước thời Đinh – Tiền Lê.