Archives

Thạp đồng – loại hình bản sắc của văn hóa Đông Sơn

Văn hóa Đông Sơn, được các nhà Tiền sử học đặt trong thời đại đồng và sắt sớm, có niên đại cách ngày nay khoảng 2500 – 2000 năm. Đây là nhân lõi vật chất của Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, của nền văn minh sông Hồng, sông Mã, sông Cả, của những bộ sưu tập hiện vật ấn tượng và vô cùng phong phú, phản ánh muôn mặt đời sống cộng đồng cư dân Việt cổ.

Có thể khẳng định rằng, Đông Sơn là đỉnh cao chói sáng nhất của khu vực Đông Nam Á thời sơ sử, với những tần số phát sóng cực mạnh, đã tạo nên một sự ảnh hưởng văn hóa vô cùng rộng lớn, khiến nảy sinh ra một khái niệm “Đông Sơn ngoài Đông Sơn” của cố Giáo sư, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Phạm Huy Thông trước đây, hay “Đông Sơn ngoại biên” của một số nhà nghiên cứu hiện nay. Nói như thế để nhấn mạnh tính đặc thù của bộ sưu tập hiện vật đồng Đông Sơn vùng tam giác châu Bắc Bộ, mở rộng thêm tới xứ Thanh – Nghệ – Tĩnh hiện nay, khiến khó có thể trộn lẫn với Đông Sơn vùng Nam Trung Quốc, Đông Sơn Đông Nam Á lục địa và ngoài hải đảo. Một trong những hiện vật đặc thù ấy là những chiếc thạp đồng lớn nhỏ, được phát hiện trong gần một thế kỷ qua ở Việt Nam, suốt từ miền núi Lào Cai – Yên Bái đến Thanh Hóa – Nghệ An, bao gồm 16 địa phương, với mức độ mật tập khác nhau, qua một phép cộng khiêm nhường là 280 chiếc. Đây là con số chưa nói được hết, khi chúng còn nằm trong các nhà sưu tập tư nhân, dưới lòng đất và những thạp nhỏ “minh khí” chôn theo người chết chưa nằm trong con số thống kê này.

Khác trống đồng, cũng là loại di vật đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, có nhiều kiểu dáng khác nhau, mà giới nghiên cứu giờ đây đồng thuận với khái niệm loại I Heger là trống Đông Sơn, thì thạp đồng có kiểu dáng đơn giản hơn nhiều, với hai loại hình cơ bản sau đây:

Thạp có dáng hình quả nhót, thường có nắp đậy. Thân thạp hình trụ, miệng hơi khum, nửa trên hơi bóp, giữa phình và nửa dưới, sát chân thót lại. Tiêu biểu cho loại hình này là thạp Đào Thịnh I và Hợp Minh, cả hai đều phát hiện ở Yên Bái và đều đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Bảo vật quốc gia thạp đồng Đào Thịnh được phát hiện ở Yên Bái. Ảnh: internet

Hoa văn và đề tài trang trí trên hai chiếc thạp này đã có nhiều văn liệu khảo cổ học nhắc đến, nhưng hình ảnh cặp đôi giao hợp trên nắp thạp Đào Thịnh dường như là một hiện tượng duy nhất, được biết cho đến nay, nhưng tinh thần và bản chất quen thuộc của văn hóa Đông Sơn vẫn toát lên, đó là ý nghĩa phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước Việt cổ. Bốn tượng chim bồ nông trên nắp thạp Hợp Minh, dẫu cũng là phiên bản thứ hai về tính độc bản, nhưng lại cho một hình ảnh thân quen hơn với văn hóa Đông Sơn, qua trực quan từ các loại thủy cầm trên trống đồng Ngọc Lũ (Hà Nam), Cẩm Giang (Thanh Hóa)… Những hoa văn hình học, thuyền người trên thạp Đào Thịnh I và Hợp Minh thì quá quen thuộc trên những đồ đồng Đông Sơn, đặc biệt là trên trống đồng, khiến cho bất cứ ai cũng phải thừa nhận, loại thạp quả nhót có nắp là sản phẩm của văn hóa Đông Sơn. Tôi thì cho rằng, chúng là loại hình đặc trưng của bộ Tân Hưng thuở Vua Hùng, Vua Thục, là cốt cách riêng biệt của vùng thượng lưu sông Thao mà địa phận tập trung là tỉnh Yên Bái ngày nay.

Thạp đồng Hợp Minh. Ảnh: internet

Thạp có dáng như một chiếc xô đựng nước hiện đại mà giới yêu thích đồ đồng cổ gọi bằng cái tên dân dã “xô đồng”. Đây là loại thạp không có nắp, có dáng hình trụ, miệng thẳng, phía trên nở và thót dần xuống đáy. Loại thạp này có số lượng nhiều, tập trung ở đồng bằng và thung lũng các dòng sông lớn, như sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Hoa văn trang trí trên thạp chủ yếu là văn hình học: vạch thẳng song song, đường tròn có chấm giữa, ô trám lồng… mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Dẫu hoa văn hình học được coi là nổi trội trên loại hình thạp này nhưng không phải là tất cả. Thạp Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa là một khác biệt, với những họa tiết trang trí hình thuyền, trên đó là những cảnh tượng sinh động về cuộc sống của những chiến binh đánh thủy, được diễn tả khá chi tiết, chẳng khác bao nhiêu so với thạp đồng Đào Thịnh I, Hợp Minh và trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ. Xuân Lập không phải là cá biệt, nhiều thạp đồng loại này, kích thước trung bình từ 20 -25 cm đường kính miệng, với chiều cao tương tự, cũng trình diễn những tổ hợp hoa văn thuyền người hoặc người hóa trang lông chim, người cách điệu hình cờ bay trên băng chủ đạo giữa thân thạp, phản ánh ngôn ngữ chung của nghệ thuật Đông Sơn.

Thạp đồng không nắp với bộ quai hình chữ U. Ảnh: internet

Thạp đồng là sản phẩm của văn hóa Đông Sơn còn nằm ở bối cảnh phát hiện ra chúng. Không nhiều trong số 280 chiếc thạp này được tìm thấy trôi nổi, ngoài khai quật khảo cổ học. Phần lớn chúng có trong các địa tầng khảo cổ học, đó là những di chỉ cư trú hoặc mộ táng (mộ đất, mộ thân cây khoét rỗng).

Phát hiện khảo cổ học cho hay, hai chiếc thạp đồng đẹp nhất là Đào Thịnh I và Hợp Minh là hai chiếc quan tài. Đào Thịnh I là quan tài của người được hỏa thiêu với tàn tích chứa bên trong là than tro và xương cháy dở. Hợp Minh lại là quan tài của tục hung táng, với một bộ hài cốt và nhiều đồ tùy táng chứa bên trong. Với những chiếc thạp đẹp như vậy, chắc chắn chủ nhân của chúng phải là những người ở đẳng cấp cao trong một xã hội Đông Sơn đã có sự phân hóa giàu nghèo, thân phận hèn sang khá đậm nét. Tuy nhiên, thoạt kỳ thủy, theo tôi, cả hai chiếc thạp nêu trên, cùng nhiều chiếc thạp khác nữa, không phải là đúc ra để làm quan tài. Chúng là những đồ đựng có hai tai hình bán khuyên hoặc chữ U dùng để treo, khi sàn nhà là vô cùng bất tiện. Treo còn là hình thức để tôn thờ, mang ý nghĩa tâm linh của vật dụng, theo đó, là rượu thờ, rượu dùng cho lễ hội cầu mùa được sở hữu từ những già làng, tiên chỉ. Rất có thể, chúng còn để đựng hạt giống cho mùa màng, mà tín ngưỡng phồn thực nảy nở sinh sôi còn đọng hằn khá rõ trên các hình tượng hoa văn, khi mà đời sống của người Việt cổ thời Đông Sơn có nhiều nghi lễ liên quan tới mùa màng, nay còn sót lại như những “hóa thạch” ở một số cộng đồng cư dân miền núi phía Bắc, trong đó có người Mãng Ư, được cố Giáo sư Nguyễn Từ Chi phác dựng cả một quy trình, kể từ khi chọc lỗ gieo hạt cho đến lúc thu hoạch, cất giữ trong kho hay trong những chiếc thạp đồng đựng hạt giống cũng phải là những người có uy tín trong cộng đồng sở hữu. Rồi, người tiên chỉ, già làng ấy mất, họ dùng nó để làm quan tài, chôn theo, như thể, sang thế giới bên kia, họ vẫn là con người ấy, đẳng cấp xã hội ấy, vẫn vai trò ấy trong cộng đồng.

Văn hóa Đông Sơn – văn hóa của thạp đồng còn được thể hiện ở việc so sánh với những văn hóa khác trong khu vực. Có thể nói, trong thời đại đồng – sắt sớm ở Đông Nam Á lục địa và hải đảo, thạp đồng dường như là sản phẩm duy nhất của văn hóa Đông Sơn. Riêng miền Nam Trung Quốc, có khoảng 19 thạp đồng trong mộ Nam Việt Vương, Bắc Linh Tùng (Quảng Đông), La Bạc Loan, Cao Trại và địa điểm Ung Giang (Quảng Tây), mộ Thiên Tử Miếu (Vân Nam). Như vậy, Lưỡng Quảng và Vân Nam là ba tỉnh phát hiện được thạp đồng. Tôi đã từng cho rằng, ba đỉnh cao của tam giác thời đại đồ đồng – sắt sớm, đó là Bắc Việt Nam, Lưỡng Quảng và Vân Quý (Vân Nam, Quý Châu), có sức thu phát sóng cực mạnh. Chúng tiếp nhận, lan tỏa và ảnh hưởng qua lại, được thể hiện rất rõ trong bộ di vật đồng qua kiểu dáng và hoa văn. Việc tìm thấy những chiếc thạp đồng ở Lưỡng Quảng và Vân Nam sẽ có hai tình huống xảy ra. Một là, trao đổi hàng lấy hàng, qua đường biển và dòng sông Hồng. Hai là, trao đổi công nghệ, khi trung tâm Lưỡng Quảng và Vân Quý đủ sức tiếp nhận kỹ thuật đúc đồng của người Lạc Việt, để làm ra những chiếc thạp đồng khá giống với những chiếc thạp Đông Sơn. Cách đây hơn 20 năm, tôi có ghé thăm Bảo tàng Guimer của Pháp, khi ấy đang trùng tu, sửa chữa. Người quản thủ thân thiện, chuyên gia về nghệ thuật Phương Đông, dẫn vào kho, cho xem một chiếc thạp đồng dáng xô, cỡ trung bình, vừa mua đấu giá được ở Paris. Anh có hỏi tôi về nguồn gốc, xuất xứ chiếc thạp ấy qua những hoa văn khá khác lạ so với những chiếc thạp đã biết từ trước tới khi ấy ở miền Bắc Việt Nam. Một trong những họa tiết hoa văn khác lạ, đó là hình ảnh con cá, diễn tả theo kỹ thuật “giải phẫu” (xương sống, xương sườn và vây…thấy cả bên trong). Phương pháp và kỹ thuật X quang đã được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến, như một hằng số của nghệ thuật giải phẫu Đông Sơn, nhưng cá bơi trước mũi thuyền, chưa có tư liệu hơn hai mươi năm trước. Giờ đây, cá bơi trước thuyền và nhiều hoa văn kỳ thú khác đã thấy trên thạp Hợp Minh (Yên Bái). Mặc dù vậy, cá trên chiếc thạp ở Bảo tàng Guimer có sự khác biệt về chi tiết so với hình ảnh tương tự trên thạp, trên trống Đông Sơn. Tôi nghĩ rằng, đó là thạp vùng Nam Trung Quốc, du nhập kiểu dáng và kỹ thuật từ Đông Sơn Bắc Việt Nam.

Nói văn hóa Đông Sơn là văn hóa của những chiếc thạp đồng là chưa đủ. Nền văn hóa ấy còn là nền văn hóa của trống đồng, hoàn toàn khác biệt với văn hóa đỉnh – lịch vùng Trung Nguyên. Nó còn là văn hóa của những chiếc thố đồng, cũng ít thấy ở Nam Trung Hoa. Đó còn là văn hóa của những lưỡi cầy, dao gặt (vằng – nhíp), minh chứng cho một nền nông nghiệp trồng lúa nước đạt trình độ cao, khác biệt với bộ công cụ trồng kê, cao lương của Trung Nguyên Hoa Hạ… Những sự khác biệt ấy đã làm nên một bản sắc Đông Sơn, không thể bị đồng hóa trước sức mạnh bành trướng của văn hóa ngoại lai trong một nghìn năm thuộc Bắc.

Văn hóa Đông Sơn cho đến bầy giờ vẫn là một tấm gương lớn về dựng xây bản sắc trong một thế giới hội nhập như hiện nay.

Theo: TS. Phạm Quốc Quân

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Về bốn chiếc ấn thời Tây Sơn

Trong một bộ sưu tập tư nhân ở TP. Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ bốn chiếc ấn thời Tây Sơn, hai chiếc được tìm thấy ở huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định và hai chiếc tìm thấy ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Bốn chiếc ấn đều bằng đồng, chế tạo thủ công theo cùng một phương pháp đúc và gia công kim loại, nên có cùng một kích thước: dày 0,7cm, rộng 11cm, cao 5,5cm, nặng 750gr.


Một bộ sưu tập ấn triện ở TP Hồ Chí Minh (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: VNN

Mỗi chiếc ấn đều có hai phần: núm và thân. Núm cao 4,5cm có hình con tiện đầu tròn, lưng ấn có hai bậc cấp. Trên hai cạnh dọc của bậc cấp trên có hai hàng chữ Hán khắc vạch kiểu chân, hàng phải ghi ngày tháng năm tạo ấn, hàng trái ghi tên ấn. Mặt ấn khắc tên ấn chữ Hán triện, nét khắc dày, rõ.

Chiếc ấn thứ nhất, tìm thấy ở huyện Vĩnh Thạnh năm 1994. Hàng chữ dọc bên phải lưng ấn ghi: “Tân Hợi niên đông tạo” (làm vào mùa đông năm Tân Hợi – 1791, tức năm thứ 4 niên hiệu Quang Trung, năm thứ 14 niên hiệu Thái Đức), hàng chữ dọc phía trái gồm bảy chữ: “Khâm Sai Tiền Thủy Chi Đô Đốc” (Đô đốc vua sai chỉ huy tiền quân của thủy binh). Mặt ấn có bảy chữ Hán triện: “Khâm sai/ Tiền Thủy chi/ Đô đốc”.

Chiếc ấn thứ hai cũng tìm thấy ở Vĩnh Thạnh, năm 1997. Hàng chữ bên phải lưng ấn ghi: “Bính Thìn niên quí đông nguyệt cát nhật tạo” (làm ngày tốt tháng 12 năm Bính Thìn – 1796, tức năm thứ 5 niên hiệu Cảnh Thịnh), hàng chữ dọc bên trái ghi: “Trung thủy chi Đại Đô đốc (Đại Đô đốc chỉ huy trung quân của thủy binh). Mặt ấn có sáu chữ Hán: “Trung thủy chi/ Đại Đô đốc”.

Chiếc ấn thứ ba được tìm thấy ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) năm 1999. Lưng ấn, hàng chữ dọc bên phải ghi: “Bính Thìn niên trọng xuân nguyệt cát nhật tạo” (làm ngày tốt tháng 2 năm Bính Thìn – 1796), hàng chữ dọc bên trái ghi: “Tả bật đạo Trung Định hữu dinh định hùng nhị vệ Đô ty” (Đô ty chỉ huy vệ định hùng thứ hai thuộc dinh phía phải mang tên Trung Định của đạo quân tả bật). Mặt ấn có 13 chữ Hán triện: “Tả Bật đạo Trung Định / Hữu dinh định hùng / Nhị vệ Đô ty”.

Chiếc ấn thứ tư cũng được tìm thấy ở Thăng Bình cùng thời điểm với chiếc ấn thứ ba. Hàng chữ dọc bên phải lưng ấn ghi: “Đinh Tỵ niên mạnh xuân nguyệt cát nhật tạo” (làm ngày tốt tháng 1 năm Đinh Tỵ – 1797, tức năm thứ 6 niên hiệu Cảnh Thịnh), hàng chữ dọc bên trái ghi: “Trinh Hùng vệ phụng thất hiệu Phó Đô ty” (Phó Đô ty phụng mệnh chỉ huy hiệu thứ bảy trong vệ quân Trinh Hùng). Mặt ấn có 9 chữ Hán triện: “Trinh Hùng vệ phụng thất hiệu/ Phó Đô ty”.

Căn cứ những yếu tố trên, đối chiếu với sử liệu, có thể xác định về niên đại, triều đại cũng như chủ nhân của chúng. Bốn chức quan trong ấn: Đại Đô đốc, Đô đốc, Đô ty và Phó Đô ty. Đại Đô đốc, Đô đốc là những chức quan võ cao cấp được nhắc dưới thời Lê và dưới thời Tây Sơn, không thấy dưới thời Nguyễn. Còn Đô ty là võ quan chỉ huy một vệ quân và Phó Đô ty là cấp võ quan chỉ huy một hiệu của vệ quân thời Tây Sơn. Qua chiếc ấn thứ ba, ta thấy hệ thống đơn vị quân đội được sắp xếp: lớn nhất là “đạo”, kế tiếp là “dinh” rồi đến “vệ”. Binh chế nhà Lê, nhà Nguyễn không có đơn vị “đạo”. Về kiểu dáng, bốn chiếc ấn cùng có một mẫu với chiếc ấn thời Tây Sơn đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội).

Bốn chiếc ấn trên là những hiện vật quý, bởi hiện vật thời Tây Sơn, nhất là các hiện vật có niên đại tuyệt đối, còn lại không nhiều. Thông qua những hiện vật, chúng ta biết thêm thông tin về quân đội thời Tây Sơn như: phiên hiệu, đơn vị, chức quan.

Nguồn: Báo Bình Định (baobinhdinh.com.vn)

Khám phá trống đồng Hoàng Hạ

Mỗi một cổ vật được phong làm Bảo vật Quốc gia đều phải hết sức quý giá, lại độc bản. Thêm nữa, như số phận đời người, những bảo vật này có thể kể cho chúng ta biết bao nhiêu là chuyện.

Trống Hoàng Hạ được các nhà khoa học coi là “Á Hậu” trong cuộc thi vẻ đẹp của trống đồng Đông Sơn ở ta. Mà trống Hoàng Hạ đẹp thật, có lẽ chỉ kém trống Ngọc Lũ đương kim “Hoa Hậu” tí tí. Trống có dáng đẹp, thân trống chia ba phần cân đối. Đường kính mặt 78,5cm chiều cao 61,5cm. Trang trí giữa mặt trống là hình ngôi sao có 16 cánh. Xung quanh ngôi sao là 15 vành hoa văn, có những hoa văn đẹp và hiện thực như: hình 14 con chim bay mỏ dài, đuôi xòe và chân dài. Lại có vành hoa văn người múa hóa trang đang cầm giáo đồng, rìu đồng và khèn bè trong cảnh một ngày hội mùa hay hội làng náo nhiệt. Có cả cảnh hai ngôi nhà sàn mái cong, trên nóc có hình chim đậu, bên trong có cảnh người ngồi đánh trống da, hình trống đồng và cảnh đôi nam nữ ngồi giữa nhà đang đập tay vào nhau như một trò hát đối đáp xưa kia. Nối với căn nhà sàn mái cong này là một sàn nhà khác có cảnh 4 người đang ngồi đánh trống đồng, cầm dùi gõ thẳng xuống 4 chiếc trống đồng đang úp sấp. Gần đó là cảnh đôi trai gái đang giã gạo chày tay. Kế tiếp là hai ngôi nhà sàn đối xứng nhau qua tâm trống có mái cong và đôi chim đang đậu trên nóc. Dường như người nghệ sĩ xưa muốn biểu thị không khí ngày hội có nhiều nét giống với ngày hội của các dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay, cũng có cảnh trai gái trong trang phục ngày hội đang múa vòng tròn quanh cột thiêng chuẩn bị đâm trâu.


Trống đồng Hoàng Hạ


Hình người chèo thuyền và chim ngậm mồi trên tang trống Hoàng Hạ


Vùng trũng bốn huyện phía nam Hà Nội: trước văn hóa Đông Sơn chưa có người cư trú. Sau đó, làn sóng dân vùng cao tràn xuống khai hoang, cũng là nơi đào được trống Hoàng Hạ.

Tang trống miêu tả một đoàn thuyền gồm 6 chiếc. Trên thuyền có hoa văn người đánh trống, người hóa trang đội mũ cắm lông chim cầm giáo, người ngồi đánh trống, người cầm mái chèo. Trên mỗi thuyền lại có lầu cao, tầng dưới để trống đồng, tầng trên có người dương cung chuẩn bị bắn. Lại còn có cảnh một người tay cầm giáo, tay khác túm tóc một người đang trần truồng như trong cảnh chuẩn bị giết tù binh làm lễ hiến tế. Xen giữa các thuyền là các hình chim đứng và dưới các chiếc thuyền là hoa văn hình cá bơi. Phần giữa thân gọi là lưng trống có cảnh chiến binh đang cầm rìu chiến và cũng được hóa trang lông chim.

Hoa văn trên trống đồng Hoàng Hạ đại thể là như vậy, thuộc loại trống Đông Sơn có những hoa văn hiện thực tả người, chim, nhà sàn, thuyền đẹp nhất trong nhóm trống đứng đầu về nghệ thuật tạo hình là Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà và Cổ Loa. Người xưa tạo ra những hoa văn tuyệt mĩ như vậy, nhưng không phải là vô tình, mà đều là biểu tượng. Mỗi hoa văn đều mang ý nghĩa nhất định, mà cho đến nay, mỗi học giả trong và ngoài nước đều giải mã một cách khác nhau. Thế mới biết cái ngôn ngữ nghệ thuật thật là đa nghĩa. Xưa cũng vậy mà nay cũng thế.

Người đầu tiên cho rằng trống đồng Hoàng Hạ là một công cụ lịch pháp của người Việt cổ là nhà nghiên cứu Bùi Huy Hồng. Ông cho rằng trống này là công cụ để đo bóng mặt trời để biết thời điểm ngày Xuân Phân hay Thu Phân, Đông Chí hay Hạ Chí tương ứng với các ký hiệu hoa văn trên mặt trống. Cách đây hơn 40 năm, ông đã có một thí nghiệm đo bóng mặt trời trên trống Hoàng Hạ, đặt trống thăng bằng úp trên mặt đất rồi dùng dây dọi đặt cột đo cao 345 mm đứng ở giữa tâm trống (độ cao của cột đo bóng nắng trong thí nghiệm ngày nay). Kết quả là khi nào bóng của đầu chiếc cột đo lúc giữa trưa ngả đúng vào đường giữa dây cung hoa văn trên trống thì ngày đó là ngày Xuân Phân hay Thu Phân. Theo ông, chính mặt chiếc trống đồng tìm được ở Hà Nội này là một chiếc đồng hồ mặt trời, một tấm lịch, một bức Thiên Đồ của thời Hùng Vương.

Cách kiến giải của ông Bùi Huy Hồng đã gây ra tranh cãi trong giới khoa học. Cũng chẳng rõ người xưa có coi trống Hoàng Hạ là lịch pháp hay không, nhưng rõ ràng cũng là một cách gợi ý giải mã hoa văn đáng lưu ý. Người Việt xưa không phải vô tình tạo ra các hoa văn chỉ đơn thuần là chạy theo cái đẹp. Qua hoa văn trống Hoàng Hạ và so sánh nhiều nguồn tư liệu thì nhiều nhà khoa học cho rằng đoàn người cầm vũ khí quanh hình mặt trời (được thể hiện là ngôi sao 16 cánh) có liên quan đến lễ hội. Có thể là lễ hội đâm trâu hay đâm bò, mà trên một chiếc trống Đông Sơn cùng thời còn có nguyên cảnh này với cây cột thiêng cột chặt một con bò có u và cạnh đó là chiến binh cầm rìu bổ xuống. Tang trống Hoàng Hạ thì có cảnh hiến tế trên thuyền, liên quan đến lễ hội cầu nước phổ biến ở nhiều vùng nước ta.

Trống Hoàng Hạ còn giúp các nhà sử học dựng được bức tranh lịch sử của thủ đô Hà Nội cách đây hơn 2000 năm. Trống được phát hiện ở độ sâu 1,5m trong lòng đất ngày 13 tháng 7 năm 1937 khi người dân đào mương ở xóm Nội, làng Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên. Cái giá trị lịch sử nhất ở chỗ trống được phát hiện ngay trong lòng đất, chứng tỏ cư dân cổ đại ở đây phải là chủ nhân, từng sử dụng và chôn cất trống, chứ không phải sưu tập ngẫu nhiên ở đâu đó. Cũng tức là người Việt ở bên bờ sông Hồng là chủ nhân trống đồng. Bản quyền đúc những chiếc trống đẹp như Hoàng Hạ là tổ tiên chúng ta. Gần đây việc phát hiện ra một mảnh khuôn đúc trống lại càng khẳng định điều này.

Việc phát hiện trong lòng đất chiếc trống Hoàng Hạ ở Phú Xuyên lại giúp cho các nhà khảo cổ biết được nhiều điều bí ẩn của vùng đất này hơn nữa. Cách đây khoảng 5000 năm cả vùng Hà Nội ngày nay là vịnh biển, chỉ có …cá mới sống được. Đến thời điểm 4000 năm, khi nước biển rút đi (mà thuật ngữ khoa học gọi là thời kỳ biển thoái), thì đồng bằng mới lộ ra dần dần. Rồi lại phù sa sông Hồng bồi đắp mới có con người từ vùng núi và trung du đổ về khai hoang lập ấp. Một vài làng cổ còn để lại dấu tích trong lòng đất những đồ gốm, đồ đá, đồ đồng.

Tuy nhiên, không phải chỗ nào người cổ cũng lập làng được, mà chỉ ở những vùng đất cao ráo. Các vùng thấp như 4 huyện ngoại thành Hà Nội ngày nay là Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức còn quá lầy lội chưa thích hợp với sự khai hoang. Trước thời kỳ văn hóa Đông Sơn, không có một di tích nào chứng tỏ có con người sinh sống ở các huyện này.

Chỉ đến thời điểm cách đây hơn 2000 năm, cái vùng trũng bốn huyện của Hà Nội mới được phù sa bồi đắp dần cao lên, người Việt mới tràn về ồ ạt để khai hoang, lập làng mới. Theo thống kê thì số người khai hoang, chinh phục đồng bằng ở vùng đất trũng bốn huyện Hà Nội đã làm nên một làn sóng tụ cư mới, sinh con đẻ cái và một cuộc “nổ bùng dân số” bắt đầu. Họ đã đúc nên một số trống đồng đẹp như trống Hoàng Hạ. Có thể chiếc trống này được sử dụng trong ngày hội, rồi lại là đồ tùy táng chôn theo người chết mà ngày nay thân xác chẳng còn, chỉ còn lại trống đồng mà thôi.

Trống Hoàng Hạ trong lòng đất Phú Xuyên, vì thế như một chứng tích của cư dân văn hóa Đông Sơn chinh phục vùng đất trũng, còn ngập mặn. Đó cũng là bằng chứng của sự gian lao vô bờ bến và công sức khai hoang mảnh đất phía nam Hà Nội khi đó. Biết bao mồ hôi của người xưa đã đổ ra để cải tạo mảnh đất Phú Xuyên thành những cánh đồng nặng trĩu hạt lúa như ngày nay.

Cái quá trình chinh phục đồng bằng của người Việt cổ còn tiếp tục diễn ra sau cái thời của trống đồng Hoàng Hạ hàng nghìn năm nữa, cho đến tận ngày nay, nếu như chúng ta biết được cái vùng Phú Xuyên bây giờ cũng vẫn còn là vùng trũng của Hà Nội, vẫn cùng với những vùng trũng của Hà Nam, nơi phát hiện trống Ngọc Lũ trước đây, là những vùng đất làm nông còn vất vả vì “chiêm khê, mùa thối” vốn còn dư âm vùng trũng của một vịnh biển cách đây vài ngàn năm.

Thế mới biết, người Việt ở vùng Phú Xuyên ngày xưa đã tốn bao công sức để cải tạo đồng ruộng, trồng lúa để mưu sinh mà lại còn sáng tạo ra được những chiếc trống đồng tuyệt tác như Hoàng Hạ nữa. Và, sự phát hiện trống Hoàng Hạ đã góp cho di sản văn hóa Việt Nam một bảo vật Quốc gia, lại còn giúp cho hậu thế biết được công ơn của những người Hà Nội xưa đi khai hoang lập ấp ra sao nữa.

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Bí mật về loại tiền đặc biệt thời vua Tự Đức

Trong số những loại tiền được đúc dưới thời vua Tự Đức triều Nguyễn, có một loại tiền rất đặc biệt. Tuy nhiên, điều đặc biệt này không phải ở chất liệu kim loại dùng để đúc tiền, không phải theo khuôn mẫu, hình thức mới… mà khác lạ ở chính tên gọi của nó.
Vua Tự Đức lên ngôi tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), giống như các triều vua trước đó, ông cũng cho đúc tiền mang niên hiệu của mình, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ viết: “Tự Đức năm đầu, dụ rằng: Đúc tiền theo niên hiệu mới. Vậy cho theo thể lệ đúc tiền Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị mà đúc tiền hiệu mới là Tự Đức thông bảo, tiền đồng hạng lớn, mỗi đồng nặng 9 phân, tiền đồng hạng nhỏ và tiền kẽm đều mỗi đồng tiền nặng 6 phân”.
Trong thời gian trị vì Tự Đức đã nhiều lần cho đúc đồng “Tự Đức thông bảo”, đồng tiền này có nhiều dạng khác nhau, có đồng ở mặt sau ghi giá trị ấn định của đồng tiền như chữ “lục văn”, để chỉ đồng tiền này ăn sáu đồng tiền kẽm; hoặc các chữ “thất văn”, “lục văn”… Ngoài ra, còn có những loại tiền kẽm được đúc lần đầu vào năm Kỷ Tỵ (1869) đường kính nhỏ, có loại mặt sau để trơn, có loại mặt sau của tiền ghi nơi đúc như: Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên…

Chân dung vua Tự Đức

Tuy nhiên loại tiền đặc biệt của vua Tự Đức được đúc vào tháng 2 năm Tân Dậu (1861), loại tiền này gọi là “Tự Đức bảo sao” có 8 loại, đây là loại tiền đúc để cho người dân tiện lợi mang theo khi đi đường. Cụ thể mặt sau của các đồng này có ghi: 1. Chuẩn thập văn (ăn 10 đồng tiền kẽm), 2. Chuẩn nhất thập văn (ăn 10 đồng tiền kẽm), 3. Chuẩn nhị thập văn (ăn 20 đồng tiền kẽm), 4. Chuẩn tam thập văn (ăn 30 đồng tiền kẽm), 5. Chuẩn tứ thập văn (ăn 40 đồng tiền kẽm), 6. Chuẩn ngũ thập văn (ăn 50 đồng tiền kẽm), 7. Chuẩn lục thập văn (ăn 60 đồng tiền kẽm), 8. Chuẩn đương nhị bách (ăn 200 đồng tiền kẽm).
Các loại tiền chủ yếu được đúc bằng chất liệu đồng, chính bởi vậy mà dần dần “đồng” trở thành tên gọi đơn vị tiền tệ của nước ta cho đến tận ngày nay.
Không rõ lý do gì mà Tự Đức lại đặt tên loại tiền thứ 2 của ông là “Tự Đức bảo sao”, đồng tiền này cũng là đồng tiền kim loại nhưng chữ “sao” lại chỉ dùng để gọi tiền giấy. Từ đời vua Trần Thuận Tông, theo chủ trương của Hồ Quý Ly đã cho in tiền giấy gọi là “Hội sao thông bảo”, tiền này được dùng cho đến khi triều nhà Hồ sụp đổ. Theo Phan Huy Chú viết trong sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: “Giấy sao chỉ là miếng giấy vuông chừng một thước, chỉ đáng giá 5-3 đồng tiền mà đem đổi lấy những vật giá 5-6 trăm đồng của người ta, đã không hợp lý mà lại làm người ta cất giữ, dễ rách nát”.


Đồng tiền Tự Đức bảo sao – Chuẩn tứ thập văn

Như vậy “sao” là cách gọi loại tiền giấy, vậy mà “Tự Đức bảo sao” là tiền đồng chứ không phải là tiền giấy, dù gọi là “sao”. Sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn viết về tiền này như sau: “Đúc sáu hạng tiền đồng, từ hạng tiền một đồng ăn 10 đồng đến hạng tiền một đồng ăn 60 đồng. Mặt đồng tiền khắc bốn chữ Tự Đức bảo sao. Hạng ăn 10 đồng nặng 1 đồng cân 5 phân, hạng ăn 20 đồng nặng 3 đồng cân, hạng ăn 30 đồng nặng 4 đồng cân 5 phân, hạng ăn 40 đồng nặng 6 đồng cân, hạng ăn 50 đồng nặng 7 đồng cân 5 phân, hàng ăn 60 đồng nặng 9 đồng cân”.
Tiền “Tự Đức bảo sao” được đúc nhiều lần ở những năm khác nhau, sách Đại Nam thực lục còn cho biết đồng tiền bảo sao này được đúc nhiều nhất là đồng mặt sau có chữ Chuẩn lục thập văn, một đồng này ngang với 60 đồng tiền kẽm (vừa đúng 1 tiền), thông hành trong dân gian rất tiện lợi nên được đúc nhiều.
Đồng tiền có tên gọi lạ lùng này của vua Tự Đức không chỉ gây ngạc nhiên cho giới nghiên cứu, sưu tầm tiền cổ trong nước mà ngay đến cả người nước ngoài cũng phài ngạc nhiên, tò mò. Một nhà nghiên cứu Tây phương là ông Henry A. Ramsden (1872-1915) trong một tập san viết về tiền tệ đã nói rằng tiền bảo sao của vua Tự Đức là “thứ tiền duy nhất của An Nam bằng kim loại được đúc để tượng trưng cho tiền giấy”.
Ngoài những loại tiền nói trên, Tự Đức còn cho đúc tiền mang niên hiệu của mình bằng chất liệu vàng và bạc, mặt trước vẫn có dòng chữ “Tự Đức thông bảo”, mặt sau mang nhiều hình vẽ, họa tiết khác nhau như hình 5 con dơi (biểu tượng của Ngũ phúc), hình rồng bay (gọi là tiền phi long), hình ba cây: mai, tùng, trúc (biểu tượng của Tam thọ), thậm chí có loại gọi là tiền Vạn thế vĩnh lại khắc cả bài thơ 20 chữ trên lưng tiền…

Nguồn: Kienthuc.net.vn

Tạo hình, hoa văn trang trí trên trống đồng Đông Sơn (bản đầy đủ nhất)

Trống tạo dánh hình trụ đứng, tang phình, thân thon, đế choãi. Trống có 2 gờ khuôn đúc chạy thẳng từ tang xuống váy trống, có 04 bộ quai cong hình cánh cung, xẻ rãnh chính giữa trang trí hoa văn hình chấm dải nối tiếp giữa tang bồng và thân trống. Cả mặt, tang và thân trống đều có các đường chỉ nhỏ chia trống thành các vành hoa văn lớn nhỏ khác nhau và được trang trí dày đặc.

Mặt trống: Phẳng, loe ra khỏi tang bồng, trên bề mặt trang trí các họa tiết, hoa văn thể hiện những nét tiêu biểu mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Chính giữa mặt trống đắp nổi hình mặt trời với 10 tia, xen giữa các tia là hoa văn chữ V lồng, bao quanh mặt trời là 08 vành hoa văn đồng tâm từ trong ra ngoài trang trí các hoa văn.

  • Vành thứ nhất là vành hoa văn gạch đứt
  • Vành thứ 2 là hoa văn đường tròn tiếp tuyến
  • Vành thứ 3 là hoa văn hình răng lược
  • Vành thứ 4 là hoa văn hình thoi
  • Vành thứ 5 là hoa văn đầu chim công
  • Vành thứ 6 là hoa văn hình chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ
  • Vành thứ 7 là hoa văn đường tròn tiếp tuyến
  • Vành thứ 8 là hoa văn hình răng lược

 

Tang trống: Hơi phình so với mặt trống gồm 04 vành hoa văn được trang trí lần lượt từ trên xuống dưới bao gồm: Hoa văn hình răng lược; hoa văn đường tròn tiếp tuyến; hoa văn hình răng lược và 06 chiếc thuyền chở người đội mũ lông công cách điệu đang chèo lái. Tại 4 góc cạnh quai trống trang trí hình ảnh 4 con cò đối xứng nhau, 2 con vếch mỏ lên, 2 con chúc mỏ xuống.

Thân trống: Thon dần từ trên xuống dưới trang trí các vành hoa văn: Hình thoi, hình người đội mũ lông công múa cách điệu, hoa văn hình răng lược, đường tròn tiếp tuyến và hoa văn hình răng lược phía dưới cùng.

 

Váy trống: Loe rộng tạo độ vững chắc, để trơn không trang trí hoa văn

Lý giải bí ẩn các cổ vật trong túi Khót của ông Mo Mường – Hòa Bình

Mo Mường là một loại hình văn hóa phi vật thể của người Việt cổ, có cơ sở vững chắc về mặt khoa học bởi nó được chứng minh thông qua túi Khót của các ông thầy Mo.

Thời tiền sử người Việt cổ tại Hòa Bình đã có những quan niệm về nhân sinh quan vũ trụ được biểu hiện trong các sử thi Mo Mường. Họ quan niệm trời sinh ra trước, đất sinh ra sau. Quan niệm này rất giống với quan niệm của một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia nói tiếng Slavơ ở châu Âu, nước Ai Cập cổ đại hay người Inca ở châu Mỹ… Đây là một quan niệm rất khoa học mà cho đến ngày nay các nhà nghiên cứu khoa học đã phải thừa nhận nó.

Trong cuộc đấu tranh sinh tồn của người Việt cổ nói riêng và loài người nói chung, con người đã biết tạo ra các công cụ lao động sản xuất, vũ khí bằng những nguyên vật liệu và kỹ thuật thô sơ, mà trong đó có những tạo hình vẫn được kế thừa cho đến tận ngày nay.

Trong những năm vừa qua đã có rất nhiều các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, những người tâm huyết với di sản văn hóa Mo Mường – Hòa Bình, đã bỏ rất nhiều tiền của, thời gian, công sức để ghi chép lại các áng Mo, sử thi về Mo. Tổ chức rất nhiều các lễ hội và chuyển thể một số áng Mo thành các ca khúc với ca từ gần gũi với đời sống thường ngày của người dân… Tất cả vấn đề trên đều toát lên chủ đề xuyên suốt về giáo dục con người tiến bộ mà cho đến ngày nay vẫn chưa hề lạc hậu. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mo Mường – Hòa Bình rất quan trọng và khẩn cấp, nó có vai trò không chỉ đối với nhân dân Hòa Bình mà còn cả dân tộc Việt chúng ta ngày nay.

Một điều rất quan trọng ở đây đó là vì có quan niệm nhân sinh quan nên trong túi Khót của các ông Mo Mường luôn luôn có các viên sa thạch (testit màu đen hình bánh dầy) và các viên đá bán quý có độ cứng từ 6 – 8 mohs được tìm kiếm và khai quật trong lòng đất. Ngoài ra còn có rất nhiều các vật chứng lịch sử liên quan đến các nghi lễ truyền thống của người Mường, được làm bằng các chất liệu đá, đồng, nhuyễn thể… Những vật chứng này được giữ gìn qua nhiều thế hệ, sử dụng làm đồ tế khí để tạo thêm sức mạnh huyền bí, phục vụ công tác giáo dục cộng đồng về quá trình đấu tranh sinh tồn của loài người.

Qua đây tôi xin phân tích về túi Khót của các ông Mo như sau:

Hiện vật trong túi Khót của các ông Mo Mường. Nguồn: Internet

Trải qua nhiều thế hệ, túi Khót của các ông Mo luôn được giữ gìn như một báu vật mà không phải ai cũng được xem và sờ vào. Trong túi Khót đó lưu giữ những vật chứng lịch sử vô cùng quý giá và khác biệt với các vật chứng lịch sử do các nhà khảo cổ học khai quật được vì lý do sau đây:

Thứ nhất, viên thiên thạch theo quan niệm của người Mường là ông trời rơi xuống tạo ra Trái đất và viên đá bán quý là vật chứng lịch sử quý nằm trong lòng  đất. Hai vật chứng này thể hiện cho quan niệm về thiên địa nhân hợp nhất của người Mường, họ đã biết sử dụng những vật quý ở trên trời và dưới đất cùng các công cụ lao sản xuất để thu phục thú dữ, chinh phục thiên nhiên tạo ra sức mạnh nhằm giáo dục cộng đồng sống đoàn kết, đấu tranh chống thiên nhiên, tăng cường sức sống trước sự khắc nghiệt của thời tiết ở các giai đoạn tiền sử và sơ sử.

Thứ hai, bên cạnh các viên sa thạch và đá bán quý, trong túi Khót của các ông Mo còn có rìu đá, vòng tay đá có niên đại hàng chục nghìn năm trong văn hóa Phùng Nguyên; rìu xéo và mũi giáo đồng cách ngày nay hàng nghìn năm trong văn hóa Đông Sơn cùng các vật chứng bằng nhuyễn thể như xương, sừng, nanh vuốt của các loài thú dữ. Tất cả các vật chứng lịch này được lưu giữ lại thể hiện quan niệm con người…

Qua các vật chứng lịch sử này, chúng ta có thể thấy được sức mạnh của túi Khót khi các thầy Mo làm lễ mang đến sức thuyết phục cao đối với cộng đồng và hướng cộng đồng tới những áng Mo mang tính giáo dục và nhân văn sâu sắc.

Một số hoa văn tiêu biểu xuất hiện trên đồ đồng trong văn hóa Đông Sơn

Hoa văn vòng tròn là loại hoa văn có tần suất xuất hiện lớn nhất trên đồ đồng Đông Sơn, các vòng tròn thường có đường kính trung bình 2cm và được khắc nổi, chúng đối xứng nhau  tạo thành băng, cùng kích thước và dãn cách khá nhau, các biến thể của loại mô típ này, các vòng tròn có dấu chấm giữa.

Hai vòng tròn đơn nối với nhau bằng một đoạn thẳng ngắn theo chiều xiên chéo (vòng tròn tiếp tuyến). Loại mô típ hoa văn trang trí này xuất hiện trên đồ gốm Phùng Nguyên và tiếp diễn cho tới văn hóa đồ đồng Đông Sơn.

Hoa văn hình tam giác được tạo bởi 3 đoạn thẳng khép kín hình tam giác, mà cạnh đáy nằm ở phía các đường chỉ ngăn cách các vòng hoa văn, hai cạnh bên được tạo bởi cạnh chéo liên hoàn, tạo ra những hình tam giác đồng dạng (hoa văn răng cưa). Hoa văn hình lông công trang trí xen giữa các cánh sao ở mặt hoặc trống đồng, thạp đồng, chậu trống.

Hoa văn hình trâm được tạo bởi những đường cong giống hình trâm cài tóc, biến thể của nó là hình chữ nhật hai đầu nhọn. Mô típ hoa văn này xuất hiện vào thời Đông Sơn muộn.

Hồi văn được tạo bởi những đoạn thẳng gấp khúc thành hình chữ nhật không khép kín, hoa văn chấm giải được tạo bởi những đường chấm đều nhau, chạy theo giải nằm ở giữa đường chỉ nổi,, thường làm nền cho những loại hoa văn khác.

Hoa văn tả thực mô tả thế giới hiện thực ( con người, cây cỏ, con vật, đồ vật, đồ vật có trong thế giới tự nhiên), đây là loại hoa văn khá phổ biến và tinh tế thường gặp trên đồ đồng Đông Sơn, hoa văn hình ở gia đoạn Đông Sơn muộn đa phần được cách điệu, giản lược có lúc chỉ là hoa văn cờ bay nhưng con người luôn đặt ở vị trí trung tâm nhất.

  • Hình người có hóa trang lông chim hoặc không hóa trang
  • Hình người có vũ khí, hoặc không cầm vũ khí
  • Hình người trên mặt đất, trên thuyền hoặc trên cạnh nhà, hình người trên thuyền khá đặc trưng và đều được thể hiện ở tư thế động.
  • Hình người nhảy múa hoặc đang lao động

Hoa văn hình mặt trời: được đúc nổi giữa mặt trống, thạp, xung quanh có các tia nhỏ, vào giai đoạn Đông Sơn muộn thường có hoa văn hình học xen giữa. Hoa văn hình nhà đó là hình ảnh nhà sàn, có cầu thang, mái cong.

Hoa văn hình chim lạc: thường được đúc nổi ở phần mặt trống đồng, đây là loại chim mỏ dài, đuôi dài, cánh rộng, chân cao, và bay ngược chiều kim đồng hồ, chim được đúc trong tư thế động. Hoa văn hình thuyền đúc nổi hình thuyền lớn có nhiều mái chèo, trên thuyền có người điều khiển, ngoài ra còn có hình ảnh của động vật, vũ khí…