Archives

Cổ vật xứ Đông – Hơn 500 năm chìm nổi của thanh long đao vua Mạc Đăng Dung

Cổ vật “Định Nam đao”, binh khí gắn liền với sự nghiệp bình thiên hạ của vua Mạc Đăng Dung (1483 – 1541) có số phận chìm nổi, lưu lạc hơn 500 năm theo hậu duệ ông trốn chạy khỏi sự truy lùng của kẻ thù.

Một trong hai long đao của quân vương ở châu Á
Mở cửa hậu cung nhà Thái miếu, ông Ngô Minh Khiêm, Trưởng ban quản lý khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) cho biết thanh long đao được gọi là Định Nam đao của vua Mạc Đăng Dung làm bằng sắt, bị han gỉ nham nhở đặt trong tủ kính ở ngay dưới ngai thờ vị vua dựng lên triều Mạc. Vật thái bảo này nặng 25,6kg, dài 2,55m, trong đó lưỡi đao dài 0,95m, cán làm bằng sắt rỗng. Dọc sống đao có nhiều nét hoa văn rất lạ đến nay vẫn chưa lý giải được.
Một hình đầu rồng bằng đồng thau đang há miệng nuốt lấy lưỡi đao nhìn khá đặc biệt. Theo câu chuyện lưu truyền trong dân gian, một người thợ rèn bí ẩn thấy tướng mạo khác thường của chàng trai Mạc Đăng Dung, làm nên nghiệp lớn không phải bằng con đường kinh sử mà là võ học. Chính vì vậy, người thợ đã rèn thanh long đao như một lời nhắn ngầm Mạc Đăng Dung sẽ thành thiên tử từ chính binh khí này. Sau khi rèn xong, ông để lại cây long đao kèm với một bài kệ đại ý là: “Cơ nghiệp sẽ dựng nên từ đây, cây đao này chỉ dành cho người có duyên, dùng nó sẽ làm nên sự lớn”.
Hình đầu rồng bằng đồng thau nối cán với lưỡi đao còn khá nguyên vẹn - Ảnh: BQL khu tưởng niệm Vương triều Mạc cung cấp

Hình đầu rồng bằng đồng thau nối cán với lưỡi đao còn khá nguyên vẹn – Ảnh: BQL khu tưởng niệm Vương triều Mạc cung cấp

Thanh long đao bằng sắt đã bị hoen gỉ khi chôn dưới lòng đất - Ảnh: BQL khu tưởng niệm Vương triều Mạc cung cấp

Thanh long đao bằng sắt đã bị hoen gỉ khi chôn dưới lòng đất – Ảnh: BQL khu tưởng niệm Vương triều Mạc cung cấp

Một số chuyên gia về binh khí cổ ở Việt Nam cho rằng thanh long đao lúc ban đầu có thể cân nặng hơn 30 kg. Còn nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ ở Việt Nam khẳng định đây là một trong hai thanh long đao của quân vương ở châu Á còn tồn tại đến nay, cùng với thanh long đao của Tống Thái Tổ (Triệu Khuông Dẫn), vị vua sáng lập ra nhà Bắc Tống (Trung Quốc).
Với binh khí này, Mạc Đăng Dung đã trúng Võ trạng nguyên trong cuộc thi tuyển võ sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long, dưới triều vua Lê Uy Mục, được sung quân Túc vệ. Trong các cuộc dẹp loạn phe phái ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thanh Hóa…, Định Nam đao trở thành trợ thủ đắc lực giúp ông chiến thắng, bảo vệ triều đình. Mạc Đăng Dung được phong tới chức Thái sư, tước An Hưng vương, đức trí bậc nhất triều đình.
Triều Lê sơ suy tàn, tháng 6.1527, hoàng đế Lê Cung Hoàng hạ chiếu nhường ngôi cho Thái sư Mạc Đăng Dung, lập nên triều Mạc, lấy niên hiệu Minh Đức. Ở ngôi đến năm 1529, học theo nhà Trần ông nhường ngôi cho con trai trưởng là Mạc Đăng Doanh, lui về làm Thái thượng hoàng. Khi Mạc Thái tổ băng hà vào năm 1541, thanh long đao được đem về quê hương ông và thờ ở lăng miếu làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kim Môn, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy).
Tượng Mạc Thái tổ đặt trong long đình - Ảnh: V.N.K

Tượng Mạc Thái tổ đặt trong long đình – Ảnh: V.N.K

Nhà Thái miếu, nơi đặt thanh long đao - Ảnh: V.N.K

Nhà Thái miếu, nơi đặt thanh long đao – Ảnh: V.N.K

Số phận chìm nổi của long đao
Ngày 22.9.2010, Định Nam đao của Mạc Thái tổ “trở về nguồn cội” khi chi Phạm gốc Mạc ở làng Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nghinh rước vật báu này về khu tưởng niệm Vương triều Mạc, đúng dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Từ đây, những câu chuyện chìm nổi cùng thời cuộc của thanh long đao dần hé mở như thước phim ngược về quá khứ.
Tương truyền, vật báu của vua Mạc Đăng Dung được tìm thấy vào năm 1938, dưới lòng đất sâu, khi dòng họ Phạm gốc Mạc làng Ngọc Tỉnh tôn tạo từ đường, đào hồ bán nguyệt. Khi chưa tìm thấy thanh long đao, gò đất phía đông nam từ đường họ Phạm gốc Mạc thường xuyên “phát hỏa”, lửa tự nhiên bốc cháy rồi lại tắt. Vì thế, dân trong vùng gọi gò đất này là gò Con Hỏa. Kể từ khi tìm lại được đại đao, gò Con Hỏa không còn phát hỏa nữa. Con cháu họ Phạm gốc Mạc đã rước về từ đường thờ phụng bảo quản trong lớp mỡ bò để tránh sự ăn mòn, thậm chí phải ngụy trang và bảo vệ nghiêm ngặt trước sự rình mò của những kẻ trộm cổ vật.
Thanh long đao đặt tại nhà thờ họ Phạm gốc Mạc ở làng Ngọc Tỉnh - Ảnh: BQL khu tưởng niệm Vương triều Mạc cung cấp

Thanh long đao đặt tại nhà thờ họ Phạm gốc Mạc ở làng Ngọc Tỉnh – Ảnh: BQL khu tưởng niệm Vương triều Mạc cung cấp

Nghinh rước thanh long đao về làng Cổ Trai - Ảnh: BQL khu tưởng niệm Vương triều Mạc cung cấp

Nghinh rước thanh long đao về làng Cổ Trai – Ảnh: BQL khu tưởng niệm Vương triều Mạc cung cấp

Ngược dòng thời gian, năm 1592, khi nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, cháu 4 đời của Mạc Thái tổ là Mạc Đăng Thuận coi giữ lăng miếu, đã giả làm nhà buôn, mang theo long đao xuống thuyền rời Đồ Sơn. Đoàn thuyền tiến về phía Nam, vào vùng cửa sông Hồng, đến cửa Lạn Môn thì dừng lại và định cư ở vùng đất Kiên Lao (Nam Định). Nghe lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đăng Thuận cùng gia quyến đổi sang họ Phạm để tránh bị nhà Trịnh truy sát diệt vong, nhưng vẫn giữ lại bộ thảo đầu của chữ “Mạc” để làm tín hiệu cho con cháu đời sau nhận ra nhau.
Trải qua bốn đời ở vùng Kiên Lao, dòng họ Phạm gốc Mạc có sự phân chi. Ông Phạm Công Úc được giao mang đại long đao về định cư ở vùng Ngọc Tỉnh và thờ ở từ đường chi họ Phạm gốc Mạc. Theo gia phả dòng họ, dưới thời vua Lê Dụ Tông, hai người con trai của Phạm Công Úc là Phạm Công Dục và Phạm Công Dắt lên kinh đô thi võ. Hai ông đã xin cha được làm lễ rước thanh long đao để cầu xin anh linh tiên đế và linh khí bảo đao phù trợ. Khoa thi ấy, cả hai ông đều đỗ võ quan và được triều đình tuyển dụng. Ông Phạm Công Dục theo vua Lê dẹp loạn, được thăng tới chức Đô thống phủ Tả đô đốc Kiệt trung tướng quân, tước Dục Trung hầu. Ông Phạm Công Dắt được phong chức Quản Hữu chấn cơ Tín nghĩa Đô úy, tước Phạm Sứ hầu. Kể từ đó con cháu đều hiển vinh.
Đến triều vua Minh Mạng (1821), Phan Bá Vành khởi binh, chống lại triều đình muốn dùng long đao của Mạc Thái Tổ làm linh khí trên chiến trường. Biết ý muốn đó, dòng họ Phạm gốc Mạc ở Ngọc Tỉnh đã chôn giấu Định Nam đao quyết không để mất. Trải qua những thăm trầm của lịch sử, dấu tích nơi chôn giấu không còn, thanh long đao tưởng như đã mất, nhưng lại được tìm thấy khi đào hồ bán nguyệt.
Màn biểu diễn đại long đao phiên bản bằng đồng trong ngày giỗ của Thái tổ Mạc Đăng Dung năm 2014 - Ảnh: V.N.K

Màn biểu diễn đại long đao phiên bản bằng đồng trong ngày giỗ của Thái tổ Mạc Đăng Dung năm 2014 – Ảnh: V.N.K

Biểu diễn võ thuật là nội dung không thể thiếu trong ngày giỗ Thái tổ Mạc Đăng Dung - Ảnh: V.N.K

Biểu diễn võ thuật là nội dung không thể thiếu trong ngày giỗ Thái tổ Mạc Đăng Dung – Ảnh: V.N.K

Vũ Ngọc Khánh

Nguồn: http://thanhnien.vn/van-hoa/co-vat-xu-dong-hon-500-nam-chim-noi-cua-thanh-long-dao-vua-mac-dang-dung-614431.html

Mai Pha (Lạng Sơn) – nền văn hóa mang đậm giá trị nghệ thuật đặc sắc

LSO-Kế thừa Văn hóa Bắc Sơn là Văn hóa Mai Pha; cư dân của văn hóa Mai Pha thuộc hậu kỳ đá mới và tồn tại trong khung niên đại từ 5000 đến 3500 năm cách ngày nay. Văn hóa Mai Pha được gọi theo tên của di chỉ hang Mai Pha, nằm trong một núi đá nhỏ đơn độc giữa thung lũng ở phía Nam xã Mai Pha, tên ngọn núi chứa di chỉ hang Mai Pha theo tiếng địa phương là núi Phjia Nùn có nghĩa là Núi Tuyết. Di chỉ này có mối liên hệ mật thiết với núi Phia Điểm (Di chỉ khảo cổ học (KCH) phía Nam thành phố Lạng Sơn đã khai quật năm 1998).
Di chỉ KCH Mai Pha đã được nhiều nhà KCH, sử học tới đây khảo sát nhiều lần. Lần đầu do ông Retíp (một chủ đồn điền trồng chè của Pháp tại Lạng Sơn vào những năm 1920 do di chỉ nằm trong khu vực đồn điền chè của ông) đã khảo sát nhẹ lớp mặt hang và đã thu thập được một số di vật bằng gốm (bát bồng chân đế cao, âu gốm,…) cùng một số công cụ bằng đá (rìu đá, mảnh tước,…). Đến những năm sau này (năm 1921; 1923) thì có hai nhà sử học và nhà địa chất học người Pháp là H.Mansuy và M.Colani cũng đã tới đây khảo sát và đào thám nhỏ lại tại hang này và cũng đã thu thập được một số công cụ đá, gốm (giống như di vật của ông Retíp đã khảo sát và thu thập trước đó). Đến năm 1995 Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiếp tục khảo sát và đào thám sát hang này kết quả thu được rất khả quan. Năm 1996 địa chỉ di chỉ hang Mai Pha chính thức được khai quật KCH. Sau hơn 1 tháng khai quật, kết quả thu được rất tốt gồm: 123 hiện vật bằng đá, trong đó có 70 rìu, bôn, đục, bàn mài bằng đá và 12 đồ trang sức bằng đá như: vòng tay, khuyên tai và 23 hiện vật bằng xương cùng các đồ trang sức khác. Cũng tại đây đã phát hiện được dấu tích mộ kè đá; mộ vò (loại mộ được xếp chèn xung quanh bằng những chiếc bát gốm) cùng với xương bị đốt cháy, quanh khu vực di chỉ phát hiện được 5 bếp cùng nhiều mẫu tro, than, xương, vỏ ốc bị đốt cháy,…
Qua dấu tích của bếp lửa đã thể hiện rõ cư dân Mai Pha đã biết ăn chín, uống sôi (thông qua các loại đồ đựng bằng gốm như: bát bồng, nồi miệng loe,…) cùng rất nhiều các mảnh vỡ của gốm vương vãi khắp trong di chỉ, điều đó cho thấy lúc này đã có sự xuất hiện của tiểu thủ công nghiệp và trao đổi hàng hóa.
Cư dân văn hóa Mai Pha về kỹ thuật chế tác lúc này đã phát triển và kế thừa từ cư dân văn hóa Bắc Sơn, tuy nhiên cuộc sống của họ còn rất khó khăn và nơi cư trú của họ chủ yếu vẫn là trong các hang động và mái đá. Về cộng đồng xã hội lúc này chưa phát triển, họ sống quần cư tạo thành nhóm người hoặc tập thể hay bộ lạc, cuộc sống còn ăn hang ở hốc nhưng họ đã biết cảm thụ về nghệ thuật và có một cảm nhận nhất định về nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật trang trí. Về nghệ thuật tạo hình cư dân Mai Pha đã làm thay đổi hình dáng vật thể từ những hòn đá đơn thuần qua chế tác đã tạo thành những chiếc rìu rất đẹp như: rìu mài lưỡi, rìu tứ giác, rìu có vai,… Không những thế mà cư dân Mai Pha còn biết tạo ra một vật thể mới từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên đó là đồ gốm như: nồi, âu, bình, bát,… (đặc biệt là bát bồng chân đế cao). Chất liệu chủ yếu của gốm văn hóa Mai Pha là khá phổ biến và phong phú, hầu hết đều được làm từ đất sét. Đa số gốm văn hóa Mai Pha có màu gạch đỏ, một số có màu đen (do ám khói khi nung hoặc đun nấu) cũng có một số mảnh đen bóng có lẽ do được tạo bởi một loại nhựa từ vỏ cây hoặc một chất keo nào đó. Phần lớn chân đế của gốm Mai Pha là được trang trí nhiều nhất, còn phần thân thì chỉ được trang trí nhẹ như văn thừng trải, văn thừng mịn và văn thừng thô, cũng có loại để trơn không trang trí. Gốm khắc vạch kết hợp chỗ lỗ thủng ở chân đế bát bồng là nét nổi bật nhất trong nghệ thuật chạm khắc và trang trí của gốm Mai Pha. Ngoài việc trang trí hoa văn trên gốm Mai Pha, cư dân văn hóa Mai Pha còn biết chế tác các đồ dùng, đồ trang sức, công cụ lao động sản xuất và vũ khí từ nhiều chất liệu khác nhau như: đá, xương, mảnh vỏ trai,…
Thông qua nền văn hóa Mai Pha và những hiện vật, di vật thu thập được tại di chỉ Mai Pha có thể khẳng định người tiền sử Mai Pha đã có những cảm nhận về mỹ thuật từ rất sớm, từ mỹ thuật chạm khắc cho đến mỹ thuật tạo hình. Họ đã biết tạo tác ra các loại công cụ sản xuất, đồ trang sức,… bằng đủ mọi chất liệu đạt được đến trình độ cao. Đồng thời họ đã biết bảo lưu và sáng tạo những họa tiết, hoa văn trên đồ dùng và chế tác ra những công cụ, đồ trang sức đẹp hơn, thẩm mỹ hơn.
Nguồn: http://baolangson.vn/tin-bai/Van-hoa-xa-hoi/van-hoa-mai-pha-nen-van-hoa-mang-dam-gia-tri-van-hoa–nghe-thuat-dac-sac/30-30-25692; covatvietnam.info chỉnh sửa

Bàu Tró – di chỉ truyền kỳ

(QBĐT) – Nằm gọn giữa lòng động cát cao sát phía bắc cửa biển Nhật Lệ, Bàu Tró có phong cảnh hữu tình, tĩnh lặng,… Không chỉ là hồ nước ngọt cung cấp nguồn nước sạch cho nhân dân thành phố Đồng Hới bấy lâu, Bàu Tró còn là nơi tồn tại những dấu tích cư trú và sinh sống của người nguyên thủy thời hậu kỳ đồ đá. Với ý nghĩa khoa học to lớn của Bàu Tró, các nhà nghiên cứu đã lấy tên di chỉ này để đặt tên cho một loại hình văn hóa tiêu biểu của  miền Trung, đó là “Văn hóa Bàu Tró”.

Bàu Tró (thuộc địa phận phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới ngày nay) tương truyền là bàu nước ngọt sạch nhất, sạch hơn nước giếng của người dân trong vùng. Khi chưa có nhà máy nước, người dân Đồng Hới thường uống nước Bảo Ninh chở sang. Nơi đây hoang vắng, chưa có dân cư và là nơi có miếu Long Vương, thờ thần Hà Bá nổi tiếng linh thiêng, hồ được giữ sạch sẽ, người dân chỉ đến đây lấy nước về dùng vào việc cúng giỗ chứ ít khi lấy nước Bàu Tró về dùng hàng ngày. Hiện nay, Bàu Tró không còn cảnh hoang vu, từ những động cát làm thành trì cho hồ đã có một phường dân cư sinh sống.

Mùa hè năm 1923, nhà khảo cổ học người Pháp Etienne Pette đã đến Bàu Tró khai quật một gò cát cạnh hồ và đã phát hiện có dấu vết của người xưa. Và tên gọi: Bàu Tró, một di chỉ của người Việt cổ cũng bắt nguồn từ đó. Nhà khảo cổ học Etienne Pette đã khẳng định người nguyên thủy đã đến cư trú quanh hồ Bàu Tró từ ngàn xưa và đã để lại dấu tích từ trong lòng cát. Những hiện vật thu được từ di chỉ khảo cổ học này hiện còn lưu trữ tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam gồm: 46 rìu đá, 140 mảnh tước, 2 hòn đá bằng thạch anh, 1 dụng cụ đá dùng để ép, 14 bàn nghiền hạt, 1 chì lưới, một đốt xương sống cá và vỏ sò, mảnh gốm…

Nhà khảo cổ cho rằng người tiền sử đã để lại các dụng cụ và rất nhiều vỏ ốc là di tích các bữa ăn của họ. Khi nền văn hóa của người nguyên thủy đã chuyển xuống ven biển, ven sông có nghĩa là họ không còn thích nghi ở trong hang động nữa. Nền văn hóa đồ đá mới phân bố khắp nơi trên đất Quảng Bình, từ bắc vào nam, từ núi rừng xuống đồng bằng. Di chỉ Bàu Tró còn khẳng định thêm một điều bí ẩn là ở thời hậu kỳ đồ đá mới, người tiền sử Bàu Tró rất thạo nghề đánh cá biển và việc tìm thấy những mũi tên bằng xương cá chứng tỏ nghề săn bắn lúc này cũng khá phát triển.

Toàn cảnh Bàu Tró nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh Bàu Tró nhìn từ trên cao.

Cũng tại Bàu Tró, mùa xuân năm 1980, Khoa Khảo cổ Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế) lại khai quật di chỉ này một lần nữa. Địa điểm khai quật nằm phía tây nam Bàu Tró, cách hố khai quật của nhà khảo cổ học Etienne Pette hơn 100m về phía tây. Hiện vật thu được gồm: 31 rìu bôn đá, 17 bàn mài, 7 chày nghiền, 3 mũi nhọn, 1 vòng, 2 phiến tước, nhiều cục thổ hoàng bị mài vẹt từ nhiều phía, 11.972 mảnh vỡ đồ gốm của nồi, niêu, bình, vò, bát, đĩa… được trang trí bằng hoa văn đấu thừng, hoa văn khắc vạch có màu đỏ, màu đen ánh chì. Và điều vô cùng lý thú là nếu năm 1923, nhà khảo cổ  Etienne Pette chỉ tìm thấy loại di chỉ cồn Cò Điệp thì nay Khoa Khảo cổ Trường đại học Tổng hợp Huế tìm thấy loại di chỉ mới đó là di chỉ Cồn Đất tại Bàu Tró. Với ý nghĩa khoa học to lớn của di chỉ Bàu Tró, các nhà nghiên cứu đã lấy tên này để đặt tên cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới, gồm các di chỉ phân bố vùng ven biển Nghệ – Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là “Văn hóa Bàu Tró”.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Văn hóa Bàu Tró là nền văn hóa tiêu biểu của miền Trung, là một trong những cội nguồn nảy sinh văn hóa Đông Sơn phía Bắc và văn hóa Sa Huỳnh ở phía Nam. Điều này còn chứng tỏ cư dân tiền sử Quảng Bình có sự giao lưu vùng rộng lớn từ Bắc đến Nam Trung bộ, phát triển liên tục từ thời kỳ đồ đá đến đồ đồng, đồ sắt.

Xung quanh 2 từ Bàu Tró, cho đến nay vẫn là một vấn đề bàn cãi chưa ngã ngũ về ngôn ngữ và lịch sử. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện Bàu Tró là di chỉ giàu về đồ gốm và giỏi về nghề gốm, nhưng các nhà ngôn ngữ học thì đoán định Bàu Tró là bàu lúa. Thêm nữa, theo truyện kể trong dân gian Đồng Hới thì Bàu Tró rất sâu, sâu không có đáy vì có người đã thử bơi bè ra giữa lòng hồ, rồi buộc đá vào dây thả xuống đo chiều sâu nhưng thả mấy cũng không thấy dây chùng lại. Lại có chuyện ly kỳ khó tin rằng, sau một trận lũ rất lớn, khi nước rút xuống có người đã lượm được những quả bưởi của vùng Trốôc Vực (Lệ Thủy) tại hai bên bờ Bàu Tró. Câu chuyện Bàu Tró đáy ngầm thông với Trôốc Vực cũng bắt nguồn từ đó.

Cùng với những di chỉ và truyền kỳ, Bàu Tró nay được Nhà máy cấp nước Đồng Hới quản lý (trực thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Quảng Bình) có công suất thiết kế cung cấp 9.000 m3 nước/ngày đêm. Hồ Bàu Tró cùng với hồ Phú Vinh cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân TP.Đồng Hới và một số xã, thị trấn của huyện Quảng Ninh. Tuy nhiên, từ năm 2003 đến nay, hồ Bàu Tró chỉ được khai thác cầm chừng với công suất 3.000m3 nước/ngày đêm (phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20% dân cư TP.Đồng Hới, số còn lại đều lấy nước từ hồ Phú Vinh).

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Quảng Bình cho biết: Sở dĩ Công ty chỉ khai thác với công suất cầm chừng như vậy là để bảo vệ Bàu Tró, di chỉ của người Việt cổ. Hồ Bàu Tró nằm sát biển, chất lượng nguồn nước có giảm so với trước đây do ô nhiễm môi trường từ quá trình đô thị hóa. Nếu khai thác hết công suất thì khả năng xâm nhập nước mặn vào hồ rất cao. Hiện tại, công nhân vận hành trạm bơm nước Bàu Tró vẫn thường xuyên theo dõi sự biến động của mực nước trong hồ để điều chỉnh chế độ khai thác hợp lý.

Cho dù là những di chỉ với những câu chuyện kỳ bí hay là hồ nước ngọt hàng ngày cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân TP. Đồng Hới thì Bàu Tró vẫn là địa danh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, rất cần được bảo vệ một cách khoa học trước nguy cơ bị ô nhiễm ngày càng tăng trong tiến trình đô thị hóa hiện nay.

Nguồn: http://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/201402/bau-tro-di-chi-truyen-ky-2113039/

Văn hóa Bàu Tró (Quảng Bình)

Văn hoá Bàu Tró thuộc thời đại đồ đá mới, cách ngày nay khoảng 5.000 – 4.500 năm. Hơn 20 di tích thuộc văn hoá Bàu Tró đã được phát hiện và nghiên cứu, chúng là những di tích cồn sò, cồn cát, cồn đất, phân bố dọc ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Hiện vật đá bao gồm rìu, bôn, cuốc, dao, dao cưa, mũi khoan, chày, bàn nghiền, hòn ghè, bàn mài, giáo, đồ trang sức, phác vật và mảnh tước. Đặc biệt rìu, bôn, cuốc là những công cụ sản xuất quan trọng nhất đều được mài toàn thân và rìu bôn có vai là công cụ đá tiêu biểu nhất của văn hoá Bàu Tró. Đây là đặc trưng quan trọng phân biệt giữa văn hoá Bàu Tró với các văn hoá đá mới khác.

Ngoài hiện vật đá, đồ gốm khá phong phú và đa dạng, bao gồm 3 loại khác nhau: gốm đáy nhọn văn chải 2 mặt, gốm đáy tròn văn thừng, gốm đáy tròn hoặc có chân đế trang trí văn khắc vạch trên nền thừng kết hợp với tô màu đỏ. Nhìn chung, văn hoá Bàu Tró đã đạt đến trình độ chế tác đá cao và làm gốm bằng bàn xoay, kiếm sống bằng thu lượm, săn bắn (bắt), đánh cá, làm nông nghiệp và chăn nuôi.

Văn hoá Bàu Tró phát sinh từ văn hoá Quỳnh Văn lên, người Bàu Tró cũng đã mở rộng giao lưu với người Hạ Long và Hoa Lộc ở phía Bắc, với cư dân Xóm Cồn ở phía Nam và với cư dân Tây Nghệ An và Quảng Bình.

Nguồn: http://baotangnhanhoc.org/vi/gioi-thieu/suu-tap-hien-vat-va-mau-vat/37-vn-hoa-bau-tro.html

Về 2 mô hình nhà thời sơ sử (thời dựng nước đầu tiên)

TÊN CỔ VẬT: Mô hình nhà (kiến trúc vật lý)

CHẤT LIỆU: Gốm thô (đất nung)

TẠO HÌNH, ĐIÊU KHẮC, HỘI HỌA: Mô hình nhà là nhà kiểu 2 tầng, có sân, cổng, cầu thang. Cổng có một cửa chính và một cửa phụ, khoảng sân rộng có tường cao, trên các bờ tường có các bộ vì kèo nhưng trang trí ở bên ngoài để tạo độ cứng, vững. Có cầu thang lên nhà, nhà có 2 gian, gian chính cao rộng có 1 cửa, có ngói bằng trên mặt ngói là các bộ vì kèo trang trí bên ngoài. Trong nhà có 1 cửa lách thông xuống gian nhỏ, mái vòm.

TÊN CỔ VẬT: Mô hình nhà chuồng (kiến trúc vật lý)

CHẤT LIỆU: Gốm thô (đất nung)

TẠO HÌNH, ĐIÊU KHẮC, HỘI HỌA: Mô hình nhà chuồng, có một cửa chính, 2 cửa phụ và một cửa lách. Xung quanh tường có các lỗ thoáng, được khắc vạch.

 

                                                                                        

 

Giao lưu văn hóa Đại Việt – Chămpa trên cổ vật

Trong tiến trình lịch sử của mình vương quốc Chămpa luôn có những mối quan hệ giao lưu và tiếp xúc văn hóa với các nước trong khu vực, trong đó có Đại Việt thời Lý – Trần.

Chămpa được thành lập vào thế kỷ thứ II, ban đầu có tên là Lâm Ấp, thế kỷ thứ VII mới đổi thành Chămpa. Buổi đầu kinh đô của vương quốc này được đặt tại Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam. Nhưng vào giữa thế kỷ thứ VIII, đã được dời xuống phía nam và đặt ở khu vực Phan Rang, Nha Trang ngày nay. Đồng thời lúc này thư tịch cổ không còn chép là Lâm Ấp nữa mà gọi là Hoàn Vương.

Hầu hết các tháp Phật thời Lý – Trần được làm bằng đất nung và có bình đồ hình vuông như tháp Bình Sơn, tháp Phổ Minh là tiếp thu từ văn hóa Chăm. Các tháp Chăm đều có bình đồ hình vuông do ảnh hưởng từ các tháp Tudi của Ấn Độ. Và tháp Chăm chỉ có một cửa vào cũng đã ảnh hưởng đến lối xây dựng chùa Một Cột dưới thời Lý.

Mô hình tháp đất nung thời Lý – Trần có bình đồ hình vuông mang hơi hướng của văn hóa Chăm

Trên những hiện vật gạch ngói úp nóc tạc hình chim uyên ương ở kinh thành Thăng Long chúng ta thấy có những nét phẳng phất giống với ngỗng thần Hamsa trong văn hóa Chăm, phần đầu cánh được xoắn lại tạo nên hình cánh cung giống với đôi cánh của thần điểu Garuda.

Tượng uyên ương trong văn hóa Lý – Trần

Chim thần Garuda trong văn hóa Chăm

Tượng chim Kinnari gốm đất nung trong văn hóa Lý – Trần được lấy nguyên mẫu từ tượng chim Kinnari bằng đá sa thạch trong văn hóa Chăm.

 

Chim Kinnari, chất liệu đá sa thạch trong văn hóa Chăm

Chim Kinnari, chất liệu gốm đất nung thời Lý – Trần

Như vậy, những dấu ấn Chămpa trong kiến trúc, mỹ thuật và tạo hình tại các công trình xây dựng cho thấy văn hóa Chămpa đã ảnh hưởng sâu sắc đến lối sáng tác, tư duy, thẩm mỹ của người Đại Việt thời Lý – Trần. Người Chăm đã mang những nét văn hóa riêng của mình ra Đại Việt, hòa trộn với văn hóa bản địa để làm nên sự tỉ mỉ, chau chuốt của các hiện vật thời Lý – Trần. Các hiện vật tồn tại cho đến ngày nay đã phần nào cho chúng ta thấy rõ điều đó.

 

 

 

Lý giải bí ẩn các cổ vật trong túi Khót của ông Mo Mường – Hòa Bình

Mo Mường là một loại hình văn hóa phi vật thể của người Việt cổ, có cơ sở vững chắc về mặt khoa học bởi nó được chứng minh thông qua túi Khót của các ông thầy Mo.

Thời tiền sử người Việt cổ tại Hòa Bình đã có những quan niệm về nhân sinh quan vũ trụ được biểu hiện trong các sử thi Mo Mường. Họ quan niệm trời sinh ra trước, đất sinh ra sau. Quan niệm này rất giống với quan niệm của một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia nói tiếng Slavơ ở châu Âu, nước Ai Cập cổ đại hay người Inca ở châu Mỹ… Đây là một quan niệm rất khoa học mà cho đến ngày nay các nhà nghiên cứu khoa học đã phải thừa nhận nó.

Trong cuộc đấu tranh sinh tồn của người Việt cổ nói riêng và loài người nói chung, con người đã biết tạo ra các công cụ lao động sản xuất, vũ khí bằng những nguyên vật liệu và kỹ thuật thô sơ, mà trong đó có những tạo hình vẫn được kế thừa cho đến tận ngày nay.

Trong những năm vừa qua đã có rất nhiều các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, những người tâm huyết với di sản văn hóa Mo Mường – Hòa Bình, đã bỏ rất nhiều tiền của, thời gian, công sức để ghi chép lại các áng Mo, sử thi về Mo. Tổ chức rất nhiều các lễ hội và chuyển thể một số áng Mo thành các ca khúc với ca từ gần gũi với đời sống thường ngày của người dân… Tất cả vấn đề trên đều toát lên chủ đề xuyên suốt về giáo dục con người tiến bộ mà cho đến ngày nay vẫn chưa hề lạc hậu. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mo Mường – Hòa Bình rất quan trọng và khẩn cấp, nó có vai trò không chỉ đối với nhân dân Hòa Bình mà còn cả dân tộc Việt chúng ta ngày nay.

Một điều rất quan trọng ở đây đó là vì có quan niệm nhân sinh quan nên trong túi Khót của các ông Mo Mường luôn luôn có các viên sa thạch (testit màu đen hình bánh dầy) và các viên đá bán quý có độ cứng từ 6 – 8 mohs được tìm kiếm và khai quật trong lòng đất. Ngoài ra còn có rất nhiều các vật chứng lịch sử liên quan đến các nghi lễ truyền thống của người Mường, được làm bằng các chất liệu đá, đồng, nhuyễn thể… Những vật chứng này được giữ gìn qua nhiều thế hệ, sử dụng làm đồ tế khí để tạo thêm sức mạnh huyền bí, phục vụ công tác giáo dục cộng đồng về quá trình đấu tranh sinh tồn của loài người.

Qua đây tôi xin phân tích về túi Khót của các ông Mo như sau:

Hiện vật trong túi Khót của các ông Mo Mường. Nguồn: Internet

Trải qua nhiều thế hệ, túi Khót của các ông Mo luôn được giữ gìn như một báu vật mà không phải ai cũng được xem và sờ vào. Trong túi Khót đó lưu giữ những vật chứng lịch sử vô cùng quý giá và khác biệt với các vật chứng lịch sử do các nhà khảo cổ học khai quật được vì lý do sau đây:

Thứ nhất, viên thiên thạch theo quan niệm của người Mường là ông trời rơi xuống tạo ra Trái đất và viên đá bán quý là vật chứng lịch sử quý nằm trong lòng  đất. Hai vật chứng này thể hiện cho quan niệm về thiên địa nhân hợp nhất của người Mường, họ đã biết sử dụng những vật quý ở trên trời và dưới đất cùng các công cụ lao sản xuất để thu phục thú dữ, chinh phục thiên nhiên tạo ra sức mạnh nhằm giáo dục cộng đồng sống đoàn kết, đấu tranh chống thiên nhiên, tăng cường sức sống trước sự khắc nghiệt của thời tiết ở các giai đoạn tiền sử và sơ sử.

Thứ hai, bên cạnh các viên sa thạch và đá bán quý, trong túi Khót của các ông Mo còn có rìu đá, vòng tay đá có niên đại hàng chục nghìn năm trong văn hóa Phùng Nguyên; rìu xéo và mũi giáo đồng cách ngày nay hàng nghìn năm trong văn hóa Đông Sơn cùng các vật chứng bằng nhuyễn thể như xương, sừng, nanh vuốt của các loài thú dữ. Tất cả các vật chứng lịch này được lưu giữ lại thể hiện quan niệm con người…

Qua các vật chứng lịch sử này, chúng ta có thể thấy được sức mạnh của túi Khót khi các thầy Mo làm lễ mang đến sức thuyết phục cao đối với cộng đồng và hướng cộng đồng tới những áng Mo mang tính giáo dục và nhân văn sâu sắc.