* Tên gọi khác: Bia bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh của vua thứ tư nhà Lý, nước Đại Việt.
* Đơn vị và cá nhân lưu giữ hiện vật: Ban Quản lý di tích chùa Long Đọi Sơn xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
* Chất liệu: Bằng đá xanh nguyên khối.
* Tên gọi khác: Bia bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh của vua thứ tư nhà Lý, nước Đại Việt.
* Đơn vị và cá nhân lưu giữ hiện vật: Ban Quản lý di tích chùa Long Đọi Sơn xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
* Chất liệu: Bằng đá xanh nguyên khối.
Đền thờ Lê Văn Thịnh tọa lạc ở sườn phía nam núi Thiên Thai, nay thuộc thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình. Đây là nơi tôn thờ, tưởng niệm sâu sắc về Trạng nguyên khai khoa-Thái sư Lê Văn Thịnh, một danh nhân tiêu biểu có công lao to lớn đối với vương triều Lý và đất nước ta
Ngôi đền được xây dựng từ lâu đời bên cạnh chùa Thiên Thư, trên mảnh đất vốn là nhà riêng của Thái sư Lê Văn Thịnh. Hiện trong khu di tích còn bảo lưu được nhiều tài liệu hiện vật phản ánh về cuộc đời, sự nghiệp Thái sư Lê Văn Thịnh trong đó có tượng “rồng đá”, được các nhà nghiên cứu đánh giá là “độc nhất vô nhị” chưa từng có trong nền mỹ thuật Việt Nam. Continue reading
Mộ thuyền là một trong những táng tục đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Cho đến nay, mộ thuyền đã được phát hiện trong nhiều di tích Đông Sơn, cung cấp những tư liệu quý báu cho chúng ta tìm hiểu về tính chất cũng như các mối quan hệ của văn hóa nổi tiếng này. Một trong những phát hiện sớm nhất và quan trọng nhất về mộ thuyền trong văn hóa Đông Sơn đó là ngôi mộ Việt Khê (mộ số 2 – M2).
Mộ Việt Khê M2 được phát hiện vào năm 1961 cùng với 4 mộ thuyền khác tại một cánh đồng ven sông Hàn, thuộc thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Trong 5 ngôi mộ, mộ Việt Khê M2 là quý giá nhất bởi còn khá nguyên vẹn và có nhiều đồ tùy táng, với hơn 100 hiện vật chôn theo.
Mộ Việt Khê được phát hiện tại công trường đào đất Việt Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên,
thành phố Hải Phòng năm 1961
Đây là ngôi mộ thuyền lớn nhất của văn hóa Đông Sơn, làm từ thân cây khoét rỗng, có hình dáng như một chiếc thuyền độc mộc với một đầu to, một đầu nhỏ. Quan tài có tiết diện hình tròn, gồm có phần thân và phần nắp, dài khoảng 4,76 m, cao khoảng 0,6 m. Mặt trong của quan tài được khoét rất đều và đẹp, nhưng mặt bên ngoài chỉ được bóc lớp vỏ cây chứ không có vết chế tác.
Mộ thuyền Việt Khê, Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500 – 2.000 năm. Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013
Đây cũng là ngôi mộ thuyền có nhiều đồ tùy táng nhất trong văn hóa Đông Sơn, với hơn 100 hiện vật, bao gồm đồ đồng, đồ sơn, một số đồ tre gỗ và da, nhưng không thấy có đồ sắt và đồ gốm. Những đồ tùy táng này được sắp xếp như sau: ở đầu to xếp những hiện vật cỡ lớn như trống, thạp, bình, đỉnh; ở đầu nhỏ đặt các công vụ và vũ khí như rìu, đục, dao găm; ở giữa có chuông, khay, thố và một mảnh da có sơn, dọc hai bên đặt các loại giáo có cán và bơi chèo bằng gỗ; dưới đáy quan tài còn có nhiều đồ đan, vải đã bị mục nát. Trong những đồ tùy táng này, bên cạnh các hiện vật đặc trưng của văn hóa Đông Sơn còn có các hiện vật phản ánh sự giao lưu, giao thoa văn hóa như kiếm, chuông, dao gọt hay khay.
Một số đồ tùy táng mộ thuyền Việt Khê:
Muôi đồng trang trí hình người thổi khèn
Muôi đồng hình tẩu
Đỉnh đồng
Bình đồng
Thạp đồng
Thố đồng
Âu đồng
Rìu đồng
Dao đồng
Giáo đồng
Trống đồng
Mặt trống đồng
Dựa trên kĩ thuật chế tác quan tài và đặc trưng đồ tùy táng, có thể định niên đại mộ Việt Khê M2 ở vào khoảng thế kỷ 3 – 2 trước Công nguyên.
Việc phát hiện mộ thuyền Việt Khê có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó không chỉ là nguồn tài liệu quý giá để nghiên cứu về táng tục và táng thức của cư dân Đông Sơn, mà còn là cơ sở để nghiên cứu về lịch sử hình thành giai cấp trong xã hội Đông Sơn, về mối quan hệ văn hóa giữa khu vực Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc, hay về các ngành nghề thủ công truyền thống.
Với những ý nghĩa đó, mộ Việt Khê M2 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2013. Hiện nay mộ Việt Khê M2 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) và luôn là một điểm dừng thú vị, hấp dẫn đối với khách tham quan trong và ngoài nước./.
Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Không phải ngẫu nhiên mà đợt phong tặng danh hiệu Bảo vật quốc gia lần đầu cho 30 hiện vật, có 2 trống đồng và 2 tượng đồng của văn hóa Đông Sơn. Hai trống đồng là Ngọc Lũ và Hoàng Hạ, đã quá nổi tiếng. Tượng đồng người cầm đĩa đèn phát hiện ở Lạch Trường cũng xứng đáng là bảo vật và được nói đến nhiều. Thế còn bức tượng còn lại?
Đó là tượng người cõng nhau thổi khèn. Hết sức sinh động, có lẽ là một bức tượng đẹp nhất trong các khối tượng biết đến nay thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Người Đông Sơn vốn giỏi đúc đồng. Họ cũng là tác giả của nhiều bức tượng từ gốm, đá đến chất liệu đồng thau. Nhưng có lẽ đẹp nhất phải kể đến tượng bằng đồng vì nó được miêu tả tinh mĩ hơn do cách làm khuôn uyển chuyển mềm mại hơn là đẽo đá, lại có được sắc óng vàng của chất liệu đồng thau đem lại.
Người Đông Sơn đã đúc thành công 5 cặp tượng người trên nắp thạp đồng Đào Thịnh miêu tả 5 đôi trai gái đang giao duyên khá hiện thực, còn thấy được cả giới tính người đàn ông, nếp khố, lưng còn đeo dao găm. Họ cũng đúc được các loại cóc gắn trên mặt trống đồng, tượng chó trên mặt trống minh khí, tượng hươu, tượng lợn. Một loạt tượng người, hổ, rắn trên cán dao găm khá đẹp mà nay người ta gọi là dòng nghệ thuật ứng dụng: kết hợp tạo tượng ghép với sự trang trí đồ vật. Cũng có khi có tượng người thổi khèn ngồi ở cán muôi đồng Việt Khê.
Nhưng phần lớn các tượng kể trên đều là tượng trong tư thế “tĩnh”. Còn bức tượng hai người cõng nhau thổi khèn lại trong tư thế “động”: người cõng thì chân cao, chân thấp, nhún nhảy như muốn bước thêm một bước nữa. Người ngồi trên lưng thì thổi khèn say sưa. Tượng được miêu tả trong điệu nhảy và trong điệu khèn. Cái khéo của tượng chính là miêu tả hết sức có hồn hai người đàn ông: người cõng đội khăn đầu rìu, đóng khố, đuôi khố thòng ra phía sau, chấm đất. Người xưa khéo xử lý đuôi khố để thành một chân tượng kết hợp với hai chân của người đang cõng, tạo thành cái thế “chân vạc” giúp tượng không có đế, nhưng có 3 điểm tựa vững chãi. Hai tay người cõng vòng ra sau, ôm lấy lưng người ngồi trên khá chắc chắn và hiện thực. Người ngồi trên lưng có tay cầm khèn, miệng ngậm khèn đang say sưa thổi. Cả hai người đều tết tóc thành đuôi tròn sau gáy, đeo đồ trang sức khá to ở tai. Các chi tiết như miệng, mắt, mũi đều được mô tả chi tiết.
Cả bức tượng sinh động nhường vậy nhưng lại có kích thước nhỏ: chiều cao 8,5cm rộng ngang 9,5cm. Mặc dù nhỏ, nhưng lại là tuyệt tác về nghệ thuật, chuyên chở được cái “thần thái” của nghệ thuật tạo tượng Đông Sơn: cái chất sống động, kết hợp giữa tạo dáng với tạo văn: một số hoa văn khắc vạch có mặt trên tóc, trên tay. Đây cũng còn là một tuyệt tác về đúc đồng. Vào thời điểm đúc tượng, người nghệ nhân đúc tượng làm khuôn bằng đất. Qua quan sát, có thể thấy tượng đúc liền khối chứ không chắp vá, chứng tỏ kỹ nghệ làm khuôn rất giỏi, phải có cách tạo khuôn ghép nhiều bộ phận nhỏ, mới tạo ra được các khối thanh mảnh, các chỗ lồi lõm, mà khi đúc, nước đồng vẫn điền đầy chi tiết.
Tượng người cõng nhau thổi khèn còn chứa chất khá nhiều thông điệp về lịch sử thời văn hóa Đông Sơn. Niên đại của tượng vào khoảng vài trăm năm trước Công Nguyên. Qua đó, ta biết được thời điểm này, người Việt cổ rất lạc quan, tâm thái của tượng có cái chất phơi phới, vô tư, đúng như thư tịch cũ còn ghi lại: vào thời Hùng Vương, Vua tôi hòa nước sông chén rượu ngọt ngào, cùng nhau vui chơi vô sự, gọi là đời rất hồn nhiên.
Tượng cũng cho thấy hình ảnh của cây khèn đang được thổi, đó là một loại nhạc cụ được khắc họa trên trống đồng, rìu đồng, tượng người thổi khèn còn trên cán muôi. Đây là nhạc cụ phổ biến thời Hùng Vương. Chúng ta có thể thấy một dàn nhạc có bộ gõ (trống, chuông, chiêng) bộ hơi (khèn) đã làm nên một dạng hòa âm đặc biệt của thời này. Khèn cũng là một dụng cụ âm nhạc tồn tại khá lâu, cho đến nay, nhiều dân tộc ở miền núi nước ta vẫn coi khèn là nhạc cụ không thể thiếu của dân tộc mình như người H’Mông, người Tây Nguyên. Qua cây khèn bè và những so sánh dân tộc học, có thể đoán định vào thời văn hóa Đông Sơn của các Vua Hùng, có nhiều tộc người khác nhau cùng tham gia khai phá và dựng nước, họ cũng đều là các tộc người thích âm nhạc, nhất là khèn.
Tượng còn cho thấy một nét sinh hoạt văn nghệ đương thời: múa nhảy. Người Việt cổ vừa thổi khèn, vừa múa nhảy. Qua hình tượng đã có thể khẳng định thêm các tư liệu khảo cổ đã biết: người xưa đã có múa nhảy. Họ đã đeo khá nhiều vòng có gắn nhạc đồng, mà các nhà khoa học gọi là vòng ống. Đeo vòng ống dọc bắp tay, cánh tay, cổ chân. Một số khuyên tai, xà tích cũng gắn nhạc. Đến khi nhảy, múa, tiếng nhạc rung lên lanh canh, rộn ràng. Việc múa và nhảy trong sinh hoạt văn hóa là đặc điểm của Đông Sơn, phần lớn được thực hiện trong các ngày hội như mừng năm mới, mừng cơm mới, cưới xin… Ngày nay, các điệu múa, nhảy ít còn thấy trong cộng đồng người Việt Nam. Chỉ còn đôi nét múa nhảy còn thể hiện ở các điệu múa nhảy truyền thống như ca nữ đánh bồng mà thôi.
Cũng cần nhớ lại bức tượng người cõng nhau thổi khèn đã được tìm thấy ngay ở di chỉ khảo cổ học Đông Sơn nổi tiếng cách đây khoảng 80 năm trong cuộc khai quật của một người Pháp tên là Pajot. Tượng đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia Việt Nam. Tượng còn quý ở chỗ có giá trị độc bản. Không thấy những bức tượng nhảy múa sinh động giống thế trong nền văn hóa Đông Sơn, mặc dù đã có hàng trăm làng cổ và khu mộ cổ của nền văn hóa này được khai quật.
Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Trống đồng Ngọc Lũ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 1 theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 01/10/2012.
Trống thuộc văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.000 – 2.500 năm; có kích thước: đường kính mặt: 79,3 cm; đường kính chân: 80 cm; cao: 63 cm; được phát hiện khi đắp đê Trần Thủy tại xã Như Trác, huyện Nam Xang (nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) năm 1893, sau đó được đưa về thờ tại đình làng Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Tháng 4 năm 1903, trống được Viện Viễn Đông Bác cổ sưu tầm và sau đó được lưu giữ tại Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).
Trống đồng Ngọc Lũ
Bản vẽ mặt đứng trống đồng Ngọc Lũ
Hoa văn trang trí trên mặt trống đồng Ngọc Lũ
Mặt trống trang trí hình mặt trời 14 tia, giữa các tia trang trí hoa văn lông đuôi chim công. Tiếp đến là 16 vành hoa văn, phân cách giữa các vành là những đường gờ nổi.
Hình mặt trời 14 tia giữa mặt trống. Xen giữa mỗi tia là họa tiết lông đuôi chim công
Vành số 1, 5, 11, 16 là hoa văn chấm nhỏ. Vành số 2, 4, 7, 9, 13, 14 là hoa văn vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Vành số 3 là hoa văn hình chữ N gấp khúc nối tiếp.
Vành số 6, 8, 10 là các vành hoa văn chủ đạo.
Vành số 6 trang trí hình người nhảy múa, nhà cầu mùa mái vòm, nhà sàn mái cong, người giã gạo, cảnh đánh trống đồng… đối xứng qua tâm, chia thành 5 nhóm:
– Nhóm thứ nhất trang trí hình người nhảy múa, từ trái sang phải, có 6 đến 7 người. Trong số đó, có 1 người không đội mũ, 6 người còn lại đội mũ lông chim; 5 người cầm giáo. Nhóm 6 người đối xứng với nhóm 7 người, đều đội mũ lông chim, mặc váy hai vạt, vừa đi vừa múa, 1 người cầm rìu, 1 người thổi khèn, và 4 người cầm giáo.
Hình người hóa trang lông chim, tay cầm nhạc cụ hoặc vũ khí trong tư thế chuyển động về phía trước
Nhạc công đầu đội mũ lông chim vừa chơi nhạc, thổi khèn, vừa nhảy múa
– Nhóm thứ hai là hình nhà cầu mùa mái vòm, trang trí người búi tóc, trong tư thế hành lễ, hai bên vách là họa tiết vòng tròn chấm giữa.
Hình nhà cầu mùa mái vòm. Hai bên vách trang trí vòng tròn chấm giữa. Trong nhà có người đứng hành lễ, hai tay cầm vật gì đó giơ cao
Hình nhạc công với chim mỏ ngắn, đầu tròn bay ở phía trên
– Nhóm thứ ba trang trí hình đôi trai gái đang cầm chày giã gạo. Bên trái có một người hướng về phía ngôi nhà mái vòm, trên đầu có 1 con chim đang bay.
Hình đôi nam – nữ giã gạo
– Nhóm thứ tư trang trí hình nhà sàn mái cong, trên nóc nhà có 1 con chim đuôi dài đậu. Đối xứng với chim đuôi dài là một ngôi nhà sàn mái cong khác, trên nóc nhà có cặp chim trống – mái. Trong nhà có 2 người ngồi đối diện trong tư thế đầu ngẩng cao, ngửa ra sau, tóc xõa, đang hát giao duyên hoặc chơi trò chồng nụ chồng hoa. Bên phải, phía dưới hiên nhà có 1 người ngồi, đối diện có 1 chiếc trống đồng nằm ngang.
Hình nhà sàn mái cong với một cặp chim trống – mái đậu trên nóc. Trong nhà có hai người tóc xõa ngồi đối diện, đang hát giao duyên hoặc chơi chồng nụ chồng hoa. Đầu hồi bên phải có một người ngồi đánh trống. Phía hồi đối diện có một chiếc trống đồng nằm nghiêng.
– Nhóm thứ năm trang trí cảnh đánh trống đồng đối xứng. Cảnh thứ nhất gồm 4 người búi tóc ngồi phía bên phải, tay cầm gậy dài chấm đến sàn. Cảnh thứ hai cũng có 4 người, trong đó có 1 người đứng, tay cầm gậy. 3 người còn lại ngồi tay cầm gậy dài chấm đến sàn. Phía dưới có 4 chiếc trống đồng xếp thành một dãy.
Vành số 8 có 2 nhóm hươu, tổng cộng 20 con, mỗi nhóm 10 con, đực cái xen kẽ, xen kẽ giữa các nhóm là 14 con chim lạc, với hai nhóm 6 con và 8 con, hướng ngược chiều kim đồng hồ.
Vành số 10 là 36 con chim, trong đó có 18 con bay và 18 con đậu, ngược chiều kim đồng hồ.
Vành số 12, 15 là hoa văn răng cưa. Viền mặt trống không có hoa văn, có vết con kê hình vuông không đều nhau.
Tang trống có 10 vành hoa văn. Vành số 1, 6, 8, 10 là hoa văn vòng tròn chấm nhỏ. Vòng số 2, 5 là hoa văn răng cưa. Vành số 3, 4 là hoa văn vòng tròn chấm giữa tiếp tuyến song song. Vành số 7 là hoa văn người hóa trang lông chim đua thuyền và chim cốc. 6 hình thuyền đi từ trái sang phải, thuyền thứ 1 có 5 người, thuyền thứ 4 có 6 người, thuyền thứ 2, 3, 5, 6 có 7 người, các nhân vật như thuyền trưởng, thủy thủ, người cầm lái, người bắn tên, người giết tù binh, tù binh…
Hình thuyền chiến 1. Kiểu thuyền mũi cong, có bánh lái, mắt thuyền hình tròn đồng tâm chấm giữa. Trên thuyền có 4 người và 1 con chó săn. Giữa thuyền có thể là người chỉ huy, một tay cầm dùi đánh trống da, tay còn lại cầm rìu chiến. Phía đuôi thuyền có 1 người cầm lái. Một chiến binh ngồi trước mũi thuyền, tay cầm rìu chiến. Trên đài quan sát có 1 chiến binh đứng ngược hướng thuyền chạy, hai tay giơ cao cung nỏ. Dưới đài có trống đồng để ngửa và bình đồng.
Hình thuyền chiến 2. Kiểu thuyền mũi cong, có bánh lái, mắt thuyền hình tròn đồng tâm chấm giữa. Trên thuyền có 7 người và 1 con chó săn. Giữa thuyền là người chỉ huy, một tay đánh trống da, một tay đang túm tóc kéo lê 1 tù binh lõa thể và 1 chiến binh một tay cầm giáo, một tay kéo lê 1 tù binh lõa thể khác. Phía đuôi thuyền có 1 thủy thủy cầm lái. Một chiến binh ngồi trước mũi thuyền, tay cầm rìu chiến. Trên đài quan sát có 1 chiến binh đứng ngược hướng thuyền chạy, hai tay giơ cao cung nỏ. Dưới đài có trống đồng để ngửa.
Hình thuyền chiến 3. Kiểu thuyền mũi cong, có bánh lái, mắt thuyền hình tròn đồng tâm chấm giữa. Trên thuyền có 6 người. Giữa thuyền là người chỉ huy, một tay đánh trống da, một tay kéo lê 1 tù binh lõa thể, 1 chiến binh đang một tay cầm rìu, một tay cầm giáo chuẩn bị đâm tù binh. Phía mũi thuyền có 1chiến binh ngồi, tay cầm rìu chiến. Trên đài quan sát có 1 chiến binh đứng xuôi hướng thuyền chạy, hai tay giương cung bắn tên. Người cầm lái cũng cầm cung tên.
Hình thuyền chiến 4. Kiểu thuyền mũi cong, có bánh lái, mắt thuyền hình tròn đồng tâm chấm giữa. Trên thuyền có 7 người. Giữa thuyền là người chỉ huy, một tay đánh trống da, một tay kéo lê 1 tù binh lõa thể, 1 chiến binh cầm giáo chuẩn bị đâm tù binh. Phía mũi thuyền có 2 chiến binh ngồi, tay cầm rìu chiến. Đuôi thuyền có 1 người cầm lái. Trên đài quan sát có 1 chiến binh đứng xuôi hướng thuyền chạy, hai tay giương cung bắn tên. Dưới đài có một chiếc bình đồng.
Hình thuyền chiến 5. Kiểu thuyền mũi cong, có bánh lái, mắt thuyền hình tròn đồng tâm chấm giữa. Trên thuyền có 7 người. Giữa thuyền là người chỉ huy, hai tay thúc trống da và 1chiến binh một tay túm tóc, một tay cầm giáo đâm vào đầu tù binh. Phía mũi thuyền có 2 chiến binh ngồi, tay cầm rìu chiến. Đuôi thuyền là người cầm lái. Chiến binh giương cung đứng trên đài quan sát xoay ngược hướng thuyền chạy. Dưới đài có một chiếc trống đồng.
Hình thuyền chiến 6. Kiểu thuyền mũi cong, có bánh lái, mắt thuyền hình vòng tròn đồng tâm chấm giữa. Trên thuyền có 7 người. Giữa thuyền là người chỉ huy một tay đánh trống, một tay túm đầu tù binh, 1 chiến binh một tay cầm giáo đâm ngập đầu tù binh, tay còn lại cầm giáo huơ cao. Phía mũi thuyền có 1 chiến binh ngồi, tay cầm rìu chiến và 1 chiến binh đứng sau, một tay cầm giáo, tay kia cầm cờ. Người cầm lái trong tư thế ngồi. Chiến binh giương cung đứng trên đài quan sát xoay xuôi hướng thuyền chạy. Dưới đài có trống đồng đặt úp.
Hình chiến binh trên thân trống, được thể hiện trong 8 ô, mỗi ô có hai chiến binh đầu đội mũ lông chim, một tay cầm rìu chiến, một tay cầm mộc.
Thân trống có 10 vành hoa văn. Vành số 1, 3, 5, 10 là hoa văn chấm nổi, vành số 2 là hoa văn chữ V lồng nhau, hoa văn chấm, giữa hoa văn gân lá có hoa văn hai vòng đồng tâm tiếp tuyến, chia làm 8 ô theo chiều dọc. Mỗi ô có 2 người múa. Trên đầu người múa đội mũ, mặc váy, tay trái cầm mộc, tay phải cầm rìu, vừa đi vừa múa.
Hình chim đầu tròn mỏ ngắn đang bay và cặp hươu đực – cái xen kẽ
Hình chim Lạc đang bay xen kẽ chim mỏ ngắn đang đậu
Phần chân trống trơn không trang trí hoa văn. Bốn quai trống dẹt, trang trí văn thừng tết.
Trống đồng Ngọc Lũ thuộc loại HI theo phân loại của học giả Áo F.Héger, là chiếc trống đẹp, tinh xảo, nguyên vẹn và có hình dáng cân đối, hài hòa nhất trong những trống Đông Sơn đã phát hiện. Ngoài chức năng chính là một loại nhạc cụ quan trọng, cũng như các trống đồng Đông Sơn khác, trống đồng Ngọc Lũ còn là biểu tượng quyền lực của các thủ lĩnh Đông Sơn.
Hình người ngồi trên sàn cao đánh trống đồng, hoặc đang phá khuôn sau khi đúc trống đồng
Trống đồng Ngọc Lũ không chỉ thể hiện trình độ đúc đồng đỉnh cao mà còn là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho tài năng sáng tạo của người Việt cổ, lả biểu tượng của văn hóa Việt Nam.
Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Mỗi một cổ vật được phong làm Bảo vật Quốc gia đều phải hết sức quý giá, lại độc bản. Thêm nữa, như số phận đời người, những bảo vật này có thể kể cho chúng ta biết bao nhiêu là chuyện.
Trống Hoàng Hạ được các nhà khoa học coi là “Á Hậu” trong cuộc thi vẻ đẹp của trống đồng Đông Sơn ở ta. Mà trống Hoàng Hạ đẹp thật, có lẽ chỉ kém trống Ngọc Lũ đương kim “Hoa Hậu” tí tí. Trống có dáng đẹp, thân trống chia ba phần cân đối. Đường kính mặt 78,5cm chiều cao 61,5cm. Trang trí giữa mặt trống là hình ngôi sao có 16 cánh. Xung quanh ngôi sao là 15 vành hoa văn, có những hoa văn đẹp và hiện thực như: hình 14 con chim bay mỏ dài, đuôi xòe và chân dài. Lại có vành hoa văn người múa hóa trang đang cầm giáo đồng, rìu đồng và khèn bè trong cảnh một ngày hội mùa hay hội làng náo nhiệt. Có cả cảnh hai ngôi nhà sàn mái cong, trên nóc có hình chim đậu, bên trong có cảnh người ngồi đánh trống da, hình trống đồng và cảnh đôi nam nữ ngồi giữa nhà đang đập tay vào nhau như một trò hát đối đáp xưa kia. Nối với căn nhà sàn mái cong này là một sàn nhà khác có cảnh 4 người đang ngồi đánh trống đồng, cầm dùi gõ thẳng xuống 4 chiếc trống đồng đang úp sấp. Gần đó là cảnh đôi trai gái đang giã gạo chày tay. Kế tiếp là hai ngôi nhà sàn đối xứng nhau qua tâm trống có mái cong và đôi chim đang đậu trên nóc. Dường như người nghệ sĩ xưa muốn biểu thị không khí ngày hội có nhiều nét giống với ngày hội của các dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay, cũng có cảnh trai gái trong trang phục ngày hội đang múa vòng tròn quanh cột thiêng chuẩn bị đâm trâu.
Trống đồng Hoàng Hạ
Hình người chèo thuyền và chim ngậm mồi trên tang trống Hoàng Hạ
Vùng trũng bốn huyện phía nam Hà Nội: trước văn hóa Đông Sơn chưa có người cư trú. Sau đó, làn sóng dân vùng cao tràn xuống khai hoang, cũng là nơi đào được trống Hoàng Hạ.
Tang trống miêu tả một đoàn thuyền gồm 6 chiếc. Trên thuyền có hoa văn người đánh trống, người hóa trang đội mũ cắm lông chim cầm giáo, người ngồi đánh trống, người cầm mái chèo. Trên mỗi thuyền lại có lầu cao, tầng dưới để trống đồng, tầng trên có người dương cung chuẩn bị bắn. Lại còn có cảnh một người tay cầm giáo, tay khác túm tóc một người đang trần truồng như trong cảnh chuẩn bị giết tù binh làm lễ hiến tế. Xen giữa các thuyền là các hình chim đứng và dưới các chiếc thuyền là hoa văn hình cá bơi. Phần giữa thân gọi là lưng trống có cảnh chiến binh đang cầm rìu chiến và cũng được hóa trang lông chim.
Hoa văn trên trống đồng Hoàng Hạ đại thể là như vậy, thuộc loại trống Đông Sơn có những hoa văn hiện thực tả người, chim, nhà sàn, thuyền đẹp nhất trong nhóm trống đứng đầu về nghệ thuật tạo hình là Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà và Cổ Loa. Người xưa tạo ra những hoa văn tuyệt mĩ như vậy, nhưng không phải là vô tình, mà đều là biểu tượng. Mỗi hoa văn đều mang ý nghĩa nhất định, mà cho đến nay, mỗi học giả trong và ngoài nước đều giải mã một cách khác nhau. Thế mới biết cái ngôn ngữ nghệ thuật thật là đa nghĩa. Xưa cũng vậy mà nay cũng thế.
Người đầu tiên cho rằng trống đồng Hoàng Hạ là một công cụ lịch pháp của người Việt cổ là nhà nghiên cứu Bùi Huy Hồng. Ông cho rằng trống này là công cụ để đo bóng mặt trời để biết thời điểm ngày Xuân Phân hay Thu Phân, Đông Chí hay Hạ Chí tương ứng với các ký hiệu hoa văn trên mặt trống. Cách đây hơn 40 năm, ông đã có một thí nghiệm đo bóng mặt trời trên trống Hoàng Hạ, đặt trống thăng bằng úp trên mặt đất rồi dùng dây dọi đặt cột đo cao 345 mm đứng ở giữa tâm trống (độ cao của cột đo bóng nắng trong thí nghiệm ngày nay). Kết quả là khi nào bóng của đầu chiếc cột đo lúc giữa trưa ngả đúng vào đường giữa dây cung hoa văn trên trống thì ngày đó là ngày Xuân Phân hay Thu Phân. Theo ông, chính mặt chiếc trống đồng tìm được ở Hà Nội này là một chiếc đồng hồ mặt trời, một tấm lịch, một bức Thiên Đồ của thời Hùng Vương.
Cách kiến giải của ông Bùi Huy Hồng đã gây ra tranh cãi trong giới khoa học. Cũng chẳng rõ người xưa có coi trống Hoàng Hạ là lịch pháp hay không, nhưng rõ ràng cũng là một cách gợi ý giải mã hoa văn đáng lưu ý. Người Việt xưa không phải vô tình tạo ra các hoa văn chỉ đơn thuần là chạy theo cái đẹp. Qua hoa văn trống Hoàng Hạ và so sánh nhiều nguồn tư liệu thì nhiều nhà khoa học cho rằng đoàn người cầm vũ khí quanh hình mặt trời (được thể hiện là ngôi sao 16 cánh) có liên quan đến lễ hội. Có thể là lễ hội đâm trâu hay đâm bò, mà trên một chiếc trống Đông Sơn cùng thời còn có nguyên cảnh này với cây cột thiêng cột chặt một con bò có u và cạnh đó là chiến binh cầm rìu bổ xuống. Tang trống Hoàng Hạ thì có cảnh hiến tế trên thuyền, liên quan đến lễ hội cầu nước phổ biến ở nhiều vùng nước ta.
Trống Hoàng Hạ còn giúp các nhà sử học dựng được bức tranh lịch sử của thủ đô Hà Nội cách đây hơn 2000 năm. Trống được phát hiện ở độ sâu 1,5m trong lòng đất ngày 13 tháng 7 năm 1937 khi người dân đào mương ở xóm Nội, làng Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên. Cái giá trị lịch sử nhất ở chỗ trống được phát hiện ngay trong lòng đất, chứng tỏ cư dân cổ đại ở đây phải là chủ nhân, từng sử dụng và chôn cất trống, chứ không phải sưu tập ngẫu nhiên ở đâu đó. Cũng tức là người Việt ở bên bờ sông Hồng là chủ nhân trống đồng. Bản quyền đúc những chiếc trống đẹp như Hoàng Hạ là tổ tiên chúng ta. Gần đây việc phát hiện ra một mảnh khuôn đúc trống lại càng khẳng định điều này.
Việc phát hiện trong lòng đất chiếc trống Hoàng Hạ ở Phú Xuyên lại giúp cho các nhà khảo cổ biết được nhiều điều bí ẩn của vùng đất này hơn nữa. Cách đây khoảng 5000 năm cả vùng Hà Nội ngày nay là vịnh biển, chỉ có …cá mới sống được. Đến thời điểm 4000 năm, khi nước biển rút đi (mà thuật ngữ khoa học gọi là thời kỳ biển thoái), thì đồng bằng mới lộ ra dần dần. Rồi lại phù sa sông Hồng bồi đắp mới có con người từ vùng núi và trung du đổ về khai hoang lập ấp. Một vài làng cổ còn để lại dấu tích trong lòng đất những đồ gốm, đồ đá, đồ đồng.
Tuy nhiên, không phải chỗ nào người cổ cũng lập làng được, mà chỉ ở những vùng đất cao ráo. Các vùng thấp như 4 huyện ngoại thành Hà Nội ngày nay là Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức còn quá lầy lội chưa thích hợp với sự khai hoang. Trước thời kỳ văn hóa Đông Sơn, không có một di tích nào chứng tỏ có con người sinh sống ở các huyện này.
Chỉ đến thời điểm cách đây hơn 2000 năm, cái vùng trũng bốn huyện của Hà Nội mới được phù sa bồi đắp dần cao lên, người Việt mới tràn về ồ ạt để khai hoang, lập làng mới. Theo thống kê thì số người khai hoang, chinh phục đồng bằng ở vùng đất trũng bốn huyện Hà Nội đã làm nên một làn sóng tụ cư mới, sinh con đẻ cái và một cuộc “nổ bùng dân số” bắt đầu. Họ đã đúc nên một số trống đồng đẹp như trống Hoàng Hạ. Có thể chiếc trống này được sử dụng trong ngày hội, rồi lại là đồ tùy táng chôn theo người chết mà ngày nay thân xác chẳng còn, chỉ còn lại trống đồng mà thôi.
Trống Hoàng Hạ trong lòng đất Phú Xuyên, vì thế như một chứng tích của cư dân văn hóa Đông Sơn chinh phục vùng đất trũng, còn ngập mặn. Đó cũng là bằng chứng của sự gian lao vô bờ bến và công sức khai hoang mảnh đất phía nam Hà Nội khi đó. Biết bao mồ hôi của người xưa đã đổ ra để cải tạo mảnh đất Phú Xuyên thành những cánh đồng nặng trĩu hạt lúa như ngày nay.
Cái quá trình chinh phục đồng bằng của người Việt cổ còn tiếp tục diễn ra sau cái thời của trống đồng Hoàng Hạ hàng nghìn năm nữa, cho đến tận ngày nay, nếu như chúng ta biết được cái vùng Phú Xuyên bây giờ cũng vẫn còn là vùng trũng của Hà Nội, vẫn cùng với những vùng trũng của Hà Nam, nơi phát hiện trống Ngọc Lũ trước đây, là những vùng đất làm nông còn vất vả vì “chiêm khê, mùa thối” vốn còn dư âm vùng trũng của một vịnh biển cách đây vài ngàn năm.
Thế mới biết, người Việt ở vùng Phú Xuyên ngày xưa đã tốn bao công sức để cải tạo đồng ruộng, trồng lúa để mưu sinh mà lại còn sáng tạo ra được những chiếc trống đồng tuyệt tác như Hoàng Hạ nữa. Và, sự phát hiện trống Hoàng Hạ đã góp cho di sản văn hóa Việt Nam một bảo vật Quốc gia, lại còn giúp cho hậu thế biết được công ơn của những người Hà Nội xưa đi khai hoang lập ấp ra sao nữa.
Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Trong số 30 hiện vật, nhóm hiện vật tiêu biểu được Thủ tướng công nhận Bảo vật quốc gia Đợt 1, quyết định số 1426/QĐTTg ngày 1/10/2012 có ấn đồng MÔN HẠ SẢNH ẤN. Tên gọi như thế là theo phiên âm 4 chữ theo thể Triện thư trên mặt ấn.
Theo tài liệu lưu trữ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và văn bản trình Hội đồng Giám đinh cổ vật Bộ Văn hóa ,Thể thao và Du lịch, ấn được phát hiện tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vào năm 1962. Hiện nay ấn đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Ấn mang số hiệu đăng ký tài sản quốc gia LSb.25266. Ấn đã được giới thiệu trong cuốn sách Cổ Vật Việt Nam, số ảnh 119, tr.98 (Lưu Trần Tiêu, chủ tịch Hội đồng, 2003).
Ấn được đúc hình vuông, tạo ba cấp khá đều. Ấn có chiều cao 8,5cm, mặt ấn hình vuông, cạnh 7,3cm x 7,3cm, nặng 1,4kg. Quai ấn tạo hình chữ nhật dẹt, chỏm cong, giống như hình bia đá. Hai bên cạnh lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán. Bên phải khắc 4 chữ, phiên âm: “Môn hạ sảnh ấn” (Ấn sảnh Môn hạ). Bên trái khắc 11 chữ, phiên âm: “Long khánh ngũ niên, ngũ nguyệt, nhị thập tam nhật tạo” (dịch nghĩa: chế tạo vào ngày 23 tháng 5, năm thứ 5 niên hiệu Long Khánh, đời vua Trần Duệ Tông, 1377).
Ấn đồng: Môn hạ sảnh ấn – niên đại 1377 (đời Trần Duệ Tông)
Mặt ấn đúc nổi 4 chữ theo thể Triện thư “Môn hạ sảnh ấn” (Ấn sảnh Môn hạ). Sảnh Môn hạ là cơ quan Trung ương nằm trong bộ ba “Tam sảnh” gồm: sảnh Thượng thư, sảnh Trung thư và sảnh Môn hạ. Đây là ba cơ quan cao nhất của triều đình nhà Trần. Sảnh Thượng thư có nhiệm vụ giúp Tể tướng quản lý các việc có liên quan đến quan chức, chức Hành khiển Thượng thư đứng đầu. Hành khiển là chức rất lớn, bao trùm các chức Lệnh thị lang, Tả Hữu ty Lang trung. Sảnh Trung thư giữ việc bàn bạc mọi việc trọng đại của quốc gia. Sảnh Môn hạ là cơ quan thân cận của nhà Vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, chuyển lệnh của Vua tới các quan, nhận lời tấu của Vua và các công việc lễ nghi trong cung. Sảnh Môn hạ còn giữ quyền thẩm tra kiểm duyệt mọi việc sau đó mới được ban bố thi hành. Chức quan này ở sảnh Môn hạ triều Trần cũng đều do những đại thần tài giỏi đảm nhiệm như: vào năm thứ 6 niên hiệu Khai Thái (1329), đời vua Trần Minh Tông phong cho Vũ Nghiêu Tá làm Nhập Nội Hành Khiển, Hữu Ty Lang Trung, sảnh Môn hạ (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, 1972, t.2, tr.135)… Vào năm thứ 11 niên hiệu Khai Hựu (1339), vua Trần Hiến Tông lấy Trương Hán Siêu làm Hữu Ty Lang Trung, sảnh Môn hạ rồi sai Ông cùng Đại doãn Kinh sư Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ Hoàng Triều đại điển và khảo đính bộ Hình Thư để ban hành (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, 1972, t.2, tr.147).
Các đại thần tài giỏi này tuy đã làm ở sảnh rồi nhưng vẫn được kiêm nhiệm các chức vụ khác như Hành khiển Phạm Sư Mạnh, vào năm thứ 5 niên hiệu Đại Trị (1362) được vua Trần Dụ Tông phong thêm chức Tri khu mật viện sự (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, 1972, t.2, tr.165).
Vào năm đầu niên hiệu Thiệu Khánh (1370) vua Trần Nghệ Tông trả ơn cho Chi hậu nội nhân phó chưởng Nguyễn Nhiên, phong làm Hành Khiển Tả Tham Tri chính sự (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, 1972, t.2, tr.174).
Quả ấn đồng Ấn sảnh Môn hạ đúc vào năm 1377 trên đây được dùng để đóng vào những văn bản hành chính quan trọng của triều đình, bắt đầu từ đời Trần Phế Đế về sau.
Khi thực hiện phần trưng bày lịch sử triều Trần trong Hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng tôi đã đặt quả ấn này cùng sưu tập những đồng tiền mang niên hiệu các vua Trần, để chứng minh cho Bảng sơ đồ Tổ chức chính quyền triều Trần. Đây là một bằng chứng về tổ chức hành chính Trung ương triều Trần. Như thế, quả ấn rõ ràng đã làm sinh động thêm nhiều cho phần trưng bày.
Mặt ấn được đúc nổi 4 chữ theo thể Triện thư “Môn hạ sảnh ấn”
Bản in dấu ấn “ Môn hạ sảnh ấn”
Xung quanh quả ấn đồng này còn có nhiều vấn đề liên quan khá thú vị. Chẳng hạn, tại sao quả ấn lại “lưu lạc” nơi xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh? Phải chăng việc này có liên quan đến sự kiện các cuộc Nam chinh giao tranh với Chiêm Thành, diễn ra nhiều năm trong khoảng 1377 – 1397, mà bi kịch cuộc chiến đã xảy ra, và có thể đoàn xa giá tùy tùng của vua cũng chung số phận để lại ấn báu của vương triều? Dù sao đây cũng là giả thiết cần có thêm chứng cứ.
Sau khi phát hiện quả ấn vào năm 1962, vì tính chất quan trọng của nó nên khi chuyển giao cho Bảo tàng lịch sử Việt Nam lúc đó, ấn được đúc một phiên bản để lưu giữ tại Bảo tàng Hà Tĩnh. Nhân chuyến công tác của Hội đồng giám định tại miền Trung, tháng 5 năm 2013, TS. Phạm Quốc Quân và Tôi đã xem lại phiên bản ấn tại kho Bảo tàng Hà Tĩnh. TS. Quân đã viết bài “Ghi chú cho một bảo vật quốc gia” đăng trên trang Website của Bảo tàng, nói rõ về trường hợp này.
Ngoài quả Ấn sảnh Môn hạ trên đây, thông tin về việc phát hiện những quả ấn thời Trần khác còn rất ít. Năm 1999, trong Hội nghị thông báo Những phát hiện mới về khảo cổ học, GS. Hà Văn Tấn có giới thiệu “Về một quả ấn thời Trần tìm thấy ở Quảng Tây (Trung Quốc)” (Hà Văn Tấn, 2000, tr.655). Đây là quả ấn đồng có quai cao 2,6cm, mặt hình vuông, cạnh 5,0cm x 5,0cm, dày 1,0cm. Mặt ấn đúc nổi 6 chữ theo thể Triện thư, chia 2 dòng, mỗi dòng 3 chữ: Bình Tường thổ châu chi ấn. (Ấn của thổ châu Bình Tường). Theo Nguyễn Công Việt, “Châu Bình Tường chính là Bằng Tường hiện nay” (Nguyễn Công Việt, 2005, tr.76). Mặt lưng, bên phải quai ấn khắc 4 chữ Hán theo thể Chân thư: Đại Trị ngũ niên (năm thứ 5 niên hiệu Đại Trị, 1362). Bên trái quai ấn khắc 5 chữ: Nhâm Dần tứ nguyệt chú (đúc vào tháng 4 năm Nhâm Dần). Với chữ nguyệt, khắc thiếu nét ngang đúng theo quy định chữ kiêng húy thời Trần là cơ sở xác nhận niên đại quả ấn. Đây là quả ấn được tìm thấy ở núi Lộng Lạc, thuộc công xã Nghĩa Vu, huyện Điền Đông, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vào năm 1983. Quả ấn được GS.Tanaguchi Fusao (Nhật Bản) nghiên cứu và giới thiệu trên tạp san Nghiên cứu niên báo của Sở Nghiên cứu văn hóa Á Phi, trường Đại học Tokyo, số 31, tháng 3, năm 1997, tr.176-188.
Năm 2012, trên Tạp chí Hán Nôm, PGS.TS. Nguyễn Công Việt có giới thiệu quả ấn đồng Tam Giang khẩu tuần kiểm ty ấn (Ấn Ty tuần kiểm khẩu Tam Giang). Ấn này có quai kiểu chuôi vồ dẹt, dưới to trên thu nhỏ. Ấn cao 7,3cm, mặt ấn vuông, cạnh 5,7cm x 5,7cm. Trên mặt ấn đúc nổi 7 chữ Hán theo thể Triện thư, xếp 3 hàng dọc đều nhau từ trên xuống. Mặt lưng ấn, phía bên phải quai có khắc 7 chữ kiểu Chân thư: Tam Giang khẩu tuần kiểm ty ấn (Ấn Ty tuần kiểm khẩu Tam Giang). Cũng theo kết quả khảo cứu của tác giả, niên đại quả ấn được xác định vào khoảng niên hiệu Đại Khánh (1314 – 1323). Và nếu đây là đúng thì quả ấn được coi là ấn hành chính cổ nhất nước ta. (Nguyễn Công Việt, 2012, tr.12-18).
Cho tới nay, những phát hịên về ấn đồng cổ của các triều đại phong kiến Việt Nam trên đất nước ta là rất hiếm, chính vì thế quả ấn đồng “Ấn sảnh Môn hạ” có nội dung rõ ràng nhất, niên đại cụ thể nhất, liên quan đến lịch sử hành chính trung ương triều Trần, mang đầy đủ các tiêu chí, xứng đáng được vinh danh vào Danh mục Bảo vật Quốc gia.
Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Đây là chiếc ấn có niên đại sớm nhất trong lịch sử tồn tại của vương triều Nguyễn. Ấn được đúc vào năm 1709, đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725). Ấn có hình vuông, kích thước như sau: cao 630cm; dài cạnh 10,84cm; dày 1,10cm; trọng lượng 2.350gr.
Ấn Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo
Mặt ấn Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo
Bản dập mặt ấn Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo
Ấn có mặt hình vuông, núm là hình tượng lân vờn ngọc, đầu ngẩng lên cao quay về bên trái. Chân trước bên phải chống, chân trước bên trái dẫm lên viên ngọc, hai chân sau chùng xuống. Dọc lưng kỳ lân chạm vân mây lửa. Hai bên lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán. Bên trái khắc “Kê bát thập kim, lục hốt, tứ lạng, tứ tiền, tam phân”. (Dịch nghĩa: cộng vàng 8 tuổi, nặng 6 thoi, 4 lạng, 4 tiền, 3 phân). Bên phải khắc 11 chữ “Vĩnh Thịnh ngũ niên, thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo” (Dịch nghĩa: chế tạo vào ngày 6 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh 5 – tức năm 1709 dưới triều Vua Lê Dụ Tông). Mặt ấn đúc nổi 4 chữ triện, nét chữ vuông uốn nhiều góc, xung quanh là đường viền, đọc theo chiều từ trên xuống dưới, và từ phải qua trái là: Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh trấn chi bảo (Dịch nghĩa :“Bảo của chúa Nguyễn nước Đại Việt trấn giữ lâu dài”). Cạnh dưới khắc dòng 9 chữ Hán “Lại bộ Đồng Tri Qua tuệ Thư giám tạo” (Dịch nghĩa: “Quan trông nom việc chế tạo là Đồng Tri bộ Lại Qua Tuệ Thư”).
Nguyễn Phúc Chu là vị chúa đời thứ sáu trong chín đời chúa Nguyễn. Từ tấm bé, Nguyễn Phúc Chu được nuôi ăn học cẩn thận, trở thành người văn hay chữ tốt, đủ tài văn võ. Khi nối ngôi chúa, tuy mới 16 tuổi (1691), ông đã khẳng định được tài năng đức độ của mình. Trong 34 năm ở ngôi chúa, ông đã ghi dấu ấn đậm nét vào lich sử dân tộc trên nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao… Đặc biệt công lao đóng góp to lớn nhất của chúa Nguyễn Phúc Chu là sự nghiệp mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phương Nam, đặt nền móng vững chắc cho công cuộc xác lập và khẳng định chủ quyền quốc gia trên vùng đất này. Ông đã mở mang bờ cõi đến biên giới Chân Lạp, lập thêm các phủ Bình Thuận và Gia Định. Đất phương Nam ngày càng trở nên phồn thịnh nhờ chính sách chiêu dân, lập ấp, dân chúng được yên vui, no đủ. Người đời sau ngưỡng mộ truy tôn chúa là Chúa minh.
Năm 1702, tình hình Đàng Trong đã ổn định, chúa Nguyễn Phúc Chu xưng là Quốc chúa. Tháng chạp năm Kỷ Sửu (1709), chúa cho đúc ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo để làm kim ấn truyền quốc, dùng để đóng trên các chiếu văn và bổ dụng quan lại.
Sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn, có đoạn chép khá rõ về lai lịch và những câu chuyện xoay quanh chiếc ấn đặc biệt này: “Mùa Đông, tháng 12 ngày Nhâm Dần, đúc Quốc bảo. Sai Lại bộ Đồng Tri là Qua Tuệ Thư coi việc chế tạo (Ấn có khắc chữ Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh trấn chi bảo). Năm ấy đúc xong, về sau liệt thánh truyền nhau lấy làm Quốc bảo. Đến khi Duệ Tông Hiếu Định Hoàng Đế (tức chúa Nguyễn Phúc Thuần (Định Vương,1765 – 1775) vào Nam cũng đem ấn đấy đi theo. Duệ Tông Hiếu Định Hoàng đế băng hà thì để lại cho Thế tổ Cao Hoàng (tức Nguyễn Thế Tổ – Phúc Ánh, 1802 – 1819). Bấy giờ binh lửa trên 20 năm, ấn đấy mất rồi lại tìm thấy nhiều lần. Mùa hạ năm Nhâm Dần, giặc đánh Sài Gòn (Thế Tổ) ra đảo Phú Quốc điều khiển Ngô Công Quý mang ấn theo, sau bị lạc. Đến khi Chu Văn Tiếp phá được giặc rước vua hồi loan. Công Quý cũng từ Long hồ đem ấn về hiển. Lại đến chiến dịch Ba Lai, quân giặc đuổi gấp, tòng thân (người đi theo vua) mang ấn lội sông chảy, ấn rơi xuống nước rồi thì người lội sau vướng chân chạm phải, lại mò lấy được, đem hiến ở hành tại. Lại khi vua lánh giặc, ra ngoài đảo Thổ Châu, từ giá (mẹ Vua) và cung quyến (những vợ con vua) đều ở lại đảo, vua Xiêm sai tướng là Thát Xỉ Đa đem binh thuyền đến đón vua mời vào nước họ. Trong lúc thảng thốt, tình trạng người Xiêm chưa lường được thế nào, vua mật sai tòng thân là Hựu đem ấn đấy vượt biển lên bờ giấu kín. Khi vua đến thành Vọng Các, thấy vua Xiêm đãi rất cung kính, không có ý gì khác, vua mới sai người về đảo Thổ Châu để đón từ giá và cung quyến, tên Hữu cũng mang ấn đấy đi theo.”
Khoảng năm Gia Long, vua từng dụ Hoàng thái tử, tức Thánh Tổ Nhân hoàng đế rằng: “Ấn báu này các đời truyền nhau, ngày xưa đã trải nhiều phen binh lửa, người chẳng chắc còn, mà ấn này vẫn giữ trọn trước sau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này, giữ tín trong nước, ai cũng hưởng ứng. Ấn này quan hệ với quốc gia không nhỏ, thực là ngôi báu trời cho vẫn có quỷ thần giúp đỡ, khiến cho ngọc bích của Triệu lại trở về (Triệu bích: Lạn Tương như nước Triệu đem ngọc bích sang Tần để đổi lấy 5 thàn, Tương như đem bích về) để truyền lại cho các con cháu. Vả lại nước ta liệt thánh nối nhau, chồng chất sáng hòa, hơn 200 năm, nay nhờ yêu dấu thiêng liêng mà thống nhất cả nước, phúc chứa vốn đã lâu đời”. Kinh Thi có câu “Nhà Chu nước dù cũ mà mệnh trời thì mới” (Chu tuy cựu bang, kỹ mệnh duy tân}, sự mở mang cơ nghiệp vốn bắt đầu từ Văn Vương, Vũ Vương mà công gây dựng buổi đầu thực là tự Cổ Công và Vương Quý. Những vật cũ đời ấy để lại như cái đỉnh cái di, người Chu cũng đều xem là đồ báu. Huống là cái ấn Quốc bảo của tổ tiên ta để lại ư? Từ nay về sau nên lấy ấn này làm vật báu truyền ngôi. Con cháu ta phải đời đời để để lại cho nhau, đừng làm mất đi và truyền đến ức muôn dặm dài mãi mãi”.
Như vậy, ấn vàng này do vua Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) đúc vào năm 1709. Tuy lập vương phủ chính quyền riêng ở Thuận Quảng nhưng các chúa Nguyễn vẫn sử dụng lịch sóc với niên hiệu của các vua Lê ở Bắc Hà. Do vậy trên Kim bảo này vẫn khắc niên hiệu Vĩnh Thịnh của vua Lê Dụ Tông.
Tại chùa Thiên Mụ đến nay vẫn còn lưu dấu của chiếc ấn truyền quốc này. Chùa nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, xã Hương Long, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km, do chính chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Năm 1701, chúa Nguyễn Phúc Chu, một người rất tôn sùng đạo Phật, cho đúc một quả chuông cao 2m50; nặng 3285 cân. Năm 1715, Chúa lại cho dựng tiếp tại chùa tấm bia cao 2m60 rộng 1m25. Đường nét chạm khắc trên bia uyển chuyển, tinh xảo và công phu. Chúa đích thân viết bài minh văn và cho khắc vào bia. Điều đáng lưu ý là hình dấu ấn truyền quốc lại được khắc đè lên dòng chữ ghi niên đại lập bia này cũng cùng 3 dấu khác nhỏ hơn. Năm 1989, tiến sĩ Nguyễn Công Việt (Viện nghiên cứu Hán Nôm) đã dập nguyên bản hình dấu kim bảo này và công bố trong sách “Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX”. Dòng chữ ghi niên đại lập bia, phiên âm như sau: Vĩnh thịnh thập nhất niên tuế thứ Ất mùi sơ Đông chí cát đán lập (Dịch nghĩa: bia lập vào ngày Đông Chí năm Ất Mùi, năm Vĩnh Thịnh 11 – tức năm 1715). Điều này xác nhận rõ ràng việc sử dụng bảo ấn truyền quốc trong sự kiện trọng đại của chúa Nguyễn, 6 năm sau khi ấn đúc xong.
Sử cũ cũng còn ghi chép rằng, tháng 1 năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương ở Sài Gòn, dùng theo niên hiệu Cảnh Hưng của nhà Lê và lấy ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn Chi bảo làm ấn truyền quốc dùng vào các việc nội vụ chính sự.
Kim bảo này là bảo ấn truyền ngôi của các vua Nguyễn kế vị, nên được lưu giữ rất cẩn trọng. Sách Đại Nam Thực Lục cũng có đoạn chép rằng: “Năm Canh Thìn, Minh Mạng năm thứ nhất (1820), tháng 2 ngày tốt, Thánh Tổ Nhân Hoàng đế tự tay phong kín (ấn) cất đi. Đến ngày 22 tháng chạp, lại mở (ấn) xem một lần rồi viết chữ son niêm lại để cất như cũ, dùng để truyền ngôi cho ức muôn đời”.
Ngay sau khi Ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo được triều đình nhà Nguyễn chuyển giao cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945 và được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), nhiều công trình nghiện cứu về ấn chương Việt Nam đều khẳng định Ấn vàng Đại Việt Quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo là hiện vật gốc, có ý nghĩa và giá trị đặc biệt. Cho đến nay, chưa có chiếc ấn nào được phát hiện có chất liệu, hình thức, kích thước và trọng lượng giống với chiếc ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Chiếc ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo được chế tạo bằng chất liệu quý (vàng), kỹ thuật đúc, khắc công phu, là báu vật truyền ngôi của các chúa Nguyễn. Bảo vật này có ý nghĩa lịch sử văn hóa vô cùng quan trọng, bởi nó gắn liền với lịch sử của chế độ quân chủ cuối cùng của Việt Nam nói riêng và với văn hóa, xã hội Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 nói chung.
Chiếc ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo” hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga là một đại diện tiêu biểu cho dòng gốm men trắng vẽ lam, thường gọi là gốm hoa lam. Dòng gốm hoa lam Việt nam xuất hiện từ thời Trần thế kỷ 14 và phát triển liên tục cho tới ngày nay. Đặc biệt vào thế kỷ 15 dòng gốm hoa lam đã phát triển tới đỉnh cao chẳng những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Qua nhiều tài liệu đã công bố ở nước ngoài như Thái Lan, Indonesia, Philippin, Singapore, Nhật Bản… và các nước vùng Trung Đông chúng tôi đều thấy nhiều loại hình gốm hoa lam Việt Nam rất đặc biệt. Đáng chú ý nhất là chiêc bình gốm hoa lam hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ. Trên chiếc bình này có dòng minh văn viết bằng men lam: “Đại Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Bùi thị hý bút”. Nội dung của minh văn này cho biết chiếc bình do người thợ họ Bùi ( hay Bùi Thị Hý ) vẽ vào năm thứ 8 của niên hiệu Đại Hòa đời vua Lê Nhân Tông, 1450.
Trang trí Thiên Nga trên bình gốm
Chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga là chiếc bình gốm thuộc sưu tập độc bản trong tàu cổ Cù Lao Chàm khai quật vào năm 1999 – 2000 mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được lưu giữ và trưng bày.
Số lượng hiện vật trong con tàu Cù Lao Chàm với hơn 240 nghìn, không kể hàng vạn mảnh vỡ, hàng nghìn hiện vật đã bị trục vớt trước khi khai quật khảo cổ là một con số khổng lồ. Trong số hàng hóa này có cả một số gốm Chămpa, Trung Quốc và Thái Lan, được các nhà nghiên cứu thống nhất cho là đồ dùng của thủy thủ đoàn. Phần còn lại là hàng hóa gốm sứ có nguồn gốc sản xuất ở Hải Dương và Thăng Long phía Bắc Việt Nam.
Niên đại con tàu cũng được các nhà khoa học thảo luận. Ở Việt Nam, các ý kiến đều cho là khoảng giữa tới cuối thế kỷ 15 dưới thời Lê sơ. Ý kiến về niên đại này khác hẳn với Butterfiels, cho vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 .
Chúng tôi cho rằng, hiện vật gốm tàu cổ Cù Lao Chàm phản ánh rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của các loại đồ gốm xuất khẩu với kiểu dáng, loại men và hoa văn rất phong phú, đặc sắc, đóng góp tích cực vào truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.
Xét về loại hình hiện vật đồ gốm, chúng ta thấy chỉ tập trung theo dòng gốm gia dụng, từ đồ đựng đến đồ dùng ăn uống, ngoại trừ một vài loại dùng cho tín ngưỡng tôn giáo như lọ kendi, lư hương. Nhiều loại hình tạo theo kiểu dáng truyền thống như âu, ang hình cầu, chén, hộp, lọ các loại nhưng cũng xuất hiện những loại hình mới độc đáo như: ấm hình rồng, phượng, thú hay quả đào, bình và ấm hình tỳ bà, tước, bình phỏng dáng mai bình, hộp hình cua cá. Trong số này cũng có những loại hình mang đậm ảnh hưởng về tạo hình của gốm sứ Nguyên – Minh (Trung Quốc).
Về trang trí trên đồ gốm sứ Cù Lao Chàm gây ấn tượng nhất là dòng hoa lam, hoa lam kết hợp với vẽ nhiều màu trên men qua lần nung thứ 2 như trên đĩa, bát, kendi, lọ tỳ bà (Yuhuchun), chén quả đào, tượng người, hộp… Dòng gốm hoa lam của Việt Nam ở thế kỷ 15 đặc biệt phát triển với 2 cách thể hiện:
– Vẽ chi tiết, nét mảnh, những người sưu tầm gốm Việt Nam gọi là “pake”.
– Vẽ thoáng với nét đậm.
Tùy theo từng chủng loại gốm mà ta thấy tài khéo của người sản xuất.
Gốm hoa lam còn kết hợp với trang trí vàng kim. Thí dụ loại tỳ bà cao khoảng 101/4 inches (26cm) ngoài các đề tài hồi văn, mây và sóng nước còn có 3 lớp trang trí nổi ô hình lá đề, bên trong là chim vẹt và cành lá, kỳ lân.. Đây cũng là lần đầu tiên, gốm Việt Nam xuất hiện kỹ thuật trang trí mới lạ, đặt ra câu hỏi: Trang trí vàng kim, nguồn gốc và kỹ thuật ở Việt Nam?
Cũng trong đồ gốm Cù Lao Chàm còn thấy một số loại hình phủ men xanh cobalt sau đó vẽ vàng kim. Đáng kể là loại bát gốm men trắng mỏng, trong lòng trang trí in nổi hoa mai dây hay in nổi hình rồng mây và sóng nước. Loại bát này có xương rất mỏng, nhiều chiếc thấu quang đạt tiêu chuẩn đồ sứ. Ngoài phát hiện trong tàu Cù Lao Chàm ở Việt Nam còn được tìm thấy ở lò gốm Chu Đậu (Hải Dương), Hoàng thành Thăng Long và Lam Kinh (Thanh Hóa)…
Đồ gốm sứ trong tàu Cù Lao Chàm đã gây nhiều bất ngờ cho giới nghiên cứu gốm sứ Việt Nam cả trong và ngoài nước, và chắc chắn sẽ còn được bàn thảo, công bố nhiều hơn nữa.
Chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này có kích thước lớn nhất, với chiều cao: 56,5cm và đường kính miệng: 23,8cm.
Bình có dáng búp sen, miệng loe tròn, gờ miệng phẳng. Thân phình thuôn dần xuống đáy. Từ miệng, cổ và thân bình đều được vẽ trang trí hoa lam bao gồm 7 băng hoa văn: hoa dây, cánh sen kép trong có xoắn ốc, vân mây dải hình khánh, phong cảnh, cây hoa lá, sóng nước, lá đề xen kẽ bốn chim Thiên Nga với các tư thế bay đậu khác nhau, theo chủ đề phi minh túc thực. Với bốn tư thế của thiên nga trong khung cảnh cây cỏ, khóm tre mang đặc điểm riêng không hề giống với đề tài này trong trang trí trên đồ gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản.
Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga
Về nguồn gốc sản xuất chiếc bình gốm hoa lam này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng từ khu lò gốm Chu Đậu, nơi đã có nhiều cuộc khai quật khảo cổ học của Bảo tàng Hải Dương phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu Australia.
Làng gốm Chu Đậu (nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) là một trung tâm sản xuất gốm lớn nhất của đất nước ta ra đời vào thế kỷ 14 và phát triển rực rõ nhất vào thế kỷ 15-16. Làng gốm Chu Đậu sản xuất những loại gốm cao cấp, gốm mỹ nghệ, phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Dòng gốm Chu Đậu có sự kết hợp nhiều kỹ thuật trang trí như đắp nổi, chạm, dán ghép, khắc chìm, vẽ lam, vẽ nhiều màu và vàng kim trên men. Các loại men sử dụng với nhiều sắc độ khác nhau như: men trắng vẽ lam, men nâu, xanh lục, men ngọc, men trắng vẽ tam thái hoặc kết hợp vẽ vàng kim trên men. Tuy nhiên, cho đến nay còn có ý kiến của TS.Bùi Minh Trí (Trung tâm nghiên cứu kinh thành) cho rằng chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này được sản xuất từ khu vực lò gốm của kinh thành Thăng Long (Hà Nội).
Với chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này, từ kiểu dáng, kích thước cho đến trang trí là một minh chứng đỉnh cao của dòng gốm hoa lam. Những đề tài trang trí ở đây chẳng những đã thoát ra khỏi khuôn mẫu của đề tài kinh điển Trung Hoa mà còn được thể hiện tính phóng khoáng, sáng tạo, đậm chất dân gian, hồn quê đất Việt vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Qua những đề tài thể hiện trên bình gốm cho ta hình dung về một vẻ đẹp của quê hương đất nước Việt Nam thời Lê sơ tk 15, một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á thời bấy giờ.
Chiếc bình gốm này xứng đáng là một tác phẩm gốm nghệ thuật độc đáo, vật chứng tiêu biểu của nghề gốm truyền thống Việt Nam ở thế kỷ 15.
Kể từ khi nhập về kho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đến nay chiếc bình này đã được giới thiệu trong nhiều cuộc trưng bày chuyên đề ở trong và ngoài nước. Trên cơ sở giá trị đặc biệt quý hiếm của chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 1/10/2012 công nhận là bảo vật Quốc gia đợt 1 cùng với 30 hiện vật, nhóm hiện vật lựa chọn trong khối di sản văn hóa Việt Nam.
Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Môn hạ sảnh ấn – chiếc ấn đồng có nội dung rõ ràng nhất, niên đại cụ thể nhất liên quan đến lịch sử hành chính trung ương triều Trần. Ấn được đúc dưới thời Trần, niên hiệu Long Khánh thứ 5 (1377), được phát hiện năm 1962, tại xã Hương Giang (Hương Khê, Hà Tĩnh). Sảnh Môn hạ là một trong những cơ quan hành chính trung ương cao nhất thời Trần, do vua Trần Minh Tông đặt ra. Cơ quan này thân cận nhà vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, truyền lệnh của vua tới các quan, nhận lời tấu lên vua và các công việc lễ nghi trong cung. Chức quan ở sảnh này đều do các quan đại thần đảm nhiệm. “Môn hạ sảnh ấn” được dùng để đóng trên những văn bản hành chính quan trọng của triều đình, từ đời vua Trần Phế Đế (trị vì 1377-1388) về sau.
Ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo do chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho đúc làm quốc bảo năm 1709. Thời vua Gia Long lên ngôi, bảo ấn được chọn làm báu vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn.
Chiếc ấn vàng Sắc mệnh chi bảo nặng 8,3 kg, đúc vào năm 1827 dưới thời vua Minh Mệnh. Ấn có núm hình rồng cuốn, mặt ấn đúc nổi 4 chữ triện Sắc mệnh chi bảo. Ấn dùng để ban cấp cáo sắc cho văn võ cùng phong tặng thần và người. Đây là hiện vật độc bản, biểu trưng cho quyền lực nhà Nguyễn, có giá trị đặc biệt trong sưu tập kim bảo triều Nguyễn.
Nguồn: Báo ảnh Việt Nam