LĨNH HOA YÊN THÁI
Yên Thái, thành lập từ thời nhà Lý, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng tọa lạc ở phía Tây Nam Hồ Tây, có nhiều di tích lich sử như chợ Bưởi hay làng Trích Sái là nơi cư ngụ của tổ ngành dệt lĩnh, bà Phạm Thị Ngọc Độ.
Bà này dược vua Lê thương yêu nên phong cho làng Trích Sái. Bà về đây sinh sống và truyền cho dân bản sứ nghề dệt lĩnh là sở trường của bà. Lĩnh Yên Thái (Bưởi) nổi tiếng là đẹp và bền.
Lĩnh là lụa dệt dầy rồi đem hồ và nhuộm.
“Nhắn ai trẩy chợ kinh thành
Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về.”
Dệt lĩnh đã lắm công phu, mà dệt lĩnh hoa lại còn cầu kỳ tỉ mỉ hơn. Một tấm lĩnh phải có 5400 sợi dọc thuộc loại tơ sọi to vừa phải (gọi là dặm mắc, khác với dặm mảnh là sợi tơ nhỏ) và dặm mốt son (là sợi tơ to nhất). Cứ 5 sợi tơ mới chọn được 1 sợi để dệt lĩnh.Người ta phải đếm đủ số sợi rồi mới mằc lên khung. Ở mỗi khung dệt lĩnh còn mắc thêm go hoa và thêm một thợ cài hoa. Hai người thợ dệt, người ngồi trên kẻ ngồi dưới, phải phối hợp đều tay với nhau. Sau đó phải đem chuội cho trắng rồi nhuộm chàm. Kế tiếp mỗi ngày phải nhuộm nước lá bàng 5 lần, trát bùn rồi phơi khô, cứ như thế trong 7 ngày liền. Người ta nói như thế là tấm lĩnh đã trải qua “35 thâm 7 thổ”.
Để cho lĩnh trở nên đen bóng và mềm mại, người ta cuộn tròn tấm lĩnh lại rồi lấy chầy gỗ đập cho đều khoảng trong nửa ngày. Một vuông lĩnh đẹp hoàn hảo khi ta cầm lên, lĩnh mềm mại không thô cứng, một mặt đen mờ còn mặt kia bóng láng, có điểm những tấm hoa thanh tao duyên dáng. Lĩnh và lụa hoa gọi là gấm vóc.
Lĩnh hiện nay nhuộm nhiều mầu dùng để may quần áo hay làm màn cửa. Đoạn là lĩnh dầy hơn lĩnh thường. Hiện nay nghề dệt ở Việt nam không còn thịnh hành như xưa.
Nguồn: http://www.svqy.org/1-2013/linhhoa.html