” Chuông khánh còn chẳng ăn ai/ huống chi mảnh chĩnh vứt ngoài bụi tre” ( Ca dao ) – một sự so sánh ẩn dụ trong dân gian về những giá trị không tương đồng, một sự phê phán lối sống bon chen, ảo tưởng.
Còn về nghĩa đen: mảnh sành dù có cứng, tiếng kêu có đanh thì cũng không thể vang vọng, cao sang như tiếng chuông, tiếng khánh nơi tôn nghiêm, quyền quý.
Tuy vậy, sành/ gốm sành lại là loại vật dụng ra đời, gắn bó mật thiết với con người từ rất sớm và là thủy tổ của gốm sứ sau này. Sành chế tác từ đất sét nguyên chất. Đất sét trắng cho ra loại gốm sành có màu đỏ sậm, đất sét đen/sét thó cho ra loại sành xám.
Ngày bé, chốn quê nghèo, tôi đã sớm quen với những món sành dân dã như chum, vại, ghè, choé, nồi niêu,…và cả những chiếc tiểu sành nữa. Và cũng phải nói, không có thứ cơm trắng nào, không có loại cá kho nào ngon hơn loại cá, cơm được kho, nấu bằng rơm rạ bởi những vật dụng dân dã đó.
Thế rồi, sau này khi sưu tầm gốm cổ, trong lần đi “sứ” vào Thanh Hoá, tôi đã bắt gặp những đồ sành tuổi rất cao, trong đó có những chiếc ấm/bình thời Trần, với mẫu thức tuy không chau chuốt, kỹ càng như gốm có men, nhưng cũng điệu đà, mô phỏng phom dáng như những loại gốm cao cấp dùng cho giới thượng lưu, đáng bổ sung vào bộ sưu tập ấm/bình cổ VN.
Tôi thử đặt những món đồ sành và đồ gốm có men để so sánh, thấy khá thú vị.
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=324372284572769&id=100010000008701