(QBĐT) – Nằm gọn giữa lòng động cát cao sát phía bắc cửa biển Nhật Lệ, Bàu Tró có phong cảnh hữu tình, tĩnh lặng,… Không chỉ là hồ nước ngọt cung cấp nguồn nước sạch cho nhân dân thành phố Đồng Hới bấy lâu, Bàu Tró còn là nơi tồn tại những dấu tích cư trú và sinh sống của người nguyên thủy thời hậu kỳ đồ đá. Với ý nghĩa khoa học to lớn của Bàu Tró, các nhà nghiên cứu đã lấy tên di chỉ này để đặt tên cho một loại hình văn hóa tiêu biểu của miền Trung, đó là “Văn hóa Bàu Tró”.
Bàu Tró (thuộc địa phận phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới ngày nay) tương truyền là bàu nước ngọt sạch nhất, sạch hơn nước giếng của người dân trong vùng. Khi chưa có nhà máy nước, người dân Đồng Hới thường uống nước Bảo Ninh chở sang. Nơi đây hoang vắng, chưa có dân cư và là nơi có miếu Long Vương, thờ thần Hà Bá nổi tiếng linh thiêng, hồ được giữ sạch sẽ, người dân chỉ đến đây lấy nước về dùng vào việc cúng giỗ chứ ít khi lấy nước Bàu Tró về dùng hàng ngày. Hiện nay, Bàu Tró không còn cảnh hoang vu, từ những động cát làm thành trì cho hồ đã có một phường dân cư sinh sống.
Mùa hè năm 1923, nhà khảo cổ học người Pháp Etienne Pette đã đến Bàu Tró khai quật một gò cát cạnh hồ và đã phát hiện có dấu vết của người xưa. Và tên gọi: Bàu Tró, một di chỉ của người Việt cổ cũng bắt nguồn từ đó. Nhà khảo cổ học Etienne Pette đã khẳng định người nguyên thủy đã đến cư trú quanh hồ Bàu Tró từ ngàn xưa và đã để lại dấu tích từ trong lòng cát. Những hiện vật thu được từ di chỉ khảo cổ học này hiện còn lưu trữ tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam gồm: 46 rìu đá, 140 mảnh tước, 2 hòn đá bằng thạch anh, 1 dụng cụ đá dùng để ép, 14 bàn nghiền hạt, 1 chì lưới, một đốt xương sống cá và vỏ sò, mảnh gốm…
Nhà khảo cổ cho rằng người tiền sử đã để lại các dụng cụ và rất nhiều vỏ ốc là di tích các bữa ăn của họ. Khi nền văn hóa của người nguyên thủy đã chuyển xuống ven biển, ven sông có nghĩa là họ không còn thích nghi ở trong hang động nữa. Nền văn hóa đồ đá mới phân bố khắp nơi trên đất Quảng Bình, từ bắc vào nam, từ núi rừng xuống đồng bằng. Di chỉ Bàu Tró còn khẳng định thêm một điều bí ẩn là ở thời hậu kỳ đồ đá mới, người tiền sử Bàu Tró rất thạo nghề đánh cá biển và việc tìm thấy những mũi tên bằng xương cá chứng tỏ nghề săn bắn lúc này cũng khá phát triển.
Toàn cảnh Bàu Tró nhìn từ trên cao. |
Cũng tại Bàu Tró, mùa xuân năm 1980, Khoa Khảo cổ Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế) lại khai quật di chỉ này một lần nữa. Địa điểm khai quật nằm phía tây nam Bàu Tró, cách hố khai quật của nhà khảo cổ học Etienne Pette hơn 100m về phía tây. Hiện vật thu được gồm: 31 rìu bôn đá, 17 bàn mài, 7 chày nghiền, 3 mũi nhọn, 1 vòng, 2 phiến tước, nhiều cục thổ hoàng bị mài vẹt từ nhiều phía, 11.972 mảnh vỡ đồ gốm của nồi, niêu, bình, vò, bát, đĩa… được trang trí bằng hoa văn đấu thừng, hoa văn khắc vạch có màu đỏ, màu đen ánh chì. Và điều vô cùng lý thú là nếu năm 1923, nhà khảo cổ Etienne Pette chỉ tìm thấy loại di chỉ cồn Cò Điệp thì nay Khoa Khảo cổ Trường đại học Tổng hợp Huế tìm thấy loại di chỉ mới đó là di chỉ Cồn Đất tại Bàu Tró. Với ý nghĩa khoa học to lớn của di chỉ Bàu Tró, các nhà nghiên cứu đã lấy tên này để đặt tên cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới, gồm các di chỉ phân bố vùng ven biển Nghệ – Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là “Văn hóa Bàu Tró”.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Văn hóa Bàu Tró là nền văn hóa tiêu biểu của miền Trung, là một trong những cội nguồn nảy sinh văn hóa Đông Sơn phía Bắc và văn hóa Sa Huỳnh ở phía Nam. Điều này còn chứng tỏ cư dân tiền sử Quảng Bình có sự giao lưu vùng rộng lớn từ Bắc đến Nam Trung bộ, phát triển liên tục từ thời kỳ đồ đá đến đồ đồng, đồ sắt.
Xung quanh 2 từ Bàu Tró, cho đến nay vẫn là một vấn đề bàn cãi chưa ngã ngũ về ngôn ngữ và lịch sử. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện Bàu Tró là di chỉ giàu về đồ gốm và giỏi về nghề gốm, nhưng các nhà ngôn ngữ học thì đoán định Bàu Tró là bàu lúa. Thêm nữa, theo truyện kể trong dân gian Đồng Hới thì Bàu Tró rất sâu, sâu không có đáy vì có người đã thử bơi bè ra giữa lòng hồ, rồi buộc đá vào dây thả xuống đo chiều sâu nhưng thả mấy cũng không thấy dây chùng lại. Lại có chuyện ly kỳ khó tin rằng, sau một trận lũ rất lớn, khi nước rút xuống có người đã lượm được những quả bưởi của vùng Trốôc Vực (Lệ Thủy) tại hai bên bờ Bàu Tró. Câu chuyện Bàu Tró đáy ngầm thông với Trôốc Vực cũng bắt nguồn từ đó.
Cùng với những di chỉ và truyền kỳ, Bàu Tró nay được Nhà máy cấp nước Đồng Hới quản lý (trực thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Quảng Bình) có công suất thiết kế cung cấp 9.000 m3 nước/ngày đêm. Hồ Bàu Tró cùng với hồ Phú Vinh cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân TP.Đồng Hới và một số xã, thị trấn của huyện Quảng Ninh. Tuy nhiên, từ năm 2003 đến nay, hồ Bàu Tró chỉ được khai thác cầm chừng với công suất 3.000m3 nước/ngày đêm (phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20% dân cư TP.Đồng Hới, số còn lại đều lấy nước từ hồ Phú Vinh).
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Quảng Bình cho biết: Sở dĩ Công ty chỉ khai thác với công suất cầm chừng như vậy là để bảo vệ Bàu Tró, di chỉ của người Việt cổ. Hồ Bàu Tró nằm sát biển, chất lượng nguồn nước có giảm so với trước đây do ô nhiễm môi trường từ quá trình đô thị hóa. Nếu khai thác hết công suất thì khả năng xâm nhập nước mặn vào hồ rất cao. Hiện tại, công nhân vận hành trạm bơm nước Bàu Tró vẫn thường xuyên theo dõi sự biến động của mực nước trong hồ để điều chỉnh chế độ khai thác hợp lý.
Cho dù là những di chỉ với những câu chuyện kỳ bí hay là hồ nước ngọt hàng ngày cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân TP. Đồng Hới thì Bàu Tró vẫn là địa danh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, rất cần được bảo vệ một cách khoa học trước nguy cơ bị ô nhiễm ngày càng tăng trong tiến trình đô thị hóa hiện nay.
Nguồn: http://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/201402/bau-tro-di-chi-truyen-ky-2113039/