Đây là chiếc ấn có niên đại sớm nhất trong lịch sử tồn tại của vương triều Nguyễn. Ấn được đúc vào năm 1709, đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725). Ấn có hình vuông, kích thước như sau: cao 630cm; dài cạnh 10,84cm; dày 1,10cm; trọng lượng 2.350gr.
Ấn Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo
Mặt ấn Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo
Bản dập mặt ấn Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo
Ấn có mặt hình vuông, núm là hình tượng lân vờn ngọc, đầu ngẩng lên cao quay về bên trái. Chân trước bên phải chống, chân trước bên trái dẫm lên viên ngọc, hai chân sau chùng xuống. Dọc lưng kỳ lân chạm vân mây lửa. Hai bên lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán. Bên trái khắc “Kê bát thập kim, lục hốt, tứ lạng, tứ tiền, tam phân”. (Dịch nghĩa: cộng vàng 8 tuổi, nặng 6 thoi, 4 lạng, 4 tiền, 3 phân). Bên phải khắc 11 chữ “Vĩnh Thịnh ngũ niên, thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo” (Dịch nghĩa: chế tạo vào ngày 6 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh 5 – tức năm 1709 dưới triều Vua Lê Dụ Tông). Mặt ấn đúc nổi 4 chữ triện, nét chữ vuông uốn nhiều góc, xung quanh là đường viền, đọc theo chiều từ trên xuống dưới, và từ phải qua trái là: Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh trấn chi bảo (Dịch nghĩa :“Bảo của chúa Nguyễn nước Đại Việt trấn giữ lâu dài”). Cạnh dưới khắc dòng 9 chữ Hán “Lại bộ Đồng Tri Qua tuệ Thư giám tạo” (Dịch nghĩa: “Quan trông nom việc chế tạo là Đồng Tri bộ Lại Qua Tuệ Thư”).
Nguyễn Phúc Chu là vị chúa đời thứ sáu trong chín đời chúa Nguyễn. Từ tấm bé, Nguyễn Phúc Chu được nuôi ăn học cẩn thận, trở thành người văn hay chữ tốt, đủ tài văn võ. Khi nối ngôi chúa, tuy mới 16 tuổi (1691), ông đã khẳng định được tài năng đức độ của mình. Trong 34 năm ở ngôi chúa, ông đã ghi dấu ấn đậm nét vào lich sử dân tộc trên nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao… Đặc biệt công lao đóng góp to lớn nhất của chúa Nguyễn Phúc Chu là sự nghiệp mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phương Nam, đặt nền móng vững chắc cho công cuộc xác lập và khẳng định chủ quyền quốc gia trên vùng đất này. Ông đã mở mang bờ cõi đến biên giới Chân Lạp, lập thêm các phủ Bình Thuận và Gia Định. Đất phương Nam ngày càng trở nên phồn thịnh nhờ chính sách chiêu dân, lập ấp, dân chúng được yên vui, no đủ. Người đời sau ngưỡng mộ truy tôn chúa là Chúa minh.
Năm 1702, tình hình Đàng Trong đã ổn định, chúa Nguyễn Phúc Chu xưng là Quốc chúa. Tháng chạp năm Kỷ Sửu (1709), chúa cho đúc ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo để làm kim ấn truyền quốc, dùng để đóng trên các chiếu văn và bổ dụng quan lại.
Sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn, có đoạn chép khá rõ về lai lịch và những câu chuyện xoay quanh chiếc ấn đặc biệt này: “Mùa Đông, tháng 12 ngày Nhâm Dần, đúc Quốc bảo. Sai Lại bộ Đồng Tri là Qua Tuệ Thư coi việc chế tạo (Ấn có khắc chữ Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh trấn chi bảo). Năm ấy đúc xong, về sau liệt thánh truyền nhau lấy làm Quốc bảo. Đến khi Duệ Tông Hiếu Định Hoàng Đế (tức chúa Nguyễn Phúc Thuần (Định Vương,1765 – 1775) vào Nam cũng đem ấn đấy đi theo. Duệ Tông Hiếu Định Hoàng đế băng hà thì để lại cho Thế tổ Cao Hoàng (tức Nguyễn Thế Tổ – Phúc Ánh, 1802 – 1819). Bấy giờ binh lửa trên 20 năm, ấn đấy mất rồi lại tìm thấy nhiều lần. Mùa hạ năm Nhâm Dần, giặc đánh Sài Gòn (Thế Tổ) ra đảo Phú Quốc điều khiển Ngô Công Quý mang ấn theo, sau bị lạc. Đến khi Chu Văn Tiếp phá được giặc rước vua hồi loan. Công Quý cũng từ Long hồ đem ấn về hiển. Lại đến chiến dịch Ba Lai, quân giặc đuổi gấp, tòng thân (người đi theo vua) mang ấn lội sông chảy, ấn rơi xuống nước rồi thì người lội sau vướng chân chạm phải, lại mò lấy được, đem hiến ở hành tại. Lại khi vua lánh giặc, ra ngoài đảo Thổ Châu, từ giá (mẹ Vua) và cung quyến (những vợ con vua) đều ở lại đảo, vua Xiêm sai tướng là Thát Xỉ Đa đem binh thuyền đến đón vua mời vào nước họ. Trong lúc thảng thốt, tình trạng người Xiêm chưa lường được thế nào, vua mật sai tòng thân là Hựu đem ấn đấy vượt biển lên bờ giấu kín. Khi vua đến thành Vọng Các, thấy vua Xiêm đãi rất cung kính, không có ý gì khác, vua mới sai người về đảo Thổ Châu để đón từ giá và cung quyến, tên Hữu cũng mang ấn đấy đi theo.”
Khoảng năm Gia Long, vua từng dụ Hoàng thái tử, tức Thánh Tổ Nhân hoàng đế rằng: “Ấn báu này các đời truyền nhau, ngày xưa đã trải nhiều phen binh lửa, người chẳng chắc còn, mà ấn này vẫn giữ trọn trước sau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này, giữ tín trong nước, ai cũng hưởng ứng. Ấn này quan hệ với quốc gia không nhỏ, thực là ngôi báu trời cho vẫn có quỷ thần giúp đỡ, khiến cho ngọc bích của Triệu lại trở về (Triệu bích: Lạn Tương như nước Triệu đem ngọc bích sang Tần để đổi lấy 5 thàn, Tương như đem bích về) để truyền lại cho các con cháu. Vả lại nước ta liệt thánh nối nhau, chồng chất sáng hòa, hơn 200 năm, nay nhờ yêu dấu thiêng liêng mà thống nhất cả nước, phúc chứa vốn đã lâu đời”. Kinh Thi có câu “Nhà Chu nước dù cũ mà mệnh trời thì mới” (Chu tuy cựu bang, kỹ mệnh duy tân}, sự mở mang cơ nghiệp vốn bắt đầu từ Văn Vương, Vũ Vương mà công gây dựng buổi đầu thực là tự Cổ Công và Vương Quý. Những vật cũ đời ấy để lại như cái đỉnh cái di, người Chu cũng đều xem là đồ báu. Huống là cái ấn Quốc bảo của tổ tiên ta để lại ư? Từ nay về sau nên lấy ấn này làm vật báu truyền ngôi. Con cháu ta phải đời đời để để lại cho nhau, đừng làm mất đi và truyền đến ức muôn dặm dài mãi mãi”.
Như vậy, ấn vàng này do vua Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) đúc vào năm 1709. Tuy lập vương phủ chính quyền riêng ở Thuận Quảng nhưng các chúa Nguyễn vẫn sử dụng lịch sóc với niên hiệu của các vua Lê ở Bắc Hà. Do vậy trên Kim bảo này vẫn khắc niên hiệu Vĩnh Thịnh của vua Lê Dụ Tông.
Tại chùa Thiên Mụ đến nay vẫn còn lưu dấu của chiếc ấn truyền quốc này. Chùa nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, xã Hương Long, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km, do chính chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Năm 1701, chúa Nguyễn Phúc Chu, một người rất tôn sùng đạo Phật, cho đúc một quả chuông cao 2m50; nặng 3285 cân. Năm 1715, Chúa lại cho dựng tiếp tại chùa tấm bia cao 2m60 rộng 1m25. Đường nét chạm khắc trên bia uyển chuyển, tinh xảo và công phu. Chúa đích thân viết bài minh văn và cho khắc vào bia. Điều đáng lưu ý là hình dấu ấn truyền quốc lại được khắc đè lên dòng chữ ghi niên đại lập bia này cũng cùng 3 dấu khác nhỏ hơn. Năm 1989, tiến sĩ Nguyễn Công Việt (Viện nghiên cứu Hán Nôm) đã dập nguyên bản hình dấu kim bảo này và công bố trong sách “Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX”. Dòng chữ ghi niên đại lập bia, phiên âm như sau: Vĩnh thịnh thập nhất niên tuế thứ Ất mùi sơ Đông chí cát đán lập (Dịch nghĩa: bia lập vào ngày Đông Chí năm Ất Mùi, năm Vĩnh Thịnh 11 – tức năm 1715). Điều này xác nhận rõ ràng việc sử dụng bảo ấn truyền quốc trong sự kiện trọng đại của chúa Nguyễn, 6 năm sau khi ấn đúc xong.
Sử cũ cũng còn ghi chép rằng, tháng 1 năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương ở Sài Gòn, dùng theo niên hiệu Cảnh Hưng của nhà Lê và lấy ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn Chi bảo làm ấn truyền quốc dùng vào các việc nội vụ chính sự.
Kim bảo này là bảo ấn truyền ngôi của các vua Nguyễn kế vị, nên được lưu giữ rất cẩn trọng. Sách Đại Nam Thực Lục cũng có đoạn chép rằng: “Năm Canh Thìn, Minh Mạng năm thứ nhất (1820), tháng 2 ngày tốt, Thánh Tổ Nhân Hoàng đế tự tay phong kín (ấn) cất đi. Đến ngày 22 tháng chạp, lại mở (ấn) xem một lần rồi viết chữ son niêm lại để cất như cũ, dùng để truyền ngôi cho ức muôn đời”.
Ngay sau khi Ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo được triều đình nhà Nguyễn chuyển giao cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945 và được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), nhiều công trình nghiện cứu về ấn chương Việt Nam đều khẳng định Ấn vàng Đại Việt Quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo là hiện vật gốc, có ý nghĩa và giá trị đặc biệt. Cho đến nay, chưa có chiếc ấn nào được phát hiện có chất liệu, hình thức, kích thước và trọng lượng giống với chiếc ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Chiếc ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo được chế tạo bằng chất liệu quý (vàng), kỹ thuật đúc, khắc công phu, là báu vật truyền ngôi của các chúa Nguyễn. Bảo vật này có ý nghĩa lịch sử văn hóa vô cùng quan trọng, bởi nó gắn liền với lịch sử của chế độ quân chủ cuối cùng của Việt Nam nói riêng và với văn hóa, xã hội Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 nói chung.
Chiếc ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo” hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia