Đừng ngó lên!
Dự án “đại tu” nhà trưng bày của Bảo tàng tỉnh nghe đâu trình tới trình lui suốt mấy năm qua nhưng vẫn không khởi động được. Nhà trưng bày vốn là nhà triển lãm được xây dựng từ năm 1985 nhiều hạng mục đã xuống cấp và cũng không phù hợp với tiêu chuẩn của một nhà trưng bày đúng nghĩa. Lễ tết… cố gắng lắm Bảo tàng tỉnh cũng chỉ trưng bày được vài hình ảnh hiện vật để gọi là.
Mấy ngày trước ngẫu hứng tôi tạt ngang Bảo tàng định gặp Giám đốc Đào Duy Phước hỏi xem dự án “đi” tới đâu. Vẫn nụ cười mỉm mỉm đôi mắt nheo nheo lạc quan chi lạ ấy anh bảo: “Sắp tới nhân dịp quốc khánh 2.9 Bảo tàng sẽ mở cửa phục vụ suốt! Kinh phí chỉ có chừng hơn trăm triệu tụi tao làm liều trưng bày hết khu vực tầng trệt này tự lên market tự thiết kế tự làm đề cương… khỏi thuê mướn viện hay công ty gì sất. Tạm gọi là đầy đủ từ thời khẩn hoang lập ấp đến trước khi có Đảng rồi giai đoạn 1930 – 1945 kháng chiến chống chống Mỹ chiến tranh biên giới Tây Ninh và thời kỳ xây dựng phát triển 1975 – 2007…”. Tôi cắc cớ hỏi: “Còn trên lầu?”. Anh cười: “Thằng em mày biết rồi còn giả bộ hỏi thì như anh Dũng nói vô đây nhìn thẳng (xem ảnh) nhìn xuống (xem hiện vật) đừng ngó lên!”.
Năm rồi Bảo tàng Tây Ninh đã gây bất ngờ khi đưa ra trưng bày một số hiện vật cổ như ống điếu bằng cẩm thạch và cặp long mã bằng đồng. Lần này anh Phước cho biết sẽ có cả một số hiện vật gốm sứ men lục lẫn men lam thế kỷ 15 16 và những hiện vật được khai quật từ di tích gò Dinh Ông, gò Bà Đao, gò Cao Sơn, Gò Cổ Lâm, gò Miếu….có niên đại từ 2.000 – 2.700 năm. Nhưng dường như đó cũng chỉ mới là một phần tư của những hiện vật mà Bảo tàng lưu giữ suốt mấy chục năm qua không có nơi để trưng bày và cũng không dám trưng bày vì giá trị hiện vật là vô giá!
Anh chỉ tiếc vì thiếu kinh phí Bảo Tàng tỉnh không thể phục hồi lại nguyên mẫu chiếc máy chém mà chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm đã từng lê khắp miền Nam cùng với luật 10/59 để khủng bố nhân dân và những người kháng chiến cũ trong đó có Tây Ninh – nơi Anh hùng các LLVT Nhân dân Hoàng Lê Kha đã anh dũng ngã xuống.
Tôi định an ủi nhưng nhìn nụ cười mỉm mỉm đôi mắt nheo nheo ấy dường như anh vẫn lạc quan. Thời buổi “thắt lưng buộc bụng” làm được như thế đã là mừng. Đã có người lo gìn giữ sử sách quê hương nhưng không biết rồi sẽ có ai lo chuyện truyền bá sử sách quê hương hay không!? Mấy năm rồi từ thi tốt nghiệp trung học đến cao đẳng đại học ai cũng ta thán học sinh bây giờ chỉ thuộc sử Tàu sử Hàn không biết sử ta. Tôi lại nghĩ Tây nó có cách dạy hay lắm đến giờ sử giáo viên cứ đưa học sinh đi hết bảo tàng này đến bảo tàng nọ… vậy mà nhớ. Cái hay ấy sao chẳng thấy ai bắt chước?
Đặng Hoàng Thái
Nguồn: http://danghoangthai.vnweblogs.com/a86548/den-bao-tang-tay-ninh.html
P/s: Theo tìm hiểu của Ad, hiện tại Bảo tàng Tây Ninh đã bị chuyển tạm đi chỗ khác để lấy đất xây trung tâm thương mại, còn bảo tàng mới thì không biết khi nào xây xong!