Đến nay, sau gần 20 năm đi vào hoạt động, Bảo tàng Yên Bái không chỉ khẳng định được vai trò quan trọng sự nghiệp bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc mà còn góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa cho các thế hệ hôm nay.
Hiện tại, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ trên 20 ngàn di vật có giá trị, trong đó có nhiều sưu tập và hiện vật cổ vô cùng quý giá, phản ảnh mọi thời kỳ của lịch sử, như: di vật thời đại đá cũ có niên đại cách ngày nay 1,3 vạn năm; sưu tập hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí cách ngày nay 3-5 nghìn năm; sưu tập văn hóa Đông Sơn cách ngày nay trên 2.000 năm… tất cả hiện đều đang được bảo quản an toàn theo quy định, sẵn sàng phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu khoa học.
Trong 5 năm (2006 – 2010), Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức được nhiều cuộc trưng bày, triển lãm với quy mô lớn nhằm quảng bá rộng rãi giá trị đặc sắc riêng của quê hương Yên Bái. Đồng thời, chủ động tổ chức trưng bày lưu động trên địa bàn các huyện, xã, hướng tới phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa nhằm khơi dậy trong nhân dân niềm tự hào đối với các giá trị văn hóa cổ đậm đà bản sắc dân tộc.
Những cuộc trưng bày, triển lãm cố định và lưu động của Bảo tàng đã thu hút gần 50.000 lượt khách đến thăm quan, nghiên cứu và học tập. Đây chính là niềm động viên rất lớn với những người công tác bảo tàng trong những năm qua. Song song với việc làm tốt công tác nghiệp vụ bảo tàng, Bảo tàng tỉnh còn chú trọng thực hiện công tác quản lý di tích. Với những hoạt động thiết thực như: kiểm kê di tích, lập hồ sơ khoa học di tích, tu bổ, tôn tạo di tích, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý di tích, giới thiệu di tích cho các đối tượng người dân, Bảo tàng đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc khai thác và phát huy các giá trị di tích.
2 năm trở lại đây, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập được 25 bộ hồ sơ khoa học di tích và trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận cho 11 di tích cấp tỉnh; trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 2 di tích lịch sử cấp Quốc gia (Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên và Đèo Lũng Lô – xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn). Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh còn xúc tiến nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương.
Điển hình là việc phối hợp tổ chức tổng điều tra và phục dưỡng các lễ hội cổ truyền tiêu biểu, đặc trưng nhất của vùng đất Mường Lò – Nghĩa Lộ, như các lễ hội: “Xên bản Xên mường”; “Lồng tồng”, “Cầu mưa”, “Té nước”… góp phần củng cố vững chắc hơn sự hiện hữu các giá trị văn hóa cổ trong cuộc sống đương đại.
Ông Trần Xuân Ca, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: “Đội ngũ cán bộ, viên chức Bảo tàng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hóa địa phương. Nhất là khi các giá trị văn hóa cổ đang đứng trước nguy cơ bị mai một giữ dòng chảy gấp gáp của cuộc sống đương đại. Chúng tôi ý thức được sâu sắc rằng, hiện vật không được trưng bày và giới thiệu thì chỉ là hiện vật “chết”, di sản nếu không được quảng bá sâu rộng đến đông đảo người dân và bạn bè du khách thì chỉ như một cái vỏ rỗng không hồn. Chính vì vậy, công tác nghiệp vụ bảo tàng có cả áp lực hữu hình lẫn vô hình.
Từ việc phân loại, thống kê, khảo cứu hiện vật thám sát đến việc bảo quản hiện vật, tu bổ, tôn tạo, giới thiệu di tích, khảo sát các di vật mới phát hiện, phục dựng các văn hóa vi vật thể… đều không chỉ đòi hỏi cao về kiến thức, kỹ năng mà còn rất nhiều tâm huyết. Vượt qua những áp lực đó, Bảo tàng vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, khẳng định tốt vai trò trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa địa phương”.
Hồng Oanh
Nguồn: http://www.baoyenbai.com.vn/16/70577/Bao_tang_tinh_Yen_Bai__noi_luu_giu_nhieu_truyen_thong_van_hoa_quy_gia.htm