Trải qua gần 25 năm với sự tiếp nối, phấn đấu không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, viên chức và người lao động, sau ngày tái lập, Bảo Tàng tỉnh Lào Cai đã vượt qua muôn vàn khó khăn (đơn vị đã di chuyển trụ sở 7 lần) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đến nay, đơn vị đã sưu tầm và lưu giữ được 14.601 tư liệu, hiện vật và chuẩn bị tiếp nhận “Nhà bảo tàng tỉnh” – công trình chào mừng 25 năm ngày tái lập tỉnh Lào Cai.
Ngày 05/8/1992, “Bảo tồn, bảo tàng tổng hợp tỉnh Lào Cai” được thành lập theo Quyết định số: 198/QĐ.UB của UBND tỉnh Lào Cai với 05 cán bộ. Cùng chung khó khăn của tỉnh mới tái lập, trụ sở của “Bảo tồn, bảo tàng tổng hợp” khi đó ở chung nơi tập kết của Sở tại thị trấn Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng) là một gian nhà cấp 4 đơn sơ để làm kho với số liệu trên 300 hiện vật các loại.
Tháng 3 năm 1993, Bảo tồn, bảo tàng tổng hợp chính thức chuyển tới thị xã tỉnh lỵ Lào Cai và tiếp tục di chuyển trụ sở thêm 6 lần nữa cho đến hiện nay.
Năm 1998, “Bảo tồn, bảo tàng tổng hợp” được đổi tên thành “Bảo tàng tổng hợp”.
Ngày 03/10/2012, “Bảo tàng tổng hợp” được đổi tên thành “Bảo tàng tỉnh” theo Quyết định số: 2565/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho đến nay.
Hiện tại, Bảo tàng tỉnh có 20 biên chế sự nghiệp gồm 5 nam và 15 nữ. Trong đó, 17 người có trình độ đại học và trên đại học, 03 người có trình độ cao đẳng và trung cấp, tỉ lệ cán bộ, viên chức là người dân tộc thiểu số trong đơn vị chiếm 33%.
Tổ chức bộ máy của đơn vị gồm Ban giám đốc và 04 phòng chức năng: Phòng Hành chính tổng hợp; Phòng Trưng bày tuyên truyền; Phòng Nghiên cứu sưu tầm và Phòng Kiểm kê bảo quản.
Do trụ sở chưa có phải ở nhờ, cơ sở vật chất của đơn vị còn nhiều thiếu thốn, trang thiết bị còn nghèo nàn và lạc hậu nên Bảo Tàng tỉnh Lào Cai mới được xây dựng chuẩn bị hoàn thiện để làm gian trưng bày. Tuy gặp nhiều khó khăn song 25 năm qua, Bảo tàng tỉnh đã đồng lòng quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh, ngành đạt được nhiều kết quả tích cực song hành cùng sự phát triển tỉnh Lào Cai. Hiện tổng số tư liệu, hiện vật đang được lưu giữ trong kho bảo tàng là: 14.601 hiện vật Trong đó: 593 hiện vật đồ đá; 438 hiện vật đồ dệt; 314 hiện vật đồ mộc; 492 hiện vật giấy; 557 hiện vật đồ gốm; 832 hiện vật kim loại; 728 đồ giả cổ; 342 đồ mỹ ký; 5.938 phim ảnh; 4.075 ảnh và 37 bộ sưu tập hiện vật. Nhiều hiện vật có giá trị cao trên các mặt lịch sử, văn hóa và khoa học. Trong đó, một số hiện vật đã được lập hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia.
Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các Viện nghiên cứu thực hiện một số cuộc thám sát, khai quật khảo cổ học như: Hang Mã Tuyển ở Mường Khương; đồ đá Sơn Vi ở Bảo Thắng, thành phố Lào Cai,… đã thu được nhiều hiện vật có giá trị cao về mặt khoa học, minh chứng cho nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ.
Tính đến thời điểm 30/6/2016 đã có 30 di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Lào Cai được lập hồ sơ khoa học đã được công nhận. Trong đó: 18 di tích cấp Quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh. Hầu hết các di tích, danh thắng đều được bảo tồn, phát huy giá trị không những về mặt giáo dục lịch sử văn hóa mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Gần 25 năm qua, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện hàng trăm cuộc trưng bày phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thăm quan của quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh. Trong đó, phải kể đến một số cuộc trưng bày thường xuyên như: Trưng bày Lễ hội Đền Thượng; Trưng bày phục vụ các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh; tổng kết Hội đồng nhân dân tỉnh; các đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số và các kỳ đại hội các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Đơn vị còn tham gia nhiều cuộc trưng bày lưu động lớn của Trung ương diễn ra tại Hà Nội; các cuộc trưng bày diễn ra ở khu vực Tây Bắc và một số tỉnh khác trên cả nước; phối hợp với các bảo tàng trung ương và địa phương tham gia một số triển lãm quốc tế như: triển lãm quốc tế tại Trung Quốc,…
Các cuộc trưng bày đều có nội dung tư liệu phong phú, đúng chủ đề, hình thức và phương pháp trưng bày hấp dẫn, thu hút hàng nghìn lượt khách thăm quan. Nhiều cuộc trưng bày được đánh giá cao và được nhận Bằng khen của tỉnh và của Bộ VHTTDL như:
– Năm 2005, trưng bày phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XII (Bằng khen của Tỉnh ủy Lào Cai);
– Năm 2007, trưng bày phục vụ lễ kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Lào Cai (Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai);
– Năm 2009, trưng bày kỷ niệm “40 năm ngành VHTTDL thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Bằng khen của Bộ VHTTDL);
– Năm 2010, Triển lãm phục vụ Giỗ tổ Hùng Vương “Lễ Hội đền Hùng” (Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ);
– Năm 2012, trưng bày chương trình “Sắc màu Tây Bắc” được tổ chức tại Hà Nội (Giấy khen của Trung tâm Triển lãm nghệ thuật Việt Nam) và nhiều Bằng khen, Giấy khen khác.
Ngoài ra, đơn vị còn giúp các ban, ngành, các địa phương trong toàn tỉnh trưng bày các phòng, nhà truyền thống, nhà trưng bày, xã hội hóa công tác bảo tàng như: Phòng truyền thống BCH quân sự tỉnh; Phòng truyền thống Công an tỉnh; Phòng truyền thống Tỉnh Hội phụ nữ; Phòng truyền thống HĐND tỉnh; Nhà trưng bày truyền thống Cam Đường; Nhà trưng bày Khu trạm khắc đá cổ tại Sa Pa…
Do trụ sở ở nhờ, mặc dù với tổng diện tích kho Bảo tàng hơn 100m2 như hiện nay không đáp ứng được nhu cầu bảo quản 14.601 tư liệu, hiện vật. Trang thiết bị bảo quản chỉ có hơn chục các hòm, thùng tôn và 5 tủ gỗ chỉ đủ lưu giữ một số hiện vật có nguy cơ bị xâm hại cao như: phim ảnh, tư liệu giấy… Nhiều hiện vật thể khối chưa có bục bệ nên đành để tạm dưới nền kho. Song hầu hết các tư liệu, hiện vật đến nay vẫn được bảo quản tốt không bị hư hoại, thất lạc, mất mát; phục vụ đầy đủ việc nghiên cứu, trưng bày bảo tàng.
Với điều kiện khó khăn như vậy, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, thực hiện Đề án số 13 về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2011 – 2015, cuối năm 2015 Bảo tàng tỉnh Lào Cai đã được xây dựng Nhà trưng bày với quy mô 03 tầng, diện tích xây dựng: 3.976m2, tổng vốn đầu tư: 131.678.615.000 đồng.
Hiện tại, Công trình Nhà bảo tàng đang hoàn thiện xây dựng cơ bản, chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng. Sắp tới, đơn vị sẽ trưng bày thành tựu 25 tái lập tỉnh, khai trương các hoạt động bảo tàng tại trụ sở mới. Tương lai Bảo tàng tỉnh Lào Cai không chỉ là một thiết chế văn hóa mà còn là điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh, đáp ứng nhu cầu “học tập suốt đời trong Nhà bảo tàng” của nhân dân từ trong đến ngoài tỉnh và du khách quốc tế.
Lê Thành Nam
Nguồn: http://www.laocai.gov.vn/svhttdl/1233/27665/50534/243602/Huong-toi-ky-niem-25-nam-tai-lap-tinh-Lao-Cai/Bao-tang-tinh-Lao-Cai-25-nam-mot-chang-duong.aspx