Bảo tàng tỉnh hiện nằm trong khuôn viên cơ sở II của sở VHTTDL tỉnh Điện Biên, cạnh đường Hoàng Văn Thái thuộc tổ dân phố 9, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ.
Nằm trong hệ thống bảo tàng khảo cứu địa phương (Bảo tàng tổng hợp) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh là một bộ phận của các tổ chức thiết chế văn hóa, làm nhiệm vụ quản lý các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh (ngoài quần thể di tích chiến trường Điện Biên phủ) và nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày những mẫu vật thiên nhiên, di vật và các giá trị phi vật thể văn hóa – xã hội của tỉnh từ thời tiền sơ sử cho đến ngày nay.
Bảo tàng giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ tìm hiểu về môi trường và tiềm năng thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa nhằm khai thác và phát huy tiềm năng đó phục vụ sự phát triển toàn diện của tỉnh, đồng thời giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc, yêu quê hương, yêu tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Hơn nửa thế kỷ thành lập và phát triển, trải qua những bước thăng trầm, Bảo tàng tỉnh không ngừng đổi mới, đa dạng hóa hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các Di sản văn hóa của tỉnh, của dân tộc. Những thành tích đáng khích lệ mà Bảo tàng có được hôm nay là nhờ sự nỗ lực to lớn của các thế hệ cán bộ, công chức viên chức cùng với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm hỗ trợ của các ban nghành từ trung ương đến địa phương.
Ra đời cách đây hơn 50 năm, từ sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954), năm 1955, Phòng Truyền thống Trung đoàn 174 ra đời, đã sưu tầm và trưng bày nhiều tài liệu hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ phục vụ nhân dân. Tài liệu, hiện vật đó hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc tạo nên sức mạnh để dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù.
Năm 1955, Khu Tự trị Thái Mèo thành lập (sau đổi thành Khu Tự trị Tây bắc). Bảo tàng Khu Tây bắc ra đời, hiện vật của Phòng Truyền thống Trung đoàn 174 được chuyển về, cán bộ bảo tàng đã sưu tầm, trưng bày nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa tuyên truyền phục vụ nhân dân. Kỷ niệm 05 năm (07/5/1954 – 07/5/1959) Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ Bảo tàng đã vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu chính phủ lên dự lễ mít tinh. Tới thăm bảo tàng, Bác đã lưu bút tích trong sổ lưu niệm. Những dòng lưu bút của Bác thêm một lần nữa khẳng định giá trị to lớn, ý nghĩa thời đại của chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta.
Năm 1962, Khu Tây Bắc giải thể và tách thành 03 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ. Bảo tàng Khu Tây Bắc giải thể, hiện vật được phân về phòng Bảo tàng các Ty Văn hóa tỉnh. Năm 1964 Phòng Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa tỉnh Lai Châu thành lập, trưng bày cố định và tổ chức các cuộc triển lãm phục vụ nhân dân địa phương trong tỉnh đồng thời tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của mình. Ngày 05/7/1965, Bảo tàng Điện Biên Phủ thành lập. Năm 1976 nhà trưng bày tổng hợp tỉnh Lai châu được xây dựng (trên cơ sở các hiện vật, tư liệu đã được sưu tầm, tiếp nhận các hiện vật từ Bảo tàng Khu Tây Bắc trước đây. Năm 1979 chiến tranh biên giới xảy ra, Bảo tàng Điện Biên Phủ giải thể, hiện vật được phân ra do huyện Điện Biên và phòng Bảo tàng quản lý sau đó đưa đi sơ tán. Chiến tranh kết thúc, cán bộ bảo tàng đưa hiện vật về trưng bày theo trình tự của bảo tàng khảo cứu địa phương phục vụ nhân dân đồng thời thực hiện chức năng nhiệm vụ của phòng Bảo tàng.
Năm 1984 Bảo tàng Điện Biên Phủ được thành lập lại, chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ( 07/5/1954 – 07/5/1984) Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nhà trưng bày đã được xây dựng lại trưng bày, các di tích chiến trường Điện Biên Phủ được đầu tư tu bổ phục vụ khách tham quan.
Năm 1995 Bảo tàng tỉnh Lai Châu mới chính thức có quyết định thành lập. Năm 1996, hai đơn vị bảo tàng trên sát nhập, lấy tên là Bảo tàng Điện Biên Phủ sau đổi tên thành Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Tháng 8/2004 Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được chia tách thành Bảo tàng dân tộc tỉnh và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Năm 2008 Bảo tàng dân tộc tỉnh đổi tên là Bảo tàng tỉnh cho đến nay.
Bảo tàng tỉnh hiện là Bảo tàng loại III, đang bảo tồn và phát huy trên 4000 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, của tỉnh. Trong số những hiện vật, tài liệu đó có những hiện vật đã từng hiện hữu trên mảnh đất Điện Biên vào những thời điểm xã hội Việt Nam trải qua đầy biến động: Hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm Pháp thuộc và những ngày đầu Điện Biên mới giải phóng đi lên xây dựng CNXH mà rất nhiều du khách muốn được ngược thời gian trở về khám phá bức tranh toàn cảnh của Điện Biên Phủ xưa và nay. Bên cạnh văn hóa vật thể, Bảo tàng tỉnh đã và đang nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm “gạn đục khơi trong” kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, áp dụng tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước vào đời sống cộng đồng, phát huy tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc và đánh thức tiềm năng du lịch, nhằm khai thác lâu dài, hiệu quả phục vụ khách tham quan du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa – xã hội và đặc biệt là nghành kinh tế du lịch của tỉnh phát triển.
Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã làm tốt vai trò của mình trong việc bảo tồn và phát huy những Di sản văn hóa của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương, góp phần quảng bá nền văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc tỉnh Điện Biên tới cộng đồng bạn bè quốc tế. Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Bảo tàng tỉnh hiện nay là chủ động đổi mới phương thức hoạt động, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn phát huy giá trị các Di sản văn hóa; vận hành có hiệu quả hệ thống kho cơ sở, trưng bày cố định và lưu động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành trong giai đoạn hiện nay, Bảo tàng tỉnh rất cần có một hạ tầng cơ sở tốt – khuôn viên công sở cố định ở nơi đảm bảo an ninh, trật tự và thuận tiện thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho khách tham quan du lịch. Đó là điều kiện tối thiểu để đảm bảo cho một bảo tàng thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ chuyên ngành.
Bảo tàng tỉnh đã và đang xây dựng các kế hoạch mang tính chiến lược về chương trình hoạt động, ngoài công tác chuyên môn sẽ đa dạng hóa hoạt động dịch vụ công chúng tham quan phù hợp với chức năng nhiệm vụ của bảo tàng, mở rộng mối liên hệ với các địa phương, các cơ quan, trường học, các hãng lữ hành du lịch phát triển công chúng nhằm hướng tới mục tiêu bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh thực sự là điểm đến hấp dẫn, một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo nhằm phát triển công chúng, thu hút công chúng yêu bảo tàng, yêu văn hóa dân tộc, xây dựng tuyến du lịch giữa các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện, tỉnh, khu vực, phục vụ đắc lực nhu cầu nghiên cứu, du lịch của du khách khám phá giá trị nhân văn các tộc người tỉnh Điện Biên.
Bảo tàng tỉnh Điện Biên là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đó là ký ức từ thế hệ cha ông trao gửi cho thế hệ chúng ta hôm nay và các thế hệ tiếp nối. Trong những năm tới, Bảo tàng tỉnh tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị lâu dài những giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, để những di sản văn hóa đó luôn giữ được sức sống trong lòng công chúng, phục vụ nhiệm vụ chính trị xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng, làm nên diện mạo, sắc thái văn hóa Điện Biên và góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Nguyễn Phượng – Phòng Di sản văn hóa
Nguồn: http://dntdienbien.svhttdldienbien.gov.vn/Article/111/Bao-tang-tinh-Dien-Bien-nhung-chang-duong-xay-dung-truong-thanh-va-phat-trien.html