Bảo tàng tỉnh Quảng Trị được thành lập theo Quyết định số 87/QĐ-UB ngày 29 tháng 7 năm 1989 của UBND tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở được tách ra từ Bảo tàng tỉnh Bình Trị Thiên, hoạt động trên cả hai lĩnh vực bảo tàng và bảo tồn.
Đến năm 1998, để phù hợp với tình hình phát triển mới, đơn vị được tách ra thành hai đơn vị đó là Bảo tàng tỉnh và Ban quản lý Di tích (nay là Trung tâm Bảo tồn Di tích và Danh thắng).
Để tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động và khai thác các thế mạnh của Bảo tàng, đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của quê hương đất nước, tháng 2 năm 2000 UBND tỉnh đã cho phép đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, hệ thống kho bảo quản và nhà trưng bày bảo tàng tại địa điểm số 08 Nguyễn Huệ, Thành phố Đông Hà.
Diện tích khuôn viên gần 10.000m2, trong đó diện tích trưng bày trong nhà 2 tầng (2.500m2), diện tích trưng bày ngoài trời gần 3.500m2, còn lại là hệ thống kho tầng, vườn hoa, cây xanh, đường nội bộ… với tổng kinh phí đầu tư 30.257.000.000 đồng, được khánh thành đưa vào sử dụng ngày 01/5/2008.
Bảo tàng hiện lưu giữ và bảo quản 30.100 tài liệu hiện vật đã được kiểm kê đăng ký khoa học (bao gồm cả hiện vật kho nghiên cứu tham khảo).
Tổng số tài liệu, hiện vật được trưng bày giới thiệu tại nhà trưng bày là 9.381 hiện vật.
Bảo tàng Quảng Trị là một trong những bảo tàng hiện đại của hệ thống bảo tàng quốc gia Việt Nam, thiết kế trưng bày của bảo tàng sử dụng những giải pháp hiện đại, hình thức trưng bày đa dạng. Trưng bày theo tiến trình không gian và thời gian, đồng thời kết hợp trưng bày chuyên đề, có các tổ hợp trưng bày, không gian tái tạo… hệ thống ánh sáng được thiết kế công phu nhằm tôn lên những giá trị của hiện vật, tạo điểm nhấn cần thiết cho các không gian trưng bày. Ngoài ra, các giải pháp hỗ trợ trưng bày cũng được áp dụng đồng bộ như: Hệ thống âm thanh, ánh sáng, video chiếu phim, minh họa… Phần trưng bày ngoài trời bao gồm các hiện vật thể khối về cách mạng kháng chiến như: Máy bay, xe tăng, tên lửa, các loại súng pháo, tổ hợp bom đạn; Các hiện vật thể khối lớn thuộc văn hoá Chămpa… Tất cả tạo nên một sức hấp dẫn cho du khách khi đến Bảo tàng Quảng Trị.
Hệ thống kho bảo quản tài liệu hiện vật với trang thiết bị hiện đại, bố trí khoa học. Diện tích sử dụng 450m2 được bố trí tại 06 kho và đã được phân loại theo các chất liệu như: Kho kim loại; Kho phim ảnh; Kho đồ giấy; Kho đồ sành sứ; Kho đồ gỗ; Kho dân tộc học. Hệ thống giá, kệ, hòm, tủ… đựng tài liệu, hiện vật đầy đủ đúng chủng loại, đúng quy định.
Hiện nay, Bảo tàng Quảng Trị là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Trải qua hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, đồng hành cùng với công cuộc xây dựng, phát triển và đổi mới cùng cả ngành, tỉnh và cả nước Bảo tàng Quảng Trị đã nổ lực vượt qua mọi khó khăn, tích cực chủ động, sáng tạo và đạt được nhiều thành tựu, từng bước lớn mạnh về mọi mặt và trở thành một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc trên vùng đất Quảng Trị
Nguồn: http://baotangquangtri.vn/Gi%E1%BB%9Bi-thi%E1%BB%87u/Gi%E1%BB%9Bi-thi%E1%BB%87u-chung