Bảo tàng Lâm Đồng là bảo tàng tổng hợp (khảo cứu địa phương), hiện đang lưu giữ trên 15.000 hiện vật với nhiều sưu tập hiện vật độc đáo và quý hiếm.
Nội dung trưng bày của Bảo tàng bao gồm các phần chính như:
- Thiên nhiên Lâm Đồng;
- Đà Lạt xưa và nay;
- Những phát hiện về khảo cổ học ở Lâm Đồng;
- Những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa (dân tộc Mạ, Cơho, Churu);
- Quân và dân Lâm Đồng trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm;
- Nhân dân Lâm Đồng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Ngoài những nội dung trên, Bảo tàng Lâm Đồng còn giới thiệu hai nhà sàn dân tộc Mạ và Cơho được phục dựng nguyên gốc và bên trong bài trí theo không gian sinh hoạt truyền thống. Du khách khi đến đây sẽ có cảm giác như đang được sống trong ngôi nhà của người Mạ, Cơho, nghe cô thuyết minh duyên dáng người Cơho giới thiệu về phong tục tập quán và nếp sinh hoạt trong ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình.
Đến với Bảo tàng Lâm Đồng, du khách còn được hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng, trữ tình của Đà Lạt, tham gia các trò chơi dân gian như ném còn, nhún đu, bịt mắt đánh chiêng hoặc thao tác các nghề truyền thống như làm gốm, in tranh Đông Hồ…
Đồng thời thưởng lãm hoa nghệ thuật, mang tên “Ngàn hoa Đà Lạt” với các loài hoa đặc trưng của Đà Lạt như: Hoa hồng, Cẩm tú cầu, Hoa lan, Hoa ly v.v… được bảo quản bởi công nghệ Nhật Bản, có thể lưu giữ vẻ đẹp thuần khiết từ 3 đến 5 năm.
Quý khách thăm lại Cung Nam Phương Hoàng hậu, tìm hiểu kiến trúc tiêu biểu của Pháp tại thành phố Đà Lạt và hiểu thêm về Nam Phương Hoàng hậu – Vợ vua Bảo Đại, Hoàng hậu duy nhất của triều Nguyễn và là Hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam.
Bảo tàng Lâm Đồng đã và đang trở thành một địa điểm ấn tượng và hấp dẫn cho du khách khi đến du lịch tại Đà Lạt – Lâm Đồng, và là nơi thu hút học sinh, sinh viên đến nghiên cứu và học tập.
- Số 4 Hùng Vương, Đà Lạt.
- baotangld@gmail.com
- 0263 3812624 – 0263 3813325
- Mở cửa: tất cả các ngày trong tuần từ: 7h30 đến 16h30
Nguồn: http://www.baotanglamdong.com.vn/index.php/gioi-thieu/gioi-thieu-chung/108-bao-tang-lam-dong.html