Nằm trong Thành Nội, đây là Bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế, vào năm 1923, với danh xưng đầu tiên là Musee’ Khải Định. Sau đó, nó đã năm lần được thay đổi tên: Tàng Cổ Viện Huế (từ năm 1947, dưới thời hội đồng chấp chính Trung Kỳ). Viện bảo tàng Huế (dưới thời Ngô Đình Diệm). Nhà trưng bày cổ vật (từ năm 1979). Bảo tàng cổ vật Huế (từ năm 1992). Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế (từ năm 1995).
Thật vậy, mãi đến giữa thế kỷ này, học giới trong nước và ngoại quốc vẫn cho rằng tại Việt Nam, những bảo tàng nỗi tiếng nhất về lịch sử và mỹ thuật là bảo tàng Louis Finot (nay là bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội), bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh), bảo tàng Parmentier (nay là bảo tàng chàm ở Đà Nẵng) và Musee’ Khải Định. Đó là những bảo tàng vừa có giá trị quốc gia vừa có gíá trị quốc tế, được thành lập từ những thập niên đầu thế kỷ XX.Dù sao cũng đã có một thời, nhất là trước năm 1945, nó là một trong những bảo tàng sáng giá nhất Đông Dương và được nhiều nhà nghiên cứu cũng như nhiều học hội trên thế giới biết đến.
Riêng Musee’ Khải Định là một tổ hợp động sản và bất động sản gắn liền với triều đại nhà Nguyễn (1802-1945).
Khuôn viên bảo tàng rộng đến 6.330 m2, trong đó có tòa nhà chính ở giữa với diện tích mặt bằng 1.185m2 và một số nhà phụ dùng làm kho tàng trữ cổ vật, sân vườn,…Tòa nhà chính vốn là ngôi điện Long An nằm trong cung Bảo Định được xây dựng năm 1845 ở bờ Bắc Ngự Hà. Đó là một biệt cung để vua Thiệu Trị (1841-1847) thỉnh thoảng đến tiêu khiển và làm chỗ nghỉ chân hàng năm khi ra cày ruộng Tịch điền ở gần đó. Vào năm 1909, thời vua Duy Tân, triều đình cho dời điện Long An đến vị trí hiện nay để làm thư viện của trường Quốc Tử Giám kề ngay đó. Đến năm 1923, do đề nghị của hội Đô Thành Hiếu Cổ (Association des Amis du Vieus Hue), Nam Triều cho di chuyển toàn bộ tài liệu sách vở trong thư viện này qua một dãy nhà nằm bên trái Di Luân Đường trong khuôn viên trường Quốc Tử Giám, rồi đặt cho nó cái tên mới là Bảo Đại thư viện, còn tòa điện Long An cũ thì dùng làm Musee’ Khải Định.
Cố họa sĩ Phạm Đăng Trí đã từng nhận xét: “Những lần tôi đến đây thường say sưa ngắm những ô hộc chạm xương hay khảm xà cừ nằm trong liên ba thành vọng đủ cỡ vòng quanh mấy hàng cột trông giống như những nghi môn có lớp cao lớp thấp. Càng ngắm tôi càng nhận thấy phần trang trí trong kiến trúc thời Thiệu Trị là tinh vi hơn cả so với những thời khác tại Huế. Nó vừa lộng lẫy lại vừa thanh nhã và khéo điểm sáng những chỗ chính, tô mờ những chỗ phụ, trang sức trong những đoạn cần thiết mà thôi”.Người xưa đã rất có lý khi dùng điện Long An làm bảo tàng. Đây là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ bằng gỗ lim, được xây dựng theo phong cách nghệ thuật kiến trúc cung điện độc đáo của Huế. Ngôi điện được làm theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” với 128 cột. Trang trí nội ngoại thất cực kỳ phong phú, giàu tính nghệ thuật và rất thanh nhã.
Trên bờ nóc và bờ quyết thì trang trí hình “lưỡng long tranh châu” và hình “tứ linh: long lân quy phụng”. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật đã đồng ý với nhau rằng đây là “tòa nhà nguy nga tráng lệ vào hạng đẹp nhất của các cung điện Việt Nam”. Như vậy, riêng điện Long An đã là một hiện vật bảo tàng qúy báu rồi.
Trải qua sự hủy hoại của thời gian và sự thất thoát do lòng tham của con người, số cổ vật ở đó không còn nguyên vẹn như xưa. Nhưng, ngày nay khi đến đó, du khách vẫn còn chiêm ngưỡng được hàng trăm hiện vật qúy hiếm như ngai vàng, kiệu vua, long sàn, ngự y, áo hoàng thái hậu, hài hoàng hậu, sập gụ tủ chè, tranh thơ ngự chế, đồ sành đồ sứ, đồ bạc, đồ đồng, đồ pháp lam, …được trưng bày trong điện này.Phần lớn các hiện vật trong bảo tàng này đã được sưu tập và tàng trữ từ năm 1913, khi hội Đô Thành Hiếu Cổ bắt đầu thành lập và hoạt động, đến tháng 3 năm 1945, khi xảy ra cuộc đảo chính Nhật hất cẳng Pháp tại Đông Dương, học hội ấy cũng bị tan rã. Bấy giờ, số hiện vật trưng bay và tàng trữ ở đây đã lên đến gần 10.000 đơn vị. Chúng được chế tác bằng đủ loại nguyên liệu như vàng, bạc, đồng, thủy tinh, đất nung, đá, gỗ, mây, tre vải, da, giấy, …Phần lớn là đồ ngự dụng, quan dụng, đồ dùng của triều đình, hoàng gia, các tác phẩm mỹ thuật từng được trưng bày trong các cung điện tại kinh triều Nguyễn.
Phần lớn đó là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các “bàn tay vàng” một thời làm ra theo lệnh của triều đình, hoặc để cung tiến cho vua. Chúng không phải là những mặt hàng sản xuất hàng lọat, mà mỗi thứ chỉ có một bộ hoặc một chiếc duy nhất. Qúy hiếm và độc đáo là vậy.
Trong khuôn viên bảo tàng này, còn có một nhà kho khác tàng trữ hơn 80 hiện vật Chàm được sưu tầm tại vùng châu Ô, châu Lý ngày xưa, và mang ra từ Trà Kiệu trong những cuộc khai quật khảo cổ học tại đó vào năm 1927. Riêng các hiện vật Chàm đã từng được những nhà nghiên cứu đánh giá là những di sản văn hóa quy hiếm chẳng những của vùng Viễn Đông mà còn của thế giới nữa. Nhìn chung, ngôi điện Long An cổ kính cũng như các hiện vật ở đây có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách quốc nội và quốc tế, xưa nay, khi đến viếng cố đô.Ngoài các hiện vật được trưng bày, bảo tàng còn cất giữ hàng ngàn hiện vật khác do triều đình cho sản xuất tại chỗ, đặt làm, hoặc mua từ ngoại quốc, và do các phái bộ ngoại giao mang đến biếu tặng. Nhiều nhất ở đây là đồ sứ men lam, thường được gọi là “Bleu de Hue’ “. Đây là “đồ kiểu” được chế tác bằng kỹ thuật cao, do triều đình nhà Nguyễn đặt làm từ các lò sản xuất đồ gốm nổi tiếng bên Trung Hoa, căn cứ theo sở thích, mẫu mã, kích cỡ mà vua quan Việt Nam nêu ra trong “đơn đặt hàng”. Trong kho gốm men cũng có một số đồ sản xuất tại Pháp, Nhật, Anh, Mỹ ….khoảng 100 bộ áo quần của các vua, hòang hậu, hòang tử, quan lại, lính tráng cũng đang được lưu giữ ở kho đồ vải.
Nguồn: http://hueworldheritage.org.vn/TTBTDTCDH.aspx?TieuDeID=35&TinTucID=20&l=vn