Chiếm tỉ lệ chủ yếu trong công cụ sản xuất của cư dân văn hoá Phùng Nguyên vẫn là đồ đá. Tuy nhiên, kĩ thuật chế tác đá của cư dân Phùng Nguyên đã đạt đến đỉnh cao mà ở giai đoạn trước hay sau đó đều không vượt qua. Hầu hết các loại công cụ và đồ trang sức bằng đá của người Phùng Nguyên đều được mài nhẵn, có kích thước nhỏ nhắn, tinh tế, được chế tác từ các loại đá quí hiếm, có độ rắn cao, màu sắc đẹp. Nếu ở giai đoạn hậu kì đá mới, con người mới biết đến các loại hình kĩ thuật như ghè, đẽo, cưa, khoan, tiện đá… thì đến văn hoá Phùng Nguyên, những kĩ thuật này đã trở nên phổ biến thành thục đến độ tinh vi. Các thao tác kĩ thuật như tiện đá, khoan lỗ và khoan tách lõi đã giúp người Phùng Nguyên tạo ra các loại hình công cụ có hình dáng chính xác và tiết kiệm được nguyên liệu.
Chiếm đa số trong các loại hình công cụ đá Phùng Nguyên là các loại rìu bôn có thiết diện hình tứ giác. Người ta đã tìm thấy số lượng lớn các bôn đá hình tứ giác có lưỡi vát lệch một bên ở các di chỉ Phùng Nguyên. Ngay tại một di chỉ như Gò Bông (Phú Thọ), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 44 chiếc bôn đá. Phần lớn trong số bôn đá tìm được có kích thước nhỏ, mỏng, dài trung bình từ 1,8 – 2,5cm, rộng 1,5 – 2cm, dày 0,1 – 0,5cm, lưỡi tạo góc 30 – 40 độ, nhiều chiếc dài bằng chiều rộng [1].
Bện cạnh là các loại rìu đá hình tứ giác có kích thước nhỏ, góc lưỡi sắc. Đặc biệt, người ta cũng bắt gặp trong các địa điểm văn hóa Phùng Nguyên loại rìu đá được chế tác bằng ngọc Nephrit có màu trắng đục, trắng vân hồng hay vân xanh. Loại rìu này kích thước rất nhỏ (dài trung bình 3cm, rộng gần 2cm, dày 0,5cm), có loại còn bé hơn, giống như đồ trang sức của con người. Đó là sản phẩm của đôi bàn tay chế tác đá tài hoa của người Phùng Nguyên bấy giờ.
Ngoài bôn và rìu đá, trong các di chỉ Phùng Nguyên còn tìm thấy nhiều loại hình công cụ khác, như đục đá, cuốc đá, dao đá, liềm đá, cưa đá, mũi khoan đá, mũi lao, mũi giáo, mũi tên đá 2 – 3 cạnh… Những hiện vật này đều được làm ra trong một số công xưởng chế tác đá ở Tràng Kênh, Bãi Tự, Gò Chè,…
Việc phát hiện xỉ đồng, gỉ đồng, khuôn đúc đồng bằng đất nung là bằng chứng cho phép chúng ta xác định về sự ra đời của nghề luyện kim đồng thau ở Việt Nam trong giai đoạn phôi thai.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy được những đồ đồng nguyên vẹn trong các di chỉ Phùng Nguyên. Việc không có những hiện vật bằng đồng được định hình cho thấy đồ đồng thời bấy giờ còn chiếm tỉ lệ rất ít. Không thể phủ nhận rằng, mặc dù chủ nhân của văn hóa Phùng Nguyên đã bước vào thời đại kim khí nhưng đồ đồng vẫn chưa lấn át được công cụ bằng đá. Đồ đá vẫn chiếm tỉ lệ chủ yếu (92%) và là công cụ chủ đạo trong đời sống sản xuất – kinh tế của người Phùng Nguyên [2].
Nguồn: bachkhoatrithuc.vn