Quốc hiệu luôn là một trong những cái tên thiêng liêng nhất đối với mỗi dân tộc, mỗi con người. Quốc hiệu khẳng định sự tồn tại và chủ quyền của một quốc gia, thể hiện ý thức và niềm tự hào của mỗi dân tộc cũng như sự bình đẳng với các nước khác trên thế giới.
Từ đầu thời đại đồng thau, các bộ lạc người Việt đã định cư ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Lúc bấy giờ có khoảng 15 bộ lạc người Việt sinh sống chủ yếu ở miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ, hàng chục bộ lạc Âu Việt sống chủ yếu ở miền Việt Bắc. Tại nhiều nơi, người Lạc Việt và người Âu Việt sống xen kẽ với nhau, bên cạnh các thành phần dân cư khác.
Do nhu cầu trị thủy, nhu cầu chống ngoại xâm và do việc trao đổi kinh tế, văn hóa ngày càng gia tăng, các bộ lạc sinh sống gần gũi có xu hướng tập hợp và thống nhất lại. Trong số các bộ lạc Lạc Việt, bộ lạc Văn Lang hùng mạnh hơn cả. Thủ lĩnh bộ lạc này là người đứng ra thống nhất tất cả các bộ lạc Lạc Việt, dựng lên Nhà nước Văn Lang, xưng vua – mà sử cũ gọi là Hùng Vương – và con cháu ông nhiều đời sau vẫn nối truyền danh hiệu đó. Thời gian tồn tại của nước Văn Lang khoảng từ đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ III trước Công nguyên.
Năm 211 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng cho quân xâm lược đất đai của toàn bộ các nhóm người Việt, Thục Phán – thủ lĩnh liên minh các bộ lạc Âu Việt được tôn làm người lãnh đạo cuộc chiến chống quân Tần. Năm 208 trước Công nguyên, quân Tần phải rút lui. Với uy thế của mình, Thục Phán xưng vương (An Dương Vương), liên kết các bộ lạc Lạc Việt và Âu Việt lại, dựng nên nước Âu Lạc (tên ghép hai chữ của hai bộ lạc Âu Việt và Lạc Việt).
Năm 179 trước Công nguyên, Triệu Đà – vua nước Nam Việt, đưa quân đánh chiếm Âu Lạc, cuộc kháng chiến của An Dương Vương thất bại. Suốt 7 thế kỷ sau đó, mặc dù các thế lực phong kiến phương Bắc thay nhau đô hộ, chia Âu Lạc thành nhiều châu, quận với những tên gọi khác lạ, nhưng vẫn không xóa nổi cái tên Âu Lạc trong ý thức, tình cảm và sinh hoạt thường ngày của người dân.
Mùa Xuân năm 542, Lý Bí khởi nghĩa, đánh đuổi quân Lương, giải phóng được lãnh thổ. Tháng 2 năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, lấy tên hiệu là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân (Đất nước bền vững vạn mùa Xuân), khẳng định niềm tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập và mong muốn đất nước được bền vững muôn đời.
Chính quyền Lý Bí tồn tại không lâu rồi lại rơi vào vòng đô hộ của các triều đình Trung Quốc (từ năm 602). Quốc hiệu Vạn Xuân trải qua nhiều thăng trầm và được khôi phục sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán bằng chiến thắng Bạch Đằng năm 938, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên các sứ quân cát cứ, thống nhất quốc gia, lên ngôi Hoàng Đế, lấy tên hiệu Đinh Tiên Hoàng và cho đổi tên quốc hiệu là Đại Cồ Việt (nước Việt cực lớn, lần đầu tiên yếu tố “Việt” được có trong quốc hiệu). Quốc hiệu Đại Cồ Việt duy trì suốt thời Đinh (968-979), Tiền Lê (980-1009) và đầu thời Lý (1010-1053).
Năm 1054, nhân điềm lành lớn là việc xuất hiện một ngôi sao sáng chói nhiều ngày mới tắt, nhà Lý (Lý Thái Tông) liền cho đổi tên nước là Đại Việt (nước Việt lớn, yếu tố “Việt” tiếp tục được khẳng định), và quốc hiệu Đại Việt được giữ nguyên đến hết thời Trần.
Tháng 3 năm 1400, Hồ Quý Ly phế vua Trần Thiếu Đế lập ra nhà Hồ và cho đổi tên nước thành Đại Ngu (“Ngu” tiếng cổ có nghĩa là “sự yên vui”). Quốc hiệu đó tồn tại cho đến khi giặc Minh đánh bại triều Hồ (tháng 4/1407).
Sau 10 năm kháng chiến (1418-1427), cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược của Lê Lợi toàn thắng. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, đặt tên nước là Đại Việt (giống như tên quốc hiệu Đại Việt từ năm 1054 thời Lý đến hết thời Trần). Quốc hiệu Đại Việt được giữ qua suốt thời Hậu Lê (1428-1787) và thời Tây Sơn (1788-1801).
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua và cho đổi tên nước là Việt Nam. Sách Đại Nam thực lục chép: “Giáp Tý, Gia Long năm thứ 3 (1804), tháng 2, ngày Đinh Sửu, đặt Quốc hiệu là Việt Nam, đem việc cáo Thái Miếu. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài”. Đây là lần đầu tiên hai chữ “Việt Nam” được sử dụng với tư cách Quốc hiệu, được công nhận hoàn toàn về ngoại giao.
Tuy nhiên, hai chữ “Việt Nam” đã xuất hiện khá sớm trong lịch sử nước ta. Ngay từ thế kỷ XIV, hai chữ “Việt Nam” xuất hiện lần đầu tiên ở tiêu đề cuốn sách “Việt Nam thế chí” (ghi chép về các đời ở Việt Nam) của Trạng nguyên Hồ Tông Thốc (theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, thế kỷ XIX).
Trong cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (soạn năm 1434) cũng đã nhiều lần nhắc đến hai chữ Việt Nam “vua đầu tiên (của nước ta) là Kinh Dương Vương, sinh ra có đức của bậc thánh nhân, được phong sang Việt Nam, làm tổ Bách Việt”.
Hai chữ Việt Nam còn được đề cập rõ ràng trong những tác phẩm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), như trong tập “Trình tiên sinh quốc ngữ văn” có câu: “Việt Nam khởi tổ xây nền”. Trong tập “Sơn hà hải động thường vịnh” (Vịnh về núi non sông biển), Nguyễn Bỉnh Khiêm đã 4 lần nhắc đến hai chữ Việt Nam. Rõ hơn, trong các bài thơ gửi trạng Giáp Hải, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: “Tuệ tinh cộng ngưỡng quang mang lại/ Tiền hậu quang huy chiếu Việt Nam”, còn trong bài gửi trạng Nguyễn Thuyến có câu: “Tiền đồ vĩ đại quân tu ký/ Thùy thị công danh trọng Việt Nam”.
Trên nhiều tấm bia, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hai chữ “Việt Nam”, như trên tấm bia khắc ở chùa Bảo Lâm (Chí Linh, Hải Dương) năm 1558, có câu “Việt Nam đại danh lam bất tri kỳ cơ”, bia chùa Cam Lộ (Phú Xuyên, Hà Tây), năm 1590, có câu “Chân Việt Nam chi đệ nhất”.
Thời Lê Trung Hưng (1533-1787), nước ta (cả Đàng Trong và Đàng Ngoài) trở lại tên Đại Việt, song hai chữ “Việt Nam” xuất hiện khá nhiều trong văn bia có niên đại sớm như: Bia chùa Thiên Phúc (làng Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, soạn năm 1648), bia làng Phú Mẫn (thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh, soạn năm 1649), bia chùa Phúc Thánh (làng Mộ Đạo, huyện Quế Võ, Bắc Ninh, soạn năm 1664) phần bài Minh có câu “Việt Nam cánh giới, Kinh Bắc thừa tuyên”, bia chùa Am Linh (làng Hà Lỗ, xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội, soạn năm 1670).
Bia Thủy Môn Đình (soạn năm 1670) ở biên giới Lạng Sơn do trấn thủ Lạng Sơn Nguyễn Đình Lộc soạn năm Cảnh Trị thứ tám (1670) có câu: “Việt Nam hầu thiệt trấn Bắc ải quan” (Cửa ải phía Bắc Việt Nam). Ngô Thì Nhậm (1746-1803), một tri thức lớn của nước ta ở thế kỷ XVIII cũng nhận mình là “kẻ hậu học của Việt Nam”.
Tất cả các từ “Việt Nam” trên đây chỉ là danh xưng, thể hiện ý thức của các tầng lớp quan lại và nhân dân về sự tồn tại lâu đời và liên tục của một quốc gia của người Việt ở phương Nam. Đó chưa phải là quốc danh hay quốc hiệu. Chỉ đến năm 1804, danh xưng “Việt Nam”, mới trở thành quốc hiệu, bởi nó được hình thành một cách bài bản hay theo một quy định thống nhất. Điều này được Gia Long nêu rõ trong tờ Chiếu: Đặt Quốc hiệu là để khẳng định sự hiện diện và trường tồn của người Việt ở dải đất phương Nam… “các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất Viêm bang (vùng đất nóng, khí hậu nhiệt đới gió mùa), gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước: nối hòa thêm sáng, vững được nền thần thánh dõi truyền, giữ được vận trong ngoài yên lặng”.
Đặt quốc hiệu là quy luật của một thể chế “Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ sự thống nhất”; là để khẳng định chính danh, chính phận của bậc đế vương “nghĩ tới mưu văn công võ, ở ngôi chính, chịu mệnh mới”; có định ngày (17/2) có lễ thức đặt quốc hiệu (kính cáo Thái miếu) và lệnh cho triều thần bố cáo với nhân dân cả nước, với các nước láng giềng chính thức từ bỏ tên “An Nam” mà phong kiến Trung Quốc áp đặt.
Gia Long đặt quốc hiệu Việt Nam là sự thể chế hóa nguyện vọng lâu đời của các tầng lớp trí thức, quan lại và nhân dân; khẳng định tính pháp lý về chủ quyền của một Nhà nước Việt ở phương Nam; thể hiện ý chí, sức mạnh muôn đời của các cộng đồng cư dân Việt trên dải đất phương Nam, cũng là một sự khiêm nhường, đúng mực, “biết người biết ta”, trong quan hệ bang giao với nhà Thanh và các nước.
Đến đời vua Minh Mạng, quốc hiệu được đổi thành Đại Nam (năm 1838). Dù vậy, hai tiếng “Việt Nam” vẫn được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm văn học, trong nhiều giao dịch dân sự và quan hệ xã hội.
Việc đặt quốc hiệu Việt Nam tạo niềm tự hào cho các cộng đồng cư dân Việt. Đây chính là sức mạnh tinh thần lớn lao để nhân dân duy trì bền bỉ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trong suốt 80 năm bị xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp, để đến mùa thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, ra đời một quốc hiệu mới, một thể chế mới. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946.
Sau khi đất nước thống nhất, ngày 2/7/1976, trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, toàn thể Quốc hội đã nhất trí lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định quốc hiệu đó, đưa quốc hiệu Việt Nam trở thành chính thức cả về pháp lý lẫn trên thực tế.
Nguồn: http://www.dvs.daivietedu.org