Những nhận thức ban đầu về trống đồng

Trống đồng là một hiện vật tiêu biểu và độc đáo xuất hiện từ thời đại đồ đồng của các quốc gia ở vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Những chiếc trống đầu tiên được phát hiện cách đây hơn 100 năm bởi những nhà sưu tập cổ vật và những học giả phương Tây.

Khi đó, những nhận thức của họ về trống đồng rất mơ hồ. Chỉ đến khi Frans Heger (1853-1931), một nhà khảo cổ học người Áo đi sâu tìm hiểu thì những nhận thức về trống đồng mới bắt đầu được định hình.


Frans Heger (1853-1931) (nguồn: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Áo).

Trong nghiên cứu của mình, Heger cho biết, vào năm 1882, Bảo tàng triều đình và hoàng đế nước Áo về nghệ thuật và công nghệ tổ chức một cuộc trưng bày về đồ đồng. Tại đây, có một hiện vật lớn bằng đồng thể hiện theo hình nổi đã làm cho các nhà khảo cổ học và những người sành về nghệ thuật hết sức chú ý về hình dáng và kích thước của nó. Bề mặt hiện vật bao phủ một lớp thanh đồng và có những dấu vết trang trí có một tính chất hết sức đặc biệt. Theo những ghi chép của Heger, người ta đã suy nghĩ đến “nát óc” về ý nghĩa của hiện vật đáng chú ý đó cũng như về nguồn gốc và niên đại của nó. Một vài người cho rằng đó là một cái bàn có hình dạng đặc biệt, những người khác lại cho rằng đó là một cái nồi. Tuy nhiên, theo quan sát của Heger, “trên bề mặt có những hình trang trí phần thì đúc nổi, phần thì khắc chìm bao phủ khắp diện tích hiện vật và những hình còn lại có mặt ở phía ngoài của thành hình tròn, rìa của tấm hình tròn đạy khít mặt phía trên. Điều này làm cho ông nghi ngờ về hai giả thiết trên. Những quan niệm về xuất xứ của hiện vật này lại càng khác biệt nhau hơn nữa. Người ta phỏng đoán rằng có lẽ xuất xứ của hiện vật đó là vùng Syria hoặc là ở vùng Trung Á. Nhưng một vài nhà khảo cổ lại cho rằng hiện vật đó là từ vùng Mech xích cô. Chỉ có một điều có thể khẳng định, qua hình dạng bên ngoài và hoa văn trang trí thì đây là hiện vật quý có niên đại rất cổ.

Theo tìm hiểu của Heger, người có hiện vật này và đưa ra trưng bày là Bá tước Hans Graf Ilesek. Năm 1880, ông đã mua được của một người buôn bán đồ cổ ở Florence (Ý), người này cũng mua lại được của một người buôn bán trung gian. Thời gian đó cũng như sau này không có chi tiết gì chính xác về xuất xứ của hiện vật cổ.

Trong tập ảnh giới thiệu triển lãm về đồ đồng lịch sử trong Bảo tàng triều đình và hoàng đế nước Áo về nghệ thuật và công nghệ, in lần thứ 2 ở Vienna năm 1883, hiện vật này được mô tả với số 510, trang 24 như sau: “Chậu lớn, đúc, trang trí rất phong phú bằng những hình cổ sơ. Trên thành có một băng trang trí bằng hình, trông có vẻ là con cá vẽ cách điệu. Đường kính ở đáy là 0,745m, đường kính ở miệng 0,60m, chiều cao 0,35m. Xuất xứ không rõ. Mua được ở Ý, có lẽ là đồ nhập cảng”.

Vì ở đây người ta cho rằng hiện vật đó là một đồ để chứa đựng nên đã đặt tấm mặt trang trí đặt xuống phía dưới. Cũng vì quan niệm sai như vậy nên chúng ta sẽ gặp một trường hợp tương tự một cách ngẫu nhiên và chính vì vậy không lấy gì làm lý thú cả.

Phải đến năm 1883, tác giả của những đồ đồng này tìm đến một người có tên là Anton Payer. Anton Payer là người Áo nhưng đã làm việc trong một thời gian dài ở triều đình của vua Xiêm và trước đó đã trải qua 3 năm theo Phật giáo. Qua đó Anton Payer đã thu lượm được một sự hiểu biết chính xác về đất nước này, về những người dân và nền văn hóa của đất nước này. Mùa hè năm 1883, khi họ thăm triển lãm đồ đồng, Anton Payer quan sát thật kỹ vô số hiện vật bằng đồng thuộc miền đông châu Á, trong đó có cả hiện vật mà ta đang nói tới. Khi trông thấy hiện vật này, Payer xăm xăm bước tới và khi nghe hỏi về xuất xứ và ý nghĩa của nó đã trả lời một cách chắc chắn: “Hiện vật này là một cái trống và xuất xứ là ở Xiêm”. Anton Payer phân tích, chiếc trống này được buộc dây thừng vào 4 chiếc quai và treo lên giá gỗ, mỗi chiếc trống như vậy đều có một chiếc dùi để gõ lên hình ngôi sao trên giữa tấm mặt tròn. Những chiếc trống này hiện nay vẫn còn được sử dụng trong cung điện vua Xiêm và một số ngôi chùa Phật giáo.

Từ đây, F. Heger bắt đầu hướng nghiên cứu mới của mình với loại hình trống đồng. Ông phát hiện ra rằng, trống đồng không chỉ phổ biến ở Thái Lan mà cả ở toàn khu vực Đông Nam Á. Ông cũng khẳng định rằng trống đồng xuất phát từ miền Bắc Việt Nam và trung tâm các cuộc tìm kiếm sau này về trống đồng phải là ở vùng này. Những nghiên cứu về trống đồng của Heger đặc biệt là cách phân loại trống đã được các nhà nghiên cứu sau này sử dụng một cách rộng rãi như một ghi nhận đối với công lao của ông đối với việc nghiên cứu trống đồng.

 

Trống đồng Ngọc Lũ, Bảo vật Quốc gia của Việt Nam

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Tài liệu tham khảo:

1. Frans Heger 1902. Trống đồng ở Đông Nam Á, Bản dịch của Viện Kỹ thuật Mỹ nghệ Việt Nam (Tư liệu đánh máy của Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

2. Phạm Huy Thông 1990, Dong Son Drums in Vietnam, Nxb. Khoa học Xã Hội.

3. http://www.zobodat.at/D/runD/D/cacheD/personen_details.php?nr=53339.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.