1. Kinh tế
Công cụ bằng sắt ngày càng phổ biến thay thế công cụ sản xuất bằng đồng.
Trong thời kỳ Bắc thuộc, mặc dù chính quyền đô hộ nắm độc quyền về sắt, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, chế tạo và mua bán đồ sắt nhưng nhân dân ta vẫn rèn đúc, chế tạo nhiều công cụ bằng sắt phục vụ cho nhu cầu sản xuất và cuộc sống.
Đồ sắt được sử dụng ngày càng nhiều vào sản xuất, lấn dần các nông cụ bằng đồng, mặc dù công nghệ đúc đồng vẫn tiếp tục tồn tại và giữ một vị trí nhất định trong việc chế tạo đồ dùng trong sinh hoạt. Trong các mộ cổ thuộc thời kỳ Bắc thuộc có rất ít vũ khí, công cụ bằng đồng. Nhiều vật dụng trong gia đình cũng được chế tạo bằng sắt như kiềng nấu bếp, đèn, đỉnh. Việc nhà Hán đặt chức thiết quan trong coi việc thu thuế sắt đã chứng tỏ từ đầu công nguyên trở về sau cư dân Việt cổ đã bước vào thời đại đồ sắt phát triển.
Quá trình giao lưu và ảnh hưởng kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được mở rộng trong thời kỳ Bắc thuộc với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc, Ấn Độ đã góp phần thúc đẩy kỹ thuật luyện sắt và chế tạo đồ sắt ngày càng tiến triển.
Thủ công nghiệp
Kỹ thuật rèn sắt phát triển hơn trước. Công cụ sắt có nhiều loại đa dạng như rìa, mai, cuốc, dao, vũ khí, đèn, đinh và một số đồ dùng trong sinh hoạt gia đình.
Nghề đúc đồng vẫn được tiếp tục nhưng chủ yếu để chế tạo các đồ dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của nhân dân như nồi, niêu, lư hương, đồ trang sức.
Nghề làm đồ gốm phát triển, nhiều loại đồ dùng trong nhà như nồi đất, vò, bình, bát, đĩa, đèn,… được sản xuất ngày càng nhiều.
Bên cạnh gốm trơn (thường) (gốm thô), còn có gốm tráng men. Gạch, ngói cũng có nhiều loại khác nhau như gạch thường, gạch hình múi bưởi để xây vòm cuốn, ngói bản, ngói ống,…?
Việc khai thác vàng, bạc, ngọc trong nhân dân cũng được đẩy mạnh, nhiều kiểu loại đồ trang sức bằng vàng, bạc, ngọc được gia công tinh tế như vòng tay, nhẫn, trâm, lược, hoa tai,… chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của tầng lớp thống trị và quý tộc.
Nghề làm giấy, nghề mộc đóng thuyền, nghề xây dựng chùa chiền, đền đài, lăng mộ cũng khá phát triển
2. Về xã hội
Trước khi bị các triều đại phương Bắc xâm lược và đô hộ, xã hội Âu Lạc đã có sự phân hóa đẳng cấp giữa tầng lớp quý tộc và nhân dân công xã, đã có sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo, là một trong những cơ sở kinh tế – xã hội dẫn đến sự ra đời của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc vào khoảng thế kỷ VI – II TCN.
Khi bị các triều đại phong kiến phương Bắc xâm lược thì nhà nước Việt cổ với thiết chế xã hội là chế độ lạc tướng đã bị xóa bỏ và đã hình thành một tầng lớp địa chủ ít nhiều có thế lực ở địa phương thuộc nhiều nguồn gốc và xu hướng khác nhau.
3. Về văn hóa
Trên cơ sở một nền văn hóa bản địa vững chắc, kết tinh bản lĩnh, cá tính, lối sống và truyền thống của người Việt cổ với ý thức hệ cốt lõi là ý thức độc lập, tự chủ và tinh thần yêu quý, gắn bó với quê hương, đất nước, tổ tông mà các thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc đã xây dựng nên, bởi vậy, dù cho các triều đại phương Bắc ra sức đồng hóa dân tộc ta, nhằm thủ tiêu nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, nhưng kết cục trước cuộc đấu tranh mãnh liệt của nhân dân ta, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đó vẫn giữ được vị trí chủ thể và có tác dụng Việt hóa những yếu tố văn hóa ngoại nhập. Những yếu tố văn hóa từ bên ngoài đều thông qua chủ thể văn hóa Việt Nam mà phát huy tác dụng và làm phong phú thêm nền văn hóa cổ truyền.