Trống đồng là báu vật của cha ông ta để lại từ thời dựng nước. Giai đoạn Văn hóa Đông Sơn (Thế kỷ I TCN) là thời kỳ phát triển cao nhất và rực rỡ nhất của trống đồng ở Việt Nam. Trống đồng cổ ở nước ta có trên 1.000 chiếc chủ yếu tìm thấy ở các tỉnh phía Bắc.
Riêng ở tỉnh ta (cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình), đến nay đã phát hiện trên 100 chiếc trống đồng cổ các loại (đứng thứ 2 cả nước) sau tỉnh Thanh Hóa. Trống đồng cổ ở Hòa Bình chủ yếu là trống loại Heger II, chiếm trên 90% với các nhóm sớm muộn khác nhau có niên đại kéo dài từ thế kỷ I đến thế kỷ XVII. Trống đồng cổ ở Hòa Bình được phát hiện ở hầu khắp các huyện trong tỉnh. Ngoài một số trống tìm thấy trong các ngôi mộ Mường cổ, còn lại chủ yếu phát hiện tình cờ khi nhân dân đào mương, làm nhà, làm đường…
Các học sinh tham quan gian trưng bày Trống đồng cổ tỉnh Hòa Bình.
Trong đoạt trưng bày này, Bảo tàng tỉnh sẽ giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật gốc khối, gốc hình và các tài liệu bổ trợ, giới thiệu về bức tranh phong phú về trống đồng cổ tỉnh Hòa Bình. Về nguồn gốc, giá trị và những nội dung tiềm ẩn trong các họa tiết hoa văn trang trí trên trống, về sự phân bố trống đồng trên thế giới, ở Việt Nam và ở tỉnh Hòa Bình.
Đây là một trong những hoạt động chào mừng Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019, nhằm giới thiệu, quảng bá về giá trị của trống đồng, văn hóa các dân tộc của tỉnh Hòa Bình đến với người dân và du khách.
Thúy Hằng
Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/16/134670/Khai-truong-trung-bay-Trong-dong-co-tinh-Hoa-Binh.htm