CỘI NGUỒN 1*

Khi sưu tầm và nghiên cứu về gốm thời Trần, tôi cứ thắc mắc và trăn trở là tại sao trong các yếu tố và đề tài trang trí trên gốm thời kỳ này, ngoài các đề tài mang đậm nét văn hóa Phật giáo lại có rất nhiều hiện vật và tiêu bản có đề tài THỦY TỘC như cá, tôm, cua…Chỉ là ngẫu hứng của các nghệ nhân gốm thời đó hay còn một lý do nào khác sâu xa hơn???


Buộc phải lật lại gia phả nhà Trần để tìm lời giải!
Tổ tiên nhà Trần vốn nghề chài lưới, có gốc là người Mân Việt ở tỉnh Phúc Kiến di cư đến đất Đại Việt. Vốn nghề đánh cá nên họ Trần luôn chọn nơi sinh sống ở những vùng cửa sông ven biển hoặc ngã ba những con sông lớn. Thời kỳ đầu, họ Trần chọn vùng đất Yên Sinh, nay là An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh. Cuối TK12, cụ Trần Kinh đi đánh cá đến tận vùng Tức Mặc, Nam Định. Thấy cảnh bãi bồi rộng lớn, phì nhiêu nên dừng chân lập ấp. Cụ lấy vợ sinh ra Trần Hấp.


Khi cha mất, Trần Hấp chỉ đạo đội quân chài lưới kéo đến tận ngã ba sông Hồng, sông Luộc đánh cá rồi định cư, đồng thời chuyển mộ phần Trần Kinh về đây. Trần Hấp lấy vợ, sinh ra Trần Lý ( ông nội vua Trần Thái Tông sau này ). Tại đây, họ Trần đã trở thành một cự tộc có thế lực vùng Hải Ấp, nay là xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình. Do loạn Quách Bốc ở kinh thành, Trần Lý đã đón Hoàng Thái Hậu Đàm Thị và Thái tử Sảm về sống. Thái tử Sảm sau lấy Trần Thị Dung là con gái út của Trần Lý.
Khi vua Lý Cao Tông mất, Thái tử Sảm lên ngôi, Trần Thị Dung trở thành Hoàng Hậu. Công chúa Lý Chiêu Hoàng, con gái Trần Thị Dung sau lấy Trần Cảnh ( con Trần Thừa, cháu nội Trần Lý. Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Triều đại nhà Trần bắt đầu từ đây đến 1400, kéo dài 175 năm!…
Một tình tiết khá thú vị mà không phải ai cũng biết là các nhân vật nổi tiếng thuộc thế hệ đầu tiên của nhà Trần từng mang tên các loài cá, gắn liền với nguồn gốc xuất thân chài lưới của dòng họ:
– Tổ họ Trần có tên là CHÉP, âm Hán là LÝ ( TRẦN LÝ ).


– Trần Thừa vốn có tên là DƯA ( cá dưa ).
– Hai con của Trần Thừa vốn có tên là LEO ( cá leo ) – âm Hán là LIỄU ( TRẦN LIỄU – cha của Trần Quốc Tuấn/Trần Hưng Đạo ). Người con thứ hai có tên là Canh / cá lành canh, âm Hán là CẢNH ( TRẦN CẢNH – vua TRẦN THÁI TÔNG ).


– Trần Thị Dung cũng vốn có tên cúng cơm là NGỪ ( cá ngừ ), khi làm hoàng hậu của Lý Huệ Tông mới đổi là Dung. Về sau dân địa phương lập đền thờ bà, vẫn gọi bà là BÀ CHÚA NGỪ ! Làng này cách làng tôi chỉ 1km, nay thuộc xã Liên Hiệp, Hưng Hà, Thái Bình…
Bây giờ thì câu trả lời đã có. Gốm thời Trần, dù là những hiện vật rất quý, dùng cho vua quan vẫn in dấu những loài thủy tộc gắn liền với kế sinh nhai của một dòng tộc thuộc một trong những triều đại phong kiến uy hùng của Đại Việt gần 800 năm trước!
Trên đời, dù là ai, dù thành đạt đến đâu cũng phải luôn nhớ về cội nguồn phải không các bạn?!

Nguồn: NST Nguyễn Dòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.