Trong số những loại tiền được đúc dưới thời vua Tự Đức triều Nguyễn, có một loại tiền rất đặc biệt. Tuy nhiên, điều đặc biệt này không phải ở chất liệu kim loại dùng để đúc tiền, không phải theo khuôn mẫu, hình thức mới… mà khác lạ ở chính tên gọi của nó.
Vua Tự Đức lên ngôi tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), giống như các triều vua trước đó, ông cũng cho đúc tiền mang niên hiệu của mình, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ viết: “Tự Đức năm đầu, dụ rằng: Đúc tiền theo niên hiệu mới. Vậy cho theo thể lệ đúc tiền Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị mà đúc tiền hiệu mới là Tự Đức thông bảo, tiền đồng hạng lớn, mỗi đồng nặng 9 phân, tiền đồng hạng nhỏ và tiền kẽm đều mỗi đồng tiền nặng 6 phân”.
Trong thời gian trị vì Tự Đức đã nhiều lần cho đúc đồng “Tự Đức thông bảo”, đồng tiền này có nhiều dạng khác nhau, có đồng ở mặt sau ghi giá trị ấn định của đồng tiền như chữ “lục văn”, để chỉ đồng tiền này ăn sáu đồng tiền kẽm; hoặc các chữ “thất văn”, “lục văn”… Ngoài ra, còn có những loại tiền kẽm được đúc lần đầu vào năm Kỷ Tỵ (1869) đường kính nhỏ, có loại mặt sau để trơn, có loại mặt sau của tiền ghi nơi đúc như: Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên…
Chân dung vua Tự Đức
Tuy nhiên loại tiền đặc biệt của vua Tự Đức được đúc vào tháng 2 năm Tân Dậu (1861), loại tiền này gọi là “Tự Đức bảo sao” có 8 loại, đây là loại tiền đúc để cho người dân tiện lợi mang theo khi đi đường. Cụ thể mặt sau của các đồng này có ghi: 1. Chuẩn thập văn (ăn 10 đồng tiền kẽm), 2. Chuẩn nhất thập văn (ăn 10 đồng tiền kẽm), 3. Chuẩn nhị thập văn (ăn 20 đồng tiền kẽm), 4. Chuẩn tam thập văn (ăn 30 đồng tiền kẽm), 5. Chuẩn tứ thập văn (ăn 40 đồng tiền kẽm), 6. Chuẩn ngũ thập văn (ăn 50 đồng tiền kẽm), 7. Chuẩn lục thập văn (ăn 60 đồng tiền kẽm), 8. Chuẩn đương nhị bách (ăn 200 đồng tiền kẽm).
Các loại tiền chủ yếu được đúc bằng chất liệu đồng, chính bởi vậy mà dần dần “đồng” trở thành tên gọi đơn vị tiền tệ của nước ta cho đến tận ngày nay.
Không rõ lý do gì mà Tự Đức lại đặt tên loại tiền thứ 2 của ông là “Tự Đức bảo sao”, đồng tiền này cũng là đồng tiền kim loại nhưng chữ “sao” lại chỉ dùng để gọi tiền giấy. Từ đời vua Trần Thuận Tông, theo chủ trương của Hồ Quý Ly đã cho in tiền giấy gọi là “Hội sao thông bảo”, tiền này được dùng cho đến khi triều nhà Hồ sụp đổ. Theo Phan Huy Chú viết trong sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: “Giấy sao chỉ là miếng giấy vuông chừng một thước, chỉ đáng giá 5-3 đồng tiền mà đem đổi lấy những vật giá 5-6 trăm đồng của người ta, đã không hợp lý mà lại làm người ta cất giữ, dễ rách nát”.
Đồng tiền Tự Đức bảo sao – Chuẩn tứ thập văn
Như vậy “sao” là cách gọi loại tiền giấy, vậy mà “Tự Đức bảo sao” là tiền đồng chứ không phải là tiền giấy, dù gọi là “sao”. Sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn viết về tiền này như sau: “Đúc sáu hạng tiền đồng, từ hạng tiền một đồng ăn 10 đồng đến hạng tiền một đồng ăn 60 đồng. Mặt đồng tiền khắc bốn chữ Tự Đức bảo sao. Hạng ăn 10 đồng nặng 1 đồng cân 5 phân, hạng ăn 20 đồng nặng 3 đồng cân, hạng ăn 30 đồng nặng 4 đồng cân 5 phân, hạng ăn 40 đồng nặng 6 đồng cân, hạng ăn 50 đồng nặng 7 đồng cân 5 phân, hàng ăn 60 đồng nặng 9 đồng cân”.
Tiền “Tự Đức bảo sao” được đúc nhiều lần ở những năm khác nhau, sách Đại Nam thực lục còn cho biết đồng tiền bảo sao này được đúc nhiều nhất là đồng mặt sau có chữ Chuẩn lục thập văn, một đồng này ngang với 60 đồng tiền kẽm (vừa đúng 1 tiền), thông hành trong dân gian rất tiện lợi nên được đúc nhiều.
Đồng tiền có tên gọi lạ lùng này của vua Tự Đức không chỉ gây ngạc nhiên cho giới nghiên cứu, sưu tầm tiền cổ trong nước mà ngay đến cả người nước ngoài cũng phài ngạc nhiên, tò mò. Một nhà nghiên cứu Tây phương là ông Henry A. Ramsden (1872-1915) trong một tập san viết về tiền tệ đã nói rằng tiền bảo sao của vua Tự Đức là “thứ tiền duy nhất của An Nam bằng kim loại được đúc để tượng trưng cho tiền giấy”.
Ngoài những loại tiền nói trên, Tự Đức còn cho đúc tiền mang niên hiệu của mình bằng chất liệu vàng và bạc, mặt trước vẫn có dòng chữ “Tự Đức thông bảo”, mặt sau mang nhiều hình vẽ, họa tiết khác nhau như hình 5 con dơi (biểu tượng của Ngũ phúc), hình rồng bay (gọi là tiền phi long), hình ba cây: mai, tùng, trúc (biểu tượng của Tam thọ), thậm chí có loại gọi là tiền Vạn thế vĩnh lại khắc cả bài thơ 20 chữ trên lưng tiền…
Nguồn: Kienthuc.net.vn