Bảo tàng, nơi lưu giữ các hiện vật lịch sử văn hóa quý giá, là một thiết chế văn hóa quan trọng, các bảo tàng có vai trò tích cực trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước có hơn 160 bảo tàng kể cả các bảo tàng tỉnh, chuyên ngành và bảo tàng tư nhân. Trong đó có những bảo tàng được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng số bảo tàng có nguồn thu chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Còn đại đa số là vắng khách, thậm chí có những bảo tàng tỉnh nhiều năm nay chưa có khách đặt chân tới. Buồn như đến bảo tàng, hay bảo tàng vắng như Chùa Bà Đanh có lẽ đó không chỉ là cách ví von mà là thực trạng chung trên cả nước hiện nay.
“Bảo tàng này á, có ngày chẳng thấy ai vào, có ngày thì được vài người…”. Đó là câu trả lời được lặp đi lặp lại mà chúng tôi nhận được khi đến nhiều bảo tàng trên địa bàn Hà Nội.
Vị trí đắc địa, được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng và là một trong những công trình trọng điểm nhân dịp 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội là công trình văn hóa nổi bật của thành phố nằm gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Thế nhưng, theo thừa nhận của một người làm việc ở đây nhiều năm, bảo tàng hiện nay chỉ như một chỗ “trú chân đợi đến giờ ăn trưa” của các đoàn khách du lịch.
Bảo tàng Hà Nội
Không chỉ gây ấn tượng mạnh bởi thiết kế bên ngoài, bên trong bảo tàng Hà Nội được thiết kế 4 tầng hình xoắn ốc giống với hình ảnh rồng bay lên rất bắt mắt. Hiện bảo tàng sở hữu hơn 10.000 hiện vật và tư liệu liên quan đến thủ đô ngàn năm văn hiến. Vậy nhưng, điều đáng buồn là hiện nay mỗi ngày Bảo tàng Hà Nội đón được rất ít khách, theo một nhân viên của Bảo tàng Hà Nội thì “Chỉ vào thứ 5 là học sinh các trường quốc tế đến, hoặc những khi tổ chức sự kiện thì mới có khách. Miễn phí thì thế, còn thu tiền thì chắc chẳng ai đến”Với thiết kế độc đáo có “1 không 2”, hình dáng tổng thể của bảo tàng được thiết kế lớn dần từ dưới lên trên, giống như một kim tử tháp lật ngược vô cùng nổi bật. Bảo tàng có khuôn viên rộng lớn, cùng cây xanh tạo bóng mát, vườn hoa cây cỏ tạo lối đi và đài phun nước ngay sảnh chính.
Cùng chung cảnh đìu hiu không kém là Bảo tàng Văn học Việt Nam trên đường Âu Cơ, Hà Nội. Vào lúc 9h30 sáng thứ 7, thoạt nhìn khung cảnh xe ô tô đỗ nối tiếp nhau chật sân bảo tàng, người ta dễ nghĩ ngay đến cảnh nhộn nhịp bên trong toà nhà bề thế kia.
Thế nhưng, thực tế lại trái ngược với những gì tưởng tượng. Đến tận cửa tòa nhà trưng bày, cửa đóng then cài, mới biết bảo tàng chỉ làm việc trong giờ hành chính. Mang thắc mắc về những chiếc xe đỗ trong sân bảo tàng hỏi bảo vệ ở đây, câu giải thích ngắn gọn nhưng khiến cho những người yêu bảo tàng không khỏi xót xa: “Quanh đây rồi các cơ quan họ sang họ gửi, khoảng 25 xe, xe đắt tiền nhất, xịn nhất là 2 triệu/1 tháng, còn bình thường là 1 triệu”.
Không gian tái hiện cảnh thầy đồ dạy học thời phong kiến tại Bảo tàng văn học Việt Nam
Bảo tàng Văn học Việt Nam được xem là cơ hội để có thể quảng bá những tinh hoa văn học của dân tộc đến với nhiều người, đặc biệt là bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, sự thực là hầu hết khách đến tham quan và tìm hiểu là các cá nhân, tổ chức trong Hội Nhà văn và cán bộ ở các bảo tàng. Thảng hoặc có đơn vị tổ chức sự kiện, chẳng hạn như Hội trại sáng tác.Bảo tàng Văn học Việt Nam có thể nói là một trong những bảo tàng còn “non trẻ” ở nước ta. Tính đến nay, bảo tàng mới hoạt động chưa đầy 4 năm. Tổng số tiền đầu tư là 71 tỷ đồng cho cả việc xây dựng cơ sở vật chất cũng như công tác sưu tập tư liệu, hiện vật, hình ảnh. Với bảy tầng được xây dựng trên diện tích 3.600m2 và chia thành nhiều phòng trưng bày riêng biệt. Mỗi không gian là một câu chuyện về đời, về nghề với những trang bản thảo, những tác phẩm, hay kỷ vật của các nhà văn nổi tiếng.
Còn tại TPHCM hiện có 10 bảo tàng lớn do các cơ quan nhà nước quản lý, khai thác. Ngoài Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, khá đông khách du lịch nước ngoài và các đoàn bộ đội, học sinh đến tham quan thì hầu hết các bảo tàng còn lại khách đến thưa thớt. Phần lớn các bảo tàng khác chỉ có khách vào thứ Bảy, Chủ nhật, dịp nghỉ lễ hoặc nhân dịp có các triển lãm, trưng bày, còn ngày thường thì nhỏ giọt.
Chị Nguyễn Thanh Tú, nhà ở ngay Quận 1, chỉ vài phút đi xe máy, thậm chí là đi bộ cũng đến được nhiều bảo tàng, nhưng chua bao giờ chị đến tham quan bảo tàng, trừ khi có dịp đặc biệt. Và đáng tiếc, chị Tú không phải là trường hợp duy nhất mà thuộc con số hàng triệu người dân Sài Gòn.
Bảo tàng ở các thành phố lớn, nơi thu hút rất nhiều khách du lịch, thăm thú còn rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách, thì số phận những bảo tàng tỉnh cũng khó có thể khả quan hơn, nếu không nói là còn bộn bề thách thức.
Chưa vào hàng “đắp chiếu hiện vật” như một số bảo tàng tỉnh khác, nhưng con đường đến với khách của Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc còn khá gian nan. Dù đã nỗ lực tìm nhiều cách nhưng theo ông Mai Văn Trung, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, “cái khó bó cái khôn” khiến “lực bất tòng tâm”. Hơn một năm nay, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc được cải tạo thành không gian mở, phía trước là những vườn hoa, bãi cỏ, đường đi dạo… đan xen là những hiện vật được trưng bày ngoài trời như xe tăng, máy bay… với mục đích thu hút đông người dân tới tham quan.
Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc
Với vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 12.000m2 phân chia thành các khu chức năng: Khu sân vườn, khu trưng bày ngoài trời, khu trưng bày nội thất, kho hiện vật, khu nhà điều hành. Hiện bảo tàng đang lưu giữ hơn 16.000 hiện vật, tài liệu khoa học tái hiện quá trình hình thành, phát triển lịch sử và văn hóa của vùng đất Vĩnh Phúc, trong đó có 1 bảo vật quốc gia là Tháp gốm men chùa Trò. Vậy mà, cũng không đủ để hấp dẫn khách đến tham quan.Dẫu được miễn phí vé tham quan, nhưng một năm, bảo tàng cũng chỉ đón được 30.000 đến 35.000 lượt khách, trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên, và các tổ chức đoàn, hội trong tỉnh đến tham quan, một số rất ít là khách tự do đến nhân những đợt tổ chức triển lãm, trưng bày theo chuyên đề, sự kiện.
Cả nước hiện có hơn 160 bảo tàng kể cả các bảo tàng tỉnh, bảo tàng chuyên ngành và bảo tàng tư nhân. Trong đó có những bảo tàng được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng số bảo tàng có nguồn thu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn đại đa số là vắng khách, thậm chí có những bảo tàng tỉnh nhiều năm nay chưa có khách đặt chân tới. Buồn như đến bảo tàng, hay bảo tàng vắng như Chùa Bà Đanh có lẽ đó không chỉ là cách ví von mà là thực trạng chung trên cả nước hiện nay./.