Bảo tàng Kon Tum

Giới thiệu chung:
Bảo Tàng tỉnh trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum. Được thành lập năm 1998, trên cơ sở tách bộ phận Bảo tàng thuộc “Trung tâm Bảo tàng và Thư viện tỉnh” thành lập đơn vị Bảo tàng tổng hợp tỉnh theo quyết định số: 12/1998/ QĐ- UB, ngày 11 tháng 2 năm 1998.


Trụ sở: Bảo Tàng Kon Tum. Số: 659. Nguyễn Huệ – TP. Kon Tum – tỉnh Kon Tum.

Năm 2009, Bảo Tàng tổng hợp tỉnh được đổi tên thành Bảo Tàng tỉnh theo Quyết định số: 78/QĐ-CT, ngày 26 tháng 12 năm 2009 của UBND tỉnh Kon Tum V/v đổi tên các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ngoài việc tổ chức các hoạt động phục vụ tại chỗ và trên địa bàn Thành phố, Bảo tàng còn tổ chức trưng bày lưu động phục vụ một số huyện trong tỉnh nhằm giới thiệu một số đặc trưng văn hóa dân tộc với đồng bào các địa phương khi họ không có điều kiện đến tham quan Bảo tàng, ngoài ra Bảo tàng còn tham gia các đợt trưng bày khác được tổ chức trên địa bàn các tỉnh trong cả nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Lạt, Gia Lai…
Được sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh, năm 2007 công trình Bảo tàng chính thức được khởi công và đến cuối năm 2009 Bảo tàng tỉnh tiếp nhận và làm việc tại trụ sở mới.
Bảo tàng hiện nay là toà nhà 3 tầng với kiến trúc hiện đại mang vóc dáng truyền thống vùng Tây Nguyên. Đây là công trình kiến trúc văn hoá, là nơi hội tụ các di sản văn hoá, lịch sử là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học.
Hơn 10 năm trôi qua, từ những thiếu thốn về đội ngũ, cơ sở vật chất, đến nay Bảo tàng đã không ngừng đổi mới vươn lên trở thành một thiết chế văn hóa, phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ tuyên truyền, giữ gìn bảo quản, phát huy tác dụng giá trị di sản văn hóa, lịch sử dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần trong việc giáo dục truyền thống, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Bảo tàng Kon Tum hôm nay là kết quả tổng hợp trong việc phát huy hiệu quả sức mạnh, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cùng với đó là sự quan tâm, đầu tư của tỉnh nhà, sự chỉ đạo kịp thời của ngành, sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành, các Bảo tàng bạn và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ CNVC, LĐ trong đơn vị đã không ngừng học tập, tích lũy kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn vươn lên nắm lấy tri thức khoa học vì sự nghiệp phát triển nền văn hóa của tỉnh nhà.

– Hệ thống trưng bày:
– Đây là cuốn sử sống của tỉnh Kon Tum từ thời tiền sơ sử cách ngày nay khoảng 2,5 – 4 vạn năm. Không gian trưng bày Bảo tàng Kon Tum được bố trí ở tầng 2 và tầng 3. Với diện tích 1.447m2, trong đó tấng 2 (937m2), trưng bày các phần: Khánh tiết, thiên nhiên – Địa chất khoáng sản, dân cư và văn hóa các dân tộc Kon Tum; Tầng 3 (510m2) trưng bày Kon Tum trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giới thiệu lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Kon Tum trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; Ở tầng 1 có hội trường gần 200mvới 200 ghế ngồi, được trang bị hệ thống âm thanh, máy chiếu, màn hình,…phục vụ cho chiếu phim tư liệu, thời sự và là nơi để tổ chức trưng bày các chuyên đề, sự kiện của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó tại tầng này còn có hệ thống máy của trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu văn hoá phi vật thể các dân tộc Việt Nam do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam đầu tư, lắp đặt. Toàn bộ hệ thống gồm có: 1 bộ máy dựng; 5 máy tra cứu; 1 máy chiếu, màn hình 100 inh,… Đây là nơi để công chúng đến tìm hiểu, khai thác các giá trị văn hoá phi vật thể các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng và các dân tộc trên cả nước nói chung.
Với diện tích trưng bày gần 1.500 m2, với hơn 1.800 hiện vật – tư liệu, gần 400 bức ảnh, 89 tài liệu khoa học phụ (trong tổng số trên 20.000 hiện vật, tư liệu Bảo tàng đã sưu tầm được đến thời điểm này); Không gian trưng bày Bảo tàng đã cơ bản thể hiện tập trung và đầy đủ những nét tiêu biểu, đặc sắc, phản ánh được toàn bộ lịch sử – văn hoá Kon Tum. Nội dung hiện vật được chú thích bằng 3 ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng bản địa và tiếng Anh.
Hệ thống trưng bày được thể hiện theo nguyên tắc trưng bày niên biểu, lấy sự phong phú của sưu tập hiện vật làm ngôn ngữ biểu đạt chính, kết hợp giữa trưng bày phản ánh giai đoạn và sự kiện lịch sử với trưng bày sưu tập theo hướng trưng bày mở, tạo điều kiện để có thể cập nhật những tư liệu hiện vật mới do công tác nghiên cứu sưu tầm đem lại, làm cho “diện mạo” trưng bày luôn mới mẻ, hấp dẫn người xem. Bên cạnh đó, Bảo tàng thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề ở tầng 1 và với hệ thống máy chiếu (Hội trường), màn hình ti vi, màn hình cảm ứng (Tầng 2 và 3) hiện đại với video, hình ảnh phong phú, sống động, những dữ liệu khoa học chân thực ngày càng thỏa mãn nhu cầu của du khách và các nhà nghiên cứu khi đến tham quan, nghiên cứu tại Bảo tàng.
Bằng những sưu tập độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, có những sưu tập được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá khá cao như: sưu tập hiện vật khảo cổ học Lung Leng, sưu tập ghè, sưu tập chiêng,…cùng với các sưu tập về hình ảnh, hiện vật cách mạng kháng chiến sẽ phần nào giúp công chúng, khách tham quan trong và ngoài tỉnh hiểu rõ hơn về bề dày văn hoá – lịch sử; Mảnh đất – Con người Kon Tum cũng như truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.
– Hệ thống kho cơ sở: Bảo tàng Kon Tum hiện nay lưu giữ hơn 20.000 hiện vật, tư liệu. Trong đó, có những hiện vật và sưu tập quý hiếm như: sưu tập hiện vật khảo cổ học Lung Leng, sưu tập ghè, sưu tập chiêng, sưu tập trang phục, sưu tập hiện vật dân tộc học (đồ đán lát, mây tre, nứa lá,…)…cùng với các sưu tập về hình ảnh, hiện vật cách mạng kháng chiến qua các giai đoạn lịch sử,…
Hệ thống kho được sắp xếp khoa học, với trang thiết bị hiện đại, ứng được các quy định chung của kho lưu giữ hiện vật bảo tàng.
Trong những năm qua, kho cơ sở của Bảo tàng liên tục được bổ sung những tư liệu, hiện vật và sưu tập mới có giá trị, đặc biệt là các tư liệu, hiện vật được sưu tầm từ các Trung tâm lưu trữ quốc gia và các cơ quan ban ngành liên quan trong khu vực miền Trung và tây Nguyên.

Nguồn: http://baotangkontum.vn/vi/about/Bao-tang-Kon-Tum/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.