Môn hạ sảnh ấn – chiếc ấn đồng có nội dung rõ ràng nhất, niên đại cụ thể nhất liên quan đến lịch sử hành chính trung ương triều Trần. Ấn được đúc dưới thời Trần, niên hiệu Long Khánh thứ 5 (1377), được phát hiện năm 1962, tại xã Hương Giang (Hương Khê, Hà Tĩnh). Sảnh Môn hạ là một trong những cơ quan hành chính trung ương cao nhất thời Trần, do vua Trần Minh Tông đặt ra. Cơ quan này thân cận nhà vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, truyền lệnh của vua tới các quan, nhận lời tấu lên vua và các công việc lễ nghi trong cung. Chức quan ở sảnh này đều do các quan đại thần đảm nhiệm. “Môn hạ sảnh ấn” được dùng để đóng trên những văn bản hành chính quan trọng của triều đình, từ đời vua Trần Phế Đế (trị vì 1377-1388) về sau.
Ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo do chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho đúc làm quốc bảo năm 1709. Thời vua Gia Long lên ngôi, bảo ấn được chọn làm báu vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn.
Chiếc ấn vàng Sắc mệnh chi bảo nặng 8,3 kg, đúc vào năm 1827 dưới thời vua Minh Mệnh. Ấn có núm hình rồng cuốn, mặt ấn đúc nổi 4 chữ triện Sắc mệnh chi bảo. Ấn dùng để ban cấp cáo sắc cho văn võ cùng phong tặng thần và người. Đây là hiện vật độc bản, biểu trưng cho quyền lực nhà Nguyễn, có giá trị đặc biệt trong sưu tập kim bảo triều Nguyễn.
Nguồn: Báo ảnh Việt Nam