MÂY TRÊN GỐM CHU ĐẬU !

Trong các dòng gốm Việt, gốm Chu Đậu nổi lên như là dòng gốm có kỹ thuật trang trí men lam dưới men vô cùng phong phú và đặc sắc. Đó là kết quả lao động, sáng tạo của những người thợ/ nghệ sĩ gốm tài hoa trên cơ sở sự kế thừa tinh hoa các dòng gốm trước đó và nhu cầu thị trường đương thời…


Ngoài những đề tài chủ đạo trong văn hóa Đông phương như rồng, tứ linh, sơn thủy hoa sen, tứ thời (mai – lan – cúc – trúc) thì các đồ án linh thú trong văn hóa Tây phương, các hoa văn thuộc phổ biến ơ các nước Hồi giáo cùng những hình ảnh gần gữi quen thuộc với văn minh lúa nước như cá, chim, cò,…thường gặp trên dòng gốm này…
Xuyên suốt các đề tài kể trên, thì hình ảnh về mây, thường xuất hiện với vai trò, khi như là những hoa văn phụ (hoặc hồi văn làm dải phân cách), khi là một chủ đề chính được trang trí song hành với một đề tài chính khác trên một hiện vật, hoặc nó có thể trang trí với vai trò vừa chính vừa phụ tùy thuộc vào mục đích giới thiệu, sở thích và cảm nhận của người thương thức…

Mây, không chỉ là hình ảnh vô cùng gần gũi với xã hội loài người từ nông thôn đến thành thị, nó còn là nguồn cảm hứng của hội họa, thi ca và là biểu tượng cho một khái niệm về nhân sinh vũ trụ trong tôn giáo và tín ngưỡng dân gian…
Phật giáo Bắc truyền có một loại pháp khí hình mây, gọi là bảng khánh hay là vân khánh. Trong văn hóa tín ngưỡng dân gian người Việt, hình ảnh mây thể hiện rõ trong khái niệm về Tứ Pháp, bao gồm pháp vân (nữ thần mây), pháp lôi (nữ thần sấm), pháp điện( nữ thần chớp), pháp vũ (nữ thần mưa) hiện này vẫn còn được thờ tự tại một số Chùa cổ thuộc Bắc Bộ.
Ngoài ra mây còn thể hiện cho sự may mắn, điềm lành (tường vân) hay nguyện ước trường thọ (mây hình nấm linh chi)…
Tùy theo đề tài mà mỗi loại mây được được trang trí trên các tác phẩm gốm Chu Đậu một cách khác nhau. Đối với những chủ đề gửi gắm tinh thần “động”, thì hoả vân (mây lửa) sẽ được dùng để phối hợp với chủ đề chính, mây lửa thường có đuôi (phần cuối) nhọn (tượng trưng cho đăc tính của hành hoả).
Khi vẽ một chủ đề về cát tường, chúc thọ hoặc sơn thuỷ hữu tình, mây hình khánh hoặc có hình như một chiếc nấm linh chi, sẽ hiện diện.

Chủ đề long vân khánh hội, một đề tài thể hiện nguyện ước quốc thái dân an, minh chủ trị vì sẽ là tường vân quyện cùng Long

với mong muốn mưa thuận gió hòa, thì lôi vân (may sấm chớp) phối hợp thể hiện cùng với rồng…


Ngoài ra, các hình mây trang trí chung với những linh thú thuộc văn hóa Tây phương, thường là tường vân hoặc hoả vân, và các áng mây sẽ to nho không đều theo nguyên lý nhất âm nhất dương…


Cần biết rằng, gốm Chu Đậu là dòng gốm sản xuất phục vụ nhu cầu xuất khẩu, nên không có những ràng buộc vô cùng nghiêm ngặt về nguyên liệu, quy cách, đề tài…như các dòng gốm triều đình Trung Hoa.
Trong quá trình trang trí, dù là vẫn theo các chủ đề được định sẵn, nhưng các người thợ, nghệ nhân vẫn tự do thể hiện các đề tài theo thói quen và cảm xúc cua mình, cho nên mọi quy ước đều mang tính tương đối và điều đó đã giai phóng được “sức ì” trong “tâm thế sáng tác” cua người nghệ sĩ…
Tâm hồn bay bổng, tay nghề xuất sắc chính là hai yếu tố quan trọng giúp cho những đường nét hoa văn hay những đề tài, dù lớn hay nhỏ trên gốm Chu Đậu, đều đạt đến đinh cao của sự phóng khoáng và hoa mĩ…
Về kỹ thuật, người tà thường vẽ viền ngoài trước nhằm tạo hình dáng tổng thể của một hay nhiều đám mây, sau đó tùy trường hợp mà tô men đậm hay nhạt
Có thể trang trí điểm xuyết thêm một vài nét chấm phá phía trong các đường viền ấy. Kỹ thuật này góp phần tạo cho đám mây…nhẹ nhàng như mây, lơ lửng phiêu bồng, có khi trông như những bông hoa đang lay động, khoe sắc…
Vừa phong phú về hình thức, vừa chú trọng sử dụng trang trí trên nhiều tác phẩm gốm Chu Đậu, mây không chi là đề tài quen thuộc mà còn là những điểm nhấn, đề tài hết sức đặc biệt, tạo nên một trong những đặc trưng khó lẫn vào đâu. Điều đó góp phần quan trọng đưa gốm Chu Đậu trở thành một trong những dòng gốm đặc biệt, lừng danh thế giới.

Bài viết: NST Lê Quang Hào
Nguồn ảnh: NST Trương Việt Anh

Nguồn: https://www.facebook.com/truong.vietanh.3367/posts/447404368995369

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.