Gốm cổ Luy Lâu – Bắc Ninh

Luy Lâu là vùng đất cổ nằm bên bờ sông Đuống thuộc Thiên Đức, Thuận Thành, Bắc Ninh. Từ thế kỷ II trước công nguyên, nơi đây đã phát triển thành một trung tâm thương mại, Phật giáo cổ xưa nhất nước. Vùng đất này còn hình thành một dòng gốm cổ dân gian đặc sắc. Ngày nay, gốm cổ Luy Lâu đang được người dân trong vùng khôi phục và tìm hướng phát triển.

Dòng gốm dân gian đậm nét

Các sản phẩm gốm Luy Lâu (hay còn gọi là gốm Dâu) được tìm thấy trong các cuộc khai quật ở Nguyệt Đức, Thanh Khương, Bãi Định, Bãi Nổi, Hà Mãn… thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, ngày nay cho thấy nét nổi bật của dòng gốm này là một loại men lạ mắt phủ màu xanh ôliu trầm ấm và trong vắt. Khi xem màu và chất liệu men của gốm cổ Luy Lâu người ta liên tưởng đến màu xanh ngả bí của dòng gốm Thiệu Dương, Thanh Hóa. Thậm chí, có những sản phẩm của hai dòng gốm này không dễ phân biệt. Theo Giáo sư sử học Dương Trung Quốc, dòng gốm Thiệu Dương, Thanh Hóa xuất hiện vào khoảng thế kỷ III trước công nguyên, nên có lẽ gốm cổ Luy Lâu cũng đồng niên đại như vậy. Đây là dòng gốm phát triển có niên đại cách đây đã trên dưới 2.000 năm. Đến nay gốm Luy Lâu vẫn được coi là một trong những sản phẩm mẫu mực của dòng gốm dân gian trong xã hội cổ đại nước ta.

Những sản phẩm gốm Luy Lâu được tìm thấy ở khu vực thành Luy Lâu cho thấy xưa kia các nghệ nhân đã có một trình độ kỹ thuật cao. Một số sản phẩm còn thể hiện sự tiến bộ qua kỹ thuật bàn xoay nhanh. Nung, đốt là khâu quan trọng và phức tạp trong dây chuyền sản xuất gốm cổ Luy Lâu. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm còn phụ thuộc ở khâu chọn đất, làm đất. Đất để làm gốm Luy Lâu được khai thác ngay tại chỗ. Đây là loại đất sét có gốc phù sa, lượng Fe2O3 đã biến thành Fe3O4 khi ở nhiệt độ trung bình từ 900-1.0500C gốm Dâu có độ đanh hơi xốp. Những sản phẩm gốm cổ Luy Lâu, dù hàng nghìn năm đã trôi qua vẫn là những mẫu mực về mặt kỹ thuật, mỹ thuật. Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Việt khẳng định: Những viên gạch gốm Dâu vẫn độc nhất vô nhị. Ngoài yếu tố bền vững, nó còn được trang trí hoa văn khắc nổi hai bên, được tô điểm bằng một lớp men xanh màu ô liu, trông trang nhã và đẹp mắt. Theo các chuyên gia nghiên cứu gốm, màu men trên gốm Luy Lâu ở vào thời kỳ lò nung còn hết sức thô sơ, đơn giản chỉ bằng củi rác thì đây là sự đột phá kỹ thuật và yếu tố bí quyết: nguyên liệu đặc thù. Nguyên liệu để chế tác men gốm là chất hữu cơ của các loại tro, trong đó tro từ thân cây dâu ở vùng Thuận Thành xưa đóng vai trò chủ đạo.

Người khơi thông dòng gốm cổ 

Mấy năm gần đây, những người quan tâm đến đồ gốm bắt đầu chú ý đến sự xuất hiện của một dòng sản phẩm độc đáo và hấp dẫn bởi sắc thái cổ điển của chất liệu nhưng hiện đại trong phong cách tạo hình. Người làm ra những sản phẩm này là ông Nguyễn Đăng Vông – từng học khoa Mỹ thuật, trường Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc cũ – một người sinh ra tại vùng đất Thuận Thành. Khi đã thành danh trong làng gốm Bát Tràng, ông Nguyễn Đăng Vông bắt đầu chú ý đến sản phẩm của vùng quê vốn chỉ còn trong các bộ sưu tập. Ông từng tha thẩn bên các hố khai quật, đàm đạo với các nhà khảo cổ… Sự hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn đã nhóm lên trong ông ngọn lửa tình yêu khơi lại từ những lò gốm cổ Luy Lâu. “Tôi bắt đầu làm sản phẩm gốm Luy Lâu từ năm 1993. Khi thấy các điều kiện để làm gốm chín muồi, năm 2006 tôi đã thành lập Hợp tác xã gốm Mỹ nghệ Luy Lâu”. Xưởng thiết kế mẫu sản phẩm của HTX gốm mỹ nghệ Luy Lâu rộng khoảng 100m2. Nơi đây trưng bày các sản phẩm gốm cổ Luy Lâu và cả những sản phẩm mới thiết kế đã được khách hàng đặt mua. Điều mọi người dễ dàng nhận thấy ở dòng gốm Luy Lâu hiện nay là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên sắc thái riêng. Hình khối của sản phẩm lớn hơn nhiều so với gốm cổ, trong khi bố cục vẫn tuân theo luật cơ bản, khắt khe về mỹ nghệ, tư duy nghệ thuật cao. Tuy nhiên, các sản phẩm vẫn đảm bảo yếu tố lý, hóa, màu và chất men, chất đất, nhiệt độ và có giá trị về văn hóa, khoa học. Những hình ảnh đắp nổi trên các sản phẩm gốm đều có hồn, sống động và theo chủ đề dân gian là chính, nhất là văn hóa Kinh Bắc, như hình ảnh Đám cưới chuột, Chú bé cưỡi cá chép, Đánh ghen… trong các bức tranh dân gian Đông Hồ; Hay cảnh sinh hoạt của nông dân đồng bằng Bắc bộ gắn liền với cây đa, bến nước, sân đình

Một yếu tố thuận lợi khi làm sản phẩm gốm Luy Lâu đó là nguyên liệu đất dồi dào và tại chỗ (sâu dưới lòng đất 1m và có độ dày 3m tại khu vực xã Hà Mãn, Thanh Khương, Gia Đông, Nguyệt Đức). Hơn thế, những xã viên của HTX gốm mỹ nghệ Luy Lâu sinh ra ở vùng Kinh Bắc nên hơn ai hết họ hiểu đời sống văn hóa quê mình, từ đó chuyển tải vào những mẫu thiết kế ấn tượng và độc đáo. Ông Vông cho biết: “Đến nay chúng tôi có hơn 1.000 mẫu thiết kế. Sau hội thảo Lịch sử hình thành và giải pháp khôi phục phát triển dòng gốm cổ Luy Lâu vừa qua đã có nhiều người khẳng định gốm Luy Lâu sẽ phát triển tốt trong thời kỳ hội nhập. Chúng tôi đã có một đơn đặt hàng của đối tác Mỹ trị giá 4 tỷ đồng”.

Nguồn: https://sites.google.com/site/ojovietnam/cam-nang-cuoc-song/cac-lang-nghe-truyen-thong-viet-nam/gom-co-luy-lau

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.