Gặp đại gia cổ vật xứ Nghệ

Trăn trở, say mê sưu tầm những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc cùng “thâm niên” gần 20 năm sưu tầm cổ vật, anh được xem là “đại gia” cổ vật ở xứ Nghệ.

Anh cũng là người đầu tiên có chủ trương thành lập CLB những người chơi cổ vật tại huyện Quỳnh Lưu. Anh là Đặng Xuân Hoàng, đồng thời là chủ nhiệm CLB cổ vật Quỳnh Lưu, trú tại khối 2, thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Anh Hoàng bên bức sắc phong của vua Tự Đức năm thứ 6 (1852) cho một vị thành hoàng ở xã Xuân Yên, huyện Yên Thành, Nghệ An.
Ảnh: XL

20 năm say mê sưu tầm

Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, anh Hoàng được biết đến là người đầu tiên ở Quỳnh Lưu chuyên đi sưu tầm cổ vật. Thời gian này lo miếng ăn hằng ngay còn chật vật, ai dám nghĩ đến chuyện hưởng thụ về tinh thần. Có người còn cho anh là “gàn dở” khi đem tiền đi mua những thứ đồng nát. Tuy nhiên, bằng niềm đam mê với thú chơi cổ vật của mình, số tiền lãi có được từ kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, anh đổ vào đi mua đồ cổ hết.
Sau 20 năm, anh Hoàng đã có một khối lượng cổ vật khổng lồ khiến người xem không khỏi choáng ngợp. Căn phòng khách của gia đình anh bày hàng ngàn chiếc đĩa, chén, chóe, chai, lọ, với đầy đủ các niên đại khác nhau qua các thời kỳ với đủ chất liệu bằng kim khí, bằng sứ, bằng gỗ, giấy. Bên cạnh đó là những cuốn sách cổ, sắc phong, bức hoành phi được xếp gọn gàng và cẩn thận ở từng góc riêng biệt.
Nói về niềm say mê và quá trình sưu tầm cổ vật của mình, anh Hoàng cởi mở: Niềm đam mê của tôi chịu nhiều ảnh hưởng nhiều từ ông bác ruột. Khi còn nhỏ, thấy bác có rất nhiều đồ cổ được trang trí đẹp mắt, tôi đã rất thích thú ngắm nghía. Bác đã giải thích tường tận cho tôi ý nghĩa của các cổ vật- Đây là dấu mốc quan trọng đưa tôi tiếp cận với nghề…

Một góc bộ sư tập của anh Đặng Xuân Hoàng.

Quên ăn, quên ngủ vì… cổ vật

20 năm sưu tầm, góp nhặt từ mọi miền của đất nước, đến nay anh Hoàng đã sở hữu trên 3.000 cổ vật có giá trị. Anh  tâm sự: “Người chơi cổ vật phải có niềm đam mê thực sự. Đã chơi cổ vật thì chớ nghĩ đến lợi nhuận kinh tế, đó mới là điều đáng trân trọng. Nghề chơi lắm công phu, không phải ai cũng chơi được. Nó yêu cầu một trình độ nhất định về sự am hiểu về lịch sử, văn hóa, nguồn gốc ra đời từng cổ vật và đánh giá được giá trị từng món đồ. Bên cạnh đó, một yêu cầu tất yếu là người chơi phải có tiền thậm chí nhiều tiền  mới thực hiện được niềm đam mê đó”.
Trong số đồ cổ vật đang được anh Hoàng lưu giữ, anh vẫn quý trọng nhất là 3 tấm sắc phong triều Nguyễn. Ba bức sắc phong này được trao cho hai vị tướng Cao Sơn, Cao Các (xã Xuân Thành – Yên Thành) nhưng do một số nguyên nhân lịch sử, hai tấm sắc phong này tình cờ lọt vào tay người dân. Khi nghe tin bức sắc phong quý giá ấy lọt vào tay người dân, sợ người dân không hiểu được giá trị rồi đốt mất, anh liền vội vàng đánh xe đến tận nơi để mua bằng được nó về. Bức sắc phong ấy đã có một số người đến gạn hỏi mua nhưng anh kiên quyết không bán.
“Cách đây vài năm, một tốp thợ trong miền Nam đào được một cổ vật “lọ hoa con giống”. Nghe tin, tôi mừng hơn bắt được vàng, vội vàng bắt xe vào Nam lúc nửa đêm nửa hôm để nhanh chóng vào chiêm ngưỡng đồ vật quý ấy. Sau xem xét và tiến hành tham khảo giá, vừa xác định niên đại của đồ vật, thì tốp thợ săn được cổ vật thách giá lên tới 15 triệu, có một số lại không đồng ý bán để đòi ép giá lên. Đi đi lại lại cả tháng trời, vì thấy quý cổ vật đó nên tôi đành bắt mối, nhờ khâu trung gian để mua lại với giá 13,8 triệu đồng.”- anh Hoàng kể. Anh Hoàng còn cho chúng tôi biết về thú chơi cổ vật: “Cái hứng trong chơi đồ cổ là người chơi phải biết thưởng thức nhưng phải chia sẻ với nhau những cổ vật cho anh em bạn bè biết. Nếu cứ ôm khư khư xem một mình thì còn gọi gì là chơi cổ vật nữa”.

Hiện anh Hoàng sở hữu khoảng hơn 3.000 cổ vật với đủ chất liệu và niên đại.

Anh Hoàng bên bộ sưu tập cổ vật của mình.

“Tiếp lửa” đam mê

Cuối năm 2006, xuất phát từ niềm đam mê, trăn trở trước những cổ vật có giá trị bị thất truyền nếu không có ý thức gìn giữ, 12 thành viên đã tụ tập và thành lập nên CLB Cổ vật Quỳnh Lưu (Nghệ An). Và chính anh Đặng Xuân Hoàng là người đứng ra làm chủ nhiệm CLB ấy. Các thành viên đều có chung quan điểm “Mua thì được, bán thì mất, cất là còn”.
Hiện nay, số lượng cổ vật mà 12 hội viên CLB sưu tầm được, lưu giữ được lên đến hàng chục nghìn sản phẩm, với đủ các chủng loại, đủ các thời đại khác nhau. Trong đó, rất nhiều cổ vật đặc biệt có giá trị về lịch sử và văn hoá. Hiện nay, trong không gian tư gia của mỗi thành viên trong CLB đều có “bảo tàng” cổ vật riêng thể hiện sự sống động về từng thời kỳ của lịch sử. Không chỉ vậy,CLB còn tổ chức những buổi gặp mặt để trao đổi về cách thức bảo quản, trưng bày các cổ vật của mình. Ngoài ra, CLB cổ vật còn đóng vai trò tư vấn về mặt chuyên môn, thẩm định, giúp đỡ nhau về mặt tài chính cũng như cách gìn giữ các cổ vật.
Để duy trì và phát triển CLB Cổ vật, các thành viên trong CLB Cổ vật Quỳnh Lưu rất mong muốn địa phương thành lập Hội cổ vật Nghệ An nhằm thu hút những người thích sưu tầm, bảo tồn và nhằm lưu giữ, bảo tồn vốn di sản quý giá do ông cha để lại; tổ chức các buổi triển lãm, trưng bày nhằm tôn vinh giá trị quý báu ấy. Bên cạnh đó, cũng tạo điều kiện là sân chơi để những người đam mê chơi cổ vật có điều kiện giao lưu tiếp xúc, học tập lẫn nhau.

Ngắm cổ vật như ngắm phụ nữ đẹp

Hỏi về kinh nghiệm trong việc xác định giá trị cổ vật, anh Hoàng tếu táo”Ngắm cổ vật cũng như ngắm phụ nữ. Phải có 4 tiêu chí mà dân chơi đồ cổ thường hay nói là “nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi”. Trước nhất và quan trọng nhất là hình dáng bên ngoài của đồ vật. Dáng và da biểu hiện trình độ thiết kế tạo hình bên ngoài đồ vật của nghệ nhân, đồng thời biểu hiện dấu ấn văn hóa qua mỗi giai đoạn, thời kỳ mà người xưa để lại. Còn “toàn” là cách xác định xem đồ vật có còn được nguyên vẹn nữa hay không. Cuối cùng là tuổi- Đây chính là yếu tố để xác định niên đại tồn tại của đồ vật.
Ngoài ra, người chơi cổ vật sành điệu còn có tiêu chí là “minh văn, hiệu đế”, tức là những chữ, kí hiệu được vẽ, chạm khắc trên cổ vật để xác định xuất xứ, nguồn gốc, giá trị của món đồ đó.
Xuân Lê

Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/gap-dai-gia-co-vat-xu-nghe-2012041209213942.htm

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.