Với niềm đam mê gốm sứ cổ, một nông dân ở xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre đã dành hơn 40 năm để sưu tập rất nhiều món đồ cổ quý giá. Đặc biệt, trong bảo tàng cá nhân của ông có hàng ngàn sản phẩm gốm sứ nhiều niên đại của Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên.
Theo con đường nhỏ rợp bóng dừa vào ngôi nhà cổ kính, chúng tôi gặp người đàn ông quần xắn ống thấp, ống cao đang đứng trong sân gạch với những chậu cây cảnh xếp chung quanh. Ông là Trần Công Khánh, năm nay 58 tuổi. Tôi chưa kịp hỏi gì thì ông cười lên tiếng rằng, đang cùng với bà con đắp lại đường ở đầu con mương, nghe điện thoại của tôi nên vội chạy về mà không kịp sửa sang quần áo.
Ngôi nhà cổ ba gian kiểu Nam Bộ khiến chúng tôi tò mò càng muốn vào bên trong xem có những gì. Thật ngạc nhiên, bởi trên những cái bàn rộng, những tủ kính được xếp ngay ngắn là những món đồ sứ độc đáo, đủ chủng loại. Những bình gốm, lọ, bát, bình trà…Tất cả được xếp thành từng nhóm, từng niên đại. Các gian ở hai bên, gian giữa và trong cùng của ngôi nhà được dành toàn bộ làm nơi trưng bày sưu tập đồ cổ.
Ông Trần Công Khánh có niềm đam mê gốm sứ cổ ngay từ thuở nhỏ. (Ảnh: Lê Minh). |
Không gian trưng bày bộ sưu tập gốm sứ của ông Trần Công Khánh. (Ảnh: Lê Minh). |
Ông Trần Công Khánh giới thiệu chiếc bình cổ thời vua Thành Hóa (nhà Minh, Trung Quốc). (Ảnh: Nguyễn Luân). |
Bộ chén đời vua Ung Chính (nhà Thanh, Trung Quốc). (Ảnh: Nguyễn Luân). |
Ông Trần Công Khánh xuất thân từ gia đình nho học, ông nội và cha đều là những người mê chơi gốm cổ nên đã sưu tập được rất nhiều món đồ gốm có giá trị. Ông tâm sự: “Ngay từ nhỏ, tôi đã được cha truyền lại thú chơi đồ gốm. Tôi đã bị cuốn hút bởi những chi tiết độc đáo, lạ mắt, nét tinh xảo trên từng chiếc bình, bát bằng gốm… Tuy nhiên, những món đồ do gia đình sưu tầm được đã bị chiến tranh phá huỷ. Sau này, với niềm đam mê sẵn có, tôi cố gắng tiết kiệm tiền để có thể mua được những món mình thích. Dần dần, càng ngày càng nhiều lên, nhờ vậy, giờ đây tôi đã có bộ sưu tập cho riêng mình”.
Hiện nay, bộ sưu tập của ông có tới hàng ngàn món đồ gốm, sứ từ các nước với nhiều niên đại khác nhau. Đó là kho tàng đồ gốm men trắng xanh đời Minh – Thanh (Trung Quốc) ông mua được của các ghe cào ở Vĩnh Long, Đồng Tháp…; Bộ chén chum đời vua Ung Chính (nhà Thanh, Trung Quốc), ông tình cờ mua lại được của những người bán đồng nát; Bộ chén ‘Độc Long” triều Nguyễn thời vua Gia Long, các đồ gốm có in chữ “Nội phủ” cố đô Huế thế kỷ XIX, hay các món đồ là vật dụng sinh hoạt hàng ngày của người dân vào Nam Bộ khai khẩn, mở cõi cách nay hơn 300 năm. Ngoài ra, ông còn lưu giữ rất nhiều vật dụng khác như lư hương trầm hơn 500 năm thời vua Tuyên Đức (nhà Minh, Trung Quốc) bộ đèn, máy hát đĩa thời Pháp thuộc…
Theo ông, mỗi một thời đại, gốm sứ có nét đẹp, nét tinh xảo riêng do mỗi nghệ nhân tạo ra. Chỉ cho chúng tôi xem bộ sưu tập hàng trăm mẫu gốm thuộc đủ các niên đại khác nhau, ông nói: “Cứ nhìn gốm là biết nó thuộc thời đại nào. Chẳng hạn, thời nhà Lý, đồ gốm có màu nâu, hoạ tiết cánh sen, nhà Lê thì lại có men trắng xanh, hoạ tiết phức tạp hơn. Đời Trần thì hoạ tiết đã đạt đến độ tinh xảo, men dày và sâu hơn…”. Nhấc chiếc bình với nước men rạn, một loại men đặc biệt của Trung Quốc, ông giải thích xuất xứ của nó một cách rõ ràng, rành mạch…
Ông Trần Công Khánh bên chiếc máy hát đĩa thời Pháp thuộc vẫn đang sử dụng tốt. (Ảnh: Nguyễn Luân). |
Ông Trần Công Khánh với những đồ gốm cổ là vật dụng sinh hoạt của người dân đi mở cõi phương Nam hơn 300 năm trước. (Ảnh: Nguyễn Luân). |
Bộ hũ muối cuối thời Lê. (Ảnh: Nguyễn Luân). |
Tráp cổ. (Ảnh: Nguyễn Luân). |
Để có một sự hiểu biết như vậy, ông đã bỏ ra không ít thời gian để nghiên cứu xuất xứ của từng sản phẩm, qua đó, có điều kiện hiểu hơn về những món đồ mà mình sưu tầm được. Ông sưu tầm gốm sứ cổ không phải để kinh doanh mà sống chung với niềm đam mê này, để nuôi dưỡng tâm hồn hoài cổ và cái nhìn mới về “thế giới gốm sứ” qua các thời kỳ. Bởi vậy, đã mê gốm phải biết tận hưởng vẻ đẹp tân và cổ của từng tác phẩm. Nhìn vẻ say sưa khi nói về niên đại của mỗi sản phẩm, tôi mới thấy hết được niềm vui, hạnh phúc của ông dành cho niềm đam mê đặc biệt này.
Bộ đèn thế kỷ 18 của Pháp. (Ảnh: Lê Minh). |
Lư hương xông trầm hơn 500 năm thời vua Tuyên Đức (nhà Minh, Trung Quốc). (Ảnh: Lê Minh). |
Các bức tượng Phật được ông Trần Công Khánh mang về từ những ngôi chùa cổ. (Ảnh: Lê Minh). |
Nhà ông Trần Công Khánh, nơi lưu giữ hàng ngàn món đồ gốm, sứ từ các nước thuộc nhiều niên đại khác nhau. (Ảnh: Lê Minh). |
Tiễn chúng tôi về, ông vẫn nhắn nhủ rằng, sau này có thế nào cũng không bán những cái mà đã sưu tập được, tất cả để cho con cháu. Giờ đây, ngôi nhà của ông đang là một điểm đến thú vị trong lịch trình đưa du khách trong nước và quốc tế về tham quan miệt vườn Cồn Phụng – Cù lao Thới Sơn của hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.
Theo Báo Ảnh Việt Nam
Nguồn: http://bestplus.vn/tin-tuc/bo-suu-tap/bo-suu-tap-do-co-quy-gia-cua-anh-nong-dan-nam-bo