VỀ MỘT QUẢ ẤN CÓ NIÊN ĐẠI THỜI MẠC

NGUYỄN CÔNG VIỆT

TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trong cuốn Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX xuất bản cuối năm 2005 tại mục II Ấn chương Việt Nam thời Mạc chúng tôi giới thiệu sơ lược và trong đó chỉ mới khảo tả giới thiệu ba quả ấn đồng thuộc lực lượng quân đội cùng mấy sắc phong thần(1). Việc sưu tầm bổ sung ấn chương thời Mạc nói riêng và ấn chương Việt Nam nói chung vẫn được chúng tôi tiếp tục thực hiện. Gần đây được một nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật quen biết cung cấp một số ấn tín và hiện vật cổ bằng đồng, trong đó có một quả ấn khắc ghi niên đại thời Mạc; bài viết xin được giới thiệu về quả ấn này qua việc đối chiếu với số ấn thời Mạc và những ấn tín khác đã công bố.

Ấn có chất liệu bằng đồng, trọng lượng 460g. Ngoại hình ấn làm kiểu chuôi vồ thắt giữa, khuôn mặt để ấn được làm theo hình vuông. Tổng chiều cao là 7cm. Mặt đế ấn hình vuông kích thước 7,7×7,7cm và dày 0,6cm. Mặt trên núm ấn có khắc 3 dòng chữ Hán, 2 dòng ở bên phải và một dòng ở bên trái. Bên phải dòng ngoài gần mép ấn khắc 6 chữ Trường phi Tả sở chi ấn 長 鈹 左 所 之 印. Dòng thứ hai bên phải là 4 chữ Thượng bảo ty tạo 尚 寶 司 造. Nét chữ khắc rõ ràng, nét khắc theo kiểu viết thô, chữ không đẹp, dòng giữa Thượng bảo ty tạo khắc lệch không thẳng hàng. Bên trái núm ấn khắc dòng ghi niên đại có 6 chữ Đại Chính nguyên niên nguyệt nhật 大 正 元 年 月 日. Mặt đế ấn có rìa cạnh 0,6cm, bên trong khắc 6 chữ triện. Nét khắc thô, không cân xứng. Bố cục chữ và nét chữ không đều nhau.

Dấu hình vuông có kích thước 7,7×7,7cm. 6 chữ triện xếp theo 3 hàng dọc. Chân hóa chữ triện trong dấu là 6 chữ Trường phi Tả sở chi ấn 長 鈹 左 所 之 印. Như vậy dòng chữ triện ở dấu trùng với nội dung dòng chữ Hán khắc trên núm ấn phía bên phải.

Trước hết xin được nói về niên đại của ấn. Theo như dòng chữ khắc bên trái mặt núm ấn thì niên đại của ấn ghi là năm Đại Chính nguyên niên. Đại Chính là niên hiệu của Mạc Đăng Doanh, Mạc Đăng Doanh là con trưởng của Mạc Đăng Dung lên ngôi tháng giêng năm 1530. Như vậy quả ấn này tạm thời được xác định có niên đại ghi năm 1530. Tuy nhiên dòng ghi niên đại mới chỉ là một trong các tiêu chí để xác định niên đại của ấn tín nói riêng và cổ vật nói chung. Muốn xác định chúng ta phải căn cứ vào ngoại hình, chất liệu, văn tự ký hiệu khắc trên ấn và đặc biệt là nội dung được khắc ở mặt đế ấn. Đồng thời phải có các ấn tín khác cùng thời, cùng loại hình lĩnh vực để đối chiếu so sánh phân tích. Điều may mắn là chúng tôi đã có ba quả ấn thời Mạc khác có nhiều điểm tương tự coi như những dị bản, dị vật để đối chiếu.

Ba quả ấn thời Mạc đã công bố hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đều có chất liệu bằng đồng. Ngoại hình tương đối giống nhau với núm ấn làm kiểu chuôi vồ và khuôn mặt đế ấn được đúc theo hình vuông. Chữ Hán khắc trên cả ba quả ấn này đều có điểm tương tự, phía bên trái mặt núm ấn là dòng ghi niên đại, bên phải mặt núm có hai dòng, dòng ngoài rìa ghi nội dung văn khắc mặt dấu và dòng bên cạnh ghi cơ quan tạo ấn.

Quả ấn thứ nhất có ký hiệu LSb 2529 có chiều cao 9cm dày 0,8cm. Mặt đế ấn hình vuông kích thước 7,5×7,5cm. Mặt núm ấn dòng bên trái khắc 6 chữ Đại Chính ngũ niên nguyệt nhật 大 正 元 年 月 日. Dòng bên phải hàng trong khắc 4 chữ Thượng bảo ty tạo 尚 寶 司 造. Dòng ngoài khắc 6 chữ Hoành Hải Hậu sở chi ấn 橫 海 後 所 之 印. Đây là ấn của viên tướng Hậu sở Hoành Hải được chế tạo năm Đại Chính thứ 5 (1534) đời Mạc Đăng Doanh.

Ấn thứ hai có ký hiệu LSb 2531, chiều cao là 9cm và dày 0,7cm. Mặt ấn hình vuông kích thước 7,5×7,5cm. Mặt núm ấn dòng bên trái khắc 6 chữ Cảnh Lịch nhị niên nguyệt nhật 景 歷 二 年 月 日. Dòng ngoài bên phải khắc 6 chữ Thanh tái Tả sở chi ấn 清 塞 左 所 之 印, dòng trong khắc 4 chữ Thượng bảo ty tạo. Đây là ấn của viên tướng Tả sở Thanh tái được chế tạo năm Cảnh Lịch thứ 2 (1549) đời Mạc Phúc Nguyên.

Ấn thứ ba có ký hiệu LSb 2530, cao 9cm và dày 0,6cm. Núm ấn phía bên trái khắc 6 chữ Thuần Phúc tam niên nguyệt nhật 淳 福 三 年 月 日. Bên phải khắc 9 chữ Khuông Trị vệ Lăng Xuyên tiền sở chi ấn 匡 治 衛 凌 川 前 所 之 所. Dòng bên cạnh cũng khắc 4 chữ Thượng bảo ty tạo giống như các ấn trên. Đây là ấn của viên tướng Tiền sở Lăng Xuyên thuộc vệ Khuông Trị được chế tạo năm Thuần Phúc thứ ba (1564) đời Mạc Mậu Hợp.

Như vậy so sánh quả ấn mới phát hiện với ba quả ấn thời Mạc trên ta thấy có nhiều điểm tương đối giống nhau. Các ấn đều có chất liệu bằng đồng, ngoại hình cùng kiểu núm chuôi vồ và mặt đế ấn làm theo hình vuông. Thể thức khắc chữ Hán trên mặt núm ấn đều có ba dòng chữ, bên trái là dòng niên hiệu, bên phải là dòng ghi nội dung giống như ở mặt dấu và bên cạnh ghi cơ quan tạo ấn là Ty Thượng bảo (Thượng bảo ty tạo)(2). Cũng như giá trị của dòng ghi niên hiệu trong việc xác định niên đại, khoảng thời gian tạo ấn, dòng chữ Thượng bảo ty tạo là một trong các tiêu chí quan trọng để xác định đây là quả ấn thuộc thời Mạc, nó giống như dòng chữ Vũ khố phụng tạo trên ấn đồng thời Nguyễn và dòng chữ Tân Hợi niên đông tạo trên ấn đồng thời Tây Sơn(3).

So sánh nội dung triện văn của quả ấn mới với ba ấn đã công bố cũng có nhiều điểm giống nhau. Ấn mới có 6 chữ triện (bằng số chữ của 2 ấn ký hiệu LSb 2529 và LSb 2531. Đây là ấn của một viên tướng chỉ huy cấp sở (Tả sở Trường phi) thuộc lực lượng quân đội nhà Mạc như ba ấn đồng trên chỉ khác tên đơn vị. Chúng tôi chưa có điều kiện tra cứu tìm Tả sở Trường phi thuộc lực lượng quân đội Ngũ quân (Ngũ phủ) hay thuộc lực lượng quân sự địa phương, song chắc chắn đây là một đơn vị không lớn nằm dưới cấp Vệ trong biên chế quân đội nhà Mạc.

Về hình thức, kiểu chữ triện khắc trên ấn mới không khác ba ấn cũ, nhưng nét khắc và bố cục khuôn chữ có điểm khác nhau. Ở ấn mới có nét khắc thô, nét dầy nét mảnh không đều nên khi in trên giấy ta thấy độ tương phản rất rõ và nét chữ không thẳng hàng. Điểm khác biệt quan trọng là kích thước của ba chữ hàng trên không giống ba chữ hàng dưới. Kích thước chiều rộng mỗi chữ là 1,8cm, nhưng chiều dài của 3 chữ hàng trên là 3,1cm, còn chiều dài của 3 chữ hàng dưới lại chỉ có 2,5cm. So sánh kích thước từng chữ của 3 quả ấn cũ thời Mạc và những ấn đồng khác chúng tôi thấy kích cỡ chữ triện trong mỗi một con dấu rất đều nhau, cả chiều dài và chiều rộng nếu xếp theo kiểu đăng đối 3 hàng 6 chữ, 4 hàng 8 chữ… Còn nếu xếp theo kiểu lẻ 3 hàng 7 chữ hoặc 8 chữ(4) thì kích thước bố cục chữ ở mỗi dòng cũng phải bằng nhau không có sự khác biệt. Đấy có lẽ là những quy tắc bất biến của việc chế tác đúc ấn mà các triều đại phong kiến đều đặt làm định lệ.

Mặt khác đo kỹ hình dấu mặt đế ấn ta thấy ấn làm không được vuông vức lắm. Cạnh bên phải và cạnh trên dài 7,7cm, cạnh dưới và bên trái chỉ dài 7,6cm. Do đó khi nhìn hình dấu sẽ thấy ngay điểm lệch không cân đối. Tất cả những khác biệt trên của quả ấn đồng mới này khiến chúng tôi có suy nghĩ: phải chăng đây là quả ấn được làm thủ công không giống ba quả ấn nhà Mạc đã công bố ? Như vậy thì ấn này không phải được tạo tác ở Ty Thượng bảo ? Nhưng ở đây mặt ấn lại khắc 4 chữ Thượng bảo ty tạo! Đấy là điều khó lý giải cho những người làm công tác sưu tầm nghiên cứu ấn chương nói riêng và cổ vật nói chung sẽ mắc phải.

Nhưng may mắn là chúng ta vẫn còn một tiêu chí quan trọng nữa để xét tính chân ngụy của quả ấn mới này, đó là chất liệu của ấn. Ấn Trường phi Tả sở này có chất liệu bằng đồng, Ten đồng có màu xanh lục loang lổ. Trông ngoại hình thì nó rất cổ và cũng giống như bao ấn đồng khác. Tham khảo ý kiến một vài nhà nghiên cứu cổ vật thì chất liệu đồng ở quả ấn này cũng có thể đến vài trăm năm tuổi ? Kiến thức này chỉ có được ở các nhà Khảo cổ học, Bảo tàng học và những người chuyên sưu tầm nghiên cứu cổ vật. Ý kiến đánh giá chất liệu đồng của ấn này sẽ là lời khẳng định giá trị trong việc xác định niên đại của ấn.

Trước tình trạng hiện nay rất nhiều cổ vật bằng đồng, bằng gốm, bằng đá, bằng ngà… và cả tài liệu thư tịch Hán Nôm được làm giả với mục đích kinh tế vụ lợi. Song chúng tôi lại rất mong muốn quả ấn công bố trong bài viết này là ấn có niên đại thật. Như vậy nó không chỉ bổ sung cho số lượng ấn chương thời Mạc nói riêng, cho ấn chương Việt Nam nói chung và cao hơn cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Mong muốn của chúng tôi hy vọng sẽ được các nhà Khảo cổ học và Bảo tàng học giải đáp trong thời gian không xa.

Chú thích: Mặt trên núm ấn và dấu Trường phi Tả sở chi ấn

(1) Xem Nguyễn Công Việt: Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX – Mục Ấn chương Việt Nam thời Mạc Nxb. KHXH, H. 2005, từ tr.135 đến tr.152.

(2) Nhà Mạc lập Ty Thượng bảo theo cơ cấu tổ chức của nhà Lê sơ, mô phỏng theo tổ chức của nhà Minh (Trung Quốc). Ty Thượng bảo là nơi tạo đúc vật dụng kim loại, chủ yếu chế tác từ nguyên liệu đồng; Hầu hết các ấn tín đều được làm từ ty này và theo quy chế nhất định.

Xem. Ấn chương Việt Nam…Sđd, mục Thực trạng về ấn chương triều Quang Trung tr.235-249 và Ấn chương trong các cấp chính quyền địa phương thời Nguyễn, tr.401-252.

(4) Xem H.22 Dấu Phụng mệnh Tuần phủ đô tướng quân ấn (tr.121) và H.176 Quảng Nam Quảng Ngãi Tổng đốc quan phòng tr.418 – trong Ấn chương Việt Nam…Sđd./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (76) 2006; Tr.54-57)

Nguồn: http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=99&Catid=42

 

PS: Cần dùng phương pháp giám định cổ vật bằng máy quang phổ hoặc thiết bị hiện đại hơn để xác minh lại hiện vật này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.