Không rõ phong cách tối giản (minimalism) trong nghệ thuật thị giác/âm thanh của Tây phương và phong cách sống tối giản của người Nhật có liên quan gì đến nhau, nhưng cả hai đều cho thấy ảnh hưởng của chúng đến đời sống văn hóa tinh thần của không ít người trên khắp thế giới…
Nếu phong cách tối giản trong nghệ thuật của Tây phương xuất hiện vào giữa thế kỷ 20, thì minimalisim của người Nhật, có lẽ đã có từ rất lâu dưới ảnh hưởng của văn hóa lâu đời, Thiền tông, nghệ thuật trà/trà đạo và cả điều kiện về địa lý của quốc gia này.
Nhật Bản – một đất nước chịu nhiều thiên tai có lẽ đã góp phần quan trọng cho lối sống tối giản. Nhà cửa với kiến trúc cầu kỳ, xây dựng tốn kém cùng nhiều vật dụng sinh hoạt mắc tiền rõ ràng là không phù hợp với với những địa phương mà chỉ sau 1 trận động đất là người ta mất hết tất cả.
Phong cách sống tối giản của người Nhật, còn gọi là Danshari, nay được nhiều người trên thế giới học hỏi áp dụng. Về hình thức, khi tâm trí ít bị ràng buộc vào việc mua sắm, quản lý, sắp xếp…những vật dụng thừa thãi xung quanh, ta sẽ thấy đời sống nhẹ nhàng thoải mái hơn. Và việc không chú trọng nhiều đến vật chất giúp người ta có thêm thời gian và tiền bạc để có thể làm được nhiều việc khác hữu ích cho cuộc đời.
Trong khi đó, tối giản trong nghệ thuật của Tây phương, với khái niệm “less is more” (tạm hiểu: ít thì nhiều hay nôm na là càng ít càng nhiều), không chỉ ảnh hưởng trong sáng tác âm nhạc, hội họa mà còn trong lĩnh vực kiến trúc, thiết kế…Được biết,
những thiết kế iOS của Apple, Google đến các UI của Microsoft đều chịu ảnh hưởng của nghệ thuật tối giản…
Triết lý tối giản, có lẽ, từng tồn tại rất lâu về trước với hình ảnh ‘cưỡi trâu về núi’ của Lão Tử (thế kỷ VI trước CN) – một hình ảnh tượng trưng cho sự trở về với những gì thuần phác, mộc mạc nhất trong đời sống vật chất lẫn tâm hồn – nền tảng hướng đến một đời sống vô vi, thuận theo tự nhiên. Triết lý của Lão giáo, vốn ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật của người Trung Hoa, mà đỉnh cao là mĩ thuật thời Bắc Tống với những dòng gốm độc sắc danh bất hư truyền…
Lẽ dĩ nhiên, minimalism không phải là triết lý sống/ nghệ thuật duy nhất khả dĩ mang lại cái đẹp và hạnh phúc nhân gian. Nhưng đó có thể là một gợi ý cho những ai đang tìm tòi một giải pháp hướng đến an lạc bởi đây là tiền đề cho việc giải phóng những ràng buộc của tâm hồn. Và cũng kỳ công để có thể trải nghiệm, cảm thụ cũng như thực hành trọn vẹn cái gọi là…
Less is more!
NST: Lê Quang Hào
Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1989861684470338&set=a.705962349526951&type=3&theater