Archive | Tháng mười hai 2018

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm

TPO – Dù mới chính thức bàn giao vào giữa tháng 11, chưa mở cửa tham quan, nhưng dự án nghệ thuật đương đại dưới hầm nhà Quốc hội đã được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm bầu chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của năm 2018.

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm

Tái hiện lịch sử kinh đô Thăng Long dưới tầng hầm Nhà Quốc hội 

Hé mở “bảo tàng nghệ thuật” dưới hầm nhà Quốc Hội

Đây là dự án nghệ thuật do Thành phố Hà Nội đặt hàng các nghệ sĩ để tặng cho Quốc hội. Những tác phẩm đa dạng về chất liệu đã phủ kín hơn 500 mét dài trong không gian lớn, thiết kế theo địa hình của 3 khu vực đường hầm Nhà Quốc hội. Gác lại các dự án riêng, 15 nghệ sĩ già trẻ, trai gái, ở trong nước lẫn nước ngoài, vẫn sắp xếp thời gian, miệt mài cùng nhau lao động nghệ thuật trong 3 tháng trời để hoàn thiện dự án. Dự án do nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn làm giám tuyển, với sự tham gia của 15 nghệ sĩ và hơn 100 trợ lý kỹ thuật cùng những người thợ lành nghề của TP Hà Nội, các tỉnh Thái Bình, Thừa Thiên Huế.

Lấy ý tưởng sử dụng cách tiếp cận đa dạng các hình thức nghệ thuật đương đại, các nghệ sĩ đã dùng các tác phẩm của mình như một nỗ lực đối thoại và phản ánh cách nhìn sáng tạo với những giá trị di sản văn hoá nghệ thuật và kiến trúc trong suốt bề dày của lịch sử dân tộc. Văn phòng Quốc hội cho biết, đã có kế hoạch đưa không gian nghệ thuật này vào điểm đến đầu tiên của tuyến tham quan Nhà Quốc hội trong thời gian tới.Một số tác phẩm trong không gian nghệ thuật dưới hầm toà nhà Quốc:

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm - ảnh 1

Tác phẩm “Lịch sử soi chiếu” – Khắc gương. Tác giả: Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm - ảnh 2

Tác phẩm “1700 – 1736” – Nhiếp ảnh phù điêu. Tác giả: Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm - ảnh 3

Tác phẩm “1901 – 1911” “1805 – 1832” “1886 – 1891” – Nhiếp ảnh phù điêu. Tác giả: Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm - ảnh 4

Tác phẩm “Sông Tô” – Sơn mài, khắc đồng. Tác giả: Họa sĩ Vũ Xuân Đông

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm - ảnh 5

Tác phẩm “Mảnh thời gian” – Sơn mài. Tác giả: Họa sĩ Nguyễn Xuân Lam 

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm - ảnh 6

Tác phẩm “Hóa thạch sống” – Composit. Tác giả: Họa sĩ Vương Văn Thạo

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm - ảnh 7

Tác phẩm “Sự tích Hồ Gươm – Hà Nội phố – Cây đa Tân Trào” – In khắc đồ hoạ. Tác giả: Họa sĩ Phạm Khắc Quang

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm - ảnh 8

Tác phẩm “Vọng niệm” – Trúc chỉ. Tác giả: Họa sĩ Phan Hải Bằng

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm - ảnh 9

Tác phẩm “Món quà” – Sơn dầu. Tác giả: Họa sĩ Cấn Văn Ân

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm - ảnh 10

Tác phẩm “Những không gian nhỏ” – Hộp gỗ lồng mica, vẽ giấy washi. Tác giả: Họa sĩ Vũ Kim Thư.

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm - ảnh 11

Tác phẩm “Cội nguồn dân tộc Việt” – Sơn mài sắp đặt. Tác giả: Họa sĩ Triệu Khắc Tiến

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm - ảnh 12

Tác phẩm “Cửa xưa” – Sơn mài. Tác giả: Họa sĩ Trần Công Dũng

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm - ảnh 13

Tác phẩm “Lãng đãng – Chuyển vùng” – Video chiếu trên lụa. Tác giả: Họa sĩ Triệu Minh Hải

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm - ảnh 14

Tác phẩm “Ký ức và Ảo ảnh” – Phun sơn trên nắp Capo. Tác giả: Họa sĩ Trịnh Minh Tiến

Dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội là sự kiện tiêu biểu của năm - ảnh 15

Tác phẩm “Ba Đình dấu cũ/Hội nước là đây” – Sơn mài. Tác giả: Họa sĩ Oanh Phi Phi

NHÃ KHANH

Nguồn: https://www.tienphong.vn/giai-tri/du-an-nghe-thuat-duoi-ham-nha-quoc-hoi-la-su-kien-tieu-bieu-cua-nam-1361541.tpo

‘Chuyến du hành sôi động’ tới Pháp nhờ công nghệ thực tế ảo

AN NGỌC (VIETNAM+) 29/12/2018 05:20 GMT+7Bản in

“Chuyến du hành sôi động” sẽ diễn ra từ ngày 2/1-28/2/2019 tại Hà Nội. (Ảnh: BTC)
Triển lãm ảnh “Chuyến du hành sôi động” sẽ diễn ra từ ngày 2/1-28/2/2019 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (số 24 Tràng Tiền, Hà Nội).

“Chuyến du hành sôi động” giới thiệu tới công chúng Việt Nam 35 tác phẩm ảnh chụp những địa danh nổi tiếng và những di sản độc đáo ở Pháp của bốn nhiếp ảnh gia: Ishola Akpo (Benin), Edu Monteiro (Brazil), David Schalliol (Mỹ) và Lourdes Segade (Tây Ban Nha).

Đại diện ban tổ chức cho biết, “Chuyến du hành sôi động” sẽ giúp người xem cảm nhận sự khác biệt của những bức ảnh truyền thống khi có sự hỗ trờ từ những ứng dụng công nghệ số.
Theo đó, khi tham gia triển lãm, khán giả cài đặt ứng dụng có tên “France Emotion” (có sẵn trên App Store và Google Play) vào các thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng); sau đó, đưa thiết bị tới trước mỗi sản phẩm được trưng bày.

“Một nhân vật hoạt hình sẽ xuất hiện, di chuyển và biến hóa linh hoạt nhờ công nghệ thực tế ảo tăng cường. Sự chuyển động của hình ảnh sẽ đưa người xem vào một chuyến du hành kỳ thú, khám phá sự đa dạng và khác biệt của những địa danh và di sản nổi tiếng của Pháp,” đại diện Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội cho hay.

Trước khi đến Việt Nam, triển lãm này đã được tổ chức tại nhiều quốc gia trên thế giới: Tây Ban Nha, Brazil, Thái Lan…./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/chuyen-du-hanh-soi-dong-toi-phap-nho-cong-nghe-thuc-te-ao/544437.vnp

ZWINGER, LÂU ĐÀI GỐM SỨ BÊN DÒNG ELBE

TRẦN ĐỨC ANH SƠN

1. Dresden là thủ phủ của bang Sachsen ở miền đông nước Đức. Khai sinh vào năm 1206, khi một cộng đồng người Slav (một chủng tộc người sống ở Đông và Trung Âu) định cư trong thung lũng Drežd’any (tiếng Slavic nghĩa là những kẻ ngụ cư trên cánh rừng phù sa), ở bờ bắc dòng sông Elbe, sát nhập vào một thị trấn của người German ở bờ nam dòng sông, Dresden đã không ngừng phát triển và trở thành một trung tâm văn hóa, khoa học và nghệ thuật không chỉ của riêng nước Đức mà của cả châu Âu. Dresden được tôn vinh bởi rất nhiều mỹ danh: Frorence on the Elbe (Florence bên dòng Elbe); the Venice of the East (Venice của phương Đông); unmatched collection of baroque architecture (Sưu tập kiến trúc Baroque không nơi nào sánh kịp), Stadt der Wissenschaften (Thành phố của khoa học)… Năm 2002, Dresden được ghi nhận là one of Europe’s greenest cities (một trong những thành phố Xanh nhất châu Âu). Năm 2004, UNESCO công nhận Dresden và vùng phụ cận ven dòng sông Elbe là Di sản văn hóa thế giới.
Trước khi bị bom đạn hủy diệt trong Thế chiến II, Dresden nổi danh là nơi bảo lưu những công trình kiến trúc Baroque hàng đầu thế giới và được tôn xưng là thành phố đẹp nhất châu Âu. Khi Augustus I (1670 – 1733) cai trị Sachsen, trường phái kiến trúc Baroque được Augustus I ưa chuộng và chiếm ưu thế tuyệt đối ở Dresden, Nhiều công trình được xây dựng theo lệnh của Augustus I như: Zwinger Palace; Semper Opera Haus; Frauenkirche… được thừa nhận như những mẫu mực của trường phái Baroque. Do vậy mà Augustus I được mệnh danh là Dresden Baroque.
Một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất Dresden và là đại diện hoàn hảo nhất của thời kỳ Baroque muộn ở châu Âu là cung điện Zwinger, tọa lạc ở trung tâm thành phố. Đây là một trong vài địa điểm quyến rũ du khách bậc nhất Dresden. Cung điện này do kiến trúc sư Matthäus Daniel Pöppelmann hợp tác với nhà điêu khắc Balthasa Permoser thiết kế theo lệnh của Augustus I, và được xây dựng trong các năm 1710 – 1718. Zwinger nguyên thủy là một thuật ngữ của ngành thiết kế công sự, thành trì, chỉ vùng không gian được giới hạn giữa các bức tường thành. Đúng như tên gọi, cung điện Zwinger ở Dresden là một quần thể kiến trúc nối tiếp nhau theo một đường tròn, giới hạn một không gian mở ở bên trong, được sử dụng như một nhà hát ngoài trời (open-air theater) và các ngự viên kiểu Pháp (French garden). Augustus I cho xây dựng Zwinger để làm nơi trưng bày các tuyệt phẩm những các danh họa bậc nhất châu Âu như Rubens, Rembrant, Raffaello và Titian; đồng thời để trưng bày sưu tập gốm sứ lên đến hàng ngàn món mà ông đã kỳ công sưu tầm trong suốt 40 năm trị vì xứ Sachsen.
Augustus I người gốc Sachsen, làm vua Ba Lan từ năm 1697 đến năm 1733, đồng thời là Elector der Sachsen (Đại cử tri xứ Sachsen) từ năm 1694 đến năm 1733 dưới tước hiệu Frederick Augustus II. Tuy nhiên, ông được biết đến nhiều hơn với mỹ danh Augustus der Starken hay August the Strong (Augustus Hùng cường). Không chỉ là một vị vua mạnh mẽ, từng chỉ huy quân đội của đế chế Phổ chống lại quân Thổ (1695 – 1696) và xâm lược Thụy Điển (1700), Augustus der Starken còn là một người say mê nghệ thuật và kiến trúc. Chính Augustus der Starken là đã tô son điểm phấn cho Dresden một cách nhiệt thành, biến nơi này thành một nơi đáng viếng thăm nhất châu Âu. Ông cũng là người đã tìm ra bí mật của White Gold, tức là đất sét trắng để làm đồ sứ, và là người sáng lập lò Meißen, xưởng sản xuất đồ sứ đầu tiên ở châu Âu.
Ngày nay, Zwinger đã trở thành Staatlich Kunstsammlungen Dresden (Sưu tập Nghệ thuật Quốc gia Dresden), là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập nghệ thuật nổi tiếng như: Porzellansammlung (Sưu tập gốm sứ); Mathematical – Physical Salon (Phòng triển lãm dụng cụ Toán học – Tự nhiên), Rüstkammersammlung (Sưu tập áo giáp); Alte Meister Kunstgallery (Phòng triển lãm nghệ thuật Old Master).
​2. Tôi viếng thăm Zwinger cùng với Thomas Ulbrich và Philippe Truong, hai người đồng hành trong chuyến đi nghiên cứu đồ sứ xuyên nước Đức kéo dài hơn 2 tháng. Tiếng tăm về sưu tập gốm sứ của Augustus der Starken ở Zwinger khiến chúng tôi không thể không đến đây. Quả là danh bất hư truyền. Augustus der Starken đã tiêu tốn tiền bạc và thời gian tích cóp đồ sứ từ khắp nơi trên thế giới để làm nên một sưu tập gốm sứ đồ sộ và lộng lẫy như một huyền thoại. Hầu như tất cả các dòng gốm sứ lừng danh hoàn cầu đều góp mặt nơi đây: đồ sứ Meißen (Đức); đồ sứ Sevrès (Pháp); đồ faïences de Delft (Hà Lan); đồ sứ Stoke Upon Trent (Anh); đồ gốm Islam (Trung Đông); đồ sứ Imari và Kakiemon (Nhật Bản); đồ sứ Ch’onghwa paekcha của Triều Tiên và đặc biệt là đồ sứ Thanh triều của Trung Hoa. TS. Eva Stroeber, quản thủ sưu tập gốm sứ ở Zwinger cho chúng tôi hay: “Augustus der Starken đã gửi những chiến thuyền đi khắp thế giới để mua đồ sứ.

Ông đặc biệt say mê đồ sứ Khang Hi (1662 – 1722) của Trung Hoa, nên đã đặt mua 500 chiếc chóe và thống sứ cỡ lớn, toàn thân trang trí hoa dây (floral) bằng màu xanh cobalt dưới lớp men phủ, rồi chuyển đến Dresden theo đường thủy.

Về sau, cứ mỗi chiếc thống hay chóe này, Augustus der Starken đem đổi ngang giá với một hiệp sĩ của đế chế Phổ (Knight of Prusia) hoặc một kỵ binh của Sa hoàng nước Nga (Czar’s Cavalier). 
Hiện nay, chúng tôi còn giữ gần 100 chiếc thống và chóe sứ như vậy ở Zwinger”.

Trong sưu tập gốm sứ ở Zwinger còn có hơn 200 món đồ sứ Imari và những đồ sứ trang trí theo phong cách Kakiemon mà Augustus der Starken đã mua từ Nhật Bản thông qua Công ty Đông Ấn Hà Lan (V.O.C.) Đồ sứ Imari, gọi theo tên hải cảng Imari ở Kyushu, nơi xuất khẩu dòng đồ sứ này, là những đồ sứ có hoa văn trang trí dày đặc bằng màu xanh cobalt dưới lớp men phủ, sau đó được gia thêm các họa tiết màu đỏ sắt hay phủ vàng rồi đem nung lần hai. Kiểu trang trí lộng lẫy của đồ sứ Imari đem lại hiệu quả đặc biệt khi trưng bày trong những cung điện mang phong cách Baroque ở Dresden, nên rất được Augustus der Starken ưa chuộng. Nơi đây còn có sự góp mặt của dòng đồ Kakiemon với lối trang trí phi đối xứng bằng các gam màu rực rỡ nổi bật trên nền men trắng thanh nhã. Nhiều đồ sứ xanh trắng bắt chước các kiểu thức trang trí trên đồ sứ Trung Hoa và đồ faïences de Delft, nhưng được vận dụng theo mỹ quan Nhật Bản cũng được Augustus der Starken mua về trưng bày ở Zwinger. Dòng đồ sứ Chonghwa paekch’a và đồ gốm Punch’ong của Triều Tiên cũng hiện diện nơi đây tuy không nhiều lắm, nhưng có những món rất đặc biệt như chiếc tô sứ trắng, viết các Hán tự bằng màu xanh dưới lớp men phủ, sau đó trang trí thêm hình ba ông sư bằng men màu nhẹ lửa.

Đặc biệt, Zwinger còn lưu giữ hai món đồ gốm cực kỳ quý hiếm của Việt Nam. Đó là một chiếc dĩa lớn và một cái ang, đều thuộc dòng gốm hoa lam thời Lê, niên đại vào cuối thế kỷ 15. Chiếc dĩa có đường kính khoảng 32 cm, tình trạng hoàn hảo. Lòng dĩa vẽ hoa cúc và hai dãi hồi văn hoa lá bao quanh. Đáy dĩa tô men màu chocolate, một đặc trưng của đồ gốm Việt Nam thời Lý – Trần – Lê.

Còn chiếc ang thì thực sự là một vưu vật. Ang cao 28cm, đường kính thân 35cm, thành ngoài chia ô trang trí các đồ án hoa cúc và hoa cẩm chướng (?), 
cùng các dãi hồi văn đầu cánh hoa.

Kỹ thuật tạo dáng, chất liệu thai cốt và màu men của chiếc dĩa và chiếc ang này rất tuyệt hảo. 
Các họa tiết được vẽ với bút pháp tinh xảo, chứng tỏ chúng được làm ra bởi một tay nghề điêu luyện vào lúc thịnh thời của kỹ nghệ chế tác gốm hoa lam thời Lê. 
Nhà nghiên cứu gốm sứ Philippe Truong, người đồng hành với tôi, cho biết: “Đây là một trong ba chiếc ang nổi tiếng nhất của dòng gốm hoa lam Việt Nam. Chiếc thứ nhất là tài sản của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nhật Bản ở Tokyo; chiếc thứ hai thuộc sở hữu của một nhà sưu tập lừng danh ở London. Và đây là chiếc thứ ba”.

TS. Eva Stroeber, quản thủ của Bảo tàng Nghệ thuật Dresden cho biết: “Hai cổ vật này hiện diện trong bảo tàng này từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước nhưng không ai rõ gốc tích của chúng. 
Do vậy chúng được xếp chung trong sưu tập gốm sứ phương Đông và chưa bao giờ được đưa ra trưng bày”. 
So sánh với nhiều đồ gốm được giới thiệu trong cuốn sách Cổ vật Việt Nam do Bộ VHTT xuất bản năm 2003, tôi cho rằng hai cổ vật này xứng đáng được xếp vào “chiếu trên”, thuộc nhóm hàng “độc” của dòng đồ gốm hoa lam thời Lê. Với tôi, đây quả là một bất ngờ thú vị.
Là cha đẻ của lò sứ Meißen, hẳn nhiên, Augustus der Staken đã dành cho Zwinger một bộ sưu tập hoàn chỉnh về đồ sứ Meißen qua các thời kỳ, với đầy đủ loại hình, kiểu dáng, màu sắc…, trưng bày trong căn phòng riêng biệt, bên cạnh các sưu tập đồ sứ đến từ Sevrès (Pháp) và Stoke Upon Trent (Anh). Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ cả những món đồ sứ do lò Meissen sản xuất dưới thời kỳ XHCN ở Đông Đức (Trước khi nước Đức thống nhất, bang Sachsen thuộc CHDC Đức).
Cách thức trưng bày đồ sứ ở Zwinger cũng thật đặc biệt. Người ta hạn chế bày biện đồ sứ trong tủ kính như thông lệ. Thay vào đó, người ta “đính” chúng lên tường. Mỗi dòng đồ sứ, mỗi sưu tập được “đính” lên một mảng tường riêng biệt. “Kiểu trưng bày đồ sứ như thế này vốn rất phổ biến ở châu Âu trong các thế kỷ 18 – 19. Chúng tôi chỉ modify một chút, rồi trang bị thêm hệ thống bảo vệ điện tử mà thôi”. TS. Eva Ströber cho chúng tôi hay.
Hiện nay, sưu tập đồ sứ ở Zwinger được bảo trợ bởi Hội những người bạn của sưu tập đồ sứ Dresden. Hội này hỗ trợ tài chính cho các hoạt động: nghiên cứu, triển lãm, xuất bản, thuyết trình về sưu tập đồ sứ ở đây và luôn luôn mời gọi những ai ưa chuộng đồ sứ tham gia vào hội.
Trước lúc chia tay, mỗi chúng tôi đều được nhận một thư mời tham gia Hội những người bạn của sưu tập đồ sứ Dresden. Xem ra, người Dresden không ngừng tìm cách khuyếch trương thanh thế của Dresden Porzellansammlung, cho dù tiếng tăm của sưu tập gốm sứ này đã lừng lẫy khắp năm châu bốn bể từ ba thế kỷ nay. 
​ 
Tác giả: “T.Đ.A.S.”

Nguồn: https://www.facebook.com/truong.vietanh.3367/posts/644550869280717

Bảo tàng tỉnh Hải Dương: Trưng bày sản phẩm gốm Thổ Hà

Sáng 28.12, Bảo tàng tỉnh Hải Dương phối hợp Bảo tàng tỉnh Bắc Giang tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Nghề gốm và sản phẩm gốm Thổ Hà tỉnh Bắc Giang”.


Ban tổ chức cắt băng khai mạc buổi trưng bày chuyên đề “Nghề gốm và sản phẩm gốm Thổ Hà tỉnh Bắc Giang”

Chuyên đề giới thiệu 51 hình ảnh, sản phẩm gốm Thổ Hà thuộc 3 nhóm chính: đồ gia dụng, vật liệu kiến trúc xây dựng, đồ tâm linh từ thế kỷ XVI- XIX. Gốm Thổ Hà là sản phẩm thủ công truyền thống của làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Độc đáo của dòng gốm này là các sản phẩm đều không có lớp men phủ, chủ yếu để men mộc tự nhiên có màu sắc nâu đậm, tía gan trâu hay xám tro da khói.


        Các đại biểu tham quan gian trưng bày

Buổi trưng bày thu hút hơn 100 đại biểu và các em học sinh đến tham quan. Trưng bày sẽ diễn ra đến ngày 5.1.2019. Hải Dương là tỉnh đầu tiên được chọn trong chương trình quảng bá sản phẩm gốm Thổ Hà của tỉnh Bắc Giang với các tỉnh khác.

THẢO NGUYỄN

Nguồn: https://baohaiduong.vn/xem—nghe—doc/bao-tang-tinh-trung-bay-san-pham-gom-tho-ha-101997

‘Chợ phiên vùng cao chào đón năm mới 2019’ tại Hà Nội

Hoạt động ‘Chợ phiên vùng cao chào đón năm mới 2019’ sẽ diễn ra từ ngày 29/12/2018 đến ngày 1/1/2019 tại Làng ở Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) nhằm tái hiện không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa của vùng cao phía Bắc.

Chợ phiên Dào San- nơi gặp gỡ, mua bán trao đổi hàng hóa của 8 xã vùng cao Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (Ảnh minh họa)

“Chợ phiên vùng cao chào đón năm mới 2019” cũng là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt văn hóa, giới thiệu tinh hoa nghề thủ công truyền thống của các dân tộc. Các hoạt động sẽ góp phần tạo nên không khí nhộn nhịp, hồ hởi, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc, du khách trong dịp nghỉ lễ Tết dương lịch 2019.

Trong không gian chợ phiên, đồng bào dân tộc Mông tỉnh Điện Biên sẽ trình diễn tinh hoa nghề giữ lửa rèn truyền thống. Đây là bản sắc văn hóa truyền thống riêng có từ rất lâu đời của người Mông, các sản phẩm được làm hoàn toàn bằng thủ công từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, làm tay cầm…

Tại chợ phiên, đồng bào dân tộc Lào tỉnh Điện Biên tự hào giới thiệu đến công chúng nghề dệt thổ cẩm truyền thống – một trong các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Lào, nổi bật bởi hoa văn tinh xảo, mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc. Phụ nữ dân tộc Lào luôn mong muốn thổ cẩm của họ mở rộng được thị trường tiêu thụ. Sự dịu dàng, khéo léo của các nghệ nhân đồng bào dân tộc Lào với những quy trình dệt độc đáo, sản phẩm nhiều màu sắc sẽ tô điểm cho không gian thêm rực rỡ…

Tại các làng dân tộc sẽ diễn ra “Mâm cơm sum họp ngày cuối năm” vào ngày 30/12. Mỗi một dân tộc lựa chọn một món ăn đặc trưng, góp cùng vào mâm cơm sum họp để giới thiệu về ẩm thực vùng miền, thể hiện sự đa dạng trong sắc màu văn hóa của các dân tộc vùng cao hội tụ tại mâm cơm chung ngày cuối năm. Đồng bào dân tộc Kháng tỉnh Sơn La sẽ tái hiện “Lễ hội rượu cần”, cầu mong mưa thuận gió hòa, chúc cho mọi người có sức khỏe, làm ăn phát tài.

Trong suốt những ngày diễn ra “Chợ phiên vùng cao chào đón năm mới 2019” sẽ diễn ra các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước đổi mới, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền chào đón năm mới và các trò chơi dân gian.

Ban tổ chức mong muốn lễ hội này sẽ để lại ấn tượng sâu sắc với công chúng tham dự chợ phiên vùng cao.

Nguyễn Thanh

Nguồn: https://baomoi.com/cho-phien-vung-cao-chao-don-nam-moi-2019-tai-ha-noi/c/29164551.epi

Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề: “Ché trong đời sống của người Êđê tại Đắk Lắk”

Nhằm giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước Bộ sưu tập Ché của người Êđê hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. Ngày 28/12, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk sẽ diễn ra khai mạc trưng bày chuyên đề “Ché trong đời sống của người Êđê tại Đắk Lắk”.

Thầy cúng thay mặt chủ nhà cúng rước thần linh nhập “hồn” cho ché mới.
Thầy cúng thay mặt chủ nhà cúng rước thần linh nhập “hồn” cho ché mới.

Chuyên đề “Ché trong đời sống của người Êđê tại Đắk Lắk” gồm 4 phần, trong đó quy tụ những hình ảnh, tư liệu, bản trích, sơ đồ, bản đồ và những câu chuyện đặc sắc được thể hiện bằng phương pháp đồ họa trên chất liệu gọn nhẹ và hiện đại. Bên cạnh, hiện vật được sắp đặt trên hệ thống tủ, bục theo bố trí không gian sống của người Êđê. Trưng bày là dịp để du khách hiểu rõ hơn về lối sống, phong tục, tập quán sử dụng ché của người Êđê ở Đắk Lắk. Ngoài ra, trong phần 4 của trưng bày sẽ tái hiện Nghi lễ cúng sức khỏe của người Êđê và một số hoạt động trải nghiệm, khám phá khác.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải tham quan nghe giới thiệu tại không gian trưng bày ché
Thứ trưởng Lê Khánh Hải tham quan nghe giới thiệu tại không gian trưng bày ché

Đặc biệt, từ mùng 1 đến mùng 4 trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi khi tham quan Bảo tàng du khách còn được đeo vòng đồng may mắn và thưởng thức rượu cần miễn phí.

Du khách Pháp thưởng thức rượu cần tại Bảo tàng tỉnh trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất, 2018

Du khách Pháp thưởng thức rượu cần tại Bảo tàng tỉnh trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất, 2018

Trưng bày góp phần nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân về vai trò của việc bảo vệ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong đời sống cộng đồng. Đồng thời nâng cao lòng tự hào, cũng như vai trò của chủ thể văn hóa trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của họ.

Phòng Truyền thông

Nguồn: Bảo tàng Đăk Lắk

Trưng bày chuyên đề “Bí Mật Đại Dương – từ những con tàu cổ”

Gần 500 hiện vật niên đại thế kỷ XV-XVIII hiện diện trong trưng bày chuyên đề “Bí mật đại dương- từ những con tàu cổ” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng nhiều trải nghiệm thú vị, bất ngờ.

Bình hoa lam vẽ thiên nga (Bảo vật quốc gia); Tượng nữ quý tộc; Đĩa men trắng, vẽ lam (Gốm, thế kỷ XV), khai quật Tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam 1997- 2000

Những di vật đồ gốm sứ này chính là hàng hóa trên các thuyền buôn cổ được phát hiện tại Biển Đông Việt Nam, khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trong giao thương quốc tế ở thời kỳ hoàng kim của “con đường tơ lụa” trên biển. Trưng bày dự kiến mở cửa ngày 18.1.2019 tại BTLSQG.

Báu vật từ đi dương huyền bí

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc BTLSQG, đã gần 30 năm kể từ khi con tàu đầu tiên – Tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa – Vũng Tàu) được phát hiện và khai quật vào năm 1990, đến nay, hàng chục con tàu cổ đã được phát hiện dưới lòng Biển Đông thuộc vùng biển Việt Nam. “Có những vùng biển như Phú Quốc (Kiên Giang), Bình Châu (Quảng Ngãi) như những “nghĩa địa” tàu đắm, chỉ tại một địa điểm nhỏ đã có dấu tích của hàng chục tàu cổ dưới lòng đại dương. Nhưng đến nay mới có 5 con tàu cổ được Bảo tàng nghiên cứu, khai quật, đem lại nhiều tài liệu, hiện vật vô giá ”, ông Cường nhấn mạnh.

Từ tháng 11.2017 – 4.2018, BTLSQG và Viện Nghiên cứu di sản văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức trưng bày “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam” tại Mokpo và Pusan (Hàn Quốc). Nhằm tiếp tục giới thiệu những di sản biển Việt Nam, trưng bày “Bí mật đại dương- từ những con tàu cổ” sẽ được tổ chức tại BTLSQG (số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Gần 500 hiện vật vốn là hàng hóa trên các thuyền buôn cổ được phát hiện tại khu vực Biển Đông Việt Nam sẽ giới thiệu khái quát nhất về thành tựu khảo cổ học dưới nước của Việt Nam, về những đồ gốm xuất khẩu của Việt Nam và các nước châu Á và về “con đường tơ lụa” trên biển. Theo TS Nguyễn Văn Cường, trưng bày không chỉ cuốn hút từ tên gọi mà qua từng hiện vật, công chúng đều có cơ hội khám phá những báu vật vô giá dưới đáy đại dương huyền bí. Lần đầu tiên trong một không gian được thiết kế công phu, trưng bày về kho báu dưới đáy biển sẽ xuất hiện trong bốn chủ đề gồm: Biển Việt Nam và thương mại đường biển; Đồ gốm thương mại Việt Nam; Con đường tơ lụa trên biển và Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam.

“Chủ đề điểm nhấn Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam sẽ mang đến cho khách tham quan nhiều cảm xúc bất ngờ với vô số hiện vật đắt giá, ẩn chứa những giá trị khó có thể đong đếm. Những di tích tàu đắm cổ được tìm thấy ở vùng biển Việt Nam đã chứng minh cho sự phát triển rực rỡ trong giao lưu văn hóa đường biển đương thời…”, ông Cường nhấn mạnh.

Chiêm ngưỡng gì trên những con tàu cổ?

Tại cuộc trưng bày, lần đầu tiên du khách có cơ hội chiêm ngưỡng một khối lượng vô cùng đồ sộ những hiện vật gốm sứ trong các tàu cổ Bình Thuận, Hòn Dầm, Cù Lao Chàm, Hòn Cau, Cà Mau. Ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: “Nhân vật chính trong câu chuyện về kho báu dưới đáy đại dương được khắc họa tại trưng bày chính là gần 500 hiện vật gốm sứ được khai quật từ các con tàu cổ. Tư liệu phong phú, với nhiều hiện vật đặc sắc nhất là tàu cổ Cù Lao Chàm, niềm tự hào khảo cổ học dưới biển của Việt Nam. Trong khi đó, tàu cổ Hòn Cau lại có nguồn tài liệu rất hạn chế”.

Với 240.000 di vật, hiện vật đa dạng được trục vớt, khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm có thể nói đã mang đến cho kho tàng của BTLSQG một khối lượng lớn hiện vật giá trị. Tàu cổ Cù Lao Chàm được khai quật dưới nước từ năm 1997 – 2000. Điều đáng chú ý là các nhà khoa học đã khai quật được 11 bộ hài cốt của thương nhân và thuyền viên trên tàu. Bên cạnh đó, đồ gốm sứ Việt Nam được phát hiện trên con tàu rất đa dạng về loại hình, men và hoa văn trang trí, bao gồm đồ gốm hoa lam, gốm men ngọc, gốm men trắng, men nhiều màu, men nâu… Dựa vào kiểu dáng, kỹ thuật nung, hoa văn trang trí có thể thấy được đặc trưng của đồ gốm Việt Nam thế kỷ XV mang những đặc điểm khác biệt so với gốm sứ Trung Quốc đương thời.

Trong tàu cổ Bình Thuận (khai quật năm 2001- 2002), kết quả khai quật đã thu được hơn 60.000 hiện vật, đa số là đồ gốm sứ hoa lam, một số lượng đáng kể là đồ sứ vẽ nhiều màu trên men. Những điều biết được từ hàng hóa gốm sứ trong tàu cổ Bình Thuận xác nhận sự lan toả của đồ gốm sứ thời Minh sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Cũng theo các chuyên gia của BTLSQG, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều đồ gốm Thái Lan tại các khu vực di tích tàu cổ thuộc vùng biển Việt Nam. Tại di tích tàu cổ Hòn Dầm, có khoảng 16.000 hiện vật gốm Thái Lan vùi dưới cát, nằm sâu dưới mực nước biển 40 mét đã được tìm thấy. Các nhà khoa học cũng khai quật được đồ sành men nâu, ngà voi, đồ đồng, tiền đồng cổ. Trong số các mẫu vật là tiền đồng cổ phát hiện được tại đây có tiền “Vĩnh Lạc Thông Bảo” (1403 – 1424) của Trung Quốc, một tư liệu quan trọng giúp cho việc xác định niên đại của tàu cổ Hòn Dầm.

Tàu cổ Cà Mau được khai quật ở độ sâu 35m và chỉ còn dấu vết chiều dài khoảng 24m và rộng gần 8m; số lượng cổ vật thu gồm hơn 60.000 đơn vị, tính cả số lượng từ các nguồn khai thác trái phép bị thu giữ thì lên tới gần 130.000. Nhiều nhất là đồ gốm sứ men trắng vẽ lam và kết hợp vẽ nhiều màu, sản xuất tại Trung Quốc vào đời Ung Chính (1723-1735). Đề tài hoa văn trang trí trên đồ gốm sứ tàu cổ Cà Mau rất phong phú, thể hiện bằng các kỹ thuật in khuôn, khắc, vẽ lam dưới men, vẽ màu trên men và sự kết hợp các kỹ thuật và hình thức khác nhau.

“Báu vật” khai quật trong tàu cổ Hòn Cau gồm trên 60.000 hiện vật, chủ yếu là đồ gốm sứ Trung Quốc. Đây là chuyến hàng gốm sứ Trung Quốc, sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của phương Tây nên hình dáng, sắc màu và lối bố cục trang trí có nhiều loại, khác lạ so với phong cách truyền thống. Ngoài đồ sứ men trắng vẽ lam còn có những loại bát, đĩa, thìa, hộp, bình, chén thuộc dòng sứ trắng sản xuất ở lò Đức Hóa tỉnh, Phúc Kiến.

Ông Nguyễn Quốc Bình cho biết thêm, ba chủ đề lớn khác ở trưng bày gồm: Biển Việt Nam và thương mại đường biển; Đồ gốm thương mại Việt Nam; Con đường tơ lụa trên biển cũng được bài trí đầy cuốn hút với khối lượng hiện vật lớn và độc đáo. Đáng chú ý, từ những tài liệu, hiện vật vô giá này, giới khoa học và công chúng sẽ có cơ hội nắm bắt những nhận thức mới về khoa học khảo cổ, chứng minh tầm quan trọng và vị trí chiến lược của biển Việt Nam trong mối giao thương quốc tế. Bởi dưới đáy biển Việt Nam cũng còn ẩn chứa nhiều bí ẩn, hứa hẹn một tương lai phát triển của ngành khảo cổ học dưới nước.

TS Phạm Quốc Quân khẳng định, đây là cuộc trưng bày chuyên sâu đầu tiên có khối lượng hiện vật gốm sứ đồ sộ được khai quật từ những con tàu cổ trên vùng biển Việt Nam. “Chúng ta đang bảo quản, lưu giữ những kho tàng báu vật được đưa về từ đáy đại dương; những trưng bày công phu như thế này sẽ là cơ hội vô cùng hiếm hoi để du khách vừa chiêm ngưỡng, vừa khám phá những bí ẩn vốn bị chìm sâu dưới đáy biển từ nhiều thế kỷ trước”. 

 HOÀNG VY

Nguồn tin: baovanhoa.vn

Gốm sứ Việt xưa ở Nhật Bản

Gốm sứ cổ Việt Nam có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là do các nhà sưu tầm cổ vật hoặc các bảo tàng nước ngoài sưu tầm thông qua các hình thức mua bán, cả hợp pháp và bất hợp pháp, trong khoảng 50 năm trở lại đây. Tuy nhiên, gốm sứ cổ Việt Nam hiện diện ở Nhật Bản có sự khác biệt. Đó là gốm sứ khai quật được trong các di chỉ khảo cổ học ở Nhật Bản và gốm sứ được giới quý tộc và thương nhân Nhật Bản mua về để sử dụng trong nghi thức trà đạo trong từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII.

Hũ gốm hoa lam Chu Đậu, thế kỷ 15, khai quật ở di tích thành Nakijin, tỉnh Okinawa.

* Gốm sứ Việt trong các di chỉ khảo cổ Nhật Bản 

Năm 2013, khi thực hiện đề tài nghiên cứu “Quan hệ giữa Đàng Trong Việt Nam với Nhật Bản từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII” do Sumitomo tài trợ, tôi đã đi đến các trung tâm nghiên cứu khảo cổ học và các di chỉ khảo cổ ở nhiều thành phố của Nhật Bản như: Sakai (phủ Osaka), Naha (tỉnh Okinawa), Dazaifu (tỉnh Fukuoka), Nagasaki (tỉnh Nagasaki), Machida (thủ đô Tokyo)… để nghiên cứu những đồ gốm Việt Nam được phát hiện ở những nơi này. Kết quả là tôi và các đồng nghiệp Nhật Bản đã xác định được nhiều gốm sứ Việt Nam (cả Đàng Trong và Đàng Ngoài) và gốm Champa, có niên đại từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII hiện diện tại các di chỉ vốn là cảng thị cổ và thành lũy cổ ở Nhật Bản. Ngoài ra, từ năm 1995 đến nay, hai nhà khảo cổ học Nhật Bản là Nishimura Masatoshi (đã qua đời vào tháng 6/2013) và Nishino Noriko cũng đã đi đến hầu hết các di chỉ có phát hiện gốm sứ Việt Nam ở trên toàn lãnh thổ Nhật Bản để nghiên cứu về gốm sứ cổ Việt Nam ở Nhật Bản. Kết quả nghiên cứu của tôi và của vợ chồng Nishimura – Nishino về gốm sứ cổ Việt Nam ở Nhật Bản có thể tóm lược như sau:

– Từ giữa thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XIV, đồ gốm Việt Nam đã du nhập vào Nhật Bản thông qua “con đường” Wako (Hòa khấu: cướp biển Nhật Bản), nghĩa là hải tặc Nhật Bản đánh cướp hàng hóa của các tàu buôn trên biển, trong đó có đồ gốm Việt Nam, rồi đưa về Nhật Bản. Tại các di chỉ ở Hakata, Dazaifu, Iki, Tsushima, Osaka, Hiroshima… các nhà khảo cổ học Nhật Bản đã phát hiện nhiều đồ gốm có niên đại vào nửa sau thế kỷ XIV, chủ yếu là gốm men trắng, gốm men nâu, gốm men ngọc và gốm men trắng vẽ lam thời Trần, tương tự với những đồ gốm phát hiện ở di chỉ Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) và những đồ gốm phát hiện ở Thành nhà Hồ (Thanh Hóa).

–  Đầu thế kỷ XV, gốm Việt Nam bắt đầu du nhập vào Nhật Bản thông qua con đường trao đổi hàng hóa. Tại Hakata đã phát hiện những đồ gốm Việt Nam có niên đại vào đầu thế kỷ XV, chủ yếu là gốm men ngọc thời Trần có đáy tô men nâu. Ngoài ra, vào đầu thế kỷ XV, vương quốc Ryukyu (Lưu Cầu, nay là tỉnh Okinawa) và phiên Satsuma (nay là tỉnh Kagoshima) đã có quan hệ giao thương với Việt Nam, vì thế đồ gốm Việt Nam bắt đầu nhập khẩu vào những nơi này. Những đồ gốm Việt Nam phát hiện ở Okinawa và Kagoshima chủ yếu là gốm men trắng và gốm men ngọc đáy mộc, niên đại vào nửa đầu thế kỷ XV. Ở Sakai, ngoài gốm Việt có xuất xứ từ Đàng Ngoài còn có gốm Champa có niên đại vào thế kỷ XV. Những đồ gốm men trắng vẽ lam và gốm men trắng vẽ men tam thái của lò Chu Đậu (Hải Dương), cùng các đồ gốm men ngọc, men trắng và men nâu… của dòng gốm Gò Sành (Bình Định) có niên đại khoảng cuối thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI cũng được phát hiện trong các di chỉ ở Sakai.

Sưu tập gốm Hợp Lễ, thế kỷ 15, hiện vật của Trung tâm Khảo cổ học thành phố Nagasaki.

Bát gốm men lục, khắc chìm hoa văn hình cánh sen, thế kỷ 14, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida.

– Đồ gốm Việt Nam có niên đại vào nửa đầu thế kỷ XVI được phát hiện tại các di chỉ ở Sakai, Oita, Nagasaki, Kagoshima… chủ yếu là đồ gốm men trắng vẽ lam, có ve lòng, xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam. Nhiều đồ gốm men trắng có hoa văn khắc chìm, niên đại khoảng giữa thế kỷ XVI, được phát hiện ở tỉnh Oita, trong khi, nhiều đồ gốm men trắng vẽ lam của các lò Chu Đậu và Hợp Lễ (Hải Dương) và gốm Gò Sành niên đại vào nửa sau thế kỷ XVI cũng được phát hiện ở Sakai. Đến cuối thế kỷ XVI, nhiều đồ gốm men trắng vẽ lam của lò Hợp Lễ tiếp tục được nhập khẩu vào Osaka, Sakai và Nagasaki, trong khi, gốm men trắng của Bát Tràng xuất hiện trong các di chỉ ở Oita.

– Sang thế kỷ XVII, đồ gốm men trắng vẽ lam của các lò Chu Đậu, Hợp Lễ, Bát Tràng… tiếp tục được du nhập vào Nhật Bản, được phát hiện tại các di chỉ ở Nagasaki, Fukuoka, Tokyo, Hakata. Ngoài ra, đồ gốm mộc không men của lò Phước Tích (Thừa Thiên Huế) có niên đại vào thế kỷ XVII cũng được phát hiện ở Nagasaki và Fukuoka.

Từ nửa sau thế kỷ XVII trở đi, do chính sách “tỏa quốc” (đóng cửa) của chính quyền Nhật Bản nên các thuyền buôn Nhật Bản không được phép xuất dương buôn bán. Gốm sứ Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản ngày càng giảm, đến đầu thế kỷ XVIII thì hoàn toàn chấm dứt.

* Con đường nhập khẩu đồ gốm Việt Nam vào Nhật Bản

Theo nghiên cứu của TS. Nishino Noriko, công bố tại hội thảo “Lịch sử và triển vọng mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhìn từ miền Trung Việt Nam” diễn ra tại Đà Nẵng vào cuối tháng 11/2013, thì con đường nhập khẩu gốm sứ Việt Nam vào Nhật Bản trải qua 4 thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất là từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XV, thông qua “con đường” Wako (cướp biển). Thời kỳ thứ hai là từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, thông qua con đường buôn bán với Ryukyu và Kagoshima. Thời kỳ thứ ba bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, thông qua “con đường” Shuin-sen (Châu ấn thuyền), thuyền buôn Nhật Bản trực tiếp buôn bán với Việt Nam. Thời kỳ thứ tư là vào nửa cuối thế kỷ XVII, khi Nhật Bản áp dụng chính sách “tỏa quốc”, đồ gốm Việt Nam nhập vào Nhật Bản chủ yếu do các thuyền buôn Trung Quốc hoặc thuyền buôn Hà Lan đảm nhiệm.  

Trong 4 thời kỳ trên, thời kỳ Shuin-sen là thời kỳ Nhật Bản nhập khẩu nhiều gốm sứ Việt Nam nhất. Nguyên nhân là do đồ gốm Nhật Bản vào trước thế kỷ XVII chưa đạt chất lượng và thẩm mỹ cao như đồ gốm Việt Nam. Vì thế, người Nhật đã mua nhiều đồ gốm Việt Nam, không chỉ vì mục đích sử dụng mà còn để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật làm gốm sứ của người Việt Nam. Gốm sứ Việt Nam lúc đó được giới quý tộc và thương nhân Nhật Bản đương thời rất ưa chuộng và trân quý. GS. Hasebe Gakuji, nhà gốm sứ học hàng đầu Nhật Bản nhận định: “Các thương thuyền shuinsen của Nhật Bản đã đến Việt Nam mua tơ sống, hàng lụa, hương liệu và các loại tạp hóa, đồng thời còn mua một số lượng lớn gốm sứ Việt Nam. Điều này có thể chứng minh bằng nhiều di vật còn nguyên vẹn hiện nay vẫn cất giữ ở Nhật Bản… Loại gốm sứ Việt Nam tiêu biểu hiện còn giữ tại Nhật Bản là những chiếc bát vẽ lam, là báu vật của gia đình tướng quân Tokugawa. Loại gốm sứ nổi tiếng thứ hai là chén uống trà ‘An Nam hồng’ của gia đình Owari Tokugawa”. GS. Hasebe Gakuji còn khẳng định: “Đã có tư liệu quý có thể xác định con đường đưa (gốm sứ Việt Nam) vào Nhật Bản: vào hồi đầu shuinsen, buôn bán thịnh vượng, nhiều người Nhật đã nhiều lần đến Hội An và đã ở lại một thời gian, trong đó có gia đình thương nhân Osawa Shirozaemon, hiện nay vẫn còn giữ mấy loại đồ sứ Việt Nam” (Hasebe Gakuji, “Tìm hiểu mối quan hệ Nhật – Việt qua đồ gốm sứ”, Ðô thị cổ Hội An, KHXH, Hà Nội, 1991).

* Trà đạo Nhật Bản và gốm sứ Việt Nam

Người Nhật mua gốm sứ Việt Nam về chủ yếu để dùng trong nghi thức trà đạo. Theo sách Trà hội ký, từ cuối thế kỷ XIV gốm sứ Việt Nam đã được người Nhật sử dụng trong các nghi thức hiến trà. Họ gọi những món đồ đó là Nanban Shimamono (nếu là đồ gốm) và An Nam (nếu là đồ sành sứ).

Ấm trà gốm men trắng, khắc chìm hoa cúc, thế kỷ 14, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida

Đĩa gốm Chu Đậu, trang trí kỳ lân, thế kỷ 15 – 16, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida.

Kendi gốm hoa lam, vẽ hoa sen và dây lá liên hoàn, thế kỷ 15, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka.

Trong các thời kỳ đầu, người Nhật chỉ mua đồ gốm Việt Nam về làm vật dụng phụ trợ trong nghi lễ hiến trà như lọ hoa, lọ trà… Nhưng đến thời kỳ thứ ba thì người Nhật đã “đặt hàng” cho người Việt làm các món đồ sành sứ cao cấp, mang kiểu dáng và hoa văn đặc trưng Nhật Bản để phục vụ cho nghi lễ hiến trà. Theo TS. Nishino Noriko, có nhiều khả năng vào nửa đầu thế kỷ XVII, người Nhật Bản đã trực tiếp sang Việt Nam chỉ đạo việc làm đồ gốm đặt hàng theo mẫu mã do họ yêu cầu. Sử sách cũng ghi lại sự kiện một phụ nữ Nhật Bản tên là Chiyo (1671 – 1741), con gái của thương gia Wada Rizaemon, đã kết hôn với một thợ gốm ở Bát Tràng (Việt Nam). Điều này góp phần chứng minh Wada Rizaemon là người trực tiếp buôn gốm sứ Việt Nam về bán cho người Nhật Bản. Nửa đầu thế kỷ XVII là thời kỳ các thuyền buôn shuinsen của Nhật Bản hoạt động mạnh ở Việt Nam. Và mặt hàng được ưa chuộng của các thương thuyền shuinsen khi cập cảng buôn bán ở Việt Nam chính là đồ gốm. Đó chính là nguyên nhân vì sao gốm sứ Việt Nam xuất hiện nhiều ở Nhật Bản, không phải bây giờ mà từ hơn 500 năm trước.

 TS.Trần Đức Anh Sơn

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

5 ‘Già làng’ và ông Tiến sĩ Nhật: Vì một bảo tàng gốm cổ cho làng Kim Lan

Đều qua cái tuổi “thất thập”, song các ông không nghỉ ngơi, tận hưởng thú điền viên tuổi già. Ngược lại, họ quyết chìm nổi theo con nước sông Hồng để tìm kiếm những mảnh gốm cổ nhằm “Tìm lại cội nguồn của làng”.

Continue reading

GỐM KINH BẮC – LÒ BÁT TRÀNG

Một trung tâm gốm cổ thường phải hội tụ 3 điều kiện cơ bản: gần nguồn nguyên liệu chủ yếu, gần các con sông lớn thuận tiện cho giao thông đường thủy và gần các thị trường tiêu thụ lớn. Lò Bát Tràng có đủ 3 yếu tố quan trọng đó.
1. Khu vực Bát Tràng có nguồn đất sét trắng dồi dào, đủ khai thác thương mại để sản xuất các loại gốm cốt trắng đặc thù. Một thời làng Bát Tràng có tên là Bạch Thổ Phường vì lẽ đó.
2. Làng Bát Tràng toạ lạc ngay bên dòng sông Nhị Hà ( sông Hồng ngày nay ), rất thuận tiện cho việc chuyên chở nguyên vật liệu, thành phẩm. Nguồn nước các con sông cũng không thể thiếu trong quá trình sx gốm.
3. Nằm giữa hai trung tâm đô thị sầm uất bậc nhất của nước ta thuở trước: “ Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến “. Phố Hiến ( nay là thành phố Hưng Yên ) thời trước là một trong những thương cảng nổi tiếng cùng với Vân Đồn.

Continue reading