“Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến.”
Câu ca dân gian đó, phần nào nói lên thời hưng thịnh của một đô thị nay không còn nữa. Song câu hỏi thường được nhiều du khách và ngay cả không ít người bản xứ đặt ra là: Cảng thị sầm uất nhất nhì cả nước trong nhiều thế kỷ, nay còn lại gì? Phố Hiến ra đời như thế nào? thời hưng thịnh phát triển ra sao? Vì sao Phố Hiến lụi tàn…? Vấn đề khoa học lớn này đã được nhiều học giả, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế nghiên cứu trong suốt nhiều thập niên qua. Vào tháng 12 năm 1992, tại bảo tàng tỉnh Hưng Yên, một hội thảo khoa học quốc tế lớn về phố Hiến đã được tổ chức nhằm làm sáng tỏ những vấn đề trên.
1- Về sự ra đời của Phố Hiến.
Đến nay, chưa có đủ dữ kiện để khẳng định chính xác niên đại ra đời của Phố Hiến. Song bằng những tư liệu qua nghiên cứu sử sách, bia ký, khảo cổ và khảo sát thực địa, các nhà khoa học đều cho rằng:
Ngay từ thế kỷ thứ 10, vùng Đằng Châu, phường Lam Sơn ngày nay vốn là một lãnh địa của sứ quân Phạm Bạch Hổ đến thời Tiền Lê là thực ấp của Lý Công Uẩn. Thế kỷ 13, dưới thời nhà Trần, khi nhà Nguyên diệt Tống, một số kiều dân Trung Quốc tị nạn đã kéo sang Việt Nam, lập nên làng Hoa Dương. Cùng lúc đó, một số người Việt từ nhiều địa phương khác nhau cũng dần dần đến sinh sống tại địa điểm tụ cư này để buôn bán và làm ăn. Continue reading →