Archive | 2 Tháng bảy, 2017

Tiền nhà Đinh: Thái Bình hưng bảo hay Đại Hưng bình bảo?

Trong hầu hết các sách xuất bản về tiền cổ Việt Nam ở trong và ngoài nước đều có nhắc tới tiền “Thái Bình hưng bảo”. Đó là tiền được đúc vào thời Đinh Tiên Hoàng. Có hai loại tiền “Thái Bình hưng bảo” – “Thái Bình hưng bảo” lưng trơn, chữ “Thái Bình hưng bảo” đọc chéo, thư pháp giữa hai thể chữ “Khải” và “Lệ”. 
Trong hầu hết các sách xuất bản về tiền cổ Việt Nam ở trong và ngoài nước đều có nhắc tới tiền “Thái Bình hưng bảo”.

Thái Bình hưng bảo (970-980)

 Đó là tiền được đúc vào thời Đinh Tiên Hoàng. Có hai loại tiền “Thái Bình hưng bảo”

– “Thái Bình hưng bảo” lưng trơn, chữ “Thái Bình hưng bảo” đọc chéo, thư pháp giữa hai thể chữ “Khải” và “Lệ”.

– “Thái Bình hưng bảo” mặt lưng có chữ “Đinh”. Có 4 loại chữ “Đinh” khác nhau về vị trí cũng như tự dạng.

Như vậy, tiền thời Đinh là có thật, cho dù loại hình khá đơn điệu và số lượng cũng không nhiều.

Bài viết này tôi muốn thảo luận về chữ “Thái”. Tôi đã được nhìn và sờ hàng trăm đồng “Thái Bình hưng bảo” nhưng không có một tự dạng nào khẳng định đây là chữ “Thái” mà đó chính là chữ “Đại”. Có lẽ các nhà nghiên cứu lịch sử, theo đó là các nhà nghiên cứu cổ tiền học đã căn cứ vào ghi chép của sự biên niên để định nhận cho đồng tiền này là “Thái Bình”: Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn “12 sứ quân”, thành lập nước Đại Cồ Việt, xưng là “Đại Thắng Minh hoàng đế”, 4 năm sau đó, tháng 1 năm Canh Ngọ (970) đặt niên hiệu là Thái Bình. Có một điều trùng hợp là ngay cả những ghi chép sớm nhất về tiền cổ nhà Đinh, Hồng Tuân thời Nam Tống (Trung Quốc) trong quyển “Tiền chí” cũng khẳng định có loại tiền “Thái Bình hưng bảo” với những miêu tả khá chi tiết. Vậy đây là tiền gì?


Theo quan niệm của tôi, có những cơ sở sau đây để đưa ra khả năng không có loại tiền “Thái Bình hưng bảo” mà chỉ có “Đại Bình hưng bảo”, đó là:

– Tự dạng không cho phép đọc chữ “Đại” thành chữ “Thái”. Có nhiều người giải thích rằng, tiền được đúc nên nét trên khuôn, sau khi đúc ra tiền, đã bị khuyết nét. Vậy thì, trong hàng trăm đồng tôi được xem, phải có chữ “Thái” không khuyết và mất nét? Thực tế, tiền Việt Nam cũng có loại tiền “Thái An thông bảo”, “Thái Hòa bảo phong” mà chữ “Thái” còn rõ ràng dấu chấm. Như vậy, kỹ thuật đúc không thể giải thích hiện tượng này. Cũng có giải thích ý kiến vì “Thái” là chữ húy nên phải kiêng kỵ, theo tôi cũng không đủ sức thuyết phục vì không luật lệ ở đâu chặt chẽ như Trung Quốc mà đời Tống Thái Tông, nhà Bắc Tống (976 – 983) đặt niên hiệu “Thái Bình hưng quốc” đồng thời cũng có tiền “Thái Bình hưng bảo”(1).

Thái Bình hưng bảo (970- 980)

 – Trong lịch sử tiền cổ Việt Nam, chữ “Đại” khá nhiều, đó là “Đại Định thông bảo” (triều Lý); “Đại Trị thông bảo”, “Đại Trị nguyên bảo” và “Đại Định thông bảo” (triều Trần); “Đại Bảo thông bảo”, “Đại Hòa thông bảo”(2) (triều Lê sơ); “Đại Chính thông bảo” (triều Mạc); “Cảnh Hưng đại bảo” (triều Lê Cảnh Hưng)… Tất cả những chữ “Đại” trong các loại tiền trên đều rất rõ ràng cho dù có nhiều kiểu khác nhau. Vậy thì sao lại không có “Đại Bình hưng bảo”.

– “Đại” trong triều Đinh không chỉ có trên tiền. Những viên gạch khai quật được ở Hoa Lư (Ninh Bình) hay lớp văn hóa thế kỷ thứ 10 ở Thăng Long (Hà Nội) có in nổi 6 chứ “Đại Việt Quốc Quân Thành Chuyên” là một gợi ý đáng quan tâm về mối liên hệ của hai chữ “Đại”.

– Trong sưu tập của Nguyễn Đình Sử, tôi còn được nhìn thấy một đồng tiền rất lạ, chưa từng thấy xưa nay, đó là đồng tiền “Đại Việt thông bảo”.

Thái Bình hưng bảo (970-980)

Đồng tiền này có rất nhiều nét tương đồng với đồng tiền “Đại Bình hưng bảo”, khiến tôi cho đây là một loại tiền của Đinh Tiên Hoàng. “Đại Việt thông bảo” sẽ xin được trình bày trong một chuyên khảo với những so sánh về trọng lượng, kích thước, thành phần hợp kim, lỗ và biên tiền cùng thư pháp, mà bài viết này chưa đủ điều kiện đề cập.  


Nói về chữ “Đại” trong tiền “Thái Bình hưng bảo”, không phải đến bây giờ tôi mới đề cập. J. Bernard cũng đã đọc tiền này là “Đại Bình hưng bảo” từ năm 1963(3), nhưng dường như không mấy ai quan tâm tới ý kiến này trong nghiên cứu tiền cổ. Xin chia sẻ với ông và tôi cũng muốn các nhà nghiên cứu gọi đúng mặt chữ được ghi trên tiền – điều mà chúng ta không thể làm khác được.

                                                                                        Phạm Quốc Quân

———-

(1) Đỗ Văn Ninh: Tiền cổ Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1992, tr.36.

(2) “Đại Hòa” chứ không phải là “Thái Hòa”.

(3) J. Bernard: Sưu tập tiền cổ An Nam 968-1955 (chữ Anh). 1963, tr.1.
Nguồn: http://www.baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Kien-thuc-lich-su—van-hoa/2008/09/3A9212C4/

Tg: Ai cũng công nhận là thời Đinh có tiền cổ, tuy nhiên chưa ai chứng minh được một cách khoa học niên hiệu của đồng tiền là Thái Bình hưng bảo hay Đại Bình hưng bảo hay Đại Hưng bình bảo mà chỉ ở mức “tôi cho là”, “một cách nhìn nhận khác”, “tại sao lại không thể”, “hợp lý hơn”, “có thể là”, “chưa chắc là”,  v.v. Thật sự rất thiếu sức thuyết phục!

Tiền tệ thời nhà Tiền Lê

Tiền tệ THỜI NHÀ LÊ.

Nước nhà mới giành lại độc lập, đang lo củng cố, quy tắc chưa nghiêm, mặt khác nền kinh tế còn non yếu, chưa phát triển, nhu cầu trao đổi bằng tiền chưa phổ biến, đồng tiền cho đúc ra lúc đầu chỉ mang tính cách độc lập có chủ quyền chứ chưa phát hành rộng rãi trong dân chúng. Lương bổng quan chức, quân lính phát bằng hiện vật là chính. Thuế khoá các nơi cũng nộp bằng hiện vật. Trong 29 năm thuộc kỷ nhà Lê, chính sử chỉ có một dòng ngắn ngủi về việc đúc tiền “…năm giáp thân 984, mùa xuân tháng hai, đúc tiền Thiên Phúc…”.

Tiền THIÊN PHÚC TRẤN BỬU do Vua Lê Đại Hành cho đúc vào năm thứ 5 lấy theo niên hiệu của ngài và có lẽ về sau này Lê Long Đĩnh có cho đúc thêm nhiều để giao thương với Trung Hoa. Sử trung Hoa cho biết lúc bấy giờ người Việt đến buôn bán ở châu Liêm và châu Khâm (có trấn Như Hồng) đến nay vẫn còn được tìm thấy khá nhiều. Về cơ bản, tiền Thiên Phúc Trấn Bửu có nhiều đặc điểm giống tiền Ðại Bình Hưng bửu. Tuy vậy, ta cũng thấy rằng Nhà Lê noi theo Nhà Ðinh, không theo quy tắc đúc tiền của Trung Hoa để đúc tiền Thiên Phúc. Viết quốc tính lên mặt sau đồng tiền để khẳng định chủ quyền và phân biệt rõ ràng với tiền Trung Hoa vốn đã được dùng ở nước Việt từ trước.

                                                         Thiên Phúc Trấn Bảo (Măt trước)

Thiên Phúc Trấn Bảo (mặt sau ghi chữ Lê)

Triều nhà Lê còn nhiều vấn đề khúc mắc mà sử không nói đến, một số điều khúc mắc có liên quan đến việc đúc tiền của nhà Lê như : Lê Long Ðĩnh khi lên ngôi lấy hiệu là Cảnh Thụy nhưng vẫn cho đúc tiền Thiên Phúc, vậy tiền Thiên Phúc nào được đúc dưới triều của Cảnh Thụy là rất khó phân định.
Tuy vậy, ta cũng thấy rằng Nhà Lê noi theo Nhà Ðinh, không theo quy tắc đúc tiền của Trung Hoa để đúc tiền Thiên Phúc. Viết quốc tính lên mặt sau đồng tiền để khẳng định chủ quyền và phân biệt rõ ràng với tiền Trung Hoa vốn đã được dùng ở nước Nam từ trước.

Nguồn: http://giadinh-numis.com/Web/showthread.php?14-K%E1%BB%B2-II.-Ti%E1%BB%81n-t%E1%BB%87-th%E1%BB%9Di-nh%C3%A0-Ti%E1%BB%81n-L%C3%AA

Nhà Tiền Lê (980-1009)

Nhà Tiền Lê trị vì đất nước ta trong 29 năm, trải qua 3 đời vua, bao gồm: – Lê Đại Hành (980-1005) – Lê Trung Tông (1005) – Lê Ngọa Triều (1005-1009) 
 ♦ Lê Ðại Hành (980-1005): 
 

Niên hiệu: Thiên Phúc (980-988); Hưng Thống (989-993); Ứng Thiên (994-1005).

Lê Hoàn sinh năm 941 ở Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hoá, trong một gia đình nghèo khổ. Lớn lên, Lê Hoàn đi theo Nam Việt vương Ðinh Liễn. Dù chỉ là lính thường nhưng trí dũng khác thường, tính tình phóng khoáng nên được cha con Ðinh Bộ Lĩnh yêu mến. Trong công cuộc đánh dẹp các sứ quân, thống nhất đất nước lập lên cơ nghiệp nhà Ðinh, Lê Hoàn được phong chức Thập Ðạo tướng quân Ðiện tiền đô chỉ huy sứ (tổng chỉ huy quân đội kiêm chỉ huy đội quân cấm vệ) của triều đình Hoa Lư. Lúc này Lê Hoàn tròn 30 tuổi.

Tháng 10 năm Kỷ Mão (979), cha con Ðinh Tiên Hoàng bị Ðỗ Thích giết hại, Ðinh Toàn 6 tuổi lên ngôi vua, Lê Hoàn làm nhiếp chính trong một tình thế đầy khó khăn. Các đại thần Ðinh Ðiền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp nổi loạn nhưng đã bị Lê Hoàn dẹp tan. Ngô Nhật Khánh, phò mã nhà Ðinh bỏ trốn vào Nam rước vua Chămpa cùng hơn nghìn chiến thuyền toan cướp kinh đô Hoa Lư nhưng bị bão đắm hết. Tháng 7 năm Canh Thìn (980) đại quân Tống theo đường thuỷ bộ xâm lược Ðại Cồ Việt. Lê Hoàn lúc này đã lên ngôi hoàng đế tức Lê Ðại Hành, vừa triển khai lực lượng sẵn sàng chiến đấu vừa sai sứ đưa thư cầu hoà. Vua Tống đòi Dương Vân Nga và con là Ðinh Toàn sang chầu. Tình thế bức bách, Lê Hoàn buộc phải cho quân đánh giặc quyết bảo vệ đất nước. Ông đã tái tạo một Bạch Ðằng, sáng tạo một Chi Lăng, thắng lớn trên cả hai mặt trận thuỷ bộ giết tướng giặc Hầu Nhân Bảo, diệt quá nửa quân Tống, buộc vua Tống phải xuống chiếu lui quân.

Ðại thắng năm Tân Tỵ (981) đã mở đầu kỷ nguyên Ðại Việt bách thắng bọn phong kiến phương Bắc.

Không chậm trễ, Lê Hoàn dốc sức chăm lo xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên trong Lê Hoàn chống cát cứ, xây dựng cơ sở của nền kinh tế. Ðối với bên ngoài ông thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo khôn khéo nhưng kiên quyết bảo vệ nền độc lập của đất nước. Ông là vị vua nội trị, ngoại trị đều xuất sắc.

Năm Quý Tỵ (993), nhà Tống sách phong cho vua làm Giao Chỉ quân vương rồi năm Ðinh Dậu (997) là Nam Bình Vương.

Năm Ăt Tỵ (1005) vua Ðại Cồ Việt mất, thọ 65 tuổi, làm vua được 26 năm. Theo thông lệ, khi vua mất chưa đặt tên thuỵ thì gọi là Ðại Hành. Trường hợp vua Ðại Cồ Việt lấy Ðại Hành lạm thuỵ hiệu là vì Lê Ngoạ Triều và triều thần không đặt tên thuỵ cho ông.

♦ Lê Trung Tông (1005): 

Vua Lê Ðại Hành có 4 hoàng tử là Long Du, Ngân Tích, Trung Tông Long Việt và Lê Long Ðĩnh (Ngoạ Triều). Vua Ðại Hành định cho người con thứ ba là Long Việt làm Thái tử. Nhưng đến lúc vua mất, các em hoàng tử tranh nhau ngôi, đánh nhau trong 7 tháng. Ðến khi Long Việt vừa lên ngôi được 3 ngày thì bị em là Long Ðĩnh sai người vào cung giết chết, thọ 23 tuổi. Sử gọi là Lê Trung Tông.


♦ 
Lê Ngọa Triều (1005-1009): 

 

Niên hiệu: Cảnh Thuỵ (1008-1009).

Long Ðĩnh là người bạo ngược, tàn ác như Kiệt, Trụ ở bên Tàu. Khi giết anh, chiếm được ngôi vua, Long Ðĩnh càng tàn bạo. Vua hay lấy việc giết làm trò chơi.

Long Ðĩnh làm vua được 2 năm đổi Niên hiệu là Cảnh Thuỵ. Năm sau (1009) thì mất, làm vua đựoc 4 năm, thọ 24 tuổi. Long Ðĩnh mất, con tên là Sạ còn bé, đình thần nhân dịp tôn Lý Công Uẩn lên làm vua khởi dựng sự nghiệp triều Lý hiển hách.
Như vậy nhà Tiền Lê tồn tại trong 29 năm, trải qua 3 đời vua.
 
♦ Thái hậu Dương Vân Nga 
Khi đề cao võ công văn trị của Ðinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, những anh hùng của công cuộc thống nhất đất nước không thể không kể đến sự cống hiến của Dương Vân Nga đối với đất nước. Có thể xem Dương Vân Nga là cái đầu nối giữa Ðinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, người làm cho công cuộc thống nhất đất nước do Ðinh Bộ Lĩnh khởi xướng được Lê Hoàn hoàn tất. Sự nghiệp chính trị của người phụ nữ ấy đã không được sử cũ chú ý đến mà lại cứ tập trung vào thân phận làm vợ của bà. Vốn là con ông Dương Thế Hiển quê ở vùng Nho Quan, Ninh Bình (có tài liệu nói bà tên là Dương Thị Ngọc Vân, con gái Dương Tam Kha) rồi trở thành vợ Ðinh Bộ Lĩnh, nên sau khi chồng bị ám hại, để lại đứa con 6 tuổi kế nghiệp Hoàng Ðế, Dưong Vân Nga đã phải cáng đáng những khó khăn vượt quá sức mình. Sự nghiệp thống nhất đất nước vừa được hoàn thành, bị đe doạ từ nhiều phía. Bên ngoài phong kiến phương Bắc sửa soạn đại binh xâm lược. Bên trong, các triều thần phân biệt tranh chấp gay gắt có nguy cơ nổ ra nội chiến lớn. Là người có tầm nhìn xa thấy rộng, Dương Vân Nga nhận rõ chỉ có Thập Ðạo tướng quân Lê Hoàn là người có khả năng giải quyết tình hình nghiêm trọng ấy. Nếu Dương Vân Nga không biết đặt lợi nước lên trên quyền lợi của dòng họ, bà có thể dựa vào một quyền thần để chống lại quyền thần khác, ngoan cố bảo vệ ngai vàng cho đứa con nhỏ của mình, sẽ gây ra nạn bè đảng, tranh chấp, đẩy đất nước vào hoàn cảnh rối loạn. Vậy mà chỉ vì Dương Vân Nga đã lấy chiếc long bào choàng lên vai Lê Hoàn, về sau lại trở thành vợ Lê Hoàn mà sử sách phong kiến đã xoá sạch công lao của bà. Ngược lại cách nhìn nhận trên, nhân dân ta có thái độ rộng lượng và đúng đắn. Vùng Hoa Lư còn lưu truyền thuyết đẹp về Dương Vân Nga nhằm ghi nhận công lao của bà.

Nguồn: http://www.vietnamtourism.com/index.php/about/items/1953