Archive | Tháng tư 2017

10 điều cần biết về văn hóa Phùng Nguyên

1. Tên gọi và địa điểm

Di chỉ Phùng Nguyên được lấy làm tên xác lập cho nền văn hóa Phùng Nguyên tọa lạc tại xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

2. Thời gian phát hiện và khai quật

Di chỉ Phùng Nguyên được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện và khai quật nhiều lần, trên diện tích rộng khoảng 4.000 m2 trong những năm từ 1959 đến 1970.

3. Địa bàn phân bố

Văn hóa Phùng Nguyên phân bố dọc theo lưu vực các con sông lớn: như sông Hồng, sông Lô, sông Thao, sông Đà, sông Đáy… tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh…

4. Niên đại

Văn hóa Phùng Nguyên được xác định có niên đại từ khoảng 4.300 năm đến khoảng 3.500 năm cách ngày nay

5. Đời sống kinh tế sản xuất

Bên cạnh săn bắn, đánh cá vẫn được duy trì từ giai đoạn trước. Cùng với trồng trọt cư dân Phùng Nguyên đã biết đến chăn nuôi.

Nghề sản xuất gốm, chế tác đồ trang sức, xe chỉ, dệt vải khá phát triển

6. Đời sống xã hội – tinh thần

Quan niệm thẩm mỹ của cư dân Phùng Nguyên đã khá phát triển được thể hiện qua việc chế tác đồ trang sức, đồ đá và đồ gốm của họ.

Trong táng thức, cư dân Phùng Nguyên chôn người chết theo tư thế nằm ngửa ở các huyệt nông và thường chôn theo công cụ bằng đá, đồ trang sức và một vài đồ gốm.

7. Kỹ thuật chế tác đá

Đạt đến đỉnh cao, hiện vật đá thời kỳ này được chế tác tinh xảo và mang phong cách hiện đại. Các hiện vật tiêu biểu là rìu, bôn, đồ trang sức (vòng tay, khuyên tai).

8. Giao lưu kinh tế

Đã có những quan hệ trao đổi với nam Trung Quốc. Việc tìm thấy tại Trung Quốc những chac (cốc) tiêu biểu của Việt Nam, và tại Phùng Nguyên những con dao ngắn (qua) tiêu biểu của Trung Quốc đã cho thấy điều này. Bên cạnh đó, tại những di chỉ thời đá mới ở Quảng Đông và Phúc Kiến (Trung Quốc), người ta đã tìm thấy nhiều chiếc rìu nhỏ tương tự rìu của văn hóa Phùng Nguyên.

9. Là giai đoạn chuyển giao

Giữa thời đại đồ đá và thời đại đồ kim khí

Giữa văn hóa Bắc Sơn và văn hóa Đông Sơn

10. Là cội nguồn của nền văn minh sông Hồng

Là cơ sở vật chất, tinh thần đầu tiên cho sự ra đời của nhà nước Văn Lang của các vua Hùng.

 

 

Tư tưởng Phật giáo trên cổ vật thời kỳ Lý – Trần

Nhà nước Lý – Trần tôn chuộng đạo Phật, Phật giáo được xem là quốc giáo. Chính vì vậy, biểu tượng của Phật giáo không chỉ xuất hiện trên các hiện vật gốm xây dựng, trang trí kiến trúc chùa, tháp, mà nó còn được biểu hiện vô cùng phong phú trên loại hình gốm gia dụng với các đồ dùng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày như bát, đĩa, âu, hũ, chum, thạp v.v..

Nếu hoa sen biểu trưng cho sự thanh cao, thanh tịnh của Phật giáo, cá biểu tượng cho sự giàu có, phồn thịnh. Thì sự kết hợp 2 biểu tượng này trong cùng một đồ án trang trí trên chiếc đĩa men xanh lục thời kỳ này như muốn truyền tải đi thông điệp về một xã hội thịnh vượng với tư tưởng và giáo lý Phật giáo xuyên suốt, bao trùm lên mọi mặt trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Bát men xanh lục trang trí đề tài sen – cá rất tỉ mỉ, tinh tế

Lá đề tượng trưng cho sự báo hiệu, nhắc nhở, giác ngộ Phật pháp là cấu kiện gắn trên ngói nóc dùng để trang trí phần mái các công trình kiến trúc. Hình tượng rồng trong lá đề thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa uy quyền của nhà vua và uy linh của đức Phật. Hình tượng rồng với những chi tiết biểu trưng cho Phật giáo như lông mày tạo hình số 3 nằm ngửa, giống với nhãn vòng kim cô của nhà Phật, phía trước trán có hình chữ S đứng, ký hiệu của tia chớp, thể hiện uy lực của Phật Pháp Lôi – Pháp Điện trong Mật Tông. Khác với con rồng vần vũ của Trung Hoa, rồng thời Lý được tạo theo hình sin, uốn lượn đều đặn biểu hiện tính nhịp điệu luân hồi trong tư duy của người Việt. Cách tạo hình này vẫn kéo dài đến thời Trần, chỉ bổ sung thêm một vài chi tiết ở chân và vẩy.

Lá đề biểu trưng cho sự báo hiệu, nhắc nhở của Phật giáo

Nếu nói tới hoa sen là nghĩ về Phật pháp, thì khi nhắc về hoa cúc như một biểu tượng của nguồn sáng, nhiều khi được ví với mặt trời đó là một biểu hiện về tín ngưỡng quen thuộc của cư dân nông nghiệp Việt [Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, tr.187]. Hoa cúc xuất hiện cùng hoa sen như một cặp âm dương, nếu hoa sen xuất hiện từ bùn lầy và vươn lên bằng sự tỏa sáng của thái âm (mặt trăng) thì hoa cúc rực rỡ, tỏa hương thơm như vầng thái dương. Sen và cúc đã thay nhau làm điểm nhấn của mỹ thuật Lý – Trần, truyền đi tư tưởng Phật giáo bao trùm lên mọi mặt ở giai đoạn này.

Cánh hoa cúc được vuốt thành các đường gờ nổi trong lòng bát

Đàm về thú chơi cổ vật

Thiết nghĩ để hình thành một sưu tập cổ vật người chơi thường trải qua 03 giai đoạn:

  1. Giai đoạn đầu: Hầu như ai cũng phải “trả học phí”, vì thấy cái gì có hơi hướng cổ vật là đều muốn đến xem để mua.
  2. Giai đoạn thứ hai: Do đam mê nhưng chưa có đủ kiến thức, chưa có tay nghề vững và kinh nghiệm trong cuộc chơi, dẫn đến thường thích mua các cổ vật có hình thức “hào nhoáng” mà chưa chú ý nhiều đến các tiêu chí đặc trưng cũng như dấu tích văn hóa có giá trị của mỗi cổ vật. Đây là giai đoạn thường bị những người buôn bán cổ vật “chăm sóc, hướng đạo” nhiều nhất.
  3. Giai đoạn thứ ba: Sau một thời gian đam mê sưu tập cổ vật theo số lượng là quá trình tự lựa chọn rút gọn lại số lượng các cổ vật để lưu giữ, bởi vì lúc này “tay nghề” đã cao lên và quan hệ trong “làng đồ” cũng từng trải hơn, cho nên mới tự nhìn ra được những cái quý, cái đẹp của từng món cổ vật để tự nhận biết và so sánh về thẩm mỹ, về giá trị.

Một sưu tập cổ vật có giá trị là sưu tập đó có nhiều món cổ vật độc đáo, hiếm và đạt được nhiều tiêu chuẩn cao của cổ vật chứ không phải là số lượng hiện vật nhiều là quý. Vậy các tiêu chí để đánh giá chất lượng của từng cổ vật là gì? Những ai đã thạo cuộc chơi cổ ngoạn thì đều ngấm truyền khẩu về các tiêu chí để đánh giá cổ vật bằng một câu ngắn gọn các cụ để lại là “Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi”, nhưng có lẽ chưa đủ, vì cần phải thêm hai tiêu chí nữa là “độc” và có “thân phận” rõ ràng.

“Dáng” được xếp đầu tiên để khẳng định món đồ đó có đẹp, có giá trị thẩm mỹ cao hay bình thường?

“Da” được xếp thứ hai để xem xét phần kỹ thuật, mỹ thuât tạo ra từ bố cục, hoa văn, họa tiết, nét chạm khắc v.v. trên món đồ và đặc biệt “da” còn là “nước men thời gian” được tạo ra tự nhiên trên bề mặt ngoài của cổ vật mà không do tác động của con người.

Chính 2 tiêu chí trên đã phản ánh được dấu ấn văn hóa để lại của người xưa, thể hiện trình độ chế tác, óc thẩm mỹ sáng tạo ra cổ vật.

“Toàn” xếp thứ ba để nói lên sự lành, vỡ, sứt mẻ, mất mảnh v.v. của mỗi món đồ. Nếu cùng là một loại cổ vật bình thường giống nhau, nhưng giá trị giữa món đồ lành cao gấp nhiều lần món bị dập chứ chưa nói đến bị vỡ mất mảnh đã qua sửa chữa.

“Tuổi” xếp cuối cùng chỉ nhằm xác định niên đại chế tác của món cổ vật. Thuần túy mang ý nghĩa khảo cổ học. Nhiều cổ vật mặc dù tuổi thấp, nhưng khi đấu giá thì lại rất nhiều tiền và ngược lại. Nhưng nếu chơi cổ vật mà coi nhẹ “tuổi” của chúng thì cũng không được.

Ngoài 04 tiêu chí thông thường trên, khi đánh giá chất lượng, giá trị của các cổ vật, người có nghề cao thường còn chú ý tới hai tiêu chí nữa là “Độc”, tức là rất hiếm và “Thân phận” tức là xuất xứ của ai, nơi nào đã sử dụng thời xa xưa? Các cổ vật của Vua, quan, danh nhân, nhà giầu đặt làm hoặc mua, tặng v.v. để sử dụng (thường gọi là đồ quan) thì có giá trị kinh tế cao khác hẳn những cổ vật của dân chúng bình thường sử dụng (thường gọi là đồ phố, đồ dân). Các cổ vật có hiệu đề, tên lò sản xuất, minh văn cung tiến v.v sẽ cho biết xuất xứ của cổ vật, tất nhiên chúng sẽ quý hơn các cổ vật không rõ “thân phận”.

Thiết nghĩ sưu tập cổ vật thành công chỉ khi hiểu ra: Sưu tập và nghiên cứu cổ vật là hai lĩnh vực không thể tách rời trong quá trình “chơi cổ vật”.

Có một số người với chuyên môn ngành học của mình nên họ rất mê cổ vật, nhưng do điều kiện khách quan nên họ chỉ có điều kiện sưu tầm các mẫu vật là mảnh, là đồ dập vỡ rồi phục dựng chơi thành một sưu tập riêng. Những bộ sưu tập ấy cũng rất đáng quý. Rồi cũng có một số người lại chỉ chuyên nghiên cứu, để có kiến thức viết sách giới thiệu những dòng cổ vật, nêu lên cái đẹp, cái quý của các cổ vật Việt Nam để giúp kiến thức cho cộng đồng, đó cũng là việc làm đáng trân trọng, thế nhưng họ chưa phải là những người sưu tập cổ vật đích thực.

Cạn nghĩ: Sưu tập cổ vật khác hẳn sưu tập khảo cổ học. Muốn thành người sưu tập cổ vật có tay nghề thì ngoài việc trang bị những kiến thức cơ bản về lịch sử, địa lý, khảo cổ, văn hóa… cần tự học qua sách báo và sờ, xem thực tế các cổ vật. Có vậy mới có kiến thức để đủ nhận biết được giá trị cao, thấp của mỗi cổ vật. Hơn nữa một điều không thể thiếu khi muốn sưu tập cổ vật có giá trị cần đầu tư kinh tế mới có được những cổ vât quý, hiếm đắt tiền.

Đàm về chơi cổ vật thì còn nhiều chuyện, song chỉ biết nhiều thế hệ người Hà Thành đã rong ruổi tầm chơi cổ vật qua năm tháng rất thú vị, quên đi nhiều phiền muộn trong cuộc sống, song họ cũng đều tốn kém tiền bạc công sức mới mong có được một sưu tập cổ vật đích thực cho mình.

Thời gian qua đi không trở lại, tiền bạc bỏ ra mua đồ cổ về chơi cũng không lấy lại được. Ấy vậy mà lại đem về các món đồ giả cổ thì quá buồn. Giới chơi và sưu tập cổ vật ở nước ta hiện đang ngỡ ngàng trước các cuộc chơi cổ vật có các khuynh hướng chơi khác nhau. Để dẫn đề cho các khuynh hướng chơi đó là do các nhà buôn đồ cổ chuyên nghiệp chủ động “hướng dẫn” người chơi. Đáng ra những người mới có tiền của nhiều do làm ăn được trong thời buổi hiện nay khi muốn vào sân chơi cổ vật cần tìm đến những người sưu tập và kinh doanh cổ vật có kinh nghiệm, kiến thức để nghe tư vấn, thì họ lại “âm thầm” nghe các vị a,b,c nào đó “dẫn đường”. Cho nên 05 năm lại đây “các anh sứ tàu chung chiêng” đã thống lĩnh thị trường cổ vật Việt Nam. Nhưng cái gì rồi cũng có lúc thăng, lúc giáng cả. Hiện tại thì “các anh sứ tàu chung chiêng” đã bị “ắc” lại, vì các đại gia mới nổi đã “ngộ” ra sau khi đã mất nhiều tỷ đồng rước về đầy nhà để trưng một dòng “Văn hóa ngoại lai” chẳng có dấu ấn gì của dân tộc Việt cả.

Thiết nghĩ để lập được một bộ sưu tập cổ vật quý không dễ và muôn vàn khó khăn. Nhưng để lưu giữ được sưu tập của mình lâu dài lại là việc càng khó khăn hơn khi khả năng tài chính thì có hạn, tuổi tác thì ngày càng cao làm cho con người bất lực trước ước muốn lưu giữ sưu tập của mình lâu dài cho đời sau. Nói vui, đúng là “giành chính quyền đã khó, nhưng giữ được chính quyền mới là khó hơn nhiều”.

Lẽ đời đã chỉ rõ: Con người muốn sống sung sướng cũng cần có nhiều tiền bạc, rồi không ít kẻ cần vinh thăng với đời cũng tốn nhiều tiền bạc, nhưng rồi khối kẻ cũng đã chết trong tủi nhục, cô đơn cũng vì tiền bạc! Ấy vậy nhưng trong lĩnh vực nghiên cứu và sưu tập cổ vật đã có nhiều bậc tiền bối chỉ ra rằng: Nếu chỉ đơn thuần sống vì tiền thì có lẽ chả bao giờ người đời có thể làm nên và lưu giữ được những sưu tập cổ vật có giá trị cho cộng đồng./.

 

Theo Đào Phan Long – Chủ tịch hội cổ vật Thăng Long – Hà Nội

Tìm hiểu về gốm đất nung thời kỳ Lý – Trần

Gốm đất nung là sản phẩm được làm từ đất sét có độ kết dính nhưng thô (còn nhiều tạp chất ở bên trong), bằng cách nhào với nước làm nhuyễn, sau đó tạo hình và được nung ở nhiệt độ 11000C đến 11500C, những hiện vật gốm đất nung phần lớn có màu đỏ nhạt.

So sánh với các hiện vật gốm đất nung thời kỳ trước có thể nhận thấy gốm đất nung thời Lý – Trần ít tạp chất và được trang trí tỉ mỉ công phu hơn. Gốm đất nung thời kỳ này phần lớn được sản xuất ra để phục vụ cho việc xây dựng, trang trí các công trình kiến trúc Phật giáo với các hiện vật tiêu biểu như: gạch vuông, gạch tam giác, ngói ống, mảng kiến trúc hình lá đề, mô hình chùa, mô hình tháp, tượng uyên ương.

Gạch vuông trang trí hình đôi chim phượng bay ngược chiều nhau

Hiện vật gạch đất nung in nổi hai dòng chữ Hán “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” cho biết gạch được chế tạo vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 đời hoàng đế thứ ba nhà Lý. Hoàng đế thứ ba nhà Lý có niên hiệu Long Thụy Thái Bình là vua Lý Thánh Tông. Ông chính là vị vua đã cho xây dựng Văn Miếu, tháp Báo Thiên và các công trình quan trọng khác ở kinh thành Thăng Long.

Viên gạch có niên đại vào năm 1057, 4 năm sau khi Lý Thánh Tông lên ngôi.

Nghiên cứu các hiện vật gốm đất nung cho chúng ta thấy một số phương pháp chế tác được sử dụng phổ biến như in khuân một mặt đối với các hiện vật gạch vuông, gạch tam giác, chạm thủng trên mảng kiến trúc hình lá đề và trang trí hoa văn ba mặt đối với tượng uyên ương.

Trang trí chạm thủng đề tài “lưỡng long chầu nhật”  trên mảng kiến trúc hình lá đề

 

Nhớ các sự kiện, dấu ấn văn hóa vương triều Lý qua cổ vật

Triều Lý kéo dài hơn 200 năm (1009 – 1225) là triều đại đầu tiên trong số các triều đại lớn của dân tộc. Triều đại này đã đem lại cho Việt Nam khung chính trị, hành chính, quân sự vững chắc mà Việt Nam chưa có, và đưa đất nước trở thành một quốc gia không chỉ chống trả các vụ xâm lược từ Trung Quốc, mà còn có thể thôn tính Chămpa để mở rộng về phía Nam.

Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) là người làng Cổ Pháp (Bắc Ninh), ông được nuôi dạy trong một ngôi chùa của làng này. Tuổi trẻ, ông theo nhà sư Vạn Hạnh vào triều đình ở Hoa Lư và làm đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Sự phóng đãng của Lê Long Đĩnh đã đẩy đất nước vào tình trạng rối ren; từ lòng dân thốt lên tiếng thở dài khao khát trật tự, tổ chức và công lý;  bản thân các tù trưởng cũng ý thức được những hiểm họa trầm trọng từ cuộc khủng hoảng trong bộ phận lãnh đạo quốc gia. Vạn Hạnh với uy tín sẵn có đã thuyết phục được số người này đưa học trò của mình lên ngôi: con đường tiến tới ngôi vua của Công Uẩn không gặp cản trở nào‹¹›. Nhà vua mới lên ngôi, mở đầu triều đại bằng việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên kinh đô là Thăng Long “thành phố rồng bay lên”.

Như vậy, Giáo hội Phật giáo đã tạo thuận lợi cho việc nhà Lý lên ngôi. Đáp lại, triều Lý dành cho Phật giáo những đặc ân lớn nhất. Phẩm trật của Giáo hội được đặt dưới quyền tối cao của một Quốc sư “người thầy của vương quốc”. Quốc sư giúp nhà vua trong các nghi lễ cầu cho quốc gia được thịnh vượng và thường là nhà cố vấn riêng của nhà vua. Sự sủng ái Phật giáo của các vị vua triều Lý đã được Toàn thư ghi lại: không có năm nào mà các nhà vua không cho xây dựng chùa chiền và đúc chuông. Nước Đại Việt ta dưới triều đại nhà Lý được khoác một “tấm áo chùa chiền”.

Kiến trúc chùa Một Cột được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (Ảnh internet)

Đây được xem là thời kỳ đẹp nhất của nghệ thuật Việt Nam. Tính độc đáo của nó được cấu tạo từ tổng hợp các ảnh hưởng của Ấn Độ và Trung Á, do những người đi hành hương mang lại, kết hợp với các yếu tố của Trung Quốc và Chăm cùng với những hồi tưởng về chính nguồn gốc Nam Á của mình. Mặc dù chịu ảnh hưởng của tất cả các ảnh hưởng này, nghệ thuật thời Lý vẫn mang một phong cách đặc biệt của Việt Nam, trong kiến trúc cũng như trong điêu khắc và gốm.

Bảo vật quốc gia – Tượng Phật A Di Đà bằng đá tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh (Ảnh internet)

Thật vậy, ngoài những ngôi chùa và tháp còn lại đến ngày nay (dù đã được trùng tu nhiều lần) như ngôi chùa Một Cột (còn có tên gọi khác là chùa Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài), quán Trấn Vũ (đền Quán Thánh), đền Linh Lang (đền Voi Phục), tháp Bình Sơn… thì những mô hình chùa, tháp thu nhỏ (stupa) thời kỳ này là những bằng chứng minh xác nhất cho thấy sự thịnh vượng của Quốc giáo này.

Mô hình chùa thu nhỏ thời Lý (Ảnh tác giả)

Mô hình chùa gồm 2 tầng với 8 mái cong, viền chân và chóp phía trên đắp nổi băng cánh sen kép, cánh to xen cánh nhỏ, viền mái được tạo thành từ một dải các hình ống nhỏ chạy song song nhau, trên cùng là bông hoa sen đang nở với các cánh hoa to, mập được chạm khắc tỉ mỉ hình hoa phía ngoài. Mô hình chùa có chiều cao 1m 55, chiều dài cạnh đáy là 75 cm.

Mô hình tháp thu nhỏ thời Lý (Ảnh tác giả)

Mô hình tháp được tạo dáng hình trụ đứng với chân đế hình vuông, gồm 9 tầng nhỏ dần về phía ngọn, mỗi tầng có 4 mái cong. Mô hình tháp có chiều cao là 58 cm, chiều dài mỗi cạnh đáy là 5 cm.

Nét đặt trưng cơ bản của kiến trúc tháp thời kỳ này là mái cong. Mái cong vốn không bắt nguồn từ cái lều của người Mông Cổ như người ta vẫn nghĩ, mà là từ lều của người Nam Á‹²›. Loại mái này đã thấy xuất hiện trên các trống đồng‹³›. Ở Trung Quốc, kiến trúc được trình bày trên các phù điêu và trên đá lát hầm mộ của người Hán lại cho thấy mái nhà hoàn toàn thẳng. Chỉ dưới thời nhà Đường mới thấy xuất hiện ở Nam Trung Quốc hình dáng mái cong, nhập từ Giao Châu và từ đây được phổ biến ở Trung Quốc phía Bắc và ở Bắc Kinh.

Hình ảnh ngôi nhà mái cong trên trống đồng Đông Sơn (Ảnh internet)

Như vậy, cùng với sự lớn mạnh về chính trị, kinh tế, vương triều Lý đã cho thấy một sự nở rộ về văn hóa. Một quốc gia trẻ đã chống trả và chiến thắng được quân Tống (Trung Quốc) với tài thao lược quân sự của Lý Thường Kiệt cùng sự đồng lòng của nhân dân, trong khi vẫn có thể thôn tính Chămpa để mở rộng về phía Nam.

 

1.Việt sử lược, q.II, t. 1- 2a

2. Boerschmann, Chinesische Architektur [Kiến trúc Trung Quốc], Berlin, 1925, trang 25 – O. Sirèn, Historie des arts anciens de la Chine [Lịch sử các nghệ thuật cổ của Trung Quốc] IV, L’Architecture [Kiến trúc], Paris, Van Oest 1930, trang 24, – J.Y.Claeys, “Introduction à l’étude de I’Annam et du Champa “[Dẫn nhập vào việc nghiên cứu An Nam và Chămpa], BAVH, 1934, Paris e.

3. V.Gloubew, “La maison dongsonienne” [Nhà thuộc văn hóa Đông Sơn], CEFEO, số 14, 1938.