Archive | Tháng tư 2017

Chu Đậu plate under “Lê sơ” dynasty

DIMENSION: Top mouth diameter: 23 cm; Height: 5 cm; Bottom base diameter: 17 cm

MATERIAL: Ceramic

PRODUCTION TECHNIQUE: Hand made

DESCRIPTION (PLASTIC ART, SCULPTURE, PAINTING DECORATION): Open mouth plate, mouth periphery edge with reliefs made in middle line, body wall made bended and beveled, low and flat bottom base. The plate is shallow and large open with two stylized figures of leaves and flowers. The periphery part is decorated with 4 flowers and 4 branches of leavessymmetrically arranged. This decoration is confined by two thin lines running between the periphery edge and the central bottom part. The outer wall part is decorated with artistically stylized figures of lotus leaves.

ACTUAL SITUATION: A slight split line (4.5 cm long) in middle part of the plate

ORIGIN: Vietnam

TIME: 15-th Century

       

Một góc nhìn khác về sự thành lập vương triều Lý

Lê Long Đĩnh trên ngôi vua tỏ ra là một người độc ác, khát máu, lấy việc chém giết làm thú tiêu khiển. Vì vậy, mà phái tăng đạo mấy lâu vẫn ủng hộ nhà Lê, cũng không chịu nổi những hành động tàn bạo của Long Đĩnh – việc Long Đĩnh ngược đãi sư Quách Ngang có thể là chứng tỏ mối mâu thuẫn giữa nhà vua và phái tăng nhân đã có thái độ đối lập.

Sư Vạn Hạnh từng làm cố vấn cho Lê Hoàn, đã chán gét nhà Lê đến nỗi đặt ra câu sấm đoán trước sự diệt vong của nhà Lê và sự hưng khởi của nhà Lý để khuyên Lý Công Uẩn cướp ngôi.

Nhân lòng oán ghét của tất cả các tầng lớp xã hội đối với nhà Lê, Lý Công Uẩn là Điện tiền chỉ huy sứ trông nom quân cận vệ, quyết định thực hiện âm mưu soán đoạt. Lý Công Uẩn vốn quê ở làng Đình Bảng (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay), khi nhỏ làm con nuôi nhà sư chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Vân nên lấy họ là Lý. Công Uẩn khéo thu phục được tình cảm của tất cả quân lính ở dưới tay mình và được bọn quan liêu văn võ trong triều kính phục. Sau khi Long Đĩnh chết năm 1009 – vì nhiều bệnh tật nên Long Đĩnh chết non mới 24 tuổi – Công Uẩn âm mưu với một người bộ hạ là Đào Cam Mộc để giảng dụ bọn triều quan tôn Công Uẩn làm vua. Mọi người đều theo Cam Mộc bèn tổ chức lễ đăng cực cho Công Uẩn. Vương triều Lý được thành lập.

Theo “Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ XIX, quyển thượng, Nxb Xây dựng, 1955”.

Sự ra đời và ý nghĩa của nhà nước Âu Lạc theo Đào Duy Anh

Năm 218 TCN Doanh Chính (tức Tần Thủy Hoàng) phát 50 vạn quân đi xâm lược Bách Việt. Trong vòng 3 năm quân Tần đã chinh phục được cả các nhóm Đông Việt, Mân Việt, Nam Việt và các bộ lạc phía Bắc Quảng Tây. Nhưng khi tiến vào Lạc Việt thì vấp phải một cuộc kháng chiến kịch liệt của người Lạc Việt.

Các bộ Lạc Việt dưới sự hiệu triệu của Lạc vương, đã họp hội nghị để bàn kế đối phó và cử Thục Phán làm lãnh tụ quân sự để kháng chiến. Khi quân Tần đóng đô ở miền “đất không người” đã chán nản mỏi mệt, khổ vì thiếu lương thực và khí hậu độc địa, thì người Lạc Việt do Thục Phán lãnh đạo mới bắt đầu dùng cách du kích để quấy rối, cứ ban ngày thì lấp ở trong rừng không chịu gặp địch, ban đêm chia nhau từng tốp kéo ra đánh phá, giết hại quân Tần. Bị tổn hại rất nhiều cuối cùng đến năm 208 nhà Tần thất bại.

Trong cuộc kháng chiến lâu dài ấy, Thục Phán đã củng cố sự đoàn kết giữa các bộ lạc Lạc Việt và các bộ lạc Tây Âu đồng minh, thành một cuộc liên minh quân sự rộng lớn. Thục Phán đã tổ chức được một đội quân đặc biệt, do đó mà gây thêm lực lượng và quyền uy của mình trong cuộc liên minh. Sau khi kháng chiến thắng lợi Thục Phán được tất cả các tù trưởng phục tùng, đã thừa thế mà lấn át quyền uy của Lạc vương, nắm lấy trong tay cả quyền lãnh tụ quân sự và quyền lãnh tụ chính trị. Có đủ điều kiện xây dựng một nước, Thục Phán đã họp các bộ lạc Tây Âu đồng minh và các bộ lạc Lạc Việt mà dựng thành nước Âu Lạc.

Thục Phán xưng vương lấy niên hiệu là An Dương Vương dựng đô ở Loa thành (nay thuộc Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội).

Xã hội Âu Lạc vẫn còn ở giai đoạn tan rã của chế độ công xã nguyên thủy với chế độ nô lệ mới nảy nở theo hình thức nô lệ chế gia trưởng. Nhưng sự thành lập nước Âu Lạc là một bước rất quan trọng trong lịch trình phát triển của xã hội. Một mặt khác, sự thành lập nước Âu Lạc đã chứng tỏ rằng trong khoảng các bộ lạc đương đi vào chế độ nô lệ và tập hợp thành nước Âu Lạc đã nảy nở mầm mống đầu tiên của ý thức dân tộc mà sau này dưới áp bức của ngoại quốc trong hơn mười thế kỷ không thể đè bẹp được nữa.

Nhận diện hũ gốm sành nâu thời Trần

Cũng từ đất sét thường, nhưng nung ở nhiệt độ nâng cao hơn, ta có loại gốm mà xương đất đã chớm chảy, kết dính mịn và rắn chắc gần như gang, người ta thường gọi là: gốm sành nâu. Gốm sành nâu được nung ở nhiệt độ cao khoảng 12000C, lớp da ngoài thường đanh mặt, nhẵn, bóng như có mỡ phủ.

Hũ trang trí băng cánh sen ở vai và các đường gân nổi dọc ở thân

Gốm sành nâu có độ bền tốt hơn gốm đất nung, được chia làm hai loại là gốm sành thô và gốm sành mịn. Bề mặt các hiện vật sành thô khi cầm vào có cảm giác ráp gai, loại chất liệu này không được luyện lọc kỹ, ngâm kỹ mà chỉ được nhào nặn qua nước trước khi chế ra sản phẩm. Đất có lẫn cát mịn và một số hợp chất quặng mịn khác vì thế mà các sản phẩm này thường có độ giòn, dễ vỡ, khi gõ vào thường phát ra tiếng kêu của kim loại.

Hũ sành nâu thời kỳ này thường tạo dáng hình trụ tròn, miệng loe, cổ thắt, thân phình thon dần xuống đáy, chân đế loe, lõm giữa. Hoa văn trang trí chủ đạo vẫn là băng cánh sen và hoa cúc, thân thường tạo nổi các đường gân nổi dọc. Bên cạnh đó cũng có nhiều hiện vật thân để trơn, không trang trí hoa văn.

Nắp hũ tạo hình một bông cúc cách điệu

Gốm: Tóm tắt nhanh qua các thời kỳ lịch sử Việt Nam

Lịch sử gốm Việt Nam trải qua một bề dày thời gian từ văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn cách ngày nay khoảng 10.000 năm. Nối tiếp là gốm Phùng Nguyên với các họa tiết hoa văn hình chữ S. Đây là tiền đề cho trang trí hoa văn trên đồ đồng trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Khi nước ta bị phong kiến phương Bắc xâm lược 10 thế kỷ thì gốm bị kìm hãm phát triển. Đến giai đoạn độc lập, trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê (Lê sơ), Mạc, Tây Sơn, Nguyễn gốm nước ta lại bùng lên phát triển và nổi tiếng trên thế giới.

Gốm thời tiền sử

Tìm thấy trong văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn (15.000 – 10.000 năm cách ngày nay). Được nặn bằng tay, miệng loe, thân thẳng hoặc phình, trang trí hoa văn khắc vạch.

Gốm thời sơ sử

Trong văn hóa Phùng Nguyên gốm được làm bằng bàn xoay, tạo các hình đơn giản như hũ, vò, chum. Có hoa văn trang trí rất phong phú, đa dạng như văn chải mịn, khắc vạch song song, chấm dải, uốn lượn hình sóng nước, có dấu vết đan lát. Tạo dáng gốm Phùng Nguyên thường có miệng loe, thân phình, đáy tròn, có văn thừng trên miệng, chân đế cao.

Sang văn hóa Đông Sơn gốm có các tạo hình kế tiếp từ thời Phùng Nguyên, miệng loe, thân phình; trang trí hoa văn khắc vạch, hoa văn hình chữ S là chủ yếu.

Gốm thời kỳ Bắc thuộc

Hiện vật tiêu biểu là các vò, hũ nhỏ, có một lớp men mỏng nhưng không phủ hết. Màu men vàng nhạt hoặc xám nhạt. Hoa văn trang trí vẫn phảng phất nối tiếp trang trí từ văn hóa Đông Sơn như chữ S, hình thoi, vòng tròn tiếp tuyến, răng lược, chấm dải, văn chải dọc, văn thừng.

Gốm Việt Nam thời độc lập

Thời Đinh – Tiền Lê:

Chủ yếu là vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc, gạch trang trí hoa sen, hoa phượng. Xương gốm nặng, trong lòng bát đĩa thường có dấu chân kê lớn hình chữ thập.

Thời Lý – Trần:

Hiện vật đa dạng, phong phú về cả chủng loại và màu men. Bốn dòng men tiêu biểu là men trắng, men xanh lục, men nâu và men trắng vẽ hoa nâu. Hoa văn trang trí chủ đạo là sen và cúc.

Thời Lê sơ:

Nổi tiếng với dòng hoa lam, được vẽ bằng ôxit cô ban. Nét vẽ phóng khoáng theo cảm xúc, tạo ra độ đậm nhạt, dày mỏng, màu men sinh động, mềm mại. Hoa văn trang trí: Vẫn là hoa cúc, hoa sen, sóng nước, chim, cá.

Thời Mạc:

Nổi tiếng với dòng men nhiều màu, tam thái, ngũ thái. Hoa văn trang trí gồm hoa cúc, hoa sen, hoa phù dung, cúc dây, khóm cỏ, rong rêu, lá đề, sóng nước, vảy cá, phượng, ngựa, chim, vẹt, sư tử. Hai loại hình hiện vật tiêu biểu được biết đến là chân đèn và lư hương.

Thời Lê – Trịnh:

Với các làng gốm nổi danh như Thổ Hà, Bát Tràng, Hương Canh, Phù Lãng, Hiếu Lễ. Hiện vật phong phú đa dạng gồm chậu lớn, đỉnh, mô hình nhà tháp men nhiều màu, lư hương hình bông sen. Hoa văn trang trí gồm hoa sen, cúc, phù dung, các loại chim, sen vịt, sen trúc, sóng nước kết hợp với mây tản.

Thời Nguyễn:

Có đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, gốm trang trí kiến trúc, xây dựng lăng tẩm. Men rạn trắng ngà và men trắng hoa lam thời kỳ này vẫn phát triển. Bên cạnh đó có thêm men đá, trắng đục (gốm Cậy), men xanh xám, da lươn, đỏ sậm (Phù Lãng). Hoa văn trang trí chủ yếu là tứ quý.

 

 

 

Giới thiệu khái quát về ngôi chùa cổ Trấn Quốc – Hà Nội

Một góc chùa nhìn từ đường Thanh Niên

Theo các tư liệu lịch sử, chùa được xây dựng vào thời vua Lý Nam Đế (Lý Bôn hay Lý Bí 544 – 548), có tên là Khai Quốc và ở trên bãi Yên Hoa, sông Hồng.

Vào thời vua Lê Thái Tông, khoảng niên hiệu Bảo Đại (1440 – 1442), chùa được đổi tên là An Quốc.

Đến năm 1615, đời vua Lê Kính Tông, bãi sông Hồng bị lở sát  vào chùa, nhân dân phường Yên Hòa (sau này là Yên Phụ) mới dời chùa vào đảo Cá Vàng ở Hồ Tây, tức là địa điểm hiện nay.

 

Cổng Tam quan dẫn lối vào chùa

Năm 1639, đời vua Lê Thần Tông, chùa được trùng tu lớn. Theo tấm bia có bài văn của trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn năm 1639 còn ở trong chùa thì lần này “trước hết dựng hậu đường, cổng có gác, tiếp theo dựng hành lang tả hữu… Quy mô lớn, sức lực nhiều so với trước gấp trăm lần. Cách thức vững vàng, công phu đầy đủ. Huy hoàng tượng Phật, sáng ngời rường chạm cột son, rực rỡ hoa hồng, ánh chiếu khắp tòa sen, cửa biếc”.

Khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705) đời vua Lê Hy Tông, chùa lại đổi tên là Trấn Quốc.

Năm 1842, vua Thiệu Trị nhà Nguyễn tuần du ra Bắc, đổi tên chùa là Trấn Bắc, nhưng nhân dân vẫn quen gọi là Trấn Quốc.

Hiện nay, chùa có bình đồ kiến trúc hình chữ công, gồm ba nếp nhà chính là tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Gác chuông ở sau thượng điện. Nhà tổ ở bên phải và nhà bia ở bên trái.

Gian thờ chính giữa thượng điện

Kiến trúc và điêu khắc của chùa hiện nay có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Trong chùa còn lưu giữ được 14 tấm bia và nhiều tượng đẹp, đáng chú ý bức tượng Thích Ca Nhập Niết Bàn.

Bảo tháp gồm 11 tầng cao 15 m – Là biểu tượng nhìn từ phía xa của chùa Trấn Quốc

Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc đó, chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989. Chùa Trấn Quốc ngày nay không chỉ nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ mà còn là điểm thu hút khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước khi đến du lịch Hà Nội.

Chùa Kim Liên – một ngôi chùa cổ trên đất Hà thành

Chùa xưa thuộc làng cổ Nghi Tàm, ven bờ đông Hồ Tây, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, có tên chữ là “Đại Bi Tự” hay còn gọi là Hoàng Ân Tự.

Chùa được xây dựng trên di chỉ cung Từ Hoa của công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông. Theo bia “Đại Bi Tự bi ký”, chùa được khởi dựng vào thời vua Lê Nhân Tông, năm Diên Hòa thứ 5 (1539). Đến thời vua Trịnh Sâm (1760 – 1782), chùa được trùng tu và được đổi tên thành chùa Kim Liên. Sau nhiều lần tôn tạo, diện mạo như ngày nay là di sản của nghệ thuật kiến trúc thời Tây Sơn (thế kỷ 18).

 

Tam quan chùa

Quần thể kiến trúc gồm có tam quan – một dạng kiến trúc cổng cung đình độc đáo, chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng – được bố trí ba nếp theo hình chữ tam, đều được xây dựng theo kiểu chồng diềm, hai tầng mái, mỗi tầng có bốn mái, các mái đều có đầu đau cong. Chùa Hạ (Tiền đường) có 5 gian với 4 vì kèo, 4 hàng chân cột và 2 vì hồi. Chùa Trung (Chính cung) có 3 gian. Chùa Thượng (Điện thờ) gồm 5 gian.

Một góc nhìn từ phía trong ngôi chùa

Đề tài trang trí trong chùa phổ biến là hình rồng, lá thầu dầu, hoa sen v.v. Hệ thống cột của chùa đều được kê trên các bệ đá chạm hình hoa sen cách điệu. Trong chùa còn lưu giữ được nhiều tượng Phật đẹp, có giá trị nghệ thuật điêu khắc cao, nhiều hoành phi câu đối với chữ nghĩa ý tứ sâu sắc và các tấm bia cổ, trong đó tấm bia dựng năm Thái Hòa nguyên niên (1443) được coi là tấm bia cổ nhất còn giữ được trên đất Hà Thành.

Ban thờ Phật ở gian giữa chùa Hạ

Với những nét kiến trúc độc đáo và tầng lớp ý nghĩa lịch sử còn lưu giữ được cùng thời gian, hiện nay chùa Kim Liên được biết đến như một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn khi du khách ghé thăm thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Chùa Kim Liên hiện lên như một bông sen nở rộ trên mặt nước Hồ Tây.

 

Khai mạc triển lãm báu vật khảo cổ học Việt Nam tại thành phố Cheminitz – Cộng hòa Liên bang Đức

Vào lúc 18h, thứ 5 ngày 30.03.2017 Triển lãm “Báu vật Khảo cổ học Việt Nam” vừa chính thức khai mạc tại Bảo tàng Khảo cổ học Chemnitz (Staadliches Museum für Archäologie Chemnitz – SMAC). Đây là điểm thứ 2 trong chương trình hợp tác trưng bày giới thiệu lịch sử văn hóa Việt Nam tại Đức.

Bảo tàng Khảo cổ học Chemnitz

(Staadliches Museum für Archäologie Chemnitz – SMAC)

Tham dự lễ khai mạc có TS. Eva – Maria Stange – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Nghệ thuật Bang Sachsen (Đức), ông Đoàn Xuân Hưng – Đại sứ Việt Nam tại Đức, TS Nguyễn Văn Đoàn – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đại diện các đối tác phía Việt Nam; TS Josef Mühlenbrock – Giám đốc Viện bảo tàng khảo cổ LWL ở thành phố Herne đại diện đối tác Đức và chuyên gia thực thiện dự án; TS. Sabine Wolfram – Giám đốc Viện bảo tàng khảo cổ tại Chemnitz; Đông đảo bà con kiều bào Việt Nam tại thành phố Chemnitz cùng các cơ quan thông tấn, báo chí của Việt Nam và Đức…

Ban nhạc Lao Xao Trio biểu diễn trong Lễ khai mạc

 

Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc

TS. Nguyễn Văn Đoàn – Phó Giám đốc BTLSQG phát biểu trong Lễ khai mạc

Triển lãm giới thiệu gần 400 hiện vật tiêu biểu của Việt Nam. Thông qua các hiện vật khảo cổ học đã giới thiệu tới bạn bè Đức và bạn bè quốc tế nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam, từ thời Tiền sử, văn hóa Đông Sơn, thời đại Vua Hùng, đến văn hóa Champa, văn hóa Thăng Long – Đại Việt và cả thời hiện tại. Đây là những câu chuyện sinh động nhất về lịch sử Việt Nam.

Tháp đất nung thời Lý – Hiện vật của Bảo tàng LSQG trưng bày trong triển lãm

Những hiện vật được trưng bày trong triển lãm lần này giúp công chúng Đức nói riêng và công chúng Châu Âu nói chung hiểu thêm về truyền thống hào hùng và các nét văn hóa độc đáo của Việt Nam, qua đó tăng cường sự gắn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam – Đức.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Việt Nam Đoàn Xuân Hưng đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của triển lãm, đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, hợp tác đặc biệt kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt – Đức. Thông qua triển lãm này, các bạn Đức sẽ hiểu sâu hơn về lịch sử dựng nước, giữ nước lâu dài và liên tục của dân tộc Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và độc đáo.

Đại sứ Việt Nam Đoàn Xuân Hưng phát biểu trong Lễ khai mạc

Với tư cách là đại diện đơn vị đối tác, phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Nguyễn Văn Đoàn – Phó Giám đốc Bảo tàng LSQG nhấn mạnh: “ Trên cơ sở sự phối hợp và hiểu biết lẫn nhau sẽ tiếp tục mở những cơ hội hợp tác mới, qua đó mỗi nước có dịp giới thiệu, quảng bá về lịch sử văn hoá của mình. Vì vậy, chúng tôi hi vọng, tiếp theo đây sẽ là sự hợp tác, giúp đỡ trong đào tạo chuyên môn bảo tàng, bảo quản, nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, xuất bản ấn phẩm…”
Triển lãm “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” diễn ra trong thời gian từ 31/3/2017 đến 20/8/2017.

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Gốm Lý – Trần: Một ví dụ điển hình về nghệ thuật trang trí hoa văn

Gốm Lý – Trần trong dòng chảy lịch sử mỹ thuật Việt Nam

Lúc sinh thời, nhà nghiên cứu cố PGS.TS Chu Quang Trứ cho rằng: Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, nếu mỹ thuật Đông Sơn là đỉnh cao thứ nhất thuộc về người Việt cổ trước Công nguyên, thì sau cả chục thế kỷ thu mình ẩn tàng khỏi sự đồng hóa của ngoại xâm phương Bắc, mỹ thuật Lý – Trần với tính cổ điển chân chính là sự phục hưng văn hóa dân tộc, xác lập đỉnh cao thứ hai thuộc về người Việt.

Có thể nói nghệ thuật trang trí hoa văn thời kỳ này đã đạt đến đỉnh cao với việc tiếp thu và sáng tạo ra những màu men độc đáo, đa dạng về sắc màu cùng đề tài hoa văn mang đậm dấu ấn, tư tưởng của thời đại.

Thời Lý – Trần đạo Phật trở thành quốc giáo, từ nhà vua đến các quý tộc và thứ dân đều thành những người tu hành cửa Phật, khắp nơi đều xây dựng chùa tháp. Đức Phật ngồi trên tòa sen, hoa sen, hoa cúc biểu trưng cho sự thanh cao của đạo Phật. Những quan niệm và tư tưởng ấy đã thấm nhuần, ăn sâu bắt rễ trong đời sống của người dân. Và như một điều tất yếu, nghệ nhân gốm thời kỳ này đã thể hiện tư tưởng thời đại qua chính các đề tài trên sản phẩm của mình.

Hoa cúc xuất hiện cùng hoa sen như một cặp âm dương, nếu hoa sen xuất hiện từ bùn lầy và vươn lên bằng sự tỏa sáng của thái âm (mặt trăng) thì hoa cúc rực rỡ, tỏa hương thơm như vầng thái dương. Sen và cúc đã thay nhau làm điểm nhấn của mỹ thuật Lý – Trần. Hình ảnh sen, cúc trang trí trên hiện vật thời kỳ này được hiện lên với đầy đủ các bộ phận từ nhụy đến cánh, lá và có khi là cả cành hoa đều được thể hiện trên cùng một đồ án.

Dường như quá trình phát triển của bông sen từ khi còn là cái nụ nằm trong những chiếc lá non, qua giai đoạn hé nở, đến lúc mãn khai đã được tác giả phô bày qua chiếc bát men ngọc với sắc xanh mát.

Chiếc bát men ngọc thời Lý diễn tả đầy đủ quá trình phát triển của bông sen. Ảnh: Tác giả

Cái tài của nghệ nhân gốm thời kỳ này còn được thể hiện ở chỗ hoa, lá sen cũng được sử dụng trên toàn bộ sản phẩm, từ tạo dáng đến trang trí, tràn lan mà điển hình, dày đặc mà không hề nhàm chán. Vẫn một hình ảnh hoa ấy, chiếc lá ấy, nhưng được biến hóa, thay đổi đến mức mỗi sản phẩm mỗi kiểu, mỗi chi tiết mỗi khác, chỗ nào cũng tinh tế.

Ví như hai chiếc bát men ngọc trang trí đề tài hoa cúc thời kỳ này, thoạt nhìn (không chú ý đến sắc men) ta có thể thấy chúng giống nhau như một. Cùng được trang trí chính giữa là một bông cúc nhiều cánh, tiếp đến là hai bông hoa cúc nhỏ đứng cạnh nhau, xen kẽ với các cành lá, cuối cùng là hình ảnh cánh cúc được xếp thành dải đặt phía trên cùng. Quan sát kỹ hai hiện vật này, ta sẽ thấy cánh hoa cúc ở tầng thứ hai trên hiện vật bát men ngọc sắc xanh có đầu tròn hơn cánh hoa trên hiện vật bát men ngọc sắc vàng, và ngược lại thì đầu cánh hoa trên hiện vật bát sắc xanh ở tầng thứ ba lại tròn và mập hơn đầu cánh hoa trên hiện vật bát sắc vàng cùng ở tầng thứ ba.

Hai chiếc bát men ngọc cùng được trang trí đề tài hoa cúc. Ảnh: Tác giả

Như vậy, có thể khẳng định đề tài trang trí hoa văn trong mỹ thuật thời Lý – Trần không chỉ nhằm mục đích đơn thuần là vẽ các họa tiết, hoa văn lên hiện vật để cho hiện vật đẹp hơn, mà đó còn là sự kết tinh các tầng bậc ý nghĩa của thời kỳ này. Chúng gắn với cuộc sống thường ngày của con người trong việc ứng xử với cái đẹp. Chúng là những “chữ viết” chân thực về lịch sử, xã hội mang đậm dấu ấn Phật giáo đương thời, là lời nhắn nhủ, là tiếng nói của tâm hồn, là khát vọng của người dân về một xã hội thịnh vượng./

Sự ra đời của ba triều đại Ngô – Đinh – Tiền Lê

1. Triều đại nhà Ngô (939 – 965) trị vì 25 năm

Sau khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Nhà vua đã bỏ Tống Bình (Đại La), thành phố do người Trung Quốc thiết lập và lên ngôi tại Cổ Loa (kinh đô của vương quốc Âu Lạc xưa). Nhà vua mới thiết lập một triều đình nhưng còn trong tình trạng trứng nước và vương quyền cũng mới chỉ là một tước hiệu hơn là một quyền lực.

Các lực lượng tồn tại dai dẳng ở địa phương luôn có khuynh hướng chia nhỏ lãnh thổ. Ngô Quyền đã phải mất 6 năm tại ngôi để đánh bại các cuộc nổi dậy của các sứ quân; và qua đời quá sớm vào năm 944, khi ấy nền hành chính chưa thống nhất, triều đình chưa được tổ chức xong; khắp nơi trong nước các tướng lĩnh nổi dậy và giao chiến với nhau dẫn đến việc thành lập 12 sứ quân. Đất nước bị xâu xé, dân chúng khát khao hòa bình và thống nhất cần thiết cho nông nghiệp. Ý chí của quần chúng nhân dân được thể hiện nơi Đinh Bộ Lĩnh.

2. Triều đại nhà Đinh (968 – 980) trị vì 12 năm

Đinh Bộ Lĩnh là con của một thứ sử ở Hoan Châu, người Hoa Lư (Ninh Bình). Hồi nhỏ ông đã khiến các trẻ chăn trâu phải kiêng nể và tôn làm thủ lĩnh của chúng. Lũ trẻ khoanh tay làm kiệu để ông ngồi; lấy bông lau làm cờ, lấy tre làm giáo, và dưới quyền điều khiển của ông, kéo nhau đi tấn công lũ trẻ con các làng bên cạnh. Lớn lên, ông tới phục vụ cho sứ quân ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình). Thấy ông là người thông minh và dũng cảm, vị sứ quân này giao cho ông nắm giữ binh quyền. Sau khi sứ quân mất, Đinh Bộ Lĩnh đóng binh vững chắc ở Hoa Lư và lần lượt bắt các sứ quân khác phải hàng phục.

Năm 968, sau khi tái thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lấy tước hiệu là Đinh Tiên Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình).

Vào năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng đã bị một viên thư lại trong cung điện ám sát dẫn đến sự ra đời của nhà Tiền Lê.

Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) ngày nay, kinh đô xưa của hai triều đại nhà Đinh và Tiền Lê. Ảnh: Internet.

Gạch xây thành thời Đinh – Tiền Lê. Ảnh: BTLSQG

3. Triều đại nhà Tiền Lê (980 – 1009) trị vì 29 năm

Do Vệ Vương (Đinh Toàn) là con trai của vua Đinh Tiên Hoàng lúc lên ngôi mới có 6 tuổi. Nên mọi quyền hành đều nằm trong tay Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn. Nhà Tống tính lợi dụng lúc vua còn nhỏ để lập nên ách đô hộ của Trung Quốc. Nhưng khi ấy những người theo phò tá Lê Hoàn đã tôn ông lên làm vua để chống lại quân giặc. Thái hậu Dương Vân Nga thể theo nguyện vọng của các tướng sĩ đã khoác áo bào cho Lê Hoàn.

Được sự tín nhiệm của đình thần, Lê Hoàn lấy tước hiệu là vua Lê Đại Hành đã cầm quân đánh thắng quân Tống vào năm 981. Nhưng thế lực của nhà Tống vẫn còn đáng sợ nên nhà vua đã xin cầu hòa với nhà nước Khai Phong và được Khai Phong chấp nhận. Có được hòa bình với Trung Quốc, Lê Đại Hành đã tổ chức đạo quân sang đánh Chămpa. Sau khi có được sự kính nể của cả phía Bắc và phía Nam đối với Đại Cồ Việt vua Lê Đại Hành đã cho làm đường và đào kênh để phát triển giao thông và kinh tế. Theo gương các triều đại Trung Quốc, Lê Đại Hành lập lễ tịch điền bằng cách đích thân cày những luống cày đầu tiên để vỡ đất. Ông cũng là vị vua đầu tiên cho đúc tiền Thiên Phúc (trước đó nước ta đều sử dụng tiền của Trung Quốc).

Đồng tiền “Thiên Phúc Trấn Bảo”. Ảnh: BTLSQG

Ông mất vào năm 1005 sau 24 năm trị vì và củng cố nền móng Việt Nam. Năm 1009 sau khi ông mất, con ông còn nhỏ, đình thần đã tôn một vị quan cao cấp là Lý Công Uẩn lên làm vua. Nhà Tiền Lê kết thúc.

Covatvietnam.info tóm tắt