Archive | 20 Tháng tư, 2017

Một góc nhìn khác về sự thành lập vương triều Lý

Lê Long Đĩnh trên ngôi vua tỏ ra là một người độc ác, khát máu, lấy việc chém giết làm thú tiêu khiển. Vì vậy, mà phái tăng đạo mấy lâu vẫn ủng hộ nhà Lê, cũng không chịu nổi những hành động tàn bạo của Long Đĩnh – việc Long Đĩnh ngược đãi sư Quách Ngang có thể là chứng tỏ mối mâu thuẫn giữa nhà vua và phái tăng nhân đã có thái độ đối lập.

Sư Vạn Hạnh từng làm cố vấn cho Lê Hoàn, đã chán gét nhà Lê đến nỗi đặt ra câu sấm đoán trước sự diệt vong của nhà Lê và sự hưng khởi của nhà Lý để khuyên Lý Công Uẩn cướp ngôi.

Nhân lòng oán ghét của tất cả các tầng lớp xã hội đối với nhà Lê, Lý Công Uẩn là Điện tiền chỉ huy sứ trông nom quân cận vệ, quyết định thực hiện âm mưu soán đoạt. Lý Công Uẩn vốn quê ở làng Đình Bảng (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay), khi nhỏ làm con nuôi nhà sư chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Vân nên lấy họ là Lý. Công Uẩn khéo thu phục được tình cảm của tất cả quân lính ở dưới tay mình và được bọn quan liêu văn võ trong triều kính phục. Sau khi Long Đĩnh chết năm 1009 – vì nhiều bệnh tật nên Long Đĩnh chết non mới 24 tuổi – Công Uẩn âm mưu với một người bộ hạ là Đào Cam Mộc để giảng dụ bọn triều quan tôn Công Uẩn làm vua. Mọi người đều theo Cam Mộc bèn tổ chức lễ đăng cực cho Công Uẩn. Vương triều Lý được thành lập.

Theo “Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ XIX, quyển thượng, Nxb Xây dựng, 1955”.

Sự ra đời và ý nghĩa của nhà nước Âu Lạc theo Đào Duy Anh

Năm 218 TCN Doanh Chính (tức Tần Thủy Hoàng) phát 50 vạn quân đi xâm lược Bách Việt. Trong vòng 3 năm quân Tần đã chinh phục được cả các nhóm Đông Việt, Mân Việt, Nam Việt và các bộ lạc phía Bắc Quảng Tây. Nhưng khi tiến vào Lạc Việt thì vấp phải một cuộc kháng chiến kịch liệt của người Lạc Việt.

Các bộ Lạc Việt dưới sự hiệu triệu của Lạc vương, đã họp hội nghị để bàn kế đối phó và cử Thục Phán làm lãnh tụ quân sự để kháng chiến. Khi quân Tần đóng đô ở miền “đất không người” đã chán nản mỏi mệt, khổ vì thiếu lương thực và khí hậu độc địa, thì người Lạc Việt do Thục Phán lãnh đạo mới bắt đầu dùng cách du kích để quấy rối, cứ ban ngày thì lấp ở trong rừng không chịu gặp địch, ban đêm chia nhau từng tốp kéo ra đánh phá, giết hại quân Tần. Bị tổn hại rất nhiều cuối cùng đến năm 208 nhà Tần thất bại.

Trong cuộc kháng chiến lâu dài ấy, Thục Phán đã củng cố sự đoàn kết giữa các bộ lạc Lạc Việt và các bộ lạc Tây Âu đồng minh, thành một cuộc liên minh quân sự rộng lớn. Thục Phán đã tổ chức được một đội quân đặc biệt, do đó mà gây thêm lực lượng và quyền uy của mình trong cuộc liên minh. Sau khi kháng chiến thắng lợi Thục Phán được tất cả các tù trưởng phục tùng, đã thừa thế mà lấn át quyền uy của Lạc vương, nắm lấy trong tay cả quyền lãnh tụ quân sự và quyền lãnh tụ chính trị. Có đủ điều kiện xây dựng một nước, Thục Phán đã họp các bộ lạc Tây Âu đồng minh và các bộ lạc Lạc Việt mà dựng thành nước Âu Lạc.

Thục Phán xưng vương lấy niên hiệu là An Dương Vương dựng đô ở Loa thành (nay thuộc Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội).

Xã hội Âu Lạc vẫn còn ở giai đoạn tan rã của chế độ công xã nguyên thủy với chế độ nô lệ mới nảy nở theo hình thức nô lệ chế gia trưởng. Nhưng sự thành lập nước Âu Lạc là một bước rất quan trọng trong lịch trình phát triển của xã hội. Một mặt khác, sự thành lập nước Âu Lạc đã chứng tỏ rằng trong khoảng các bộ lạc đương đi vào chế độ nô lệ và tập hợp thành nước Âu Lạc đã nảy nở mầm mống đầu tiên của ý thức dân tộc mà sau này dưới áp bức của ngoại quốc trong hơn mười thế kỷ không thể đè bẹp được nữa.