- Sản xuất nông nghiệp
Văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa vật chất của cư dân Việt cổ tồn tại dưới thời đại các vua Hùng, cư dân Đông Sơn làm nông nghiệp lúa nước, trình độ canh tác phát triển cao. Thời kì này nông nghiệp phát triển dựa vào điều kiện tự nhiên rất thuận lợi: khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, hệ thống sông ngòi dày đặc cung cấp nước tưới cho cây trồng, đồng bằng được bồi đắp bởi phù sa. Sách “Giao châu ngoại vực ký” thế kỉ IV, được dẫn lại trong “Thủy Kinh Chú” của Lịch Đạo Nguyên có đoạn trích: “Ngày xưa lúc Giao Chỉ chưa có quận huyện, đất đai có lạc điền, ruộng này theo thủy triều lên xuống. Dân khẩn ruộng ấy mà ăn nên gọi là Lạc Dân, đặt Lạc Vương, Lạc Hầu làm chủ các quận huyện”.
Cư dân Đông Sơn xưa còn trồng các cây rau củ, cây ăn quả; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nghề đánh bắt thủy hải sản; hái lượm và săn bắn thú rừng cũng rất phát triển, do công nghệ đúc đồng đã đạt tới trình độ đỉnh cao nên người Đông Sơn đã chế tác ra được nhiều công cụ lao động, vũ khí bằng đồng sử dụng vào sản xuất làm tăng năng suất lao động.
Thời gian vừa qua nghành khảo cổ học đã phát hiện hàng trăm di chỉ và khai quật được hàng vạn công cụ lao động trên khắp địa bàn phân bố của nền văn hóa Đông Sơn. Có thể nói việc sử dụng một cách rộng rãi công cụ lao động bằng đồng và sức kéo của trâu, bò đã tạo ra một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, năng suất lao động được nâng cao, sản phẩm dư thừa nhiều, đó là yếu tố hàng đầu quyết định đến sự ra đời của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc dưới thời đại các vua Hùng.
Lương thực chính của cư dân Việt cổ xưa kia là gạo tẻ (họ ăn gạo tẻ trong các bữa ăn hàng ngày), ngoài ra họ còn ăn gạo nếp, và các loại thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên như rau, củ quả. Thức ăn được nấu chín bằng lửa, ngay từ xa xưa họ đã biết dùng gia vị có nguồn gốc thực vật, biết nấu rượu… điều này đã được nói trong các thư tịch cổ như: Dị vật chí, Giao Châu ký, Nam phương thảo mộc trạng, Thủy Kinh chú, Lĩnh Nam chích quái.
- Thủ công nghiệp
Nông nghiệp phát triển, tạo điều kiện cho thủ công nghiệp có điều kiện phát triển tạo ra bước đột phá đó là kỹ thuật luyện kim, đúc đồng chế tác công cụ lao động, vũ khí phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Nghề sản xuất đồ gốm không được quan tâm phát triển như trước nhiều, chất liệu gốm chủ yếu là đất sét pha cát nên xương gốm thô, thậm chí hiện vật còn méo mó, hoa văn trang trí đơn giản chiếm tỷ lệ lớn là hoa văn thừng, văn chải, loại hình chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt có kích thước nhỏ.
Người Đông Sơn cũng đã biết đến công nghệ chế tác đồ trang sức bằng thủy tinh (sự giao thoa với văn hóa Sa Huỳnh), nhưng hiện vật bằng thủy tinh do người Đông Sơn chế tác thô hơn. Bên cạnh đó họ còn chế tác những chuỗi hạt bằng nhuyễn thể như ốc, xương…
Phát hiện nhiều dụng cụ sử dụng trong nghề mộc như: dùi, đục điều này chứng tỏ người Đông Sơn cũng đã biết sử dụng những vật liệu tự nhiên để làm nhà ở. Cư dân Đông Sơn làm nhà sàn để ở chống thú dữ, và đối phó với môi trường khắc nhiệt (mẫu nhà sàn được đúc nổi trên trống đồng, những cột gỗ dựng nhà được phát hiện trong các cuộc khai quật của L.Pajot).
Nghề xe sợi dệt vải cũng khá phát triển (công cụ được tìm thấy là chuốt vải với số lượng lớn, ngoài ra còn tìm thấy vải trong các ngôi mộ cổ), nguyên liệu chính để dệt vải là cây gai, đay. Khai quật những ngôi mộ cổ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những mẩu vải sót lại của quần áo, đem phân tích thì tìm thấy thành phần của cây gai.
Những họa tiết trang trí trên đồ gốm và đồ đồng (hoa văn hình đan trên gốm) cùng nhiều tư liệu khoa học đã cho chúng ta biết vào thời kỳ này con người còn biết lấy tre nứa để đan những đồ dùng sinh hoạt, trồng cói đan chiếu (trong một số một táng còn phát hiện dấu vết của những mảnh chiếu còn sót lại để bọc tử thi, những họa tiết trang trí trên gốm). Nghề chế tác đá không còn được quan tâm nhiều như trước đây, số lượng công cụ bằng đá chiếm tỷ lệ rất thấp so với đồ đồng.
- Nhà ở, giao thông đi lại
Cư dân Đông Sơn thường sống quần tụ thành những xóm làng với quy mô nhỏ, phân bố không đồng đều. Họ sống ven các con sông, điều này rất thuận tiện cho nền nông nghiệp lúa nước, sinh hoạt và giao thông đi lại (sử dụng thuyền). Nhà sàn được dựng bằng những vật liệu gần gũi với thiên nhiên như: gỗ, tre, nứa, lá. Vết tích nhà sàn còn được khắc họa trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà. Có 2 loại nhà sàn chính đó là nhà mái cong và mái tròn, nhà sàn mái cong hình thuyền, 2 đầu vểnh lên trang trí hình đầu chim. Mái nhà hình thang cân lợp lá, nhà hình tròn 2 đầu trang trí hoa văn hình xoắn ốc.
Phương tiện giao thông chủ yếu của cư dân Đông Sơn là thuyền bè, vì họ thường sống ven các con sông lớn, ngoài ra thuyền còn là phương tiện sử dụng để đi biển (bằng chứng là sự giao thoa văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh và phía Nam Trung Hoa), hình ảnh những con thuyền lớn được đúc nổi trên trống hay thạp đồng, đã chứng minh cho điều đó. Khảo cổ học phát hiện những ngôi mộ thuyền được làm bằng thân cây khoét rỗng bên trong chôn người chết và những đồ tùy táng bằng đồng, loại hình mộ này thường tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng chiêm trũng ở Hải Dương, Hà Tây, Hải Phòng….
- Trang phục
Trang phục của người Đông Sơn cũng hết sức độc đáo đàn ông cởi trần đóng khố, đàn bà mặc yếm, áo, váy (hai loại cơ bản là váy quấn và váy chui). Tóc để theo các kiểu cắt ngắn, búi tó, tết bím, hoặc quấn ngược lên đỉnh đầu (điều này được thể hiện bằng hình ảnh cập đôi nam nữ đang giao phối trên thạp đồng Đào Thịnh, hình trang trí trên trống đồng, dao găm có chuôi trang trí người phụ nữ). Đầu đội mũ lông chim (hiện vật bao đầu bằng đồng khá phổ biến, có trang trí hoa văn). Tai đeo khuyên tai bằng đồng, thủy tinh, đá. Cổ đeo những chuỗi hạt bằng thủy tinh nhiều màu sắc như xanh, đỏ, vàng, ngoài ra còn có vòng đeo tay chất liệu bằng đá, vòng trang sức bằng đồng. Tay đeo nhẫn, vòng tay chất liệu đồng hoặc đá, bao tay bằng đồng, thắt lưng có móc hình rùa, chim. Chân đeo vòng, bao chân có gắn lục lạc để khi nhảy múa phát ra âm thanh, những chiếc vòng như vậy thường được sử dụng trong các lễ hội của cư dân nông nghiệp lúa nước, hoặc được tầng lớp trên trong xã hội sử dụng.