Archive | 9 Tháng ba, 2017

Bàn thêm về sự khác nhau giữa gốm Lý và gốm Trần

1. Xương gốm
Xương gốm thời Lý thường trắng và mịn. Còn xương gốm thời Trần có màu đặc trưng là màu khoai sọ.
Nguyên nhân của sự khác biệt này đó là do xương gốm thời Lý được ủ lâu hơn, hàm lượng ô xít sắt ít. Thời Lý là thời kỳ đầu đất nước độc lập tự chủ, dân số ít, chính vì vậy các sản phẩm đồ gia dụng được sản xuất ra với số lượng vừa phải và được chau chuốt, tỷ mỷ trong khâu sản xuất cả trong việc ủ đất và trang trí hoa văn.

Sang thời Trần, dân số tăng nhanh, nhu cầu sử dụng đồ dùng cũng theo đó mà tăng lên. Và một điều hiển nhiên là khi sản xuất với số lượng nhiều thì thời gian ủ xương gốm sẽ được rút ngắn, các sản phẩm sẽ không được tạo hình và trang trí tỉ mỉ như trước nữa. Do thời gian ủ xương gốm bị rút ngắn dẫn đến các ô xít sắt trong xương gốm còn nhiều, khi nung ở nhiệt độ cao, các phản ứng hóa học xảy ra ở bên trong lớp men dẫn đến hiện tượng phồng rộp ở nhiều sản phẩm thời kỳ này.
2. Đáy
Khi quan sát đáy của hai sản phẩm gốm thời kỳ này ta thấy có sự khác biệt rõ ràng. Đáy của gốm thời Lý thường có màu trắng sáng giống như xương gốm và được cắt vét rất tỉ mỉ.

 Đáy bát hiện vật gốm thời Lý có màu trắng sáng và được cắt vét tỉ mỉ

Còn thời Trần do sản xuất với số lượng nhiều nên đáy các hiện vật thường không được chau chuốt,tỉ mỉ như thời Lý.


Đáy các hiện vật bát thời Trần được làm thô và dày hơn

Gốm hoa nâu thời Trần với cách vẽ màu nâu dưới men

Gốm hoa nâu là dòng gốm cổ Duy nhất chỉ có tại Việt Nam.

Gốm hoa nâu đã được các học giả trong và ngoài nước đánh giá là dòng gốm cổ duy nhất chỉ có tại Việt Nam. Gốm hoa nâu xuất hiện từ cuối thế kỷ XII (thời Lý) nhưng phát triển rực rỡ nhất vào thế kỷ XIII – XIV (thời Trần).

Đa số gốm hoa nâu thời Trần được tạo bằng kỹ thuật cạo xương gốm khi mới phủ men nền để tạo đồ án trang trí. Sau đó người thợ dùng bút lông vẽ hoa văn màu nâu trên phần đã được cạo. Men phủ trên nền gốm trắng ngà thường bị rạn hay nứt tạo thành những mảng vân rạn tự nhiên. Điều này làm cho hiện vật trở lên độc đáo và có tính thẩm mỹ cao.

Thạp gốm hoa nâu được tìm thấy ở Thanh Hóa

     Thạp gốm hoa nâu thời Trần

Thạp gốm hoa nâu được trang trí bằng phương pháp cạo men rồi tô nâu

Tuy nhiên, ngoài cách trang trí phổ biến là cạo men rồi tô nâu nói trên. Gốm hoa nâu thời Trần còn có cách trang trí khác là vẽ hoa văn màu nâu dưới men.


Chum gốm hoa nâu được trang trí bằng phương pháp vẽ màu nâu dưới men

Lượng màu nâu được vẽ bằng bút lông, loãng và mỏng trên chum đã tạo ra độ đậm nhạt khác nhau, khi sờ vào khoảng trang trí màu nâu này ta thấy trơn và nhẵn bóng, nhất là khi đưa ra ánh sáng ta sẽ thấy điều này được khẳng định rõ ràng hơn. Hiện tượng này rất ít gặp nhưng đã cho chúng ta biết được rằng các nghệ nhân lúc này đang muốn tìm một phương pháp trang trí khác trong việc trang trí để tạo hiệu quả mới tốt hơn trong sản xuất gốm, tạo tiền đề cho sự ra đời dòng gốm hoa lam nổi tiếng thời Lê sơ sau đó.