Archive | Tháng ba 2017

Gốm Lý – Trần trong bối cảnh lịch sử

Trong tiến trình lịch sử suốt hơn 4000 năm tồn tại và phát triển, đất nước Việt Nam từng bước, từng bước đi lên và phát triển cho đến ngày nay. Bề dày lịch sử suốt mấy ngàn năm khiến những giá trị văn hóa từng sáng chói một thời nay như lớp trầm tích lắng đọng bởi thời gian. Suốt ngần ấy năm lịch sử, gốm sứ vẫn tồn tại, phát triển và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, nhưng hiếm ai còn nhớ đến thời kỳ vàng son của loại hình nghệ thuật này.

Không ồn ào như các loại hình diễn xướng, gốm sứ bình bình lặng lặng trải qua biết bao thăng trầm, ghi dấu trên thân mình những dấu vết khắc nghiệt của thời gian. Và nói đến gốm sứ không thể không nói đến gốm Lý – Trần: Đỉnh cao gốm Đại Việt.

Bối cảnh lịch sử

Thời Lý – Trần là thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất ở Việt Nam với nhiều thành tựu cả về kinh tế – chính trị – xã hội – văn hóa – giáo dục và ngoại giao – quốc phòng. Mặc dù là 2 triều đại, nhưng đặc trưng của thời Lý – Trần là sự chuyển giao quyền lực rất nhẹ nhàng, không gây ra nhiều tranh chấp hay biến động to lớn nào cho đất nước. Vì vậy, 2 triều đại này có sự giao thoa đặc biệt về văn hóa, là sự thống nhất và phát triển văn hóa của hai thời kỳ lịch sử từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV.

Cùng với sự lớn mạnh về chính trị và kinh tế, các vương triều Lý – Trần đã chứng kiến một sự phát triển rực rỡ về văn hóa. Đây là giai đoạn thịnh đạt của nền văn hóa Đại Việt, như Lê Quý Đôn đã nhận định: “Nước Nam ở hai triều Lý, Trần nổi tiếng là văn minh”.

Đây là những thế kỷ phục hưng của nền văn hóa Việt cổ bản địa (văn minh Văn Lang – Âu Lạc) trên nền tảng của sự khôi phục độc lập dân tộc và sự giữ vững chủ quyền quốc gia qua những cuộc kháng chiến của Đại Việt chống Tống, Nguyên thắng lợi. Vị thế độc lập chính trị dẫn đến ý thức độc lập về văn hóa “Nam – Bắc đều chủ nước mình, không phải noi nhau (lời Trần Nghệ Tông). Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tìm về cội nguồn đã thấm đậm trong môi trường văn hóa Lý – Trần.

 

Công cụ sản xuất gốm thời Lý – Trần

Trong việc sản xuất gốm, phương tiện và công cụ vô cùng quan trọng, nó quyết định chất lượng sản phẩm gốm, ngoài ra còn phản ánh trình độ kỹ thuật của mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Thời kỳ Lý – Trần trong lòng các hiện vật thường có 4 – 5 dấu chân con kê. Từ những đặc điểm này chúng ta có thể tìm ra công cụ sản xuất gốm thời kỳ này bao gồm:

Con kê: từ dùng để chỉ những dụng cụ chống dính giữa các sản phẩm được sản xuất hàng loạt. Con kê có nhiều loại: con kê hình vành khăn, hình nón cụt, hình đĩa có đường kính từ 4,5 cm đến 6,5 cm. Con kê được làm bằng đất sét hoặc cao lanh đều có hình tròn hay hình chữ nhật và được sử dụng nhiều lần.

Hiện vật đĩa trong lòng có 4 dấu chân con kê

Bao nung (bao thơi) là phương tiện bảo vệ cho những sản phẩm gốm trong quá trình nung, không làm cho men hiện vật này khuếch tán ra ngoài và bụi lò bám vào hiện vật trong quá trình nung. Bao nung còn làm nhiệm vụ dàn đều nhiệt trên sản phẩm, ngoài ra nó còn làm giá đỡ để chồng lên nhiều sản phẩm trong một mẻ nung nhằm tận dụng không gian trong lò [14, tr.17].

Bàn xoay là phương tiện chủ chốt giúp người thợ làm chuẩn được hình dáng của sản phẩm nhất là những sản phẩm lớn vì đã số những sản phẩm đều có hình tròn từ bát, đĩa, âu, ang, thạp, tước, vò v.v..

Khuân in hoa văn thường được tạo hình tam giác hoặc đầu tròn tù, có đường nét hoa văn chìm hoặc nổi. Ngoài những phương tiện sản xuất trên công cụ sản xuất gốm thời kỳ này còn có màu nước, bút lông (hiện vật chum hoa nâu men bóng) hoặc khuân nhỏ để tạo những chi tiết hay đường nét hoa văn trên sản phẩm.

Hoa văn trong lòng bát được tạo bằng khuân in

Sơ lược tiến trình lịch sử Việt Nam

1. Thời tiền sử

1.1. Thời đại đồ đá cũ

Sơ kỳ thời đại đồ đá cũ

+ Thời gian: 400.000 – 300.000 năm cách ngày nay

+ Di chỉ, di tích, nền văn hóa tiêu biểu: Núi Đọ (Thanh Hóa), hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn), hang Hùm (Yên Bái).

+ Di vật tiêu biểu: Công cụ chặt thô, rìu tay, mảnh tước, răng vượn người, xương động vật hóa thạch.

Hậu kỳ thời đại đồ đá cũ

+ Thời gian: 30.000 – 15.000 năm cách ngày nay

+ Di chỉ, di tích, nền văn hóa tiêu biểu: Thần Sa (Thái Nguyên), Sơn Vi (Phú Thọ).

+ Di vật tiêu biểu: Mảnh tước có tu chỉnh, công cụ chặt thô hình múi bưởi, công cụ ¼ hòn cuội.

1.2. Thời đại đồ đá mới

Sơ kỳ thời đại đồ đá mới

+ Thời gian: 15.000 – 10.000 năm cách ngày nay

+ Di chỉ, di tích, nền văn hóa tiêu biểu: Hòa Bình (Hòa Bình và các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa), Bắc Sơn (các tỉnh vùng núi đá vôi Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên), Quỳnh Văn (Nghệ An), Đa Bút (Thanh Hóa), Cái Bèo (Hải Phòng), Bàu Dũ (Quảng Nam).

+ Di vật tiêu biểu: Rìu tay, công cụ hình đĩa, hình hạnh nhân, xuất hiện rìu mài lưỡi và buộc ghép cán.

* Đồ gốm và nền nông nghiệp sơ khai được xem là xuất hiện trong văn hóa Hòa Bình?

* Văn hóa Bắc Sơn đã tìm thấy bàn mài, bàn nghiền, chày, công cụ đá cuội có hai rãnh song song.

Hậu kỳ thời đại đồ đá mới

+ Thời gian: 10.000 – 5.000 năm cách ngày nay

+ Di chỉ, di tích, nền văn hóa tiêu biểu: Hà Giang, Mai Pha (Lạng Sơn), Hạ Long (Quảng Ninh), Bàu Tró (Quảng Bình).

+ Di vật tiêu biểu: Rìu tứ giác, rìu có vai, khuyên tai, vòng tay, đồ đựng bằng gốm?

2. Thời sơ sử (Thời kỳ dựng nước đầu tiên)

Văn hóa Phùng Nguyên

+ Thời gian: 4.000 năm cách ngày nay

+ Phát hiện năm: 1959

+ Địa bàn phân bố: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội

+ Di vật tiêu biểu: Đục, mũi khoan, cưa, khuyên tai, nhẫn, vòng đeo tay, chuỗi hạt (đá), dọi xe chỉ, hũ, bình (gốm), cục đồng và gỉ đồng.

Văn hóa Phùng Nguyên là thời kỳ công nghệ chế tác đá đạt tới đỉnh cao, đồ gốm đã biết sử dụng bàn xoay, nghề luyện kim, nghề dệt bắt đầu xuất hiện?

Văn hóa Đồng Đậu

+ Thời gian: 4.000 – 3000 năm cách ngày nay

+ Phát hiện năm: 1962 tại xã Minh Tân, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc

+ Địa bàn phân bố: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội

+ Di vật tiêu biểu: Mũi lao, mũi giáo, lưỡi câu, xỉ đồng, mảnh khuân đúc rìu, trống đồng?, trang sức, công cụ lao động bằng đá, đồ gốm?

Văn hóa Gò Mun

+ Thời gian: 4.000 – 3000 năm cách ngày nay

+ Phát hiện năm: 1961 tại xã Tứ Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ

+ Địa bàn phân bố: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội

+ Di vật tiêu biểu: Đồ trang sức, rìu tứ giác, khuân đúc đồng, chì lưới (đá), rìu lưỡi xéo, đục, lao, lưỡi câu (đồng), đồ gốm có màu xám đen và đỏ nhạt?

Văn hóa Đông Sơn

+ Thời gian: 2.500 – 2000 năm cách ngày nay

+ Phát hiện năm: 1924 tại Thanh Hóa

+ Địa bàn phân bố: Rộng từ biên giới phía Bắc cho tới Đèo Ngang (Quảng Bình), nhưng tập trung chủ yếu ở lưu vực ba con sông lớn là sông Hồng, sông Mã và sông Cả.

+ Di vật tiêu biểu:

. Công cụ lao động sản xuất: Lưỡi cày, lưỡi cuốc, mai, thuổng, rìu, lưỡi câu,

. Đồ dùng sinh hoạt: Thạp, thố, chum, chậu, khay, đĩa, chậu, âu, muôi,

. Vũ khí: Mũi lao, mũi giáo, hộ tâm phiến, dao găm,

. Đồ trang sức: Vòng, khuyên tai, chuỗi hạt, trâm, khóa thắt lưng, gương,

. Đồ tùy táng: Trống, thạp, thố minh khí, muôi

. Đồ gốm: Chum, bình, hũ, nồi, bát, chân đèn,

Văn hóa Sa Huỳnh

+ Thời gian: 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay

+ Phát hiện năm: 1906 tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi

+ Địa bàn phân bố: Dọc các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ từ Quảng Bình đến Đồng Nai và một số đảo như Lý Sơn, Côn Đảo, Thổ Chu.

+ Di vật tiêu biểu: Chum, nồi, bình, bát, khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, chuỗi hạt.

Văn hóa Óc Eo

+ Thời gian: 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay

+ Phát hiện năm: 1942 tại gò Óc Eo (An Giang)

+ Địa bàn phân bố: Khắp vùng đồng bằng Nam Bộ

+ Di vật tiêu biểu: Mảnh gốm, chum, vò, hũ, bình, một số đồ trang sức.

* Văn hóa Đông Sơn là cơ sở để hình thành nhà nước Văn Lang – Âu Lạc ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh là cơ sở để hình thành nhà nước Lâm Ấp – Chăm Pa ở miền Trung và văn hóa Óc Eo là cơ sở hình thành của nhà nước Phù Nam ở miền Nam.

3. Mười thế kỷ đầu công nguyên (Thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc)

  • Bắc thuộc lần thứ nhất (207 TCN – 39)
  • Bắc thuộc lần thứ 2 (43 – 542)
  • Bắc thuộc lần thứ 3 (603 – 939)
  • Các cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc

+ Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 – 43)

+ Khởi nghĩa Bà Triệu (248)

+ Khởi nghĩa Lý Bí (542)

+ Khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722)

+ Khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ (905)

+ Chiến thắng Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng (938)

4. Thời kỳ phong kiến Việt Nam

– Nhà Ngô (938 – 965), kinh đô Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội)
– Nhà Đinh (968 – 980), quốc hiệu Đại Cồ Việt, kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình)
– Nhà Tiền Lê (980 – 1009), quốc hiệu Đại Cồ Việt, kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình)
– Nhà Lý (1009 – 1225), quốc hiệu Đại Việt, kinh đô Thăng Long (Hà Nội)
– Nhà Trần (1225 – 1400), quốc hiệu Đại Việt, kinh đô Thăng Long (Hà Nội)
– Nhà Hồ (1400 – 1407), quốc hiệu Đại Ngu, kinh đô Tây Đô (Thanh Hóa)
– Nhà Lê sơ (1428 – 1527), quốc hiệu Đại Việt, kinh đô Đông Kinh, Thăng Long, Hà Nội
– Nhà Mạc (1527 – 1592), quốc hiệu Đại Việt, kinh đô Đông Kinh (Hà Nội)
– Lê Trung Hưng (1533 – 1789), quốc hiệu Đại Việt, kinh đô Thăng Long (Hà Nội)
– Tây Sơn (1776 – 1802), quốc hiệu Đại Việt, kinh đô Phú Xuân (Huế)
– Nhà Nguyễn (1802 – 1945), quốc hiệu Đại Nam, kinh đô Phú Xuân (Huế)

5.Thời cận đại

– Quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858 – 1884)
– Thời kỳ Pháp thuộc (1884 – 1945)

6. Thời hiện đại 
– Kháng chiến chống Pháp (1945 -1954)
– Kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975)
– Xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975 đến nay)

 

Một số hoa văn tiêu biểu xuất hiện trên đồ đồng trong văn hóa Đông Sơn

Hoa văn vòng tròn là loại hoa văn có tần suất xuất hiện lớn nhất trên đồ đồng Đông Sơn, các vòng tròn thường có đường kính trung bình 2cm và được khắc nổi, chúng đối xứng nhau  tạo thành băng, cùng kích thước và dãn cách khá nhau, các biến thể của loại mô típ này, các vòng tròn có dấu chấm giữa.

Hai vòng tròn đơn nối với nhau bằng một đoạn thẳng ngắn theo chiều xiên chéo (vòng tròn tiếp tuyến). Loại mô típ hoa văn trang trí này xuất hiện trên đồ gốm Phùng Nguyên và tiếp diễn cho tới văn hóa đồ đồng Đông Sơn.

Hoa văn hình tam giác được tạo bởi 3 đoạn thẳng khép kín hình tam giác, mà cạnh đáy nằm ở phía các đường chỉ ngăn cách các vòng hoa văn, hai cạnh bên được tạo bởi cạnh chéo liên hoàn, tạo ra những hình tam giác đồng dạng (hoa văn răng cưa). Hoa văn hình lông công trang trí xen giữa các cánh sao ở mặt hoặc trống đồng, thạp đồng, chậu trống.

Hoa văn hình trâm được tạo bởi những đường cong giống hình trâm cài tóc, biến thể của nó là hình chữ nhật hai đầu nhọn. Mô típ hoa văn này xuất hiện vào thời Đông Sơn muộn.

Hồi văn được tạo bởi những đoạn thẳng gấp khúc thành hình chữ nhật không khép kín, hoa văn chấm giải được tạo bởi những đường chấm đều nhau, chạy theo giải nằm ở giữa đường chỉ nổi,, thường làm nền cho những loại hoa văn khác.

Hoa văn tả thực mô tả thế giới hiện thực ( con người, cây cỏ, con vật, đồ vật, đồ vật có trong thế giới tự nhiên), đây là loại hoa văn khá phổ biến và tinh tế thường gặp trên đồ đồng Đông Sơn, hoa văn hình ở gia đoạn Đông Sơn muộn đa phần được cách điệu, giản lược có lúc chỉ là hoa văn cờ bay nhưng con người luôn đặt ở vị trí trung tâm nhất.

  • Hình người có hóa trang lông chim hoặc không hóa trang
  • Hình người có vũ khí, hoặc không cầm vũ khí
  • Hình người trên mặt đất, trên thuyền hoặc trên cạnh nhà, hình người trên thuyền khá đặc trưng và đều được thể hiện ở tư thế động.
  • Hình người nhảy múa hoặc đang lao động

Hoa văn hình mặt trời: được đúc nổi giữa mặt trống, thạp, xung quanh có các tia nhỏ, vào giai đoạn Đông Sơn muộn thường có hoa văn hình học xen giữa. Hoa văn hình nhà đó là hình ảnh nhà sàn, có cầu thang, mái cong.

Hoa văn hình chim lạc: thường được đúc nổi ở phần mặt trống đồng, đây là loại chim mỏ dài, đuôi dài, cánh rộng, chân cao, và bay ngược chiều kim đồng hồ, chim được đúc trong tư thế động. Hoa văn hình thuyền đúc nổi hình thuyền lớn có nhiều mái chèo, trên thuyền có người điều khiển, ngoài ra còn có hình ảnh của động vật, vũ khí…

Các văn bản pháp luật liên quan đến cổ vật và cổ vật tư nhân

Văn bản pháp luật liên quan đến cổ vật được ban hành khá nhiều. Dưới đây tôi lược dẫn các văn bản Luật liên quan đến quản lý cố vật và cổ vật tư nhân từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay:

1. SẮC LỆNH CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI SỐ 65 NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 1945

Điều thứ tư: Cấm phá huỷ những đình chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành, quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá huỷ những bi ký, đồ vật, chiểu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính sách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn.

2. NGHỊ ĐỊNH SỐ 519/TTG, NGÀY 29 THÁNG 10 NĂM 1957 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH THỂ LỆ VỀ BẢO TỒN CỔ TÍCH

Điều 1: Tất cả những bất động sản và động sản có một giá trị lịch sử, hay nghệ thuật (kể cả bất động sản và động sản còn nằm ở dưới đất hay dưới nước và những danh lam thắng cảnh (danh thắng) ở trên lãnh thổ nước Việt Nam bất cứ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, một đơn vị hành chính, một cơ quan, một đoàn thể, hoặc một tư nhân, từ nay đều đặt dưới chế độ bảo vệ của Nhà nước quy định trong Nghị định này.

Điều 8: Nếu bất động sản hoặc động sản liệt hạng là của tư (cá nhân hay tập thể), thì người chủ có quyền nhượng bán, trao đổi hoặc truyền lại cho con cháu khi chia gia tài bất động sản hay động sản ấy. Khi nhượng bán, đổi chác hoặc chia gia tài động sản hay bất động sản liệt hạng, thì người chủ phải tuân theo những điều quy định sau đây:

Phải báo trước cho Uỷ ban hành chính xã hoặc khu phố biết ý định muốn nhượng bán, đổi chác hoặc chia gia tài. Chính quyền xã hoặc khu phố báo ngay cho Sở hoặc Ty Văn hóa biết để nếu cần thì đề nghị Bộ Văn hóa sử dụng kịp thời quyền mua ưu tiên.

Phải dành quyền ưu tiên cho Chính phủ, kể cả trường hợp bán đấu giá trong việc chia gia tài.

Phải nói cho người chủ mới biết rõ là bất động sản hay động sản của mình đã được liệt hạng để người chủ mới tiếp tục chấp hành các thể lệ về liệt hạng.

Sau khi nhượng bán, đổi chác hoặc phân chia xong, chậm nhất trong hạn mười lăm ngày, phải báo cáo cho Uỷ ban hành chính xã hoặc khu phố biết để trình cơ quan phụ trách đăng ký liệt hạng sang tên cho chủ mới.

3. PHÁP LỆNH 14 LCT/HĐNN, NGÀY 04/04/1984 VỀ BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH

Điều 3: Di tích lịch sử, văn hóa thuộc sở hữu tập thể hoặc cá nhân được Nhà nước bảo hộ.

Nhà nước hướng dẫn, giúp đỡ tập thể hoặc cá nhân là chủ sở hữu trong việc bảo quản và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa của mình.

Việc ký gửi, tặng di tích lịch sử, văn hóa thuộc sở hữu tập thể hoặc cá nhân cho Nhà nước được khuyến khích.

Khi chuyển quyền sở hữu di tích lịch sử, văn hóa thuộc sở hữu tập thể hoặc cá nhân, người chủ phải báo trước cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn biết; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải báo kịp thời với Sở văn hóa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương.

Trong trường hợp người chủ muốn bán di tích lịch sử, văn hóa thuộc sở hữu của mình thì Nhà nước được quyền mua ưu tiên.

Điều 4: Nghiêm cấm việc làm hư hại, tiêu huỷ, chiếm giữ trái phép di tích lịch sử, văn hóa hoặc danh lam, thắng cảnh.

Nghiêm cấm việc trao đổi, mua bán trái phép di tích lịch sử, văn hóa.

Điều 22: Người sưu tập di tích lịch sử, văn hóa phải có giấy phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa.

4. LUẬT DI SẢN VĂN HÓA 2001 VÀ VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH

Điều 14. Tổ chức, cá nhân có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

  1. Sở hữu hợp pháp di sản văn hóa;
  2. Tham quan, nghiên cứu di sản văn hóa;
  3. Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
  4. Thông báo kịp thời địa điểm phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất;
  5. Ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa.

Điều 22. Mua bán, bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia.

Bảo vật quốc gia do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp phải được ưu tiên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp nhận và bảo vệ, bảo quản tại các bảo tàng nhà nước, ngân hàng nhà nước hoặc kho bạc nhà nước với trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật bảo đảm an toàn.

Trong trường hợp bảo vật quốc gia được bán đấu giá thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.

Nhà nước bảo đảm kinh phí cho việc mua, bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia.

Điều 23. Đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

  1. Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin có trách nhiệm tổ chức đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong phạm vi địa phương mình.
  2. Chủ sở hữu bảo vật quốc gia phải làm thủ tục đăng ký với Sở Văn hóa – Thông tin địa phương nơi mình cư trú. Trong trường hợp thay đổi chủ sở hữu bảo vật quốc gia thì trong thời hạn 15ngày kể từ ngày thay đổi chủ sở hữu, chủ sở hữu cũ phải thông báo cho sở Văn hóa – Thông tin nơi đăng ký bảo vật quốc gia về họ, tên, địa chỉ chủ sở hữu mới.

Sau khi đăng ký bảo vật quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa – thông tin phải kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin.

  1. Quyền của chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã được đăng ký:
  2. Được cấp Giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
  3. Được cơ quan chuyên môn của Nhà nước thẩm định miễn phí;
  4. Được hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu của mình;
  5. Được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy giá trị của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
  6. Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin quy định trình tự chủ tục đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Chương V. VIỆC MUA BÁN DI VẬT, CỔ VẬT, BẢO VẬT QUỐC GIA

Điều 28Quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

  1. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán di vật, cổ vật bảo vật quốc gia.

Việc kinh doanh di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp, các luật thuế, Luật Di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan.

  1. Nhà nước bảo hộ việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đối với những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã được đăng ký theo quy định của Luật Di sản văn hóa; tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã đăng ký và đăng ký đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mua bán có nguồn gốc hợp pháp chưa được đăng ký.
  2. Nghiêm cấm muabán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp.
  3. Nghiêm cấm mua bán trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để đưa ra nước ngoài.

Điều 29. Tổ chức và hoạt động của cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

  1. Chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
  2. Là công dân có quốc tịch Việt Nam có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;
  3. Có chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
  4. Có cửa hàng đủ diện tích phù hợp để trưng bầy di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
  5. Có đủ phương tiện trưng bầy, bảo quản và bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
  6. Hoạt động của cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định sau đây:
  7. Chỉ mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc hợp pháp;
  8. Chỉ mua bán bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân có giấy phép làm bản sao do cơquan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 27 của Nghị định này cấp;
  9. Đối với những bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia kế trưng bày để mua bán phải ghi rõ là bản sao vàphải có ký hiệu riêng để phân biệt với bản gốc;
  10. Thực hiện các thủ tục cần thiết để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 28 của Nghị định này chuyển quyền sở hữu cho người mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc làm thủ tục xin giấy phép cho người mua mang di vật, cổ vật thuộc loại được phép đưa ra nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 25 của Nghị định này;

đ. Thực hiện các quy định của pháp luật về sổ sách đăng ký di vật cổ vật, bảo vật quốc gia mua vào và bán ra, sổ sách tài chính kế toán và nghĩa vụ nộp thuế.

Điều 30. Điều kiện, thẩm quyền và thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

  1. Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia:
  2. Có trình độ chuyên môn và am hiểu về di vật cổ vật, bảo vật quốc gia;
  3. Không đang trong thời gian bị cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến di sản văn hóa theo quyết định của tòa án, không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không đang trong thời gian bị quản chế hình sự hoặc quản chế hành chính.
  4. Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong ngành bảo tồn bảo tàng không được phép mở cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
  5. Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia:

Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng.

Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin phải xét cấp chứng chỉ. Trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

  1. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia:
  2. Chủ cửa hàng phải gửi hồ sơ đến Sở Văn hóa – Thông tin;
  3. Hồ sơ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia bao gồm:

Đơn xin cấp chứng chỉ;

Bản sao hợp pháp các văn bằng chuyên môn có liên quan;

Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi cư trú.

Điều 31.Tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

  1. Tổ chức, cá nhân bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải làm thủ tục đăng ký với Sở Văn hóa – Thông tin địa phương về danh mục bán đấu giá và phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  2. Việc tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được thực hiện theo quy định từ Điều 452 đến Điều 458 của Bộ Luật Dân sự.

Điều 36. Tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân.

  1. Bảo tàng tư nhân là bảo tàng thuộc sở hữu của một hoặc nhiều cá nhân hoặc liên kết giữa cá nhân với tổ chức có vốn đầu tư không phải vốn nhà nước.
  2. Bảo tàng tư nhân hoạt động theo quy định của pháp luật và phải phù hợp với truyền thống văn hóa,thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
  3. 3Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tinchịu trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hoạt động của bảo tàng tư nhân:
  4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân.

Điều 37.Quyền và nghĩa vụ của bảo tàng tư nhân.

  1. Bảo tàng tư nhân có các quyền sau đây:
  2. Thực hiện việc sưu tầm để xây dựng sưu tập bằng các hình thức: mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
  3. Sở hữu hợp pháp một hoặc nhiều sưu tập;
  4. Thu phí tham quan theo quy định của pháp luật;
  5. Thỏa thuận với bảo tàng nhà nước và bảo tàng tư nhân khác về việc sử dụng sưu tập di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để phục vụ cho hoạt động bảo tàng;

đ. Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

  1. Bảo tàng tư nhân có các nghĩa vụ sau đây:
  2. Phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân;
  3. Thực hiện các yêu cầu về chuyên môn đối với bảo tàng;
  4. Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa – thông tin và các bảo tàng khác nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
  5. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

5. THÔNG TƯ SỐ 07/2004/TT-BVHTT, NGÀY 19 THÁNG 02 NĂM 2004CỦA BỘ VĂN HÓA – THÔNG TIN HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ DI VẬT, CỔ VẬT, BẢO VẬT QUỐC GIA

6. QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BẢO TÀNG TƯ NHÂN (Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2004/ QĐ-BVHTTngày 24 tháng 02 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin)

7. NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DI SẢN VĂN HÓA VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (2009)

Điều 24. Quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

  1. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.Việc kinh doanh di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về thuếvà các quy định pháp luật khác có liên quan.
  2. Nhà nước bảo hộ việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đối với những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã được đăng ký theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã đăng ký và đăng ký đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mua bán có nguồn gốc hợp pháp chưa được đăng ký.
  3. Nghiêm cấm mua bán di vật, cổ vật có nguồn gốc bất hợp pháp.
  4. Nghiêm cấm mua bán trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để mang ra nước ngoài.

Điều 25. Tổ chức và hoạt động của cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

Chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Là công dân Việt Nam có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;

  1. b) Có chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
  2. c) Có cửa hàng đủ diện tích phù hợp để trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
  3. d) Có đủ phương tiện trưng bày, bảo quản và bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
  4. Hoạt động của cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định sau đây:a) Chỉ mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc hợp pháp;b) Chỉ mua bán bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của tổ chức, cá nhân có giấy phép làm bản sao do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 23 của Nghị định này cấp;c) Đối với những bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia khi trưng bày để mua bán phải ghi rõ là bản sao;
  5. d) Thực hiện và hướng dẫn các thủ tục cần thiết để người mua tiến hành đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc xin giấy phép mang di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài đối với những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc loại được phép mang ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;

đ) Thực hiện các quy định của pháp luật về sổ sách đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mua vào và bán ra, sổ sách tài chính kế toán và nghĩa vụ nộp thuế.

     Điều 26. Điều kiện, thẩm quyền và thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

  1. Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia:
  2. a) Có trình độ chuyên môn hoặc am hiểu về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
  3. b) Không đang trong thời gian bị cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến di sản văn hóa theo quyết định của tòa án, không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không đang trong thời gian bị quản chế hình sự hoặc quản chế hành chính.
  4. Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong ngành di sản văn hóa không được phép mở cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
  5. Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia:Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét cấp chứng chỉ. Trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
  6. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia:a) Chủ cửa hàng phải gửi hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; b) Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia bao gồm:Đơn xin cấp chứng chỉ;Bản sao hợp pháp các văn bằng chuyên môn có liên quan; Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn  nơi cư trú. 2. Nhà nước bảo hộ việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đối với những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã được đăng ký theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã đăng ký và đăng ký đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mua bán có nguồn gốc hợp pháp chưa được đăng ký.3. Nghiêm cấm mua bán di vật, cổ vật có nguồn gốc bất hợp pháp.4.Nghiêm cấm mua bán trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để mang ra nước ngoài.

    Điều 27. Tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

  1. Tổ chức, cá nhân bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải làm thủ tục đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương về danh mục bán đấu giá và phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  2. Việc tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

8. THÔNG TƯ 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010  của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BẢO TÀNG

9. THÔNGTƯ số 22/2011/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2011 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giám định cổ vật 

10. THÔNG TƯ số 19/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/11/2012 của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch Quy định loại di vật, cổ vật không được mang ra nước ngoài

11. THÔNG TƯ số 20/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Quy định về hồ sơ và thủ tục gửi, nhận gửi tư liệu di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

Đời sống vật chất của cư dân Đông Sơn

  1. Sản xuất nông nghiệp

Văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa vật chất của cư dân Việt cổ tồn tại dưới thời đại các vua Hùng, cư dân Đông Sơn làm nông nghiệp lúa nước, trình độ canh tác phát triển cao. Thời kì này nông nghiệp phát triển dựa vào điều kiện tự nhiên rất thuận lợi: khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, hệ thống sông ngòi dày đặc cung cấp nước tưới cho cây trồng, đồng bằng được bồi đắp bởi phù sa. Sách “Giao châu ngoại vực ký” thế kỉ IV, được dẫn lại trong “Thủy Kinh Chú” của Lịch Đạo Nguyên có đoạn trích: “Ngày xưa lúc Giao Chỉ chưa có quận huyện, đất đai có lạc điền, ruộng  này theo thủy triều lên xuống. Dân khẩn ruộng ấy mà ăn nên gọi là Lạc Dân, đặt Lạc Vương, Lạc Hầu làm chủ các quận huyện”.

Cư dân Đông Sơn xưa còn trồng các cây rau củ, cây ăn quả; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nghề đánh bắt thủy hải sản; hái lượm và săn bắn thú rừng cũng rất phát triển, do công nghệ đúc đồng đã đạt tới trình độ đỉnh cao nên người Đông Sơn đã chế tác ra được nhiều công cụ lao động, vũ khí bằng đồng sử dụng vào sản xuất làm tăng năng suất lao động.

Thời gian vừa qua nghành khảo cổ học đã phát hiện hàng trăm di chỉ và khai quật được hàng vạn công cụ lao động trên khắp địa bàn phân bố của nền văn hóa Đông Sơn. Có thể nói việc sử dụng một cách rộng rãi công cụ lao động bằng đồng và sức kéo của trâu, bò đã tạo ra một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, năng suất lao động được nâng cao, sản phẩm dư thừa nhiều, đó là yếu tố hàng đầu quyết định đến sự ra đời của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc dưới thời đại các vua Hùng.

Lương thực chính của cư dân Việt cổ xưa kia là gạo tẻ (họ ăn gạo tẻ trong các bữa ăn hàng ngày), ngoài ra họ còn ăn gạo nếp, và các loại thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên như rau, củ quả. Thức ăn được nấu chín bằng lửa, ngay từ xa xưa họ đã biết dùng gia vị có nguồn gốc thực vật, biết nấu rượu… điều này đã được nói trong các thư tịch cổ như: Dị vật chí, Giao Châu ký, Nam phương thảo mộc trạng, Thủy Kinh chú, Lĩnh Nam chích quái.

  1. Thủ công nghiệp

Nông nghiệp phát triển, tạo điều kiện cho thủ công nghiệp có điều kiện phát triển tạo ra bước đột phá đó là kỹ thuật luyện kim, đúc đồng chế tác công cụ lao động, vũ khí phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Nghề sản xuất đồ gốm không được quan tâm phát triển như trước nhiều, chất liệu gốm chủ yếu là đất sét pha cát nên xương gốm thô, thậm chí hiện vật còn méo mó, hoa văn trang trí đơn giản chiếm tỷ lệ lớn là hoa văn thừng, văn chải, loại hình chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt có kích thước nhỏ.

Người Đông Sơn cũng đã biết đến công nghệ chế tác đồ trang sức bằng thủy tinh (sự giao thoa với văn hóa Sa Huỳnh), nhưng hiện vật bằng thủy tinh do người Đông Sơn chế tác thô hơn. Bên cạnh đó họ còn chế tác những chuỗi hạt bằng nhuyễn thể như ốc, xương…

Phát hiện nhiều dụng cụ sử dụng trong nghề mộc như: dùi, đục điều này chứng tỏ người Đông Sơn cũng đã biết sử dụng những vật liệu tự nhiên để làm nhà ở. Cư dân Đông Sơn làm nhà sàn để ở chống thú dữ, và đối phó với môi trường khắc nhiệt (mẫu nhà sàn được đúc nổi trên trống đồng, những cột gỗ dựng nhà được phát hiện trong các cuộc khai quật của L.Pajot).

Nghề xe sợi dệt vải cũng khá phát triển (công cụ được tìm thấy là chuốt vải với số lượng lớn, ngoài ra còn tìm thấy vải trong các ngôi mộ cổ), nguyên liệu chính để dệt vải là cây gai, đay. Khai quật những ngôi mộ cổ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những mẩu vải sót lại của quần áo, đem phân tích thì tìm thấy thành phần của cây gai.

Những họa tiết trang trí trên đồ gốm và đồ đồng (hoa văn hình đan trên gốm) cùng nhiều tư liệu khoa học đã cho chúng ta biết vào thời kỳ này con người còn biết lấy tre nứa để đan những đồ dùng sinh hoạt, trồng cói đan chiếu (trong một số một táng còn phát hiện dấu vết của những mảnh chiếu còn sót lại để bọc tử thi, những họa tiết trang trí trên gốm). Nghề chế tác đá không còn được quan tâm nhiều như trước đây, số lượng công cụ bằng đá chiếm tỷ lệ rất thấp so với đồ đồng.

  1. Nhà ở, giao thông đi lại

Cư dân Đông Sơn thường sống quần tụ thành những xóm làng với quy mô nhỏ, phân bố không đồng đều. Họ sống ven các con sông, điều này rất thuận tiện cho nền nông nghiệp lúa nước, sinh hoạt và giao thông đi lại (sử dụng thuyền). Nhà sàn được dựng bằng những vật liệu gần gũi với thiên nhiên như: gỗ, tre, nứa, lá. Vết tích nhà sàn còn được khắc họa trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà. Có 2 loại nhà sàn chính đó là nhà mái cong và mái tròn, nhà sàn mái cong hình thuyền, 2 đầu vểnh lên trang trí hình đầu chim. Mái nhà hình thang cân lợp lá, nhà hình tròn 2 đầu trang trí hoa văn hình xoắn ốc.

Phương tiện giao thông chủ yếu của cư dân Đông Sơn là thuyền bè, vì họ thường sống ven các con sông lớn, ngoài ra thuyền còn là phương tiện sử dụng để đi biển (bằng chứng là sự giao thoa văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh và phía Nam Trung Hoa), hình ảnh những con thuyền lớn được đúc nổi trên trống hay thạp đồng, đã chứng minh cho điều đó. Khảo cổ học phát hiện những ngôi mộ thuyền được làm bằng thân cây khoét rỗng bên trong chôn người chết và những đồ tùy táng bằng đồng, loại hình mộ này thường tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng chiêm trũng ở Hải Dương, Hà Tây, Hải Phòng….

  1. Trang phục

Trang phục của người Đông Sơn cũng hết sức độc đáo đàn ông cởi trần đóng khố, đàn bà mặc yếm, áo, váy (hai loại cơ bản là váy quấn và váy chui). Tóc để theo các kiểu cắt ngắn, búi tó, tết bím, hoặc quấn ngược lên đỉnh đầu (điều này được thể hiện bằng hình ảnh cập đôi nam nữ đang giao phối trên thạp đồng Đào Thịnh, hình trang trí trên trống đồng, dao găm có chuôi trang trí người phụ nữ). Đầu đội mũ lông chim (hiện vật bao đầu bằng đồng khá phổ biến, có trang trí hoa văn). Tai đeo khuyên tai bằng đồng, thủy tinh, đá. Cổ đeo những chuỗi hạt bằng thủy tinh nhiều màu sắc như xanh, đỏ, vàng, ngoài ra còn có vòng đeo tay chất liệu bằng đá, vòng trang sức bằng đồng. Tay đeo nhẫn, vòng tay chất liệu đồng hoặc đá, bao tay bằng đồng, thắt lưng có móc hình rùa, chim. Chân đeo vòng, bao chân có gắn lục lạc để khi nhảy múa phát ra âm thanh, những chiếc vòng như vậy thường được sử dụng trong các lễ hội của cư dân nông nghiệp lúa nước, hoặc được tầng lớp trên trong xã hội sử dụng.

 

Thời tiền sử và những dữ liệu trong sách “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc cho đến thế kỷ XX” của giáo sư Lê Thành Khôi.

Những di cốt đầu tiên của con người được tìm thấy từ năm 1955 trong các hang ở Ninh Bình và Lạng Sơn là những chiếc răng và xương sọ được cho là của người tối cổ Archanthropien gần với người vượn Trung Quốc ở Lam Điền (khoảng 600.000 năm trước công nguyên). Người ta cũng tìm thấy ở Ninh Bình một số đá cuội được gia công, đó là những công cụ thô sơ để chặt của người tối cổ, được ghè đẽo một mặt và các dụng cụ để cắt chặt được ghè đẽo ở cả hai mặt, thuộc loại Abbeville (điểm khảo cổ ở Pháp) và Claton (điểm khảo cổ học ở Anh). Loại công cụ này có thể gắn với loại Anyathi của Miến Điện, với loại Soani của Ấn Độ.

Trung kỳ và hậu kỳ đá cũ chưa được biết đến, dù người ta đã tìm thấy những mảnh xương của người vượn Pale’anthropien (khoảng 100.000 năm) ở Yên Bái, răng và hàm của người hiện đại, Homo sapiens (khoảng 50.000) ở Ninh Bình và Quảng Bình.

Sơ kỳ đá cũ ở Việt Nam có các di chỉ, di tích Núi Đọ (Thanh Hóa), hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn), hang Hùm (Yên Bái) thì thời kỳ này trên thế giới là các di chỉ Abbeville ở Pháp, Clanton ở Anh.

Văn hóa Sơn Vi (phát hiện vào năm 1968 tại Vĩnh Phú) cùng văn hóa Hòa Bình (phát hiện vào năm 1926 tại Hòa Bình) thuộc thời kỳ đá giữa. Văn hóa Hòa Bình khác văn hóa Sơn Vi ở chỗ con người thuộc nền văn hóa này thường sống trong hang động của các khối núi đá vôi ở ven biển cũ, gần suối có đá cuội.

Công cụ đặc trưng của văn hóa Hòa Bình là công cụ đá cuội ghè đẽo một mặt. Công cụ đặc trưng của văn hóa Bắc Sơn là các rìu mài lưỡi.

Dụng cụ tiêu biểu là chiếc “rìu ngắn” (loại rìu có bề ngang lớn hơn bề dọc) đẽo hai mặt, có cán hoặc không có cán. Các dụng cụ khác hình dáng đa dạng – hình trái hạnh đào, hình bầu dục, hình tam giác không đều… là nạo, cắt, chày, cối. Tuy nhiên, những dụng cụ chày và cối không phải dấu vết của một nền nông nghiệp, mà là các dụng cụ được dùng để nghiền rễ cây, thân cây hay củ để lấy chất dinh dưỡng. Đây là những dấu vết của cuộc sống hái lượm.

Do không tìm thấy các mũi tên bằng đá trong những nền văn hóa này (mũi tên bằng đá (vi thạch) là một hiện vật đặc trưng của thời đại đồ đá giữa được tìm thấy trong các nền văn hóa trên thế giới) nên đặt ra giả thiết là thời kỳ này con người đã sử dụng mũi tên bằng tre để săn bắn. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới với hệ sinh thái thực vật phát triển và tre, gỗ là những loại cây phổ biến.

Người ta tìm thấy xương cá, rìu nằm lẫn với một số mảnh gốm có vết đan lát in trên gốm, các tàn tích vỏ ốc, sò. Như vậy điều khiến nền văn hóa Bắc Sơn khác với nền văn hóa Hòa Bình chính là kỹ thuật mài rìu ở lưỡi và sự phát triển của gốm.

Di chỉ Quỳnh Văn (Nghệ An) được phát hiện văn 1963 cho thấy một loại hình cư trú khác của người nguyên thủy đó là ngoài trời và bên bờ biển. Con người vẫn duy trì săn bắt các loài động vật có vú, bên cạnh đó là lượm sò. Trong di chỉ này người ta tìm thấy một khu mộ táng trong đống vỏ sò này, người chết được chôn ngồi, đầu gối gấp lại, cùng với các dụng cụ và đồ trang sức làm bằng mảnh vỏ sò có đục lỗ. Các dụng cụ có kỹ xảo tương tự như trong văn hóa Bắc Sơn nhưng được được làm bằng phún thạch (bazan) thay vì đá cuội.

Di chỉ Đa Bút (1926) và Đông Khối (1960) ở bên bờ sông Mã (Thanh Hóa) được xếp vào trung kỳ đá mới. Các hiện vật tìm được bao gồm xương động vật có vú, xương cá, xương chim, tên bắn và kim bằng xương cá. Như vậy, thời kỳ này con người đã sống bằng săn bắt, hái lượm và đánh bắt cá. Rìu được mài ở cả hai mặt, cho thấy tiến bộ kỹ thuật đã được thể hiện. Các mộ chôn cá nhân thường được chôn với rìu, các công cụ, đồ trang sức bằng vỏ sò, bằng xương hoặc bằng đá. Người chết được đặt ở tư thế ngồi xổm, đây tư thế bào thai, biểu tượng cho niềm hy vọng về sự tái sinh sau khi chết.

Nông nghiệp xuất hiện vào hậu kỳ thời đại đá mới khi châu thổ sông Hồng gần được lấp đầy.

Gốm Phùng Nguyên sử dụng bàn xoay và nung lò để tạo ra những chiếc chậu lớn hơn và cứng cáp hơn trước. Nồi, chậu có chân, bình, đĩa, chum dùng để đựng các đồ dự trữ. Hoa văn trang trí trên gốm phong phú, có tính hình học: hình xoắn chữ S kép (sẽ gặp trong văn hóa Đông Sơn), các đường thẳng gợn sóng không đều.

Việc tìm thấy trái na và một số hạt gạo ở Đồng Đậu cho thấy thời này đã có nông nghiệp. Các bức tượng con vật như gà, rùa, bò, heo, chó, ếch… đã xác nhận việc chăn nuôi có từ thời kỳ này. Những cây kim bằng xương và dọi xe chỉ bằng đất nung là những vết tích của việc dệt vải.

Như vậy, vào thiên niên kỷ thứ III trước công nguyên, cư dân bắt đầu khẩn hoang phần phía Bắc và tây Bắc châu thổ sông Hồng. Bên cạnh nền nông nghiệp trên ruộng đốt cỏ, còn có việc canh tác trên ruộng có nước dọc các sông, suối và từ đó dẫn đến việc định cư thành từng làng cố định, nhưng sống thành gia đình riêng rẽ thay vì sống trong nhà tập thể. Viêc hái lượm và săn bắt mất dần tầm quan trọng trước sự xuất hiện của chăn nuôi và đánh bắt cá. Và thời kỳ này con người đã bắt đầu biết dệt.

Nền văn hóa Phùng Nguyên là nền văn hóa trung gian giữa nền văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn với nền văn hóa đồ đồng Đông Sơn. Nền văn minh Phùng Nguyên gắn với nền văn hóa Bắc Sơn bởi việc xử lý đá cuội và báo trước nền văn hóa Đông Sơn bởi một số hình dạng (rìu có chuôi) và một số hoa văn trang trí (vòng xoắn thành chữ S kép).

Văn hóa Phùng Nguyên có những trao đổi với nam Trung Quốc. Điều này được chứng minh qua việc tìm thấy tại Trung Quốc những cái chac (cốc) tiêu biểu của Việt Nam, và tại Phùng Nguyên tìm thấy những con dao ngắn (qua) tiêu biểu của Trung Quốc. Tại di chỉ thời đại đá mới ở Quảng Đông và Phúc Kiến, người ta tìm thấy nhiều chiếc rìu nhỏ tương tự rìu của Phùng Nguyên, kỹ xảo của đồ gốm một phần giống nhau, nhưng hình dáng và trang trí lại gắn với hình dáng và trang trí đồ đồng nhà Thương. => Đây đúng là có hai nền văn hóa khác nhau của các dân tộc đạt đến một trình độ kỹ thuật tương tự nhau.

Nguồn: Sách “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” – GS. Lê Thành Khôi

Văn hóa Đông Sơn và lịch sử nghiên cứu

 

Văn hoá Đông Sơn là nền văn hóa vật chất của cư dân Việt cổ, tồn tại vào khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I – II sau Công nguyên dưới thời đại Hùng Vương. Văn hóa Đông Sơn ra đời, phát triển rực rỡ dựa trên nền tảng của cả một quá trình hội tụ lâu dài những tinh hoa của các giai đoạn tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun). Văn hóa Đông Sơn phân bố rộng từ biên giới phía Bắc cho tới Đèo Ngang (Quảng Bình), chủ yếu ở lưu vực ba con sông lớn là sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Hiện vật văn hóa Đông Sơn rất đa dạng, phong phú bao gồm công cụ lao động sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, nhạc khí, vũ khí, đồ trang sức, đồ tùy táng.

Văn hóa Đông Sơn chính thức được phát hiện và nghiên cứu từ năm 1924, nhưng phải đến năm 1934 một học giả người Áo là Heine – Geldern mới đề nghị gọi tên nền văn hóa đồ đồng này là văn hóa Đông Sơn, từ đó thuật ngữ này được sử dụng một cách phổ biến và chính thống cho đến ngày nay. Năm 1924, một người câu cá tên Nguyễn Văn Lắm đã ngẫu nhiên tìm được một số đồ đồng ở ven sông Mã, thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa. Người này sau đó đã đem số đồ đồng này bán cho L.Pajot (một viên chức thuế quan tỉnh Thanh Hóa). Phát hiện này được báo cáo cho Trường Viễn Đông Bác Cổ, L.Pajot được ủy nhiệm tiến hành khai quật khảo cổ di chỉ Đông Sơn.

Từ năm 1924 đến năm 1932, L.Pajot đã tiến hành nhiều cuộc khai quật và thu được khoảng 489 hiện vật đủ các chất liệu: đồng, đá, gốm, sắt phát hiện được di chỉ mộ táng và cột gỗ dựng nhà sàn. Kết quả của những cuộc khai quật này được giới thiệu trong tác phẩm “Thời đại đồng thau ở Bắc kì và Bắc Trung Kì” tác giả là Goloubew. Từ năm 1935 đến năm 1939, Olov Janse nhà khảo cổ học người Thụy Điển đã 3 lần thực hiện khai quật di chỉ Đông Sơn và nhiều địa điểm khác, kết quả của những lần khai quật này được báo cáo trong “Nghiên cứu khảo cổ học ở Đông Dương”, trong thời gian này còn có rất nhiều nghiên cứu của các học giả nước ngoài về văn hóa Đông Sơn: “Nguồn gốc và sự phân bố của trống đồng kim loại”, “Cư dân Đông Sơn”, “Nhà Đông Sơn”, “Tuổi của trống đồng cổ”, “Nguồn gốc văn minh Việt Nam” v.v.

Trong những năm 40 cùng với quá trình xâm lược và đô hộ nước ta phát xít Nhật cũng đã có nhiều nghiên cứu về văn hóa đồ đồng ở Việt Nam, nhưng họ nghiên cứu chủ yếu thông qua tư liệu và hiện vật thật chứ không tổ chức khai quật khảo cổ như người Pháp.

Sau thành công của cách mạng tháng 8 – 1945, nền khảo cổ học nước nhà bắt đầu được quan tâm nhiều hơn, gắn với tên tuổi của nhiều nhà khoa học như: Đào Duy Anh, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn và nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn đã ra đời: “Văn hóa Đông Sơn hay văn hóa Lạc Việt”, “Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt”. Nhưng phải đến cuối những năm 50 với việc ra đời của đội khảo cổ thuộc Vụ Bảo tồn Bảo tàng và thành lập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trên cơ sở bảo tàng L.Finot, thì công cuộc nghiên cứu tìm hiểu văn hóa Đông Sơn mới được triển khai mạnh mẽ.

Trong những năm 1960 các nhà khảo cổ việt Nam tiến hành khai quật ở di chỉ Thiệu Dương (Thanh Hóa), đã phát hiện nhiều mộ táng huyệt đất và đồ tùy táng bằng gốm, đồng, đá, đặc biệt còn phát hiện ra nhiều di chỉ mới như: Đào Thịnh, Yên Hưng, Việt Khê, Nam Chính, Châu Can, Phú Hậu, Thanh Đình, Núi Nấp, Gò Công trên địa bàn phân bố dọc từ Bắc Trung Bộ đến dải đất miền Trung. Kết quả của những đợt khảo cổ này được tập hợp trong các công trình: “Báo cáo cụ thể về những mũi tên đồng tìm thấy ở Cổ Loa”, “Những ngôi mộ cổ tìm thấy ở Việt Khê – Hải Phòng”, “Khu mộ cổ Châu Can”, “Những vết tích đầu tiên của thời đại đồng thau Việt Nam”, “ Thời đại Hùng Vương”.

 

 

Cổ vật…

Trong kho tàng di sản văn hoá của bất cứ quốc gia, dân tộc nào, cổ vật luôn luôn giữ một vị trí quan trọng. Nước Việt Nam ta, trong dậm dài phát triển mấy nghìn năm, cổ vật cùng với những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể khác càng có ý nghĩa thiết thực và lớn lao trong việc tìm hiểu lịch sử, văn hoá, nghệ thuật truyền thống của cha ông, trong từng giai đoạn thăng trầm của dân tộc, đặc biệt là ở các giai đoạn con người còn ở thủa hồng hoang, quốc gia dân tộc ở buổi sơ khai.

Cổ vật Việt Nam là một bộ phận của di sản văn hoá Việt Nam. Trong thế giới muôn vẻ của di sản văn hoá, cổ vật thật gần gũi với đời sống đương đại. Không phải đợi đến bây giờ, mà từ thủa xa xưa biết bao tao nhân mặc khách đã chìm đắm trong niềm đam mê cổ ngoạn. Tiếp cận với cổ vật, ta có thể nhận ra một phần chân dung lịch sử nước nhà. Cổ vật được phát hiện qua những cuộc khai quật khảo cổ, những chuyến điền dã sưu tầm ở các miền quê; cổ vật hiện diện trong các di tích đình, chùa, đền, miếu, từ đường dòng họ; trong các sưu tập tư nhân; trong các con tàu đắm cổ ở biển Việt Nam…

Bàn thêm về sự khác nhau giữa gốm Lý và gốm Trần

1. Xương gốm
Xương gốm thời Lý thường trắng và mịn. Còn xương gốm thời Trần có màu đặc trưng là màu khoai sọ.
Nguyên nhân của sự khác biệt này đó là do xương gốm thời Lý được ủ lâu hơn, hàm lượng ô xít sắt ít. Thời Lý là thời kỳ đầu đất nước độc lập tự chủ, dân số ít, chính vì vậy các sản phẩm đồ gia dụng được sản xuất ra với số lượng vừa phải và được chau chuốt, tỷ mỷ trong khâu sản xuất cả trong việc ủ đất và trang trí hoa văn.

Sang thời Trần, dân số tăng nhanh, nhu cầu sử dụng đồ dùng cũng theo đó mà tăng lên. Và một điều hiển nhiên là khi sản xuất với số lượng nhiều thì thời gian ủ xương gốm sẽ được rút ngắn, các sản phẩm sẽ không được tạo hình và trang trí tỉ mỉ như trước nữa. Do thời gian ủ xương gốm bị rút ngắn dẫn đến các ô xít sắt trong xương gốm còn nhiều, khi nung ở nhiệt độ cao, các phản ứng hóa học xảy ra ở bên trong lớp men dẫn đến hiện tượng phồng rộp ở nhiều sản phẩm thời kỳ này.
2. Đáy
Khi quan sát đáy của hai sản phẩm gốm thời kỳ này ta thấy có sự khác biệt rõ ràng. Đáy của gốm thời Lý thường có màu trắng sáng giống như xương gốm và được cắt vét rất tỉ mỉ.

 Đáy bát hiện vật gốm thời Lý có màu trắng sáng và được cắt vét tỉ mỉ

Còn thời Trần do sản xuất với số lượng nhiều nên đáy các hiện vật thường không được chau chuốt,tỉ mỉ như thời Lý.


Đáy các hiện vật bát thời Trần được làm thô và dày hơn